Tiếng độc thoại khát khao
Ðến nhà thăm hai anh, em nghệ sĩ cùi (tên gọi thân mật của bà con địa phương) vào ngày cuối tuần, bị bệnh nên các ngón tay, ngón chân của Pui Đuối và Pui Deo không còn nguyên vẹn, song hai ông vẫn nhanh nhẹn, rất vui và rất mến khách. Sau những câu chào hỏi ân cần, chén nước chè xanh nồng ấm hương vị của những cơn mưa đầu mùa, Pui Đuối đứng lên lấy cây đàn Gita trên tường, rồi đưa những ngón tay cong còn lại lên phím lướt nhẹ, tiếng đàn của Pui Đuối rung lên thánh thót, lời ca trầm bổng của Pui Đeo hòa theo. Chúng tôi cùng ngồi nghe lời bài hát mà cứ như ngồi nghe những lời độc thoại, niềm khát khao cuộc sống, tình yêu của chính tác giả- đấy là một bài hát do Pui Đuối tự sáng tác bằng tiếng Giơ rai:
Tháng tư vùng biên / Nắng tràn qua kẽ lá/ Gió lùa vào hơi thở/ Giọt nước đêm/Trăng sáng anh nhớ em/ Về với anh đi em/ Cho con chim nó hót/ cho cây bắp nhiều hoa/ cây lúa nhiều hạt…Về với anh đi em…
Anh em nghệ sĩ cùi say sưa đàn, say sưa hát như những nghệ sĩ tài năng không bệnh tật, đau đớn. Họ đàn và hát như khát vọng sống, cống hiến, say sưa như xung quanh không có ai và cũng quên cả chúng tôi đang ngồi trước mặt. Mãi sau ông mới hạ giọng và buông đàn với gương mặt buồn buồn, lòng như nhớ lại một chút gì về tuổi thơ, về quá khứ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, bà con người Giơ rai, Banar mình một lòng theo cách mạng và lúc nào cũng hướng về Đảng – Bác Hồ như cây rừng Tây Nguyên hướng về ánh sáng mặt trời vậy. Khổ sở không mòn lòng, bom đạn không ngăn nổi tiếng cồng chiêng của bà con dân làng trong các lễ hội. Ngày nay hòa bình rồi, đúng ra mọi người phải cùng nhau xây dựng cuộc sống mới, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, để tiếng đàn, tiếng cồng chiêng rung ngân không bao cạn. Thế mà trong các bản làng của vùng biên giới này, những bộ cồng chiêng quí hiếm ngày càng bị mất đi, hao dần, tiếng cồng chiêng và những vòng xoan đam mê của trai gái cũng thưa dần. Biết mà không làm được, mình như người có lỗi. Đêm nằm buồn cái bụng không ngủ được, một tiếng vạc bay, một ngọn gió lùa qua kẽ lá, rồi tiếng nước suối reo…tất cả những âm thanh cộng vào nghe như một bản nhạc đồng quê, thân thiện mà gần gũi.
Ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung có không ít nghệ sĩ có tài đánh chiêng, sửa chiêng, đẽo tượng nhà mồ, làm đàn...Nhưng với anh em nghệ sĩ cùi có lẽ là người đặc biệt hơn cả. Hai người không lấy vợ, không sinh con, ngày đêm lang thang như cơn gió. Hai người nghệ sĩ có số phận lạ lùng nhất...Sinh ra như hạt bắp, hạt lúa trên nương trên rẫy, lớn lên với nắng và gió của Cao nguyên, khi cái đầu chưa cao hơn ngọn mía, thời gian mà bọn trẻ cùng lứa trong làng chỉ biết theo chân mẹ lên rẫy hái măng, xuống sông bắt cá, thì anh em Pui Đeo và Pui Đuối đã biết thổi kèn lá, chơi đàn, biết đánh cồng chiêng, kể cả những bài chiêng khó như “đón khách”, “bỏ mả”...Tiếng kèn lá, tiếng cồng chiêng của hai ông lúc thì như lửa cháy, như suối reo, lúc lại nhẹ nhàng như hơi thở của những đôi lứa yêu nhau, dễ đi vào cái bụng, cái đầu bà con thôn bản. Trong vùng ở đâu có hội, là đã thấy anh em nghệ sĩ cùi với những bài chiêng đầy ấn tượng. Mãi theo tiếng đàn, nhịp chiêng và bao mơ ước…Nhưng cuộc đời có lúc cũng không đi theo ý nguyện, như dòng sông gặp tảng đá cuội bắt ngang qua giữa lòng, như cây rừng gặp dông bão gãy cành…Nghị lực của người nghệ sĩ đã giúp hai ông vượt qua bệnh tật. Lòng đam mê không có thời gian nguội lạnh, hai ông đã tập trung bà con làng bản, đặc biệt là bọn trẻ ở những làng cùi để tập đánh cồng chiêng, sáng tác nhạc và tập hát dân ca Giơ rai, Ba nar...
Người của bà con
Thêm một khúc củi cho ngọn lửa bùng lên cao hơn, ấm hơn, thêm một cang rượu cạn, Pui Đuối gác cây đàn xuống sàn rồi bộc bạch thêm : “Cũng như bao trai làng khác, lớn lên ai cũng muốn lấy vợ, sinh con cho ngôi nhà ngày đêm có nhiều tiếng ồn ào của con trẻ. Biết anh em mình bị bệnh, nhưng vẫn có rất nhiều cô gái đến để “bắt làm chồng”, thương chị em và thương cho cả phận mình nên Pui Đeo và Pui Đuối chỉ biết đem tiếng đàn, lời ca phục vụ dân làng và gửi tặng cho tình thương của những người con gái đã đem lòng thương yêu...
Trả lời câu hỏi của chúng tôi “Ai đã cầm tay chỉ việc” để hôm nay Pui Đeo và Pui Đuối thành “người của bà con” ?
Thêm một lần cong cần, men rượu càng làm cho Pui Đeo xúc động: “Anh em mình may mắn được Yang (thần linh) cho chút năng khiếu, nó sinh ra tự nhiên như hơi thở, như nước trong đất, như gió qua rừng. Lúc nào thấy có ngọn lửa cháy lên trong ruột, có hơi rượu đốt lên trong đầu…thiên nhiên, con người hòa vào nhau như một giấc mơ, như một ảo giác…thực hư…đó là lúc tái tạo, nảy sinh ra những tiếng đàn, lời ca…Phải bao đêm con mắt, cái tai không ngủ; bao ngày ôm đàn tập luyện với những đốt tay còn lại bởi căn bệnh phong cùi, mới có ngày hôm nay người ta thấy nước mắt chảy trong bụng khi nghe Pui Đuối cất tiếng đàn.
Không giấu được niềm vui, chị H’Ben vừa đi rấy hái măng rừng về đầy trong cái gùi tre đã củ, cho chúng tôi biết: “Anh em nghệ sĩ Pui Đeo và Pui Đuối từ lâu đã trở thành ân nhân, trở thành người thân của các làng bản vùng biên giới này. Hai anh không chỉ là biểu tượng để bọn trẻ vươn lên trong học tập, rèn luyện, phấn đấu xây dựng quê hương, mà còn là hình ảnh của “một người vì mọi người”, ngày đêm vượt qua khó khăn, vượt qua nhiều cánh rừng, con suối để đến với người dân truyền dạy cho bà con cách đánh cồng chiêng, hát dân ca Jơ rai, Ba nar…bảo vệ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình trước nguy cơ bị mai một, mất dần. Tàn nhưng không phế, nghị lực sống đã giúp hai anh vượt lên tất cả, như cây Kơ nia trên rừng, con cá Chìn dưới suối…nghệ sĩ Pui Đeo và Pui Đuối là niềm tự hào của bà con mình đó. Nói rồi chị H’Ben cười rất vui, rất mãn nguyện.
…Anh em mình sống được đến ngày hôm nay là nhờ có tình thương của bà con thôn bản, công ơn của bộ đội Cụ Hồ, Pui Đuối bộc bạch. Để giúp anh em nghệ sĩ cùi có cuộc sống ổn định, năm 2000, Công ty 72 (Binh đoàn 15) đã xây tặng cho hai ông một căn nhà tình nghĩa cùng một số dụng cụ sinh hoạt khác như ti vi, giường, tủ…Và cũng từ đó đến nay, hàng tháng ngoài khám, cấp thuốc miến phí chữa bệnh, Công ty 72 còn hỗ trợ thêm 30 kg gạo. Tình thương yêu của bà con và tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Công ty 72 dành cho hai ông nên tiếng đàn của anh em nghệ sĩ cùi ngày càng ngân lên thánh thót, rung động, bay xa khắp đó đây, đặc biệt là âm thanh cồng chiêng giờ đây không những rung ngân trong các bản làng giữa đại ngàn mà đã vang xa khắp thế giới, niềm tự hào của Văn hoá Tây Nguyên.