Tình yêu của mẹ

Trương Anh Sáng

06/05/2022 08:24

Theo dõi trên

Mẹ thương chị em chúng tôi đâu có tội tình gì mà cũng bị hắt hủi, xa lánh, ghẻ lạnh của mọi người.

1-tinh-yeu-cua-me-1651799968.jpg

Mẹ lo cho cha từng bữa ăn, giấc ngủ. (Ảnh minh hoạ)

Cuộc đời mẹ là những chuỗi ngày đắng cay tủi nhục, nhất là từ khi mẹ không sinh được cho bà nội đứa cháu “đích tôn” để nối dõi tổ tông.

Suốt ngày mẹ phải nghe những lời chì chiết nặng nhẹ của bà nội. Nhiều lúc bà nội nói thẳng: “Nếu cô không đẻ được thằng cu thì ra khỏi nhà để tôi kiếm cho thằng Kiên con vợ khác để kiếm thằng cu chống gậy,…”.

Mẹ nuốt nước mắt vào trong, cam chịu, làm tròn bổn phận vợ thảo, dâu hiền. Mẹ chăm sóc, gần gũi bà để mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ, hiểu cho hoàn cảnh của mình nhưng toàn bị bà xa lánh, hắt hủi. Cơm mẹ nấu, bà chê cứng, khó ăn. Cơm mềm dẻo thì bà bảo ướt, nhạt cơm, lạt miệng, khó nuốt.

Nói chung, đụng món mẹ nấu là bà không ưng, chê lên chê xuống khiến mẹ rất khó xử, không biết phải xoay xở sao cho vừa lòng bà. Bà có thói quen buổi sáng ngâm chân vào nước ấm nên mẹ pha nước đem đến cho bà liền bị quát: Tôi còn khỏe chán, không cần chị phải hầu,..

Nhiều đêm ôm chị em tôi nằm ngủ, gối mẹ đẫm nước mắt. Mẹ thương chị em chúng tôi đâu có tội tình gì mà cũng bị hắt hủi, xa lánh, ghẻ lạnh của mọi người. Mẹ con chúng tôi trở thành người thừa trong gia đình.

Bốn mẹ con dắt díu nhau lên thành phố ở trọ trong xóm lao động nghèo, tìm kiếm việc làm. Những ngày đầu thật vất vả. Mẹ phải bươn chải nhiều nghề như bán vé số, rửa chén thuê, bán hàng rong, thu mua phế liệu để mưu sinh.

Mẹ gầy, vết chân chim hằn sâu đuôi mắt, tóc bạc màu mây theo tuổi ăn tuổi lớn của chị em tôi. Tất cả cuộc sống đều nhờ vào xe ba gác của mẹ. Chị em tôi đi học, nhiều khoản đóng góp. Xe ba gác thêm đầy, dáng mẹ còng hơn, tóc thêm nhiều sợi bạc, da sạm đen vì sương gió.

Nhiều lúc chị em tôi muốn nghỉ học phụ mẹ. Con không thể nghỉ học được, dẫu có cực khổ thế nào mẹ cũng không thể để các con thất học, chỉ có học thì tương lai các con mới được rộng mở, các con học giỏi là mẹ vui rồi, ... Mẹ vẫn thường bảo như thế mỗi khi chị em chúng tôi đòi nghỉ học vì thương mẹ vất vả.

Mỗi lần như thế, chị em tôi ôm chầm lấy mẹ, oà khóc. Chúng tôi hiểu tình yêu thương, sự hy sinh vô bờ của mẹ nên đứa nào cũng cố gắng học giỏi để không phụ lòng mong mỏi của mẹ.

Được tin bà mất, mẹ bỏ công bỏ việc vội vã dẫn chị em chúng tôi về dự đám tang nhưng mẹ con chúng tôi chỉ dám đứng ở xa nhìn vào mà không dám vào, vì lúc sinh thời bà cấm không cho mẹ con tôi bước chân vào nhà. Thực ra, chị em chúng tôi giận, không muốn đi đám tang của bà. Chính bà đã xua đuổi mẹ con chúng tôi ra khỏi nhà, đẩy mẹ thành kẻ không chồng, con cái thành kẻ mồ côi.

Mẹ bảo, nghĩa tử là nghĩa tận con ạ. Dù sao cũng là bà của các con, phải có lòng vị tha trước lỗi lầm của người khác, con ạ.

Thím Hoa không chịu được sự cực nhọc khi trở thành trụ cột cáng đáng gia đình đã bồng theo thằng cu bỏ đi sau khi cha bị tai nạn, liệt người phải nằm một chỗ. Các cô, các chú coi cha như người thừa, là gánh nặng của gia đình họ. Cha rơi vào cảnh cùng quẫn, cô độc ngay trong chính gia đình mình.

Biết tin, mẹ đón cha về chăm sóc trong sự mừng vui của các cô, các chú, trong sự ngỡ ngàng, tủi hận, mặc cảm của chị em tôi. Những ngày cha ở bên, chị em tôi thấy cha như kẻ xa lạ, chẳng có chút gì gần gũi, thân thương. Phải chăng tình phụ tử trong lòng chị em tôi đã chết? Phải chăng trái tim chúng tôi đã hóa đá.

Mẹ thì khác. Mẹ lo cho cha từng bữa ăn, giấc ngủ, lo chạy chữa thuốc thang từng chút một. Cứ nghe ở đâu có thuốc hay thầy giỏi là mẹ lại đưa cha đi khám, hốt thuốc về sắc uống. Rồi mẹ hỏi người này người kia về phương pháp, dụng cụ chữa trị người bị tai biến rồi mua sắm dụng cụ vật lí trị liệu để cho cha tập luyện phục hồi chức năng, cải thiện tình trạng bệnh tật của mình.

Nhiều khi thấy mẹ cực khổ vì cha, thấy bất công cho mẹ, chị em chúng tôi cự nự, ngày xưa, khi bà nội ép cha phải rời bỏ mấy mẹ con, sao cha chẳng có ý kiến gì để bảo vệ vợ con. Cha cứ răm rắp nghe lời bà nội. Cha cũng khát con trai chứ còn gì nữa? Cha cũng giống bà nội, trọng nam khinh nữ nên mới đẩy mẹ con mình rơi vào hoàn cảnh khốn khó trong mấy năm qua. Từ ngày mẹ con mình ra đi, cha chẳng có lấy một lời hỏi thăm, động viên, chẳng gửi cho chị em chúng con lấy đồng quà, chẳng gửi tiền để chị em chúng con đóng tiền học phí. Bạn bè người ta có cha có mẹ dẫn đi chơi, mua sắm này nọ, đưa đón con cái đi học, được ăn bữa ăn quây quần đầm ấm, còn chị em chúng con thì không. Chị em chúng con thiếu thốn đủ thứ, nhất là thiếu thốn tình yêu thương, chăm sóc của cha …cha có biết chị em chúng con tủi thân lắm không? Bây giờ bắt mẹ, bắt chúng con phải chăm sóc cha liệu có công bằng không?

Mẹ bảo, dù cha có lỗi, nhưng chúng ta phải biết bao dung, độ lượng và yêu thương. Ai cũng ích kỉ chỉ nghĩ cho bản thân mình thì cuộc sống của cha sẽ ra sao? Mẹ và cha tuy đã chia tay đường ai nấy đi, không ai còn nợ nần ai nữa, nhưng dù sao cũng còn cái nghĩa, cái tình, vả lại, mẹ không muốn các con thiếu cha, con không cha như nhà không nóc. Dù cha con có thế nào đi nữa thì đó vẫn là cha các con. Cây có cội, nước có nguồn, người là cha của các con thì các con phải có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc, đừng vì sự ích kỉ, nhỏ nhen, hẹp hòi của bản thân mà xa lánh bậc sinh thành. Có cha có mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn đứt dây.

Các con phải thay đổi thái độ kẻo sau này ân hận.

Bạn đang đọc bài viết "Tình yêu của mẹ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn