"Giặc bên Ngô, không bằng bà cô bên chồng"

Khoảng vài chục năm trước, tôi đã tìm ra xuất xứ của câu ca dao “Con cò lặn lội bờ sông / Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non / Nàng về nuôi cái cùng con / Để cho anh chẩy nước non Cao Bằng”.

Đấy là câu ca dao ghi lại dấu ấn một cuộc tiễn đưa chồng của người vợ lính ở thời nhà Mạc, xuất hiện ở cuối thế kỷ 16. Trước thế lực lớn mạnh của nhà Lê-Trịnh, đồng thời là sự yếu kém của vua Mạc Mậu Hợp, nhà Mạc thất thủ. Theo lời khuyên của Trạng Trình “Cao Bình tuy thiểu, sổ thế khả lưu” (Cao Bình tuy nhỏ, nhưng có thể nương thân được mấy đời), nhà Mạc rút chạy lên miền núi phía Bắc, tồn tại thêm được mấy chục năm nữa. Thực ra, Cao Bằng vốn là Cao Bình. Đến đời vua Quang Trung, Cao Bình được đổi là Cao Bằng, để kiêng húy vua Quang Trung. Nguyễn Huệ còn có tên là Nguyễn Văn Bình…

Còn cái câu “Giặc bên Ngô không bằng bằng cô bên chồng”, xuất xứ từ đâu?

Ca dao xưa có câu:

“Ru con, con ngủ cho lành,

Để mẹ gánh nước rửa bành con voi.

Muốn coi, lên núi mà coi,

Coi bà Triệu Ẩu cưỡi voi đánh cồng”…

Mấy câu ca dao vừa dẫn, là nói về người phụ nữ lừng danh Triệu Thị Trinh (Triệu Ẩu, Triệu Trinh Nương, hay Triệu Quốc Trinh) đấy.

chuy-tri-au1-1636189321.jpg
Tranh minh họa do tác giả sưu tầm: Triệu Thị Trinh (226-248 SCN). Nguồn: Internet.

Triệu Thị Trinh (gọi tắt là Bà Triệu, tên đường, tên phố Hà Nội, trung tâm quận Hoàn Kiếm ngày nay). Triệu Ẩu (226-248 SCN) là em gái viên huyện lệnh Triệu Quốc Đạt, quê ở quận Cửu Chân (nay là xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Tương truyền, Triệu Ẩu là một cô gái xinh đẹp, thích võ nghệ, có chí lớn khác thường. Dân gian bảo rằng người con gái tài sắc như vậy, sao không lấy một anh chàng nào đó thuộc dòng danh gia vọng tộc, để hưởng phúc ấm suốt đời. Nhưng Triệu Ẩu tuyên bố: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, cởi ách nô lệ cho dân, chứ không muốn khom lưng làm tỳ thiếp cho người ta”! Theo dân gian, vì bất hòa với bà chị dâu ngang ngược, Triệu Ẩu giết bà chị dâu (vợ Triệu Quốc Đạt), rồi bỏ nhà ra sống ở chân núi Tùng (Núi Nưa), khu vực Phú Điền, nay là xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ở đây, Triệu Ảu thu nạp thanh niên tuấn tú, xây dựng lực lượng vũ trang, nhằm chống lại ách áp bức của giặc Ngô.

Vậy giặc Ngô ở đây là giặc Ngô nào? Đối chiếu, móc nối các chi tiết lịch sử, mới hay rằng, Khi Thái thú Sĩ Nhiếp từ trần (226 SCN), thì cùng năm đó, ở quận Cửu Chân lại sinh ra một nữ lưu kiệt xuất. Đó chính là Triệu Thị Trinh. Đấy là một sự ngẫu nhiên chăng, hay là một chi tiết có ý nghĩa “trời đặt”? Giặc Ngô, tức tên gọi bọn thống trị của Tôn Quyền ở thời Tam Quốc. Ba nước Ngụy (Tào Tháo), Thục (Lưu Bị), Ngô (Tôn Quyền) tranh hùng tranh bá. Đông Ngô do Tôn Quyền chiếm giữ. Khi Sĩ Nhiếp mất, Tôn Quyền nhân cơ hội này sai tướng Lã Đại lừa bắt và giết chết cả gia tộc Sĩ Nhiếp ở thành Luy Lâu (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay), chiếm lấy vùng đất Giao Châu. Từ đó, Giao Châu thuộc quyền cai trị của Đông Ngô. Quận Cửu Chân, tương đương với thuật ngữ hiện đại ngày nay, là vùng đất khí hậu Xích đạo và nhiệt đới, gồm đất đai tỉnh Thanh Hóa và một phần tỉnh Ninh Bình ngày nay.

Giặc Ngô thống trị Giao Châu, gây ra biết bao tội ác. Chúng vô cùng tàn bạo, cho nên dân ta vô cùng căm ghét chúng. Câu tục ngữ “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, phải chăng là có xuất xứ từ câu chuyện cô Triệu Ẩu, em gái Triệu Quốc Đạt tức giận giết chết bà chị dâu, rồi dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Ngô hay chăng? Về sau, câu nói này đã tự nhiên bước vào đời sống văn hóa dân gian, để chỉ các “bà cô bên chồng” đanh đá, cay nghiệt, đáng sợ, khiến các bà chị dâu phải nể vì, phải chịu nhún nhường hay chăng? Ngoài ra, với cô Triệu Ẩu, thì đó còn là một sự so sánh sự dũng mãnh của một nữ tướng xinh đẹp, với lũ giặc Ngô tàn bạo mà hèn nhát?

Tuy nhiên, có ý kiến ngờ rằng Triệu Ẩu đã kế thừa được cơ nghiệp của người anh là quan Tri huyện Triệu Quốc Đạt. Một mình Triệu Ẩu không đủ cơ sở vật chất và uy danh, để thiết lập được lực lượng kháng chiến độc lập chống quân Ngô. Tôi tán thành ý kiến này, thực tế và khoa học hơn, do đó đáng tin hơn. Hai Bà Trưng, đầu công nguyên, dòng dõi vua Hùng, vợ quan tri huyện Châu Diên dựng cờ khởi nghĩa, cũng đã có sẵn cơ đồ của chồng mình là Thi Sách đấy chứ. Đã sẵn có quân binh, lương thực, thì mới có thể đứng lên dựng cờ khởi nghĩa được.

Tướng Lã Đại của Đông Ngô, sau khi lừa bắt giết được mấy người con trai của Sĩ Nhiếp, được phong làm Trấn Nam tướng quân, tước Phiên Ngung hầu. Phiên Ngung, tức kinh đô nước Nam Việt thời Triệu Vũ Đế, nay là thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Lã Đại là một viên tướng nhiều mưu lược. Do ảnh hưởng cuộc khởi nghĩa của Triệu Ẩu đã lan ra tới cả Giao Châu, nên hắn tìm kế sách dẹp yên cuộc khởi nghĩa đang mạnh dần lên ở Cửu Chân, trừ hậu họa. Lã Đại sai người dụ hàng, hứa phong cho Triệu Ẩu là “Lệ Hải Bà Vương”, nghĩa là “Nữ Vương xinh đẹp vùng ven biển”. Sử Trung Quốc chép rằng cuộc nổi dậy của Triệu Ẩu ở Cửu Chân, “làm cả Giao Châu chấn động”.

Thực ra, vì giặc Ngô tàn bạo đến mức không thể chịu nổi, Triệu Ẩu khuyên anh Triệu Quốc Đạt khởi bình chống lại. Quân khởi nghĩa chiếm vùng rừng núi Yên Định, rồi mở rộng dần xuống vùng ven biển. Chẳng bao lâu, Triệu Quốc Đạt ốm bệnh rồi chết. Các tướng nhận thấy Triệu Ẩu có tài quân sự, tôn Triệu Ẩu là “Nhụy Kiều Tướng quân”, làm chủ cuộc chiến đấu.

Dân gian trong vùng rất ngưỡng mộ người nữ tướng oai hùng, cưỡi voi trắng một ngà, vung kiếm dài xung trận dũng mãnh, khiến giặc Ngô khiếp sợ. Lợi dụng địa thế núi sông hiểm trở, có rừng tùng che chắn, nghĩa quân Bà Triệu chiến đấu ngoan cường. Hình ảnh Bà Triệu được khắc họa, như một biểu tượng vừa oai phong, vừa lộng lẫy, “Thiên thu trường kiếm dữ nhật quang” (Ngàn năm, trường kiếm cùng mặt trời sáng mãi).

Nhận thấy cần thiết phải dập tắt ngay cuộc nổi dậy của Bà Triệu, Đông Ngô (Tôn Quyền) phải cử Lục Dận, một viên tướng giỏi (cháu Lục Tốn, kẻ đã đánh bại Lưu Bị ở trận Hào Đình), sang chỉ huy quân Ngô, thay Lã Đại. Lục Dận được thăng chức Thứ sử Giao Châu, An Nam Hiệu úy, thống lĩnh tám ngàn quân tinh nhuệ tiến đánh nghĩa quân Triệu Ẩu. Lục Dận dùng vàng bạc, dụ dỗ một số thủ lĩnh, chia rẽ nội bộ nghĩa quân, rồi đem đại quân bao vây núi Nưa. Cuộc chiến đấu của Bà Triệu rơi vào thế bị cô lập, cuối cùng thất bại. Bà Triệu rút gươm tự vẫn. Ba anh em nhà họ Lý, tướng lĩnh quân khởi nghĩa, chôn cất Triệu Ẩu, rồi cùng nhau tự sát. Cuộc khởi nghĩa kết thúc vào năm 248 SCN, khi ấy, Triệu Thị Trinh mới 23 tuổi đời…

Tầm vóc một cuộc khởi nghĩa tuy nhỏ, nhưng ý nghĩa của tinh thần bất khuất của Bà Triệu, thì lớn vô cùng!