Trận đánh thọc sâu, táo bạo

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cùng với Cần Thơ, các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang được Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh miền xác định là chiến trường trọng điểm trên địa bàn Khu 9 (Quân khu 9 hiện nay).

Trong đợt 1 của cuộc tổng tiến công, bộ đội địa phương tỉnh Vĩnh Long đã có trận đánh thọc sâu, táo bạo vào sân bay Vĩnh Long - một trong những mục tiêu trọng yếu của địch. Trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, tạo điều kiện để các lực lượng và đơn vị khác liên tục bám trụ, chiến đấu ác liệt với địch ở nội ô thị xã trong suốt 6 ngày đêm, chỉ sau thành phố Huế.

Hướng tiến công chủ yếu

Theo các tài liệu, sân bay Vĩnh Long là một trong 4 sân bay chiến thuật lớn của quân đội Sài Gòn ở miền Tây Nam bộ. Tại đây, địch bố trí 2 đại đội trực thăng (số 157 và 144) với 66 máy bay trực thăng vũ trang, trinh sát và vận tải. Trong sân bay còn có các dịch vụ bảo đảm hàng không như: Kho xăng dầu, kho bom, xưởng sửa chữa.

dh3ab3-1667443000.jpg
Ông Nguyễn Ký Ức (thứ hai từ trái sang) kể lại trận đánh sân bay Vĩnh Long Xuân Mậu Thân 1968.

 

Qua trinh sát ta nắm được, bên ngoài sân bay, địch bố trí Tiểu đoàn 65 bảo an làm nhiệm vụ bảo vệ, cùng với đó là hệ thống từ 9 - 12 lớp rào dây thép gai bùng nhùng, mìn clay-mo cài dày đặc. Xung quanh sân bay có 12 lô cốt, mỗi lô cốt có tháp cao khoảng 6 mét, được trang bị súng 12,7mm hoặc đại liên. Trên đường vành đai, cứ cách 20 phút có một lượt xe của 2 chi đoàn xe M.113 tuần tiễu, bảo vệ sân bay. Mặt khác, trên không thường xuyên có 2 trực thăng vũ trang và máy bay trinh sát L.19 luân phiên tuần tra bảo vệ.

Ông Nguyễn Ký Ức (Sáu Ức), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long kể: Năm 1966, ta tập kích hỏa lực vào sân bay Vĩnh Long, phá hủy hơn 50 máy bay nên địch tổ chức phòng thủ, cảnh giác hơn. Với lại, nơi đây tập trung hầu hết lính Mỹ ở Vĩnh Long nên chúng bố trí phòng vệ rất chặt chẽ. Tháng 12-1967, Tỉnh ủy Vĩnh Long và Ban Chỉ huy Tỉnh đội ra lệnh cho Tiểu đoàn 857 của tỉnh áp sát sân bay, uy hiếp làm hạn chế hoạt động của không quân địch, hỗ trợ cho các lực lượng và cơ sở ta hoạt động. Đồng thời, nhiệm vụ của tiểu đoàn là chuẩn bị mục tiêu sân bay, khi có thời cơ nhanh chóng tiến công tiêu diệt.

Ngày 27-1-1968 (tức 28 Tết Mậu Thân), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ký Ức phổ biến mục đích yêu cầu, lệnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa và giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Theo đó, Tiểu đoàn 857 tách Đại đội 205 làm nòng cốt để thành lập Tiểu đoàn 2. Tiểu đoàn 857 còn lại Đại đội 201 và Đại đội 203 do đồng chí Ba Miêng làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Tám Chè (Phạm Phi Hùng) làm chính trị viên. Tiểu đoàn được tăng cường Đại đội Pháo binh và Đại đội Đặc công của tỉnh, đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu của tỉnh và cũng là hướng quan trọng của toàn mặt trận, có nhiệm vụ tiêu diệt sân bay và thiết đoàn 2 thiết giáp M.113 ở lộ Bờ Gòn, trong đó hướng tiến công sân bay là hướng quan trọng nhất.

Ông Nguyễn Ký Ức nhớ lại: Tiếng nổ đánh sân bay lúc 0 giờ đêm 29-1-1968, đúng Giao thừa Tết Mậu Thân, sẽ là hiệu lệnh mở đầu cho toàn mặt trận. Đồng chí chính trị viên thay mặt tiểu đoàn nhận nhiệm vụ trước Tỉnh ủy. Thời gian từ khi nhận nhiệm vụ đến khi nổ súng quá gấp nên đơn vị phải thực hiện phương châm “vừa đi vừa chạy, vừa chạy vừa phổ biến nhiệm vụ, vừa ăn cơm vừa bàn công việc”!

“Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”

Ông Nguyễn Văn Út (Mười Quẹo), nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội Vĩnh Long, nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa VI, lúc đó là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 857, nhớ như in trận đánh sân bay Vĩnh Long 50 năm trước: “Chúng tôi sử dụng lực lượng đặc công khắc phục vật cản, luồn sâu vào bên trong ém sẵn, khi nổ súng thì từ trong đánh ra. Còn bộ binh dùng bộc phá mở cửa, đánh sâu vào bên trong, chiếm đến đâu giữ đến đó”.

Theo đó, Tiểu đoàn 857 sẽ tổ chức mũi thọc sâu gồm 46 đồng chí có kinh nghiệm (gồm cả lực lượng đặc công vừa bộ binh). Tuy nhiên lúc này cần phải có một “mũi trưởng” có quyết tâm cao, bản lĩnh chiến đấu vững vàng, năng lực chỉ huy giỏi. “Tiểu đoàn họp để phát động thì bất ngờ ai cũng giơ tay tình nguyện làm mũi trưởng. Ban chỉ huy tiểu đoàn phải cân nhắc, động viên, cuối cùng chọn đồng chí Trần Thanh Liêm, Đại đội phó Đại đội 203 đảm nhiệm vai trò mũi trưởng. Ai cũng biết nhiệm vụ đánh vào sân bay lần này cực kỳ khó khăn, có thể sẽ hy sinh nhưng mọi người đều nhất loạt xung phong. Trước khi xuất quân, tiểu đoàn làm lễ tuyên thệ, tất cả đều hô vang lời thề “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông Út xúc động nói.

11 giờ đêm Giao thừa, khi tiếng pháo mừng xuân bắt đầu nổ giòn giã trên các con phố cũng là lúc các mũi tiến công của ta đã áp sát sân bay. Trong sân bay, đèn pha, đèn cao áp sáng rực như ban ngày, “xe nồi đồng” liên tục tuần tra. Trên không máy bay luôn quần đảo. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 857 bí mật tiềm nhập, bám sát các mục tiêu đã quy định.

Đến 12 giờ, các đơn vị đã chiếm lĩnh tất cả các nơi trọng yếu trong sân bay, chỉ chờ giờ G là đồng loạt tấn công. Tuy nhiên, đơn vị phải chờ đơn vị bạn ở các hướng khác tiếp cận mục tiêu mới được nổ súng. Đúng 2 giờ 30 phút sáng mồng 1 Tết Mậu Thân, Chính trị viên Tiểu đoàn 857 Phạm Phi Hùng phát lệnh nổ súng. Pháo binh ta nã đạn chính xác vào khu làm việc của chuyên viên kỹ thuật và phi công Mỹ cùng khu hậu cứ Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9. Các tổ đặc công phát triển tiến công càng lúc càng mãnh liệt, dùng lựu đạn, thủ pháo diệt từng chiếc máy bay. Trong khi đó, mũi phía đông sân bay, một đơn vị của Tiểu đoàn 857 phá hủy hàng chục xe quân sự. Sau 30 phút nổ súng, ta làm chủ sân bay, đồng thời tổ chức đánh sang khu vực khác.

Sau những phút đầu bị đánh bất ngờ, choáng váng, địch lấy lại tinh thần, chúng dựa vào hệ thống phòng thủ và tập trung hỏa lực ngăn chặn quyết liệt nên các mũi tiến công của ta bị chựng lại. Đến gần sáng thì lính Mỹ từ các tàu chiến neo đậu trên sông gần sân bay được tăng cường lên tổ chức phản kích. Hỏa lực của địch quá mạnh, trong khi đạn dược của ta ít, lại ở địa hình trống trải nên anh em phải lùi về phía sau sân bay. Nguy hiểm hơn, địch ở một số lô cốt trước đó bị ta đánh lướt qua, nay hồi phục lại đánh trả, bít cửa mở của ta.

Theo ông Nguyễn Văn Út, kết thúc trận đánh, hơn 100 lính Mỹ bị tiêu diệt, lực lượng ta phá hủy hoàn toàn 61 máy bay trực thăng và 2 máy bay L.19 cùng máy móc, nhà xe, kho xưởng, đạn dược. Về phía ta, tổn thất của ta cũng không nhỏ, có 43 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Đau đớn nhất là 35 cán bộ, chiến sĩ hy sinh phải nằm lại trận địa, không lấy thi thể ra được. Thắng lợi của trận đánh sân bay Vĩnh Long phải đánh đổi bằng máu rất lớn đối với tỉnh Vĩnh Long thời điểm đó.

Ông Nguyễn Ký Ức (Sáu Ức), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long khẳng định: Với lực lượng chỉ hơn một đại đội, vũ khí trang bị có hạn, điều kiện và thời gian chuẩn bị chiến trường rất khó khăn, gấp gáp, lại tiến công vào một mục tiêu quan trọng được phòng thủ kiên cố nằm sâu trong sào huyệt của địch, nhưng đạt được hiệu suất chiến đấu theo phương án “Táo bạo thọc sâu, đánh đúng chỗ hiểm” là một chiến công xuất sắc, đáng tự hào.

Trái tim người lính