Ông Nguyễn Quyết Chiến nêu rõ, thực trạng nói trên đặt ra những thách thức rất lớn với các cơ quan báo chí chính thống về việc thu thập thông tin, kiểm chứng nguồn tin, kiểm soát thông tin. Ở nước ta, báo chí, truyền thông là vũ khí sắc bén của Đảng, tích cực thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến quảng đại quần chúng. Trong bối cảnh của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; xã hội ngày càng phát triển, thông tin báo chí càng có vai trò to lớn. Là một tổ chức chính trị - xã hội có số lượng các cơ quan báo chí lớn nhất cả nước (gồm 69 cơ quan báo chí), báo chí, truyền thông thuộc Liên hiệp hội Việt Nam đã có vai trò quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phổ biến kiến thức góp phần đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, nâng cao dân trí... Để bảo đảm thực hiện tốt các vai trò, trách nhiệm, tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, bên cạnh những thuận lợi, thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí và người làm báo đang và sẽ phải đối diện với không ít thách thức về việc thu thập thông tin, kiểm chứng nguồn tin, kiểm soát thông tin trong thời đại bùng nổ thông tin và sự phát triển vượt bậc của mạng xã hội như hiện nay, nhất là vấn đề tin giả, tin thất thiệt, tin sai sự thật mà nhiều phương tiện truyền thông đã nêu lên trong thời gian gần đây. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến từng cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; thậm chí có thể gây tác động tiêu cực đến cả xã hội, đến nền kinh tế và thậm chí là đối với cả thể chế. Đầu năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam trực thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử. Như vậy, có thể thấy rằng, vấn nạn tin giả đã và đang có nguy cơ rất nghiêm trọng, cần có sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền và của nhiều bên liên quan, trong đó có các cơ quan quan báo chí.
Các tham luận của Nhà báo Đặng Mạnh Hùng, Phó Tổng biên tập báo Tri thức và Cuộc sống; Nguyễn Văn Cảm, Phó Tổng biên tập Tạp chí khoa học kỹ thuật Thú y; Nhà báo Lê Hông Nguyên Khoa, báo Tri thức và Cuộc sống; Ths Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; Nguyễn Thị Hoàng Yến, Chánh văn phòng Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam đã tập trung phân tích về Thực trạng, nguyên nhân xuất hiện tin giả; tin giả có ảnh hưởng như thế nào trong hoạt động báo chí; những tác động tiêu cực của tin giả đối với đời sống, xã hội; kinh nghiệm xử lý tin giả; những đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý tin giả, tin đồn thất thiệt, tin sai sự thật..
Nhà báo Lê Hồng, Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp hội cho rằng: Nhà báo hoàn toàn có thể sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tiếp cận, tìm kiếm, kiểm tra thông tin, lan truyền bài viết, tăng cường lượng độc giả, nếu đó là những thông tin chính xác... Nhưng nhà báo cần thanh lọc, kiểm duyệt thông tin để đưa ra nguồn tin chính xác, có tính định hướng thay vì chỉ là những tin đồn trên mạng xã hội. Cơ quan báo chí và quản lý báo chí cần tập trung nâng cao kiến thức và kỹ thuật tác nghiệp của nhà báo trong môi trường số; cần xác định rõ đối tượng bạn đọc, công chúng, cơ quan chủ quản, tôn chỉ mục đích của tờ báo; nâng cao vai trò định hướng thông tin, tích cực, chủ động phê phán, phản bác thông tin xấu độc trên mạng, góp phần khắc phục những mặt trái của mạng xã hội. Do đó, báo chí trước hết phải tôn trọng sự thật và “vun đắp” niềm tin cho công chúng...
Đặc biệt ông Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Liên hiệp hội Việt Nam chia sẻ, ở Việt Nam, vấn nạn tin giả, tin xuyên tạc làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội; hậu quả của tin tức giả mạo ngày càng trở nên phổ biến trong những năm qua. Hầu hết tin tức thuộc loại này đều làm kiệt quệ, tê liệt hoạt động của doanh nghiệp, gây thiệt hại về kinh tế, uy tín cá nhân. Phải nâng cao nhận thức của công chúng trong tiếp cận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, cảnh giác với tin giả đòi hỏi sự phát huy vai trò của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là các cơ quan thông tấn, báo chí và trách nhiệm của các nhà quản lý.
Đồng thời ông Lê Công Lương đã nêu ra các giải pháp chống tin giả, đó là: Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của đội ngũ nhà báo trong việc định hướng dư luận xã hội, mang đến thông tin đầy đủ, chính thống để người dân bình tĩnh, không hoang mang trước tin giả, tin sai sự thật; phát huy vai trò của cơ quan báo chí trong việc sàng lọc thông tin, thẩm định và phản bác lại tin giả trên truyền thông xã hội, dùng tin thật chống lại tin giả; vai trò của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý trong việc định hướng thông tin, nhận diện tin giả. Sử dụng các hình thức kênh truyền tải trong đối phó với tin giả ngoài phạm vi quốc gia để bảo vệ quyền lợi quốc gia, doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, các tin giả trên các phương tiện truyền thông quốc tế gây phương hại tới việc quản lý xã hội trong nước, để ứng phó với các trường hợp này cần có một đội ngũ chuyên môn sử dụng tốt ngoại ngữ, có kỹ năng, kỹ thuật cần thiết khác. Về mặt luật pháp, tùy vào động cơ và hậu quả của người tạo lập, tung tin sai sự thật mà cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.