Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 41)

19/10/2022 06:09

Theo dõi trên

Kỳ 41.

Vào năm 1785, chiến tranh giữa quân đội Tây Sơn với các thế lực phản động phong kiến đã bước sang giai đoạn mới, quân đội Tây Sơn chuyển sang phản công chiến lược đánh quân Trịnh ở miền Bắc, trung tâm của chiến trường ở miền Nam đã di chuyển lên miền Bắc. Mở đầu cho bước chuyển biến căn bản đó là chiến dịch Phú Xuân. Với ưu thế chiến lược sẵn có, dưới sự chỉ huy tài tình của Nguyễn Huệ, quân đội Tây Sơn đã kết thúc chiến dịch nhanh chóng và thắng lợi rực rỡ. Chỉ trong 10 ngày quân Tây Sơn đã làm chủ một vùng rộng lớn từ đèo Hải Vân đến bờ sông Gianh, chiếm được tất cả các mục tiêu chiến dịch, chiến lược quan trọng, hơn 3 vạn quân Trịnh cùng toàn bộ các tướng lĩnh cao cấp của nhà Trịnh bị tiêu diệt. Cánh cửa quan trọng của Bắc Hà đã bị mở toang.

ddt1-viewimage-1666083463.jpg
Tại Bảo tàng Quang Trung có trưng bày mô hình thuyền Định Quốc - một loại tàu chiến của thủy quân Tây Sơn, sách sử nhà Nguyễn gọi là thuyền Đại Hiệu (ảnh). Nguồn: baobinhdinh.vn

 

Trong chiến dịch Phú Xuân, thủy quân Tây Sơn tuy không đóng vai trò chủ lực nhưng là những mũi tiến công rất quan trọng phối hợp với bộ binh đưa chiến dịch đến toàn thắng. Sau khi đã nắm chắc toàn bộ chỗ mạnh, chỗ yếu của địch, triệt để lợi dụng thời tiết mùa hè, gió nồm thổi mạnh, có thể đưa thủy quân nhanh chóng tiến đánh các cứ điểm ở xa, Nguyễn Huệ vạch ra một kế hoạch tấn công táo bạo. Quân đội Tây Sơn phải tấn công bất ngờ chớp nhoáng ở tất cả các cứ điểm, từ Hải Vân đánh ra, từ sông Gianh đánh vào, từ cạnh sườn đánh vào thành Phú Xuân, làm cho quân đội Trịnh ở khắp nơi trên đất Thuận Hóa không kịp trở tay, không kịp ứng cứu cho nhau. Để thực hiện kế hoạch đó, Nguyễn Huệ chia quân làm 3 mũi tấn công, đạo thủy quân thứ nhất đánh vào sườn thành Phú Xuân từ ngoài biển vào, đạo thủy quân thứ hai đánh chiếm suốt từ sông Gianh đến Dinh Cát, đạo bộ binh tấn công từ đèo Hải Vân rồi phối hợp với đạo thủy quân thứ nhất hạ thành Phú Xuân, sau đó thủy bộ sẽ ra tiếp sức cho đạo thủy quân ở sông Gianh.

Ngày 25-5-1786, dưới quyền thống lĩnh của Nguyễn Huệ, ba đạo quân thủy bộ xuất phát từ Quy Nhơn hành binh theo các hướng đã định. Đạo quân bộ do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy nhanh chóng đánh chiếm toàn bộ đèo Hải Vân và tiến tới Phú Xuân phối hợp với thủy quân. Đạo thủy quân thứ nhất do tướng Vũ Văn Nhậm chỉ huy. Chiến thuyền Tây Sơn tới gần cửa biển thành Phú Xuân thì gặp một chiến hạm Bồ Đào Nha đậu tại bến. Chiến hạm này có quan hệ với quân Trịnh nên thuyền trưởng và sĩ quan chống lại quân đội Tây Sơn. Thủy quân Tây Sơn liền bao vây đốt phá chiến hạm Bồ Đào Nha, ném thuyền trưởng và sĩ quan xuống biển, thủy thủ Bồ Đào Nha được trưng dụng và phân phối vào các chiến thuyền Tây Sơn. Chiếc chiến hạm kiểu Âu Châu bị đốt cháy được thủy quân Tây Sơn phá từng mảnh làm cầu phao. Sau khi đánh tàu Bồ Đào Nha, thủy quân Tây Sơn ào ạt tiến vào phối hợp với bộ binh vừa tới nơi vây đánh thành Phú Xuân.

Tướng Trịnh Hoàng Đình Thể đem quân lên mặt thành chống cự. Hoàng Đình Thể tập trung toàn bộ pháo binh bắn xuống rất dữ dội. Bộ binh Tây Sơn đang vây thành phải lùi ra xa. Để tiêu diệt pháo binh quân Trịnh, thuyền chiến Tây Sơn tập trung đại bác bắn lên mặt thành nhưng đạn không tới nơi vì từ mặt nước lên đến mặt thành quá cao. Trong khi đó đại bác quân Trịnh vẫn bắn xuống như mưa, một chiến thuyền Tây Sơn bị bắn chìm. Thấy tấn công lúc này chưa có lợi, Nguyễn Huệ ra lệnh cho quân đội Tây Sơn ngừng chiến.

Nguyễn Huệ biết rằng muốn tiêu diệt được thành Phú Xuân trước mắt phải tiêu diệt được hỏa lực của quân Trịnh ở trên mặt thành. Muốn hoàn thành được nhiệm vụ này phải dùng pháo binh của thủy quân Tây Sơn bắn dữ dội vào. Vấn đề cơ bản là phải làm sao cho tầm đại bác của thủy quân Tây Sơn bắn tới được mặt thành. Là một nhà quân sự tài giỏi, linh hoạt, Nguyễn Huệ nắm chắc vị trí của thành Phú Xuân. Thành Phú Xuân ở gần cửa biển, con sông Huế chạy quay thành chịu ảnh hưởng của thủy triều lên xuống, ban ngày thủy triều rút, mực nước xuống thấp, ban đêm thủy triều lên nước sông Huế lại dâng cao. Khi ấy là tháng 5 đang mùa nước lũ lên, nước sông Huế lại càng dâng mạnh. Là một vị tướng triệt để lợi dụng yếu tố thiên thời địa lợi để diệt địch, sau khi nghiên cứu nắm vững quy luật con nước và địa thế của thành, Nguyễn Huệ quyết định sẽ mở cuộc tấn công vào ban đêm.

Quả nhiên đêm hôm đó khi nước thủy triều dâng thì nước sông Huế cũng lên cao gần mặt thành, đại bác của thủy quân Tây Sơn bắn tới được, Nguyễn Huệ ra lệnh chiến đấu. Cuộc đọ pháo giữa thủy quân Tây Sơn với quân Trịnh trên mặt thành bắt đầu. Hạm đội Tây Sơn tiến sát tới chân thành nã đại bác lên mặt thành mãnh liệt. Tiếng nổ ầm ầm như sấm dậy liên tục, đạn xé màn đêm dội xuống mặt thành như mưa. Trời đất rung chuyển. Pháo binh của quân Trịnh mất tác dụng, không bắn được phát nào vì quân Trịnh không dám lên mặt thành đương đầu với lưới đạn dày đặc của thủy quân Tây Sơn. Trong khi đó bộ binh Tây Sơn đã ào ạt xông vào vây chặt lấy thành. Hoàng Đình Thể đành cùng bọn thuộc tướng Võ Tá Kiên và hai con mở cửa thành ra ngoài chiến đấu. Võ Tá Kiên và hai con Hoàng Đình Thể bị giết. Hoàng Đình Thể tự tử trên mình voi. Quân Tây Sơn phá cổng thành xông vào tiêu diệt quân Trịnh. Đại tướng Trịnh Phạm Ngô Cầu tự trói mình ra đầu hàng. Trong một đêm hai vạn quân chủ lực chiến đấu của nhà Trịnh ở thành Phú Xuân hoàn toàn bị tiêu diệt.

Thành Phú Xuân là một thành lũy rất kiên cố, trước kia trong cuộc chiến tranh với quân Nguyễn, quân Trịnh đã nhiều lần tiến công thành nhưng thất bại. Một trong những nguyên nhân thất bại của quân Trịnh là không sử dụng thành thạo pháo binh. Giai đoạn đầu của cuộc chiến đấu của quân đội Tây Sơn lần này chủ yếu là một cuộc đọ pháo giữa thủy quân Tây Sơn và quân Trịnh. Quân đội Trịnh có giữ được thành hay không chủ yếu là phải có hoả lực đánh bật đối phương xung phong. Quân đội Tây Sơn có đánh thành được không là phải tiêu diệt hỏa lực mạnh mẽ của địch. Nguyễn Huệ đã giao cho pháo binh thủy quân phải tiêu diệt pháo binh địch, phối hợp đổ bộ cùng xung phong. Pháo binh thủy quân Tây Sơn đã giải quyết thành công vấn đề chiến thuật trong trận đánh. Đó là tác dụng lớn lao nhất của thủy quân Tây Sơn trong cuộc chiến đấu này. Điều đó chứng tỏ thủy quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ rất giỏi sử dụng pháo binh. Nguyễn Huệ đã sử dụng thành thạo, tập trung mãnh liệt phát huy hết uy lực của binh chủng pháo binh. Tại Phú Xuân Nguyễn Huệ đã tập trung rất nhiều pháo binh, ngoài đại bác của thủy quân, ông còn có pháo binh dã chiến do voi mang theo. Ông đã tỏ ra rất thành thạo kỹ thuật chiến thuật pháo binh để sử dụng một cách có hiệu quả nhất. Pháo binh thủy quân Tây Sơn lần này ngoài việc chi viện cho bộ binh công thành còn thành công trong việc phối hợp với pháo binh dã chiến, trong khi pháo binh dã chiến bắn vào các hướng khác mà quân Trịnh không có pháo thì pháo binh thủy quân bắn thẳng vào mặt chính diện, kiềm chế đắc lực pháo binh quân Trịnh tập trung hầu hết ở hướng này đã làm cho quân Trịnh thiệt hại nặng nề, làm rối loạn sự chỉ huy của các tướng Trịnh và làm quân Trịnh khiếp sợ. Thành công của thủy quân Tây Sơn trong trận chiến đấu này là sử dụng thành thạo pháo binh đè bẹp pháo binh của địch, phối hợp chặt chẽ với pháo binh dã chiến chi viện đắc lực cho bộ binh hạ thành. Qua các lần tấn công Gia Định và đặc biệt là trận chiến đấu này chứng tỏ thủy quân Tây Sơn không những giỏi thủy chiến mà còn giỏi cả công thành nữa.

Trong khi đạo thủy quân thứ nhất đang chiến đấu ở Phú Xuân thì đạo thủy quân thứ hai do Nguyễn Lữ chỉ huy tiến tới cửa sông Gianh theo kế hoạch của Nguyễn Huệ. Nguyễn Lữ chia thủy quân làm nhiều toán, một toán án ngữ dải sông Gianh ngăn chặn quân Trịnh từ ngoài Bắc  vào cứu viện. Một toán từ sông Gianh tiến xuống đánh Bố Chính (Bố Trạch Quảng Bình ) và bắt tàn binh Trịnh trốn ra Bắc. Một toán thủy quân tương đối mạnh tiến đánh chiến lũy Đồng Hới.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 41)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn