Cách đây 80 năm, sự ra đời của bản Đề cương văn hóa đã trở thành “kim chỉ nam” cho sự nghiệp phát triển, xây dựng con người và văn hóa con người Việt Nam trong nhiều giai đoạn. Đến nay những nguyên tắc trong bản Đề cương vẫn giữ nguyên giá trị đối với nước ta nói chung và với tầng lớp văn, nghệ sĩ trẻ nói riêng.
Nền tảng tinh thần quốc gia, dân tộc
Ra đời trong hoàn cảnh sục sôi của đất nước, bản đề cương văn hóa được coi như bản “tuyên ngôn”, “cương lĩnh văn hóa” đầu tiên của Đảng. Sau 80 năm nhìn lại, Việt Nam ta hiện đã có nhiều đổi thay nhưng những nội dung cơ bản của Đề cương văn hóa vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại. Nó không chỉ soi đường cho văn hóa đất nước trong quá trình đấu tranh giành độc lập mà còn cả trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Ba nguyên tắc mà bản Đề cương đưa ra: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã giúp định hướng cho các tổ chức và hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển và tạo ra những giá trị cao đẹp. Tính dân tộc và dân chủ cũng được khẳng định rõ ràng trong Đề cương: “Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung. Chính vì thế nó cách mạng nhất và tiến bộ nhất ở Đông Dương trong giai đoạn hiện nay”. Cuộc sống hiện đại, hội nhập sâu rộng nhưng vẫn phải bảo tồn, duy trì các giá trị văn hóa từ thời cha ông.
Tinh thần của bản Đề cương văn hóa luôn được Đảng và nhà nước phát huy, tiếp nối. Điều này được thể hiện thông qua những hội nghị, nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Trong quá trình đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng, văn hóa chính là nền tảng tinh thần cũng như nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Bản Đề cương giống như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình phát triển của văn hóa Việt Nam, giúp nền văn hóa nước nhà phát triển mạnh mẽ, đổi mới nhưng vẫn giữ đúng tinh thần dân tộc.
Nghệ sĩ có vai trò phát huy các giá trị của Đề cương
Nghệ sĩ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát huy bản Đề cương Văn hóa. Dưới ánh sáng của đề cương, văn nghệ sĩ bằng cái sáng tạo, nhiệt huyết của mình và sự tích luỹ về tri thức, kĩ năng sẽ có những tác phẩm phục vụ tốt cho quần chúng và lan tỏa hình ảnh Việt Nam rộng rãi trên quốc tế. Mỗi sản phẩm đều thể hiện cho được tinh thần văn hóa, xã hội, … của Việt Nam. Vậy nên, mỗi cá nhân nghệ sĩ phải có tinh thần trách nhiệm cao với sản phẩm của mình, vì nó không chỉ có ảnh hưởng với cá nhân nghệ sĩ mà ảnh hưởng tới cả cộng đồng.
Tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam” được diễn ra vào ngày 2/3/2023 cũng đã chỉ ra “văn nghệ sĩ cần nỗ lực không ngừng để phát huy giá trị của đề cương văn hóa”. Những người nghệ sĩ hiểu rõ được trách nhiệm và bổn phận của mình trong công tác giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc là đang góp phần tiếp nối và phát huy bản Đề cương văn hóa. Đặc biệt, trong môi trường có nhiều đổi mới, hội nhập như hiện nay vai trò của những người nghệ sĩ lại càng quan trọng. Phát triển và hội nhập nhưng vẫn giữ đúng được bản sắc văn hóa dân tộc là điều tiên quyết trong sự phát triển của thế hệ nghệ sĩ nói riêng và nền nghệ thuật nước nhà nói chung.
Nghệ sĩ trẻ hướng ứng Đề cương văn hóa
Phát huy giá trị Đề cương từ thế hệ đi trước là một trong những điều cấp thiết mà thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay cần làm. Căn cứ vào nguyên tắc của bản đề cương để có những định hướng quan trọng cho quá trình lao động, sáng tạo và lan tỏa các giá trị văn hoá, văn học nghệ thuật của mình. Luôn hướng đến phục vụ công chúng, luôn có ý thức về việc sáng tạo, tìm tòi và tiếp nhận những tinh tuý của văn học thế giới để làm giàu văn hoá văn nghệ nước nhà. Phải bám chắc vào nền tảng văn hoá dân tộc, vận dụng và phát huy giá trị văn hoá lịch sử truyền thống của dân tộc.
Chia sẻ về vấn đề này, nhà thơ trẻ Lý Hữu Lương cho rằng: “Bối cảnh khi Đề cương văn hoá ra đời và đã giúp văn nghệ sĩ tìm được một lối đi chân chính. Tôi chú trọng sáng tác của mình là phục vụ cho dân tộc mình. Khắc họa những chân dung đồng bào nơi vùng sâu, vùng xa bằng trải nghiệm thực tế được thăng hoa bằng cảm xúc; không thi vị hoá những gian khổ vất vả của đồng bào, mà qua đó để xã hội có cái nhìn chuẩn xác hơn tâm hồn, tình cảm, con người những vùng đất xa xôi biên dậu đó”.
Những người nghệ sĩ trẻ có bản lĩnh khám phá, tìm tòi nhưng phải giữ gìn được tính trong sáng của tiếng Việt, vun cao những nhân cách và hành động tốt đẹp để mưu cầu một xã hội ngày càng tân tiến, văn minh; hoà nhập nhưng không hoà tan, thâm nhập lịch sử nhưng không viết lại lịch sử, xét lại lịch sử… Văn học nghệ thuật phải lấy quần chúng làm đích, đồng hành cùng nhân dân chứ không phải thứ câu chữ loè người, viển vông hay gây ra hiểu nhầm hoặc khêu gợi, cổ vũ sự tiêu cực trong xã hội.
Đối với Lý Hữu Lương, anh cực lực phản đối tình trạng cưỡi ngựa xem hoa, ngồi sa lông ở đâu điềm nhiên áp đặt đủ mọi thứ xấu xa, tệ nạn lên đầu đồng bào… điều đó không làm cho đồng bào tốt lên mà còn là sự bôi nhọ, phỉ báng những giá trị nhân sinh hoà hợp tốt đẹp của đồng bào. Trong tác phẩm của anh, anh sẽ nói bằng văn chương trên căn tính của mình, không vay mượn hoặc pha tạp nó.
“Hiện tại, tôi cũng như nhiều văn nghệ sĩ trẻ đều có sự sáng tạo rất phù hợp, đồng nhất và gần gũi với những gì mà bản Đề cương đưa ra. Chúng tôi luôn xác định tinh thần là hướng về đại chúng, khi sáng tác phải khai thác vốn liếng văn hoá dân tộc, nguồn văn hoá dân gian, lịch sử truyền thống lấy đó làm dữ liệu làm nguồn cảm hứng cho công việc sáng tác của mình. Tận dụng thế mạnh của mạng xã hội, công nghệ thúc đẩy giao lưu quảng bá văn học.” Nhà báo, nhà văn Nguyễn Quang Hưng cho biết.
Tầng lớp thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay đã và đang làm tốt nhiệm vụ của việc tiếp nối và phát huy những giá trị của bản Đề cương văn hóa năm 1943. Họ luôn không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để tiếp tục phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật đồng thời vẫn giữ vững sự kiên định với những vấn đề nền tảng, có tính dân tộc.