Thực và ảo ở “Hoa nở trong trăng” của Vũ Gia Hà

Nhân đọc tập thơ Hoa nở trong trăng của Vũ Gia Hà, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2022.    
thuc-va-ao-o-hoa-no-trong-trang-1666520688.jpg
Tập thơ "Hoa nở trong trăng" của Vũ Gia Hà. Ảnh được chụp bởi Nhung.

                                                          

Hoa nở trong trăng là tập thơ đầu tay của Vũ Gia Hà. Tập sách gồm 88 bài thơ, được chia làm ba phần (Cõi người, Cõi tình yêu, Cõi siêu tưởng), tập hợp những sáng tác từ khi anh cầm bút đến nay. Ngay tên tập sách, hai câu đề từ mở đầu tập thơ: “Chúng ta chỉ là những chấm sáng/ Sao lại tự dập tắt nhau” và cách chia bố cục đã tạo sự chú ý cho người đọc. Cách dùng các biểu tượng và những thủ pháp nghệ thuật hàm chứa những lưỡng giá, trùng phức những ám ảnh, suy nghiệm trong sáng tạo. Chính điều này đã góp phần làm nên dấu ấn riêng trong thơ Vũ Gia Hà.

Hoa nở trong trăng, cái tôi của chủ thể trữ tình thể hiện rõ nét và xuyên suốt cả tập thơ. Đó là cái tôi buồn, cô đơn, hoang hoải. Nỗi buồn bủa vây, lúc nào, bao giờ và ở đâu chủ thể trữ tình cũng dằn vặt, khắc khoải. Đó là sự khắc khoải của một người trẻ trước những đổi thay của xã hội, trước những bế tắc khó phân định rạch ròi, sự nhập nhằng lẫn lộn giữa các thang bậc giá trị đạo đức, đời sống. Tôi đã từng gặp nhiều vị tiên/ Ai cũng khóc vì kiếp người buồn/ Họ nói tôi là dải ngân hà/ Họ nói tôi là lửa bao la/ Mùa đông đến làm già tất cả/ Những khuôn mặt giả dối khó coi/ Những khuôn mặt thiện lương càng rõ/ Tôi thấy người ôm cây đợi thỏ/ Tôi thấy người bỏ quên áo sen/ Tôi thấy người đốt đèn đi đêm/ Tôi thấy ấm êm không trọn vẹn/ Tôi thấy em lén nhìn quá khứ/ Tôi thấy tôi đi tu không thành/ Mùađông ơi mi hãy qua nhanh/ Để ma quỷ phải hiện nguyên hình (Mùa buốt giá).

Khảo sát trong tập thơ này, người đọc nhận ra nhà thơ Vũ Gia Hà đã dùng dày đặc các hệ từ chỉ nỗi buồn, ngay cả cách đặt các nhan đề bài thơ cũng đều mang âm hưởng đó: cô đơn, đau khổ, lầm lũi, hủy diệt, cay đắng, nhỏ nhoi, tội lỗi, héo, tàn, thất tình, mồ côi, trống rỗng, bóng ma, chết, địa ngục, u tối, buồn tê, bắt nạt, tẻ nhạt, tham lam, cạn khô, muộn, bóng tối...; Nỗi sợ và tôi, Mất, Nỗi buồn pha lê, Bóng ma xưa, Tâm hồn chết, Khóc mẹ, Buồn cuối phố, Mùa buốt giá, Quá nghèo, Hóa kiếp, Nỗi buồn lạ...

tap-tho-hoa-no-trong-trang-vu-gia-ha-1666520919.jpg
Vũ Gia Hà

Những ngày cách ly tại nhà vì đại dịch Covid, nhà thơ có cảm giác bức bối, muốn “tháo chạy” nhưng rồi cuối cùng đành bất lực. Tôi muốn tháo chạy/ Khỏi cuộc sống đầy rẫy hiểm nguy/ Nhưng tôi biết đi đâu/ Khi bầu trời cũng phải đóng cửa// Tôi băng qua đường không nhìn thấy xe cộ/ Thành phố như đồnghoang/ Tôi về phòng nhìn ra của sổ/ Thấy thần chết đã mỏi tay gạch tên người (Những ngày cách ly tại nhà).

Nỗi buồn trong thơ Vũ Gia Hà được bộc lộ với nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau. Với anh, điều gì xảy ra quanh mình cũng đều để lại cho anh cảm xúc. Khóc mẹ là bài thơ để lại nhiều dư âm trong lòng độc giả. Đó không chỉ là nỗi đau, mà còn là sự hối hận muộn màng,lời xin lỗi chân thành của đứa con trai đối với mẹ - người đàn bà mang nặng đẻ đau, bảo ban, chăm chút, lo lắng, quan tâm, dõi theo trên mọi bước đường anh đi giờ đã về miền mây trắng. Vì thế, niềm đau mất mẹ làm cho tim anh quặn thắt và ám ảnh đến khôn cùng. Con rối bời/ Con nói lời xin lỗi/ Xin lỗi ai/ Khi mẹ đã về ngủ với hoa/ Mẹ không gieo hạt/ Mẹ không ru hát/ Mẹ không ôm con/ Mẹ không hiện diện trên thế gian này nữa// Cánh cửa khép hờ/ Lá non dật dờ/ Khói hương lờ đờ/ Tôi dại khờ/ Ôm linh hồn mẹ khóc ngày đêm/ Ra đi/ Tôi đem theo nắm đất từ mộ mẹ (Khóc mẹ).

Ở nơi cuối phố, Vũ Gia Hà không khỏi xốn xang khi nghĩ về quê nhà với điệp trùng nỗi nhớ: Tôi nhớ nhiều quá/ Mùi cơn gió lạ/ Mùi nước biển/ Nhen màu tóc cha tôi// Tôi nhớ mùa sim/ Mẹ tôi đội đầu/ Khoảng trời tím thơm.Và giờ đây, chủ thể trữ tình đang “bơ vơ” nơi phố thị: Bây giờ tôi bơ vơ/ Như cánh hoa nơi sa mạc/ Như tiếng nhạc cho di ảnh nghe// Đâu rồi tiếng bê bê/ Đâu rồi màu sơn khê/ Đâu rồi sương xuống núi/ Đâu rồi Cuội// Tôi buồn/ Chỉ muốn nhắm mắt lại/ Nhưng cứ nhắm mắt/ Lại thấy mình ở quê (Buồn cuối phố).

Bên cạnh những niềm đau chồng chất, đôi lúc nhà thơ Vũ Gia Hà cũng có vẻ dí dỏm, muốn bứt phá và đầy khao khát. Cơn chán đời tối qua/ Còn chưa tan biến/ Tôi nhìn thẳng mặt chú kiến/ Rồi hỏi/ Mày có ước làm người// Chú kiến trả lời/ Bằng cách đi thành chữ dở hơi/ Tôi ngồi chơi/ Nghĩ cách làm vơi/ Ví tiền (Nghĩ cách tiêu tiền).

Những phức cảm đó có sức rung cảm sâu xa trong tâm hồn người đọc.

Như trang giấy trắng, ngày mới bắt đầu khi tôi viết những vần thơ. Ngày sẽ là đêm sâu nếu tôi viết những vần thơ kết thúc. Tôi căng mình để sống nên tôi viết những vần thơ bắt đầu. Tương lai là những vần thơ bắt đầu xếp chồng lên nhau./ Để khôn đơn điệu, tôi vẽ những chiếc lá xanh, ngày mai là mùa xuân, tôi đắm mình trong muôn sắc./ Tôi viết tiếp dòng thơ nguệch ngoạc, ngày mới là con đường khó đi, con đường dẫn về miền đất hứa./ Tôi vẽ thêm những chiếc lá vàng, ngày mới là mùa thu, tôi lạc trong vườn trăn vàng khắt./ Trong tích tắc suy nghĩ, ngày lọt vào kẽ đêm (Nỗi buồn pha lê).

Khát vọng trong thơ Vũ Gia Hà hiện lên khá nhiều cả trong hiện thực lẫn trong vô thức. Khát vọng đan xen với nỗi buồn, hoài niệm đồng hiện với thực tại, giấc mơ sụp đổ bên cạnh niềm tin. Tôi muốn ngủ quên/ Để đôi mắt không buồn/ Nhưng trong mơ/ Tôi lại thức// Cầm trên tay những ngày rạo rực/ Nhưng màu xanh không bừng nở/ Những đám mây ngừng thở/ Bắt đầu đen (Bay cao).

Tôi không được chết/ Bên nấm mồ/ Ven sông// Tôi đã thấy mênh mông/ Ở cõi không có tôi/ Ai đó hãy rủ tôi/ Lên đỉnh đồi/ Vớt nắng// Rồi hoàng hôn xuống/ Rồi đêm muộn giận giữ/ Tôi chưa kịp vớt nắng/ Đã tự tử/ Ven sông (Muộn).

Nhà thơ dõng dạc khẳng định:Tôi chẳng sợ cô đơn/ Cũng chẳng sợ cái chết. Tuyvậy,đôi lúc nhà thơcũng tỏ ra chán chường, hoang mang, liều lĩnh bởi cuộc sống tẻ nhạt!

Tôi đã hai lăm tuổi/ Chưa lúc nào tôi thấy sợ thời gian đến thế/ Nhiều lần tôi rất cùn đời/ Tôi muốn cắn vỡ mặt trời/ Cho thế gian hủy diệt/ Bởi sống để chờ chết/ Có ý nghĩa gì không? (Tôi hai lăm tuổi).

Thơ là sự tự biểu hiện của tiếng nói nội cảm, mỹ học cá nhân để hướng đến sự tự do trong suy nghĩ và cả hành động của con người. Vì thế, đôi lúc ngôn ngữ trong thơ có sự quẫy đạp, phá vỡ những kìm hãm, hướng đến nguồn sống mới của nhân sinh.

Thơ Vũ Gia Hà thiên về tự sự, mỗi bài thơ như là câu chuyện kể. Ở đó, nhà thơ chậm rãi, nhấn nhá “kể” một cách tự nhiên, hồn hậu. Cái hay là anh rất kiệm lời, câu chữ tự nhiên nhưng giàu sức gợi. Tự nhiên nhưng không hề dễ dãi cũng không quá màu mè, trau chuốt. Điều này làm nên nét đặc trưng trong phong cách thơ Vũ Gia Hà.

Chứng kiến cảnh đời dâu bể, Vũ Gia Hà không khỏi chạnh lòng và gợi lên trong anh bao điều trắc ẩn. Ngày tôi hai lăm tuổi là bài thơ gây ám ảnh, bởi chủ thể trữ tình “tôi” đã tự thuật tất cả những điều mình nghe, mình thấy, mình trải nghiệm. Ở đó với bao bùi ngùi, đắng chát, xót xa: Hôm nay tôi hai lăm tuổi/ Ngày này nhiều năm trước/ Có quá nhiều người ra đi vì bệnh tật/ Vì thất tình/ Vì bom đạn/ Vì gặp kẻ khốn nạn/ Vì gặp hạn nhưng chưa kịp giải/ Vì xe chở quá tải/ Vì ước mơ không thành hiện thực/ Vì lương thực/ Lúc nào cũnghơn lương tâm// Tôi hai lăm tuổi/ Đã đi hết mọi miền đất nước/ Ở đâu cũng nói khổ đau/ Ở đâu cũng ước kiếp sau sang giàu// Tôi thấy ai cũng nghe lời Chúa/ Ai cũng thànhtâm khấn Phật/ Nhưng trật lời nhau một phát/ Là ăn tát ngay...

Nhà thơ Vũ Gia Hà hướng thơ vào khám phá thế giới của chính mình, vì thế tiếng thơ lại càng ưu tư và da diết hơn. Là một người trẻ, chịu khó đi, chịu khó quan sát, lại là người luôn có những nỗi lo âu, trăn trở trước cuộc sống nên tiếng thơ anh cũng chất chứa và thể hiện đủ đầy mọi khía cạnh của cuộc đời. Tôi đã bật khóc/ Trước sự tàn độc của cái ác/ Nó nhan nhản/ Nó bình thản/ Nó nhe răng ngấu nghiến cái đẹp/ Ngấu nghiến sự lương thiện/ Ngấu nghiến linh hồn (Tâm hồn chết).

Tuổi trẻ với niềm tin, sự bản lĩnh vốn có đã tạo cho anh tâm thế vững vàng: sẵn sàng đón nhận những điều bất trắc có thể ập đến và khẳng khái bày tỏ quan điểm cũng như hành động của chính mình. Ngay cả trong tình yêu, nhà thơ cũng tự thức được hoàn cảnh, số phận của bản thân mình. Và ở phương diện, khía cạnh nào, trước “em”, “anh” vẫn là người đàn ông tử tế, nhiệt thành, chung thủy và bao dung. Ngày mới yêu nhau nhân vật trữ tình tự thú: Mình hôn không biết chán, hôn nơi đồng lúa, hôn trên lưng trâu, hôn ở ngã ba ngã tư ngã bảy, hôn đến nỗi thần linh phải chạy... Với anh, tình yêu là thứ đức tin, tình yêu mà anh dành cho em không gì sánh được, “đổi gì cũng không lấy”, dù có đổi bạc vàng, kim cương hay cho làm thần thánh cũng chẳng cần... Trongcái nhìn của chủ thể trữ tình thì “ánh mắt em là ánh mắt Phật”. Vì yêu mà Tôi có thể vượt qua mọi cám dỗ mọi khổ cực mọi âm mưu thâm độc của con người/ Nhưng không thể vượt qua ánh mắt buồn vô hạn củaem. Để rồi:Nhiều đêm anh ngồi chất vấn cõi vô hình/ Anh là ai và em là ai/ Hai đứa đến thế giới này/ Để yêu nhau/ Để hiểu nhau/ Để sống đẹp như Nguyễn Du từng sống (Ánh mắt em là ánh mắt Phật). Nhưng cuộc đời không phải đẹp và bằng phẳng như trong trang sách mà có lắm điều khó nỗi tỏ tường.

Không thể khóc trước đám đông/ Tôi vào rừng// Tôi chạy theo chú chim đang tập bay/ Vào hang sâu/ Tôi ngủ// Tỉnh dậy/ Rất nhiều tôi vây quanh/ Bảo tôi khóc (Trở lại).

Đọc tập thơ Hoa nở trong trăngkhông khó để bạn đọc nhận ra cách xây dựng hình tượng thơ và các thủ pháp nghệ thuật mà Vũ Gia Hà dày công sử dụng. Đó là sự kết hợp giữa các yếu tố thực và ảo, ý thức lẫn vô thức, trí tuệ và cả tâm linh. Chính nhờ những thủ pháp này đã tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ phong phú, mới mẻ từ nơi người tiếp nhận.

Vũ Gia Hà tự thức các con chữ chỉ là bề nổi, cái sâu xa hơn là ý nghĩa ẩn tàng nơi đáy khuất của tâm hồn. Vì thế, thơ Vũ Gia Hà mở ra thế giới khác, thế giới của tình yêu và những khát khao nhân bản. Tôi đang đợi thời gian/ Để miên man/ Theo chiếc lá giọt sương tàn/ Xuống muôn ngàn/ Linh hồn kiến// Tôi đi kiện/ Linh hồn cha tôi/ Tại sao bỏ rơi tôi/ Khi tôi chưa biết uống rượu với Người// Tôi đang đợi nhiều nụ cười/ Rải lên đỉnh mộ cha tôi/ Để giấu hoàng hôn/ Trong khói hương sắp tàn// Tôi đã đào sẵn huyệt/ Để chôn ánh trăng cha tôi thấy/ Khi tôi chết đi (Ánh trăng muộn). Cáchxây dựng thi ảnh độc đáo, ngôn ngữ sắp đặt trên tầm nhìn đa chiều của không gian và thời gian làm cho lời thơ có sức lay động lòng người.

Người đọc dễ bắt gặp trong thơ Vũ Gia Hà giọng triết lý khi quan sát, nhìn nhận sự việc cụ thể trong cuộc sống. Đêm nào bông hoa cũng co lại/ Để thở ra hương đất// Bông hoa bắt đầu tàn/ Vì ban mai kiêu ngạo/ Vì bóng hoa nô lệ bóng đêm// Bông hoa tàn/ Để giữ hương cho bông hoa khác (Đêm hoa).

Những triết lý nhẹ nhàng, sâu lắng của một giọng thơ thấm đẫm cảm xúc. Kết cục của sự hồn nhiên/ Là độ điên viêm nhiễm/ Ngày thân xác suy tàn/ Là lúc linh hồn chuẩn bị lên bàn ngửi hương hoa (Tối thượng).

Nhà thơ nhận ra ý nghĩa của cuộc đời, hiểu được những triết lý giản đơn mà chân thực, những day dứt trong niềm suy tưởng, những dự cảm, chiêm nghiệm về cõi nhân sinh rộng lớn này. Tôi không xin làm gió/ Tôi không xin làm mây/ Tôi không xin làm cây/ Người ta sẽ chặt/ Để làm đồ thờ/ Làm thớt/ Nếu được/ Tôi xin làm trái ớt/ Để cay miệng người.

Nhìn đời, nhìn người, ngẫm ngợi và suy tư để rồi có lúc nhà thơ phải thốt lên:Tôi không phải đi tìm gì cả/ Bởi mọi thứ quanh tôi/ Tồn tại trước khi tôi đi tìm.                                                                        

Vũ Gia Hà là thế hệ những nhà thơ trẻ, anh luôn tự thức một cách nghiêm túc trong công việc sáng tác. Những trăn trở, suy tư lẫn ý thức trách nhiệm công dân của mỗi con người trong một xã hội đầy biến động. Mỗi bài thơ trở thành chiếc chìa khóa để  nhân vật trữ tình mở “tôi” theo cách riêng mình, khám phá tận cùng “tôi”, tìm thấy chính “tôi” khi kết thúc bài thơ.

Hoa nở trong trăng, Vũ Gia Hà đã thể hiện một hồn thơ có tố chất, giàu nội lực với những khao khát sáng tạo, lao động nghệ thuật nghiêm túc để tự khẳng định mình trong dòng chảy của thi ca đương đại.