Anh kêu ầm lên:
- Thôi chết, Dốc Trăn quê tôi rồi. Ông Cang ơi, mở to lên, mở lại cho cháu nghe với.
Ông Cang, hốt hoảng đẩy cửa ra, nói:
- Mở sao được, chốc họ phát lại.
Thoảng dậm chân, gãi đầu, bứt tóc:
- Thế còn nói chuyện gì nữa, ông nghe có đúng Dốc Trăn không?.
- Đúng thế, sạt núi. Ông Cang kiên quyết trả lời.
Thoảng bấm số điện thoại cục gạch, dăm lần bẩy lượt vợ đều không nghe. Nguy rồi, tụt vào nhà, Thoảng vơ vội mấy thứ nhét vào ba lô cũ kỹ, ba chân bốn cẳng chạy ra đường. Ông Cang đuổi theo đưa cho ít tiền, chả biết là bao, rồi nói vội:
- Cầm lấy mà đi đường, bình tĩnh nhé, lập cập là hỏng việc, có thế nào gọi điện cho tao.
Không kịp cám ơn, Thoảng đã khuất sau dẫy phố nhỏ. Ông Cang nhìn theo, bồn chồn nghĩ lại...
Cách đây khoảng hai năm, hôm ấy ông đi làm về, qua chợ thấy một anh chàng đứng lơ ngơ ở đầu đường, mọi người quen gọi là "chợ cửu vạn", đến gần hỏi chuyện, anh dè dặt nói: "Thưa ông, ông có biết ai thuê người làm không ạ?". Nhìn khắp người anh, ông Cang khẽ gật đầu: "Có, nhưng cậu biết hái cà phê không?". Anh nắm lấy cánh tay ông Cang, rối rít: "Dạ được ạ, ông cho cháu làm, cháu đội ơn ông". Ông Cang nhẹ nhàng nói: "Đấy là hỏi thế, để tôi thưa với ông bà chủ đã. Tôi cũng làm thuê cho họ mà". Anh vẫn năn nỉ: "Vâng ông giúp cháu, trăm sự nhờ ông". Thế là ông Cang đưa anh về nhà, tá túc một đêm để mai lên vườn cà phê gặp ông bà chủ.
Trò chuyện với ông bà chủ, được biết anh tên là Hồ Văn Thoảng quê tận Dốc Trăn, cách đây hơn trăm cây số, cứ theo sườn núi dốc đứng mà đi. Gọi là Dốc Trăn vì xa xưa đây là rừng thiêng nước độc, có hàng bầy trăn sinh sống không ai dám bén mảng đến. Thế rồi một chàng trai to khỏe, lực lưỡng từ đâu đến có tài nghệ bắt trăn, bắt rắn đã dũng cảm xông vào hang ổ, tiêu diệt hết lũ vật quái ác này. Mang lại êm ấm cho buôn làng, rừng cây xanh tốt, nước suối trong lành. Con người và thiên nhiên hòa hợp, nuôi nhau đời này, qua đời khác. Cái tên Dốc Trăn là như vậy.
Mấy năm gần đây, từng đoàn người hung dữ hơn con trăn, con rắn xông vào chặt rừng, xây kè, chắn nước từ trên cao đổ xuống để làm thủy điện. Mùa khô hết nước, đồng ruộng nứt nẻ. Mùa mưa lại thêm thủy điện xả lũ, nước ngập mênh mông cuốn trôi nhà cửa. Người buôn làng Dốc Trăn chuyên sống về nghề săn bắt và hái lượm cây quế trên rừng. Đến nay không còn rừng, không còn mùi quế thơm, không còn cây măng, cây nấm, người bỏ buôn, bỏ làng đi kiếm ăn. Hồ Văn Thoảng, bố mẹ chết sớm, nghèo khổ, lấy vợ mãi mới sinh được chút con trai, đành để ở nhà, lên cao nguyên tìm việc. Ông bà chủ vườn cà phê nhân từ, nhận anh vào hái cà phê cùng ông Cang và xếp chỗ ở gần nhau cho tiện đi lại, chăm sóc...
Mãi tận chiều, Thoảng mới về được đến nhà. Dốc Trăn ngập tràn đau thương, tang tóc. Sạt lở đất kinh hoàng vùi lấp cả buôn làng, còn đâu khung cảnh yên bình. Bao nhiêu người thân, họ hàng làng xóm đâu hết cả rồi. Dừng lại trước đống đất đá và đồ đạc ngổn ngang, Thoảng gào lên:
- Hỡi trời ơi, vợ con tôi đâu, nhà tôi đâu?
Cả vùng Dốc Trăn, lúc này vang lên những tiếng khóc của người mẹ tìm con, người vợ tìm chồng, xác của họ còn chôn vùi đâu đó giữa đống đổ nát hoang tàn.
Dốc Trăn cũng đang thấm bao mồ hôi, bao công sức của hàng trăm anh Bộ đội ngày đêm không quản gió mưa, gian khổ đào bới, tìm kiếm những người dân còn mất tích. Một anh bộ đội quần áo ướt sũng, lấm lem đỡ Thoảng đứng dậy an ủi:
- Thôi không khóc nữa, vững vàng lên, vợ và con anh đã được tìm thấy và chuyển về Trạm cấp cứu tiền phương rồi.
- Bộ đội nói sao?. Đúng thế không?. Thoảng hỏi dồn đập.
- Đúng, đây là số tiền của đoàn cứu trợ, giúp gia đình anh vượt qua khó khăn này.
Thoảng dậm chân hét toáng lên:
- Tôi không cần tiền, chỉ cần một chuyến xe đến Trạm cấp cứu để nhìn mặt vợ con thôi.
Chấp nhận mong muốn của người dân, anh bộ đội nổ máy, nhẩy lên xe, rú ga chở Thoảng băng ra đường. Trời mưa tầm tã, nước từ trên trời đổ xuống, nước từ trên các sườn đồi, khe núi tuôn ra xối xả. Đi được chục cây số, đoạn đường trước mặt tụt xuống thành một cái hố sâu hoắn. Hai đầu người và xe cộ ùn lại. Hết lối đi. Không chần chừ, Thoảng nhẩy xuống xe, chạy nhanh lên sườn đồi, quay lại nói to, át cả tiếng gió gào:
- Bộ đội về đi, tôi vượt đồi sang bên kia, tìm cách.
Anh bộ đội chạy vội đến ngăn lại:
- Không được, xuống đi, nguy hiểm lắm.
Thoảng cứ xăm xăm lên đồi. Anh bộ đội kéo lại:
- Xuống, quay về, núi lở, cây đè chết bây giờ .
- Đi tìm vợ con mà chết, còn hơn ngồi đấy để vợ con chết. Bộ đội về đi.
Không ngăn được, anh bộ đội đưa cho Thoảng cái đèn pin:
- Trời tối, đi trong rừng nguy hiểm, đèn pin đây, soi đường mà đi.
- Cám ơn bộ đội, mình đi rừng quen rồi.
Hai người chia tay trong mưa ào ào, gió hú ghê người, trời nhá nhem tối. Thoảng sinh ra và lớn lên từ rừng, đường đi lối lại trong rừng anh thuộc như lòng bàn tay. Ngày ngày lên rừng tìm cây, hái quả. Có một thời rộ lên, đi tìm nấm cổ linh chi để làm thuốc chữa bệnh ung thư. Nấm cổ linh chi to vài ba chục cân, bám hàng trăm năm trên những thân cây cổ thụ mấy người ôm. Thời chiến tranh, Mỹ, Ngụy không dám bén mảng đến nơi này, có vào không có ra. Sau giải phóng, được tôn vinh là rừng nguyên sinh Quốc gia, được bảo vệ nghiêm ngặt, bảo tồn sinh vật học, thực vật học. Rồi không biết ai bảo, điện cần hơn gỗ, gỗ mất cây này, mọc cây khác, chỉ một căng ty mét đất cũng phủ kín, "tre già măng mọc". Điện mọc sao được, chỉ có mất đi, nên phải làm thủy điện. Thủy điện vừa rẻ, vừa sạch gọi là "điện trắng". Nhiệt điện đại ô nhiễm môi trường. Điện mặt trời, "pin năng lượng tràn lan đổ đi đâu, đổ lên mặt trăng hay để sấy thịt bò một nắng". Thế là đua nhau làm thủy điện, đua nhau chặt rừng. Gỗ theo "đúng quy trình" trôi về xuôi. Nước "ngập đến mồm". Núi sạt lở lấp nhà, lấp người. Mưa vẫn tầm tã, nhờ ánh đèn pin của anh bộ đội, Thoảng khôn khéo leo lên gần đỉnh đồi để tránh sạt lở, thoăn thoắt hết ngọn đồi này sang ngọn đồi kia. Thật may, rừng không còn cây, chỉ còn gốc tha hồ mà đi không phải chui rúc, len lỏi trong bụi. Thú dữ, rắn rết không còn nơi làm tổ đã biến mất từ bao giờ. Rừng nguyên sinh, trần truồng ngửa bụng lên trời cho "ông trời đổ nước xuống". Thoảng đi mãi, đi mãi, trời đã tạnh, đằng đông loang lổ đỏ trong sương mờ, mệt, đói, mặt xám ngoét vì rét, nằm nghỉ trên gốc cây đã chặt bằng, như tấm phản, dang rộng cả hai chân, hai tay mà vẫn không hết. Ngủ thiếp đi, rồi tỉnh dậy, Thoảng vội vã nhìn xuống chân đồi, một vùng nước mênh mông như biển khơi, thi thoảng vài nóc nhà, bụi cây nhô lên chấm phá cho bức tranh quê vẽ vụng. Nhìn khắp nơi để tìm con đường mình sắp đi tiếp, Thoảng nhận ra lối tắt qua mấy làng đến đường cái, vào thị xã là có bệnh viện huyện, vợ con đang ở đó. Nhưng lại phải vượt qua một con sông, nước ở sông, ở ruộng, ở làng, ở sân đều tràn đầy, biết đi đường nào?. Mặc kệ, cứ đi rồi sẽ đến.
Thoảng chạy phăng phăng xuống sườn đồi, ở đây không bị sạt lở, chỉ bị nước dâng lên, nước cao đến đâu thì mọi thứ lùn tịt xuống đấy. Dân làng ầm ỹ hò nhau bỏ của chạy lấy người. Người lớn cõng người bé, người già ngồi trên bè, trên mủng, con cháu hùa nhau đẩy. Thoảng lúng túng chưa biết mình phải làm gì thì một bác to cao, giọng nói ồm ồm đẩy xuống nước:
- Chần chừ gì nữa, leo lên, mau, tao còn quay lại.
- Cái gì cơ ạ?. Thoảng ngớ ra, chẳng quen thuộc gì mà bác ta cứ làm mình như người nhà rủ nhau đi đánh chén.
Bác ta trợn mắt trả lời:
- Lên trâu, bám chặt lấy người tao như đi xe ôm ấy.
Thoảng ngoan ngoãn làm theo, con trâu thở phì phì bơi ra giữa biển nước đục ngầu và rác rưởi, thôi thì cứ đánh liều hỏi chuyện:
- Bác gì ơi, bây giờ mình đi đâu thế ạ?.
- Ơ cái thằng này, sang xóm Gò kia tránh lụt, mày ở trên trời rơi xuống à, vớ vẩn.
Bác ta vừa giật dây trâu, vừa hô họ...họ...vắt vắt, điều khiển cho trâu đi đúng hướng. Thoảng ngượng ngùng, lúng túng không biết nói thế nào, nếu khai thật sẽ bị thả xuống biển nước mênh mông này thì chết. Khẽ quay đầu lại bác ta hỏi như quát:
- Mày ở xóm nào? con nhà ai, tao thấy hơi là lạ?
Thôi đành phải khai thật:
- Em ở mãi tận Dốc Trăn - Thoảng kể hết sự tình rồi năn nỉ - Bác làm ơn cho em đi, hết bao nhiêu tiền, em gửi ạ.
- Mày điên à, tao lấy tiền làm gì, tưởng tao là lái trâu à, tao là lính xe tăng đây, dọc cái đường Trường Sơn này tao còn lạ gì - Bác lại nhẹ giọng - Sao bây giờ mới nói? Vừa có thuyền chở bà đẻ đi viện xong, khổ thân.
- Dạ, cám ơn bác, em đâu có biết.
- Lúc nào cũng cám ơn, cám huệ. Vào xóm Gò rồi đi lối ấy lên Trạm cấp cứu cũng được.
Con trâu khỏe thật, cõng hai anh em đi phăng phăng, lúc thì bơi lúc thì lồng lên chạy tóe nước, chẳng mấy chốc đã vào bờ. Trên xóm Gò người chạy lụt nhốn nháo. Bác ta gọi chị vợ ra bảo:
- Có gì ăn mang ra cho khách, mau lên đói rồi.
Hai mẹ con chị lệ khệ bê ra rổ ngô luộc. Suốt cả chiều và đêm qua không được ăn gì, đói thật, Thoảng ăn ngon lành hai bắp. Bác ta nhồm nhoàn nói:
- Ăn xong, tao quay lại đón mấy người nữa, mẹ mày đưa chú em qua làng chỉ đường cho chú ấy đến bệnh viện. Gấp đấy, vợ con vừa được moi ra trong đống đổ nát, rõ khổ, nhớ chửa?
Chị vợ vâng dạ rồi le te chuẩn bị. Đi hết xóm Gò có đường sang làng bên kia, nước chưa ngập hết, còn đôi chỗ đi được. Chị vợ đon đả:
- Chú cầm mấy bắp ngô, trời đất này chả biết thế nào, cơm mưa ập đến, không có gì ăn lại đói.
Thoảng nghẹn ngào, hai mắt cay sè, tay run run bóp chặt mấy bắp ngô. Chị vợ khẽ đập vào lưng Thoảng, căn dặn:
- Đi đi cho kịp, không phải nói gì nữa. Chịu khó chăm sóc vợ con, sau này nó báo đáp cho.
- Vâng ạ, hết bão gió, em sẽ dẫn vợ con về thăm anh chị.
Thoảng đi nhanh cho qua giây phút chia tay ngắn ngủi, hiếm hoi này.
Đường vào làng dễ đi. Qua phong trào xây dựng Nông thôn mới, mười mấy chỉ tiêu đặt ra, có lẽ chỉ tiêu bê tông hóa đường làng là hiệu nghiệm, sạch sẽ, không có trâu ổ gà. Thoảng tăng tốc như vận động viên maratong sắp về đích. Đến gần đập tràn nước chảy xiết, có cụ bà loay hoay không dám đi. Thoảng dừng lại lễ phép nói:
- Cụ ơi, con cõng cụ sang nhé.
Cụ bà nhìn Thoảng gật đầu cười. Nhanh nhảu anh ghé lưng vào cõng cụ sang cầu, đi một đoạn, định đặt xuống thì cụ đập tay chỉ về phía trước. Xa xa đó là ngôi trường học hai tầng, nước đang ngập dần vào tầng một, người bơi, người lội, người vác đồ đạc, thức ăn bếp núc...ra vào rầm rập. Cụ già không nói gì, đập tay liên tục, chắc là thúc giục đi nhanh lên. Trời bắt đầu mưa to, nước đã dâng quá đầu gối, Thoảng xốc lại cho chân cụ khỏi dính nước, đưa gói bắp ngô cho cụ cầm hộ, rồi nói:
- Cụ bám chặt vào, con đi nhanh đây. Con còn phải lên bệnh viện. Vợ, con con đang cấp cứu ở đó.
Trên vai Thoảng chốc chốc lại thấy cằm của cụ đập vào, chắc là cụ nghe và hiểu được anh đang nói gì. Khác với chán vạn kẻ, nghe được mà chẳng hiểu người ta nói gì. Đến trường học, Thoảng cõng cụ lên thẳng tầng hai, bà con cả làng đã chạy vào đây tránh bão lụt, trẻ con, người già nằm ngồi chen chúc đông lắm. Cầm gói bắp ngô, chào cụ, Thoảng chạy nhanh xuống cầu thang đi tiếp.
Trời mưa nặng hạt, gió rít ù ù, nước đã dâng lên đến bụng, chẳng còn thấy đâu là đường, đâu là ruộng, Thoảng cứ đi, đi rồi sẽ đến, tự nhắn nhủ lòng mình như vậy. Từ phía sau có tiếng gọi dồn:
- Chú gì ơi. Chú gì ơi.
Thoảng quay lại gào to:
- Ai gọi gì đấy? Gọi tôi có phải không?
Lại gần, thì ra một cháu gái, đứng giữa trời mưa, hổn hển nói:
- Chú ơi, có phải chú vừa cõng bà cháu không ạ?.
- Phải rồi, có chuyện gì thế cháu?. Thoảng hốt hoảng, sợ có chuyện gì liên quan đến mình.
Những dòng nước mưa chảy từ trên trán xuống má, qua miệng cười tươi, cháu gái nhỏ nhẹ:
- Bà cháu sai cháu, đuổi theo cám ơn chú. Xin chú thông cảm, bà cháu bị câm, nghe thì được, nói thì không.
Thoảng rối rít phân bua:
- Trời ơi, bà cẩn thận quá. Không phải làm thế đâu, lội mưa lội gió thế này khổ cháu.
Cháu gái vẫn cố giải thích:
- Trước đây làm cán bộ xã, bà cháu nói hay lắm, ai cũng khen, Thế rồi bà bị cơn tai biến, không nói được nữa, ai bảo gì cũng nghe, cũng hiểu, ghi ghi chép chép rồi để đấy, hệt như ma làm ấy chú ạ.
- Thảo nào chú kể chuyện, bà nghe hết mà chả thấy biểu hiện tình cảm gì. Bây giờ bà lại sai cháu mang lời xin lỗi đi trong mưa thế này, chú cảm động quá. Cháu nói với bà, cho chú xin.
Vừa nói, Thoảng vừa giơ cùi tay lau nước mắt. Nước mưa, nước mắt hòa tan lã chã rơi xuống biển nước mênh mông, Rác rưởi, lợn gà phơi bụng trắng phau lững lờ trôi. Đâu đó những làn khói hương, bay lên từ bè chuối nổi lềnh bềnh, cầu nguyện cho những linh hồn lợn, gà, vật ngã, biết đâu rằng muôn kiếp nhân sinh nó là linh hồn của con người tái thế. Im lặng, nén trong lòng, ngoài trời vẫn sôi lên cơn cuồng phong bão gió. Cháu gái, cầm tay Thoảng lắc mạnh:
- Chú ơi, bà cháu bảo chú mặc cái áo phao này mới bơi qua được chỗ sâu. Đây nữa, hộp cao Sao vàng, khi nào rét chú nuốt một tý, ấm lên rồi đi chú nhé.
Từ hôm qua đến nay, Thoảng đã gánh biết bao ân tình, dồn xuống đôi chân nặng chịch đang chìm dần xuống bùn lầy, nước đẩy, hai chú cháu liêu siêu.
- Quay lại đi, cháu dẫn chú đi đường trong - Cháu gái kéo Thoảng khỏi vũng lầy - Xa một tý nhưng trên sườn đồi dễ đi hơn chú ạ.
Hai chú cháu dìu nhau quay trở lại, bỗng đâu xuất hiện một làn sóng dồ lên đẩy hai người đi một đoạn, theo sau là chiếc xuồng máy đến gần. Thoảng giơ tay vẫy gọi:
- Xuồng ơi cho đi nhờ với.
Xuồng kêu phành phạch rồi vụt lên phía trước để lại những đợt sóng vô hồn. Cháu gái quay lại nói:
- Họ không chở đâu chú ơi.
- Sao vậy, Xuồng đi cứu nạn, không chở chú cháu mình thì chở ai? Thoảng tò mò nói.
Cháu gái cười:
- Đấy là xuồng của cái nhà rường trên kia - cháu gái chỉ lên đồi cao - họ đi lên thị xã mua thức ăn về đấy, tý nữa mình sẽ đi qua phía ấy có con đường gọi là đường cong mềm mại.
- Nghe hay nhỉ, sao lại gọi thế?
- Chả là thế này, trên đồi có bãi tha ma, cái nhà rường của ông ấy nằm sát đường đi, phát khiếp ông ta bắt làng phải làm đường khác. Làng không chịu vì bãi tha ma có hàng trăm năm, còn nhà ông ấy thì mới đến. Nhưng rồi có mẩu giấy viết tay ở đâu đến, làng phải chịu, nắn lại cong ra phía sau thật xa. Đường cong mềm mại là thế đấy chú ạ.
- Thế à, nghe như chuyện thần thoại ấy nhỉ. Ông ta là ai vậy?. Thoảng ngạc nhiên hỏi lại.
- Cháu chẳng biết, chỉ nghe nói ông ta làm gì to lắm ở nhà máy thủy điện. Cái nhà rường toàn cột là cột, gỗ bóng nhẫy, to vật vã, gấp mấy mươi lần nhà cháu ý. Chẳng bao giờ bị ngập.
- Ông ta tính toán giỏi đấy cháu nhỉ?
- Nhưng keo kiệt lắm chú ơi. Hôm qua trong làng có người chết, hỏi thuê ông ta một chuyến xuồng để chở quan tài mà không cho, nói là còn bận chở người lên huyện. Đành vậy, nhà người chết phải lấy giây chão treo quan tài lên xà nhà cho khỏi ngập, thối rữa ra thì khổ.
Nghe cháu gái kể, Thoảng rùng mình, lạnh gai cột sống, vội vàng mở hộp cao Sao vàng, quyệt tý nuốt chửng. Cháu gái vẫn tỉnh bơ kể tiếp:
- Chú có nghe thấy gì không?
- Tiếng kèn đám ma phải không?. Mấy ngày nay dầm mưa, lo lắng mỏi mệt, hai tai chú ù ù, nghe bên nọ thì mất bên kia.
- Vâng, chú quay sang bên này thì thấy tiếng nhạc xập xình phát ra từ ngôi nhà rường đấy.
- Ừ đúng thật, mưa bão thế này mà họ còn nhẩy nhót sao?
- Họ có phải lo nghĩ như chú cháu mình đâu hở chú.
Cháu gái dẫn đi đường này sướng thật, đúng là đường cong mềm mại, qua cái nhà rường to vật vã cũng được thơm lây. Nước chỉ xăm xắp bàn chân, chỗ nào sâu nhất là đến đầu gối. Chẳng mấy chốc mà hai chú cháu đã đến bờ sông, Thoảng bịn rịn:
- Cháu ơi, chú chẳng biết nói thế nào cho đủ đầy tấm lòng tốt của cháu. Cháu tốt với chú nhiều quá.
Cháu gái giẫy nẩy:
- Có gì đâu hở chú, bà cháu dặn phải làm vậy mà. Chú còn khổ hơn cháu nhiều, nhà bị vùi lấp, cô và em không biết còn sống hay chết, ruột gan đang rối bời, quan tâm tới cháu làm gì. Chú đi nhanh lên kẻo muộn.
Đôi bàn chân Thoảng ríu lại không biết bước chân nào trước, chân nào sau, lúng túng nhìn lại thì cô gái đã rảo bước, mớ tóc phía sau vung vẩy. Thôi chết, không hỏi tên bà cụ và cháu, đoảng quá, hôm nào tìm về biết đâu mà lần.
Đang mặc áo phao của cháu gái vừa cho, chuẩn bị bơi qua sông, Thoảng bị sóng đánh ngã ngửa xuống đường. Chiếc xuồng máy lúc nãy quay đầu lao tới, chạy nhanh, sóng lớn. Lô nhô trong xuồng là mấy cái đầu, trên cổ đeo cà vạt xanh đỏ, chen lẫn mấy cô gái cầm ô che đầu. Sóng đuổi sóng, kéo dài một vệt làm tan tác đội hình của đàn vịt đang kiếm ăn. Chị chăn vịt ngồi trên mủng cuống quýt cầm cây sào đuổi theo mà không kịp, thấy Thoảng chị gọi to:
- Cậu gì ơi, đứng ở đầu ấy lùa vịt hộ chị với.
Thoảng nhẩy tùm xuống sông, bơi ra giữa giòng đón đầu đàn vịt. Hai gọng kìm khép lại đàn vịt ngoan ngoãn bơi dần về nhà. Sân nhà chị nước ngập qua nền nhà, vịt vào hết chị đóng cổng lại. Thở dốc chị nói:
- Không có cậu thì chị mất toi vài trăm con vịt, phải gió cái xuồng nhà ông ta, sóng đã to lại còn cho sóng chồng lên sóng. Đi liên hoan liên hủng gì mà cứ hùng hục, con vịt cũng không thương thì còn thương.. - Nhỡ mồm, chị dơ bàn tay bịt lại cười khục khục, một lúc chị nói - chết thật mưa gió chẳng có củi rả mà đun nước, chú uống tạm chai nước này, hôm qua có cô ca sỹ trẻ đến cứu trợ đấy.
Chị le te chạy vào trong buồng, Thoảng uống hớp nước, đứng ngắm ngôi nhà nhỏ bé của chị. Mấy cái khung ảnh, hay bằng khen, huy chương gì đó đã hạ xuống, chưa kịp đưa lên gác xép tránh lụt. Chị bảo:
- Chiến sỹ Trường Sa đấy, khối bằng khen. Sáu năm rồi, hai mẹ con ở nhà vất vả nhưng tự hào, vợ lính đảo. Cậu đồng ý không?
- Vâng ạ, anh ấy trông oai chị nhỉ. Thoảng cầm tấm ảnh lên khen. Chị lại cười ngặt nghẽo.
Trên gác xép có tiếng giảng bài của ai đó phát ra từ cái loa nho nhỏ. Chị vô tư khoe:
- May quá, cái Latop có điện, cháu nó tranh thủ học trực tuyến, vài ngày nữa thi đại học rồi đấy.
Thoảng chẳng hiểu học trực tuyến là gì, nhưng cũng khen cháu một câu cho có đà:
- Vậy à chị, chăm chỉ như thế này, nhất định đỗ rồi.
Chị lại cười, nước mắt chảy ra, lấy tay quyệt nhanh, nói:
- Chị cũng mong vậy, chẳng cần làm ông to, bà lớn. Cốt sao chúng học giỏi, đừng có dốt để cho xóm làng khỏi ngập lụt là mừng.
Sau khi nghe sự tình cảnh của Thoảng, chị thở dài rồi dúi và tay một bị trứng vịt. Thoảng từ chối:
- Chị trả công cho em đấy à?
- Mày nói vậy tao giận đấy - Đột nhiên chị gọi mày, tao làm Thoảng ngỡ ngàng rồi gần gũi hơn - Đây là tao cho em gái và cháu tao nó đang khổ sở kêu rên trong bệnh viện ý, từ cõi chết trở về phải giết bò ăn mừng, chứ mấy quả trứng là cái gì. Hiểu chửa?
Tình thế này, Thoảng không nói nổi câu nào, khoác bị trứng vịt đầy ự, trễ vai, người nóng ran, chân run run bấm xuống bùn, lội nước, bước đi. Chị kéo con thuyền lại gần, nói như ra lệnh:
- Lên thuyền, qua sông không bơi nổi đâu.
- Em trả thuyền cho chị sao được?.
- Không phải trả, sang bên kia đi một đoạn là đường cái vào trạm cấp cứu của bộ đội, cứ để thuyền đấy, ai cần thì họ lấy mà đi. Mất thuyền này thì mua thuyền khác, mất người mày có mua được không?
Sợ Thoảng chưa biết chèo thuyền, chị cúi rạp người đẩy con thuyền ra chỗ nước sâu, thuyền ngoan ngoãn lướt nhẹ trên giòng sông. May quá nước hôm nay phẳng lặng, không cuồn cuộn như mấy ngày trước. Chị yên tâm quay vào, cho đàn vịt kêu quàng quạc ăn chiều.
Từ bé đến giờ, Thoảng toàn sống trên núi, thuộc từng cành cây ngọn cỏ trong rừng, đâu có biết sông nước là gì. Không hiểu sức mạnh nào đã cho Thoảng vượt lên tất cả, làm những việc mà chưa bao giờ làm. Nói những câu nói mà người nhiều chữ, cũng không nói được. Bước ra khỏi rừng, Thoảng như bước vào một khoảng trời mênh mông, lòng người rộng mở, ai cũng thương yêu, cho nhiều thứ quá, mấy bắp ngô còn đó, vui quá chẳng thấy đói mà ăn. Đôi chân vững chắc vượt qua vạn dặm, đôi tay dẻo dai đẩy xuôi mái chèo.
Thuận buồm xuôi gió, trời nhá nhem tối, Thoảng cắm thuyền nhẩy lên bờ, đi nhanh vào Trạm cấp cứu tiền phương. Đường vào ngập ít, thi thoảng có chỗ xe máy phải dắt. Trời vẫn lúc nắng, lúc mưa. Không cần hỏi đường, Thoảng đi thẳng vào phòng cấp cứu, nhận ngay ra vợ đang nằm ở giường kia, con trai ngồi ở giường bên nhìn thấy, reo lên:
- Ơi bố. Mẹ ơi, bố về rồi!
Cả nhà ôm nhau khóc nức nở, cả phòng bệnh ngừng lại giây lát, nhìn theo và ran ran tiếng sụt sịt. Trạm trưởng cùng vui chung không khí cảm động, vỗ vai Thoảng ông nói:
- Vượng phúc nhà anh to lắm, lúc lấy ra từ đống bùn, hai mẹ con như hai pho tượng đất "vọng phu" chờ chồng.
Cả nhà Thoảng gục trong vòng tay ôm ấp của Trạm trưởng. Giây lát sau, Thoảng nhẹ nhàng thưa:
- Công lao của các bác sỹ cao như trời, rộng như biển đông, chúng cháu không biết phải đền đáp như thế nào. Đây là chút quà của mọi người, cháu gom góp trên đường đi, xin gửi biếu Trạm trưởng.
- Đây là cái gì? Trạm trưởng nghiêm mặt hỏi.
- Dạ thưa trứng vịt ạ.
Trạm trưởng cười tươi.
- Sao lại làm thế này? Thôi được rồi, cậu mang xuống nhà bếp bảo họ làm thức ăn chiều nay cho tất cả bệnh nhân, tất cả cùng vui mừng, đón những người từ cõi chết trở về...
Mấy ngày sau, vợ con Thoảng chuẩn bị ra viện, đoàn cứu trợ của bộ đội vào thăm, Thoảng nhận ra anh bộ đội hôm nào, cuống quýt tìm cái gì đó, thì ra đã đánh rơi trên đường đi mất rồi. Hiểu ý, anh bộ đội cười nói:
- Không phải tôi đến đây để đòi đèn pin. Lúc nan nguy nhất, chúng tôi vẫn còn nhớ anh nói: "Tôi không cần tiền, chỉ xin một chuyến xe đi gặp vợ con, sống hay chết". Hôm nay cả nhà đã được đoàn tụ, ngôi nhà đổ nát của anh cũng đã được dựng lại. Đoàn cứu trợ tặng anh một chiếc xe máy, ngày mai anh sẽ chở vợ con về trên chiếc xe này. Ước mơ của anh đã thành hiện thực...
Không phải gia đình anh Thoảng, mà bất kỳ ai đang đứng ở đây, nghe được câu nói này đều giơ tay chấm lệ, lăn dài trên má. Ai ai cũng tưởng tượng, cả nhà anh Thoảng trên chiếc xe máy, vi vu khắp mọi nẻo đường của đất nước để cảm ơn đất nước đã sinh ra những con người Việt Nam như thế đấy.
Bão rồi sẽ tan, mưa rồi sẽ tạnh, chỉ có tình người là ở lại.
Mùa nước lũ - Đ.H.T
___________________
Minh họa: Bing