“Trên bãi biển đời ngao” - hay là vẻ đẹp của cái chết sống lại

Nhà thơ, TS. Phạm Đình Ân

11/10/2022 20:01

Theo dõi trên

Bài thơ “Trên bãi biển đời ngao” không chỉ phát hiện một cái đẹp mà còn bày tỏ nỗi niềm san sẻ của tác giả đối với số phận của cái đẹp ấy.

 

nha-tho-dinh-ngoc-diep-1665493112.jpg
Nhà thơ Đinh Ngọc Diệp

      Bài thơ “Trên bãi biển đời ngao” của Đinh Ngọc Diệp đăng trên Tạp chí Sông Lam số tháng 9/2022, nhưng tôi đã đọc khi ntác giả công bố trên trang facebook của mình. Đọc nhan đề, biết bài thơ nói về “đời ngao”. Ngao sống dưới biển, sát bùn cát. Nhiều nơi, người ta nuôi ngao trong ao, đầm nước mặn. Xác ngao, tức là vỏ của nó thảng hoặc vương vãi nơi bãi biển, xó vườn. Đấy là rác bỏ đi nhưng với nhà thơ lại là nguyên liệu của biển cho, do những thực khách dùng món thịt ngao, “hiến tặng” bộ vỏ.

       Không thể nói khác, mới đọc vào câu thơ đầu tiên, chúng ta thấy tác giả ngợi ca con ngao đã chết, nó hiến cho con người thân thể bên trong rồi để lại các xác vỏ bên ngoài. Nhưng ngao chết rồi lại sống trong thơ. Thơ dễ hay khi nói đến điểu khác lạ, phi lý chỉ bằng một lát cắt đời sống. Dẫu có về ao, đầm thì nó vẫn là ngao, chẳng qua chỉ được/ bị thay đổi môi trường từ đại dương vào đất liền; nếu xét về không gian hẹp thì nó vẫn nằm dưới bùn cát nước mặn.

       Thơ có sự so sánh giữa con ngao lúc đang sống và khi đã chết. Đó là những nghịch cảnh. Cái vỏ ngao bị vứt bỏ trong không gian chật hẹp nhưng lại cảm thấy mãn nguyện, được “ngự” ở xó vườn “tắm nắng”. Được xòe hai mảnh “như cánh bướm đậu. Thỏa thuê...”. Khi đã chết ngao được ung dung tự tại bao nhiêu, thì khi sống ngao cực khổ bấy nhiêu. Chẳng trách, thơ thốt lên có phần ai oán, ngậm ngùi: “...Chả bù cho lúc sống/ Hai mảnh đời ngao cắm mặt đáy bùn”. Quả thật, đời ngao thiếu đến cả từng tia nắng. Cho đến cái sự “thở” và “nhìn” của ngao cũng rất khác biệt - khác biệt ở sự khó khăn do cấu tạo của cơ thể (không bơi được như cá, không bò được như cua...) và do sống ở tầng đáy nước: Hoi hóp bóp mồm thả li ti chùm bong bóng nước/ He hé nhìn tia nắng lọc qua ao”.

      Tuy nhiên, điều tác giả muốn nói chính là vẻ đẹp của con ngao ở hai mảnh áo ngoài “rộn rực” vân nắng hiển lộ sức sống phồn thực của của phái đẹp, hồn nhiên phô bày khi đã thoát khỏi môi trường nước. Ngao khi sống cũng chỉ là một thời đoạn tạm thời, hữu hạn để vươn tới vẻ đẹp tinh thần dài lâu, để lại cho đời sau khi đã chết. Chỉ trẻ em và người có cảm năng thi sỹ mới thấy vỏ ngao đẹp khi liên hệ với vẻ đẹp khác trong tưởng tượng. Trẻ em dùng chính nó làm đồ chơi. Thi sỹ dùng hình ảnh về nó làm tứ cho bài thơ. Bài thơ đề cao cái đẹp của cái chết sống lại. Thời trang, vóc dáng của phụ nữ hiện đại được liên hệ với mảnh vỏ ngao, . Dù hiện đại đến mấy, vẻ đẹp của người phụ nữ hôm nay vẫn bắt nguồn từ cuộc sống nghìn năm dân dã làm ăn của con người. Cái đẹp mới lạ đến đâu cũng không thể ở bên ngoài thế giới tự nhiên và thế giới của con người.  

       Thân thể bên trong của con ngao không còn nữa, một phần vật chất của sự sống đã mất đi, nhưng một phần vật chất khác là cái vỏ ngoài vẫn còn lại, rất đẹp. Nó làm sống lại tinh thần của toàn bộ con ngao. Vả chăng, thơ nói về con ngao nhưng là phép ẩn dụ về con người...

doi-ngao-1665493219.jpg
Đời ngao, đời người. Ảnh: Internet

       Bài thơ “Trên bãi biển đời ngao” không chỉ phát hiện một cái đẹp mà còn bày tỏ nỗi niềm san sẻ của tác giả đối với số phận của cái đẹp ấy. Đời ngao là vậy, khi sống thì lẫn với bùn, cát, không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, khi chết đi lại sống mãi mãi bằng đôi cánh của đôi mảnh xác thân còn lại, lấp lánh, phản quang ánh trời. Bài thơ kết thúc bằng một thi ảnh đẹp, có sức ám gợi như một thông điệp:  từ mảnh vỏ chết, ngao bất ngờ hóa thân, phóng chiếu thành “áng mây chiều”, dồn lực giao cảm với nhân sinh“búng chùm tia nắng sót”

       Dưới đây là nguyên văn bài thơ “Trên bãi biển đời ngao”.

 

       TRÊN BÃI BIỂN ĐỜI NGAO 

 

                                       Thơ: Đinh Ngọc Diệp

              (Đăng Tạp chí Văn Nghệ Sông Lam - số tháng 9/2022)

 

Từ bể lên. Bỏ thừa một đại dương

Hai mảnh ngao ngự xó vườn tắm nắng

Như cánh bướm đậu. Thỏa thuê. Chả bù cho lúc sống

Hai mảnh khép đời ngao cắm mặt đáy bùn

 

Hoi hóp bóp mồm thả li ti chùm bong bóng nước

He hé nhìn tia nắng lọc qua ao

Cây trên bờ tư hữu đường vân nắng lận trong thớ gỗ

Vân nắng của ngao rộn rực vỏ ngoài câu nhử lòng ham

 

Hai mảnh vải người thỗn thện che hờ

Diễn thời trang xốn mắt nơi bãi tắm

Trẻ con nhặt niềm vui vứt ở xó vườn

Mượn áng mây chiều, lưỡi ngao búng chùm tia nắng sót...

 

          

Bạn đang đọc bài viết "“Trên bãi biển đời ngao” - hay là vẻ đẹp của cái chết sống lại" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn