Trang trọng lễ giỗ lần thứ 95 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Ngày 27/11 (ngày 27/10 năm Giáp Thìn), Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An trang trọng tổ chức Lễ giỗ lần thứ 95 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
cu-pho-bang-60-x-80cm-1732716533.jpg

Nhất vui là cảnh Kim Liên

Trong Búp sen xanh của cố nhà văn Sơn Tùng (do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản), tại trang 31, 32, 33: “Không ai còn nhớ được người đầu tiên của dòng họ Nguyễn Sinh đến làng Sen khai cơ lập nghiệp. Người ta chỉ nhớ rằng, từ buổi làng Sen còn là trang trại đã có người họ Nguyễn ở sinh sống. Hồi bấy giờ còn gọi là Trại Sen, vì còn nhiều đầm sen rộng bát ngát. Sen nhiều đến nỗi có những tên: Đồng Sen, Cồn Sen, Đầm Sen, Giếng Sen...

Do có nhiều sen, cảnh trí trong làng, ngoài đồng lại đẹp nên Trại Sen đổi tên thành làng Mỹ Liên. Về sau các cụ lại đổi là Kim Liên. Cái thuở ấy, làng Sen gồm có 5 phường: Phường Giữa (xóm Đông Lĩnh), phường Phú Đầm (xóm Nam Lĩnh), phường Cơn Trôi (xóm Tây Lĩnh), phường Thượng (xóm Thượng Thọ), phường Ngoài (xóm Trung Ca, vì dân xóm này hát xướng giỏi, có phường hát nhà trò).

Lúc về ở Trại Sen, họ Nguyễn chưa đệm chữ Sinh. Qua gia phả của một nhánh họ thì: “Hoàng sơ tổ khảo là Nguyễn Bá Phụ. Tiếp đến đời Nguyễn Bá Bạc, đời Nguyễn Bá Ban, đời Nguyễn Văn Dân. Bốn vị tổ này không ghi rõ sinh về thời nào. Đến đời ông Nguyễn Vật, bắt đầu lót đệm chữ “Sinh”, ông là giám sinh triều Lê Thánh Đức, năm thứ ba. Kể đến, ông tổ đời thứ sáu là Nguyễn Sinh Trí mới mười bày tuổi đã đậu hiếu sinh. Đến năm ba tư tuổi ông đậu tam trường khoa thi Hội.”

z5444063511059-db53e7581864c159ed578f7a47f417df-1732716807.jpg
Làng Sen - Khu di tích Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn). Ảnh: Nguyễn Diệu

Họ Nguyễn Sinh giàu và có khoa cử đời ông tổ thứ năm, thứ sáu.

Đến đời thứ mười là Nguyễn Sinh Nhậm vẫn ở lại phường Phú Đầm, một phường nhiều đầm sen nhất Trại Sen. Ông Nguyễn Sinh Nhậm vào bậc trung lưu của làng Sen. Ông lập gia đình sớm nhưng hiếm con, khi sinh hạ được một người con trai tên là Nguyễn Sinh Trợ, tên chữ là Thuyết thì bà Nhậm chết. Ông Nhậm ở vậy nuôi con cho đến tuổi thành niên và lập gia đình riêng cho con trai rồi mới lấy vợ kế. Ông cưới bà Hà Thị Hy, một cô gái có tài hoa, nhan sắc bị quá lứa ở làng Sài, cùng một xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh với làng Sen. 

Hà Thị Hy là con gái một nghệ nhân nổi tiếng về ngón đàn đáy, đàn bầu. Nhà giàu có, thuộc loại nhiều ruộng nhất của làng Sài. Ông ham học chữ “thánh hiền” nhưng không màng chuyện thi cử. Trong nhà luôn luôn nuôi thầy dạy học. Năm ông đã hai thứ tóc còn nuôi cử nhân Hồ Sĩ Tạo dạy cho các con cháu và ông học thêm... 

Hy được cha yêu quý, truyền cho tất cả vốn hiểu biết về đàn, phách và ca trù. Cô lại còn có biệt tài về múa đèn... Nhiều bà con trong làng khâm phục tài múa đèn của cô đã goi cô là cô Đèn...

Khi ông Nguyễn Sinh Nhậm từ làng Sen đánh liều sang xin ăn hỏi cô Đèn, trai làng Sài họp lại bàn luận... Họ xót xa cho cô Đèn: Một người con gái tài hoa, nhan sắc nhất làng mà phải chịu cái “án treo” quá lứa, lỡ duyên, nay đi làm vợ kế của một người làng khác... 

Cô Hy về làm bạn với ông Nguyễn Sinh Nhậm được ít lâu thì sinh con trai. Ông Nhậm đặt tên cho con là Nguyễn Sinh Sắc..."

a11-3465474574578-1712202746-1732717764.jpg
Mộ cụ Hà Thị Hy trên núi Động Tranh, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862 tại Làng Sen, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An (nay là xóm Sen 2, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), trong một gia đình nhà Nho gốc nông dân, có truyền thống yêu nước và cần cù lao động.

Cha là Nguyễn Sinh Nhậm, mẹ là Hà Thị Hy.

Lên ba tuổi mồ côi cha, bốn tuổi mẹ qua đời, phải về ở với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Trợ.

Năm 16 tuổi, cụ được nhà Nho Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù (làng Chùa) nhận về nuôi dạy. Với bản tính hiếu học, thông minh nên cậu trở thành học trò giỏi có tiếng trong vùng.

Đến năm 22 tuổi (1883), cụ được nhà Nho Hoàng Xuân Đường gả cô con gái lớn là Hoàng Thị Loan. Lần lượt hạ sinh bốn người con: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh) và Nguyễn Sinh Xin (mất lúc nhỏ).

Năm Giáp Ngọ (1894) cụ đỗ cử nhân.

Năm Tân Sửu (1901) cụ đỗ Phó bảng và năm 1906 nhậm chức “Thừa Biện Bộ Lễ” và sau đó là Tri phủ lĩnh nhiệm Tri huyện Bình Khê, Bình Định.

z5444056548240-d34e8137c6edcb7460f1db5e2ac63bda-1732717040.jpg
Đền Chung Sơn - Đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh: Nguyễn Diệu

Trong thời gian làm quan, cụ tìm gặp và kết thâm giao với các nhà Nho yêu nước như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Vương Thúc Quý, Trương Gia Mô… Cụ luôn đứng về phía dân nghèo, trừng trị bọn cường hào ác bá. Vì vậy, từ vụ án một tên cường hào bị cụ bắt giam, sau đó thả về không lâu thì chết, cụ bị triều đình giáng cấp dưới hình thức “cải bổ kinh chức” (tức là đổi về làm quan tại kinh đô).

Từ quan, cụ đi vào các tỉnh phía Nam. Nam bộ là vùng đất mới phóng khoáng “trọng nghĩa khinh tài” nên cụ đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều thành phần. Ở những nơi cụ đến: Bình Thuận, Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp… và sang tận Campuchia để truyền bá tư tưởng yêu nước thương dân.

Những năm tháng cuối đời, cụ sống tại làng Hòa An, nay là xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Ngày 27/10 năm Kỷ Tỵ (1929) do bệnh già, sức yếu, cụ qua đời.

Cảm phục trước tấm lòng yêu nước, thương dân của cụ, người dân địa phương lúc bấy giờ dù đa phần còn rất nghèo, song vẫn chung tay lo an táng chu đáo tại miếu Trời Sanh, cạnh chùa Hòa Long.

Cuộc đời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một tấm gương sáng, có ảnh hưởng rất sâu sắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

468441388-1347656436602970-7301561419193977131-n-1732716470.jpg
Các đại biểu bày tỏ tấm lòng thành kính tại lễ giỗ lần 95 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là nhà khoa bảng vào đầu thế kỷ XX lúc mà xã hội Việt Nam đang trăn trở chuyển mình tìm phương hướng giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân.

Cụ là “một nhà nNho yêu nước theo kiểu riêng, chống Pháp không công khai mà lặng lẽ” như lời nhận định của thực dân Pháp.

Tư tưởng yêu nước thương dân của cụ đã được nâng lên đỉnh cao trở thành tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa yêu nước đấu tranh giải phóng dân tộc các nước thuộc địa bị áp bức trên toàn thế giới. 

Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã thành kính thắp nén tâm nhang, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp nhà Nho yêu nước, một lương y mẫu mực đã có công sinh thành, dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Đồng thời, nguyện hứa sẽ ra sức bảo vệ, giữ gìn và phát huy những di sản vô giá về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đoàn kết phấn đấu xây dựng quê hương Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An ngày càng phát triển giàu đẹp như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.