Trung úy Phạm Hữu Thậm - Một người lính chiến trận và Anh hùng bị lãng quên

Cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm sinh năm 1945 tại thôn Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn (nay là phường An Phụ, thị xã Kinh Môn) tỉnh Hải Dương.

Nhập ngũ tháng 4 năm 1968, chỉ qua huấn luyện tân binh 2 tháng, đã cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam và được biên chế vào Đại đội 14, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Từ một chiến sĩ, trải qua nhiều trận đánh sống chết với kẻ thù vô cùng gan dạ và dũng cảm, anh lính Phạm Hữu Thậm đã trở thành Phó tiểu đoàn trưởng Quân sự, với quân hàm Trung uý.

d2qs2-1671207016.jpg

Thật hiếm có một cựu chiến binh nào như Trung úy Phạm Hữu Thậm, sau hàng chục năm đã trở về với cuộc sống đời thường, mà vẫn còn được cả đơn vị cũ và chính quyền địa phương nơi cư trú đồng thuận, nhất trí cao, cùng làm văn bản đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân: Sư đoàn 2 (Quân khu 5) có công văn đề nghị số 09/CV-ĐN, ngày 20/9/1996 gửi Bộ Quốc phòng, Cục Chính trị - Tổng cục Chính trị, Thường vụ Đảng uỷ Bộ tư lệnh Quân khu 5. Tám năm sau, từ ngày 17/8 đến ngày 20/9/2004, lần lượt thêm các văn bản để nghị của: Đảng uỷ và Uỷ ban Nhân dân xã An Phụ; Hội Cựu chiến binh xã An Phụ; Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kinh Môn; Đại đội 14 thuộc Trung đoàn Bộ binh 38; Đảng uỷ - Chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 38… Tất cả đều có cùng nội dung: Nhất trí đề nghị cấp trên và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Trung uý, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm!

d1qs1-1671207117.jpg
Chú thích ảnh

 

Nếu đọc bản thành tích tổng hợp của Trung úy cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm (ảnh trên) trong các văn bản đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân nêu trên, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên và khâm phục!

Theo một văn bản do Thượng tá, Sư đoàn trưởng Nguyễn Trung Thu, thay mặt Đảng uỷ và Chỉ huy Sư đoàn Bộ binh 2 ký ngày 20/9/1996, cho biết: Căn cứ báo cáo thành tích của Trung uý Phạm Hữu Thậm và các bản xác nhận của đồng đội cùng chiến đấu, trong 14 năm cầm súng, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm đã tham gia nhiều chiến dịch tiêu biểu, trong đó có Chiến dịch K700 Thượng Đức – Quảng Đà, tháng 3/1970; Chiến dịch giữ chốt Hòn Chiêng, tháng 5/1972... Tổng cộng, ông đã trực tiếp chiến đấu 127 trận đánh vô cùng dũng cảm, mưu trí, tiêu diệt tới 253 tên địch (trong đó có 145 lính quân đội Sài Gòn, 71 lính Mỹ và 30 lính Polpot). Phạm Hữu Thậm còn bắn rơi 19 máy bay (trong đó có 4 chiếc phản lực và 15 trực thăng). Trong chiến đấu và công tác, ông đã đựơc tặng thưởng tới 7 Huân chương Chiến công các loại, 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ’, 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay” cùng nhiều danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua” và “Chiến sĩ Quyết thắng”...

Trong đại thắng mùa xuân 1975, sau khi cùng đơn vị tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng, Phạm Hữu Thậm cùng đơn vị được điều đi chi viện cho lực lượng Hải quân giải phóng quần đảo Trường Sa. Ông đã xung phong cùng đồng đội bí mật lên tàu vượt biển, trực tiếp cùng bộ đội Đặc công nước tham gia các trận đánh và lần lượt giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca và Nam Yết. Trong đội hình chiến đấu của Đại đội Phòng không 14, Tiểu đoàn Bộ binh 4, ông đã phải chứng kiến rất nhiều đồng đội hi sinh… Khi quần đảo Trường Sa đã hoàn toàn được giải phóng, Phạm Hữu Thậm đã được giao nhiệm vụ làm Chính trị viên đảo Sơn Ca trong 3 tháng. Tiếp đó, ông đảm nhiệm trọng trách làm Đảo phó Song Tử Tây đến hết tháng 8/1976 mới vào đất liền và được điều động bổ sung về Lữ đoàn 126 của Bộ Tư lệnh Hải quân…

Chưa hết, sau khi chiến tranh biên giới phía Tây Nam nổ ra, tháng 12/1978 Phạm Hữu Thậm lại được điều động đi làm nhiệm vụ quốc tế tại mặt trận mới này. Ông đã cùng đơn vị lên tàu từ Cần Thơ, vượt biển và đổ bộ lên phía nam đảo Phú Quốc, rồi hành quân bộ lên phía bắc đảo. Tại đây, đơn vị ông cùng các Tiểu đoàn 862, 863 và 864 lên 4 tàu VCF (tàu há mồm) đổ bộ lên Tà Lơn (Campuchia), tấn công truy kích địch tới sát biên giới Thái Lan, liên tục tham gia hàng chục trận đánh ác liệt, mãi tới tháng 7/1979 mới được lệnh rút về nước…

Tháng 1/1982, do sức khoẻ yếu, Trung uý Phạm Hữu Thậm đã được Quân đội cho nghỉ chế độ mất sức của bệnh binh. Thực ra trong chiến đấu ông đã bị thương rất nhiều lần, nhưng người làm chế độ chính sách trong đơn vị hồi đó nói: Nếu hưởng chế độ Thương binh, thì sẽ không có chế độ bệnh binh mất sức hằng tháng nữa. Ông đã tặc lưỡi chọn “mất sức” cho xong. Và hiện Trung uý cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm được lĩnh khoản tiền 2.840 đồng mỗi tháng (mới được tăng thêm, trước đây chỉ hơn 2 triệu). Đó cũng là khoản tiền cả hai vợ chồng già phải chi tiêu tằn tiện, ăn uống chủ yếu là rau cháo và chữa bệnh qua ngày…

Để viết Lời tựa giới thiệu cho cuốn sách này, chúng tôi đã trực tiếp về thôn Huề Trì (phường An Phụ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) 2 lần, xác minh tư liệu, trò chuyện với tác giả Phạm Hữu Thậm và những người thân trong gia đình ông. Đó là một ngôi nhà 5 gian kiểu cũ, phía trước vẫn nguyên kiểu cửa bức bàn, nhưng mái đã thay bằng loại ngói tây. Theo cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm cho biết, thì ngôi nhà có từ thời ông bà nội mình để lại, đã hàng trăm năm tuổi. Đầu thế kỷ trước, khi quân Pháp đến đóng bốt ở Kinh Môn, chúng đã cho lính đến lột mái nhà ông đi làm bốt, nên nóc phải đặt lại. Do quá lâu không được tu sửa, nên ngôi nhà đã hư hại và xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi trời mưa gió là bị giột tứ bề, nước chảy lênh láng. Mà nền nhà vẫn còn là nền đất, chưa có điều kiện lát gạch, nên luôn ẩm thấp và mọc đầy rêu. Thậm chí, gian buồng để thóc lúa và đồ đạc lặt vặt được xây bằng gạch thô, vẫn còn chưa trát hết vữa. Đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá, ngoài một chiếc tivi đã cũ. Khách vào chơi, vì không có bàn ghế uống nước, ông Thậm thường rải chiếu và mời mọi người ngồi… xuống đất.

Khác với viết thư, trình độ đòi hỏi không cao, vì kể cả những người không biết chữ cũng có thể nhờ người khác viết thư hộ mình. Nhật ký thì không ai có thể viết hộ ai và đòi hỏi người viết phải có một trình độ văn hoá, khả năng diễn đạt câu chữ nhất định. Ngoài ra, người viết Nhật ký còn cần phải có cả sự bền bỉ, đều đặn, kiên trì ngày này qua ngày khác… Trước khi nhập ngũ và lên đường vào Nam chiến đấu, Trung uý cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm chỉ có trình độ văn hoá lớp 4. Vậy ông đã thể hiện bản thảo cuốn nhật ký này như thế nào? Thật may mắn, là những ngày ở chiến trường, Phạm Hữu Thậm có thói quen ghi chép vắn tắt hoạt động của mình và anh em trong đơn vị vào một cuốn sổ tay. Khi có thời gian rảnh rỗi, ông viết bổ sung thêm nhiều chi tiết cụ thể cho những sự vật và hiện tượng mình đã chứng kiến. Đó là tư liệu vô cùng quý giá, cộng với trí nhớ “trời cho” để ông có thể hoàn thành “Lính chiến” sau này.

Nhật ký là một thể loại rất riêng tư, được viết đều đặn hàng ngày. Sổ tay nhật ký là một người bạn tâm giao, thân thiết cho người viết giãi bày, tâm sự thật nhất những chuyện buồn vui, mà họ không thể nói cùng ai… Do công việc chuyên môn và cơ duyên, tôi đã có may mắn được đọc hàng trăm cuốn sổ tay nhật ký của các Liệt sĩ, Thương binh, Cựu chiến binh… Nhưng chưa thấy có tác phẩm nào, mà ngoài việc ghi ngày, tháng, năm cụ thể, lại còn thêm cả hồi mấy giờ, buổi (sáng, trưa, chiều, tối) chi tiết như với “Lính chiến”!

Về các ký tự viết tắt, thường trong Quân đội người ta viết: A là Tiểu đội; B là Trung đội, C là Đại đội, D là Tiểu đoàn, E là Trung đoàn… Tuy nhiên, do thói quen, nhiều đoạn tác giả Phạm Hữu Thậm dùng cả ký “C” và “Làng” để chỉ cấp Đại đội và ký tự “K” để chỉ cấp Tiểu đoàn. Tôn trọng văn bản gốc của tác giả, khi biên soạn chúng tôi vẫn để nguyên các ký tự này. Ví dụ, khi bạn đọc thấy ghi “Làng 4.K8”, thì cần hiểu đó là: “Đại đội 4, Tiểu đoàn 8”.

Trong bản thảo của mình, tác giả Phạm Hữu Thậm chỉ đề tên những địa danh và năm tháng chữ in hoa làm tít phụ. Khi biên soạn, chúng tôi đã cố gắng đặt thêm một số tên (tít phụ) cho từng phần (như dạng Chương – Hồi) theo nội dung trong nhật ký. Đồng thời, chúng tôi còn giúp tác giả ngắt xuống dòng và gạch ngang nhấn mạnh nhiều đoạn đối thoại của nhân vật, để bạn đọc dễ theo dõi và tiếp cận tác phẩm.

Sẽ là thiếu sót, nếu chúng tôi không nhắc đến vai trò của bà Dương Thị Gái (sinh 1944) vợ của Cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm. Đó là một người phụ nữ đặc biệt. Bà không chỉ thay chồng nuôi con, gánh vác công việc gia đình trong những năm tháng khó khăn, mà đặc biệt còn giúp ông lưu giữ các kỷ vật ông mang về từ chiến trường. Sau những ngày mưa, trời có nắng, bà Gái lại mang những Huân chương, Chứng nhận Dũng sĩ, Bằng khen, Giấy khen và những văn bản, ghi chép xác nhận của đồng đội đơn vị cũ của chồng ra phơi nắng cho đỡ ẩm mốc. Phơi xong, bà cẩn trọng xếp từng thứ cuộn lại và cho vào túi ni nông buộc kỹ, treo lên cột nhà…

Ông bà Phạm Hữu Thậm và Dương Thị Gái sinh được 4 người con, gồm 2 trai và 2 gái. Con trai đầu là Trung tá Phạm Hữu Trí (1964 - 2011) không may bị bệnh mất sớm khi còn đang trong quân ngũ. Anh con thứ là Phạm Hữu Tuấn (sinh 1966) xung phong nhập ngũ khi chưa đầy 16 tuổi, được biên chế vào Lữ đoàn 126 Hải quân trong 3 năm 6 tháng thì xin ra quân, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Thời trẻ, Phạm Hữu Thậm nổi tiếng là người cao to và đẹp trai. Ông có nước da trắng, lại cao tới 1m75, quần áo toàn mặc số ngoại cỡ. Khi vào chiến trường, anh bộ đội miền Bắc tên Thậm có dáng người, gương mặt và giọng nói rất dễ thương, nên thường được các cô gái trẻ có cảm tình ngay từ lần gặp đầu tiên. Ngoài người vợ chính thức là bà Dương Thị Gái ở quê nhà Kinh Môn (Hải Dương), sự trung thực của nhật ký “Lính chiến” còn cho chúng ta biết những mối tình rất đẹp của Cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm trong chiến trường với các cô gái: Ka Liêng, Hai Lợi, Akay, Chín Thương, Bảy Lanh… Mỗi người ở một vùng đất khác nhau, trong một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều có chung một điểm: Đó là những tình cảm rất thật của Con người với Con người. Tình yêu chỉ có thể nảy sinh, khi đã vượt qua sự sống và cái chết trong chiến tranh!

Chỉ xin được ví dụ, giới thiệu tóm tắt hai mối tình tiêu biểu:

Một là, mối tình của anh bộ đội Thậm với Ka Liêng, một cô gái người dân tộc Vân Kiều ở bản Bà Lừa, xã Ka Bốc. Cô không chỉ là một Xã đội trưởng, mà còn là “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Thậm đã có công cứu sống Ka Liêng bị thương trong rừng do trúng pháo địch, rồi băng bó, tiêm thuốc, cáng thương đưa về tận nhà. Sau đó, anh lại cùng Ka Liêng cứu thoát người cha của cô khi ông đã bị thám báo Mỹ bắt. Để “tạ ơn ân nhân”, ông bố đã quyết định gả con gái mình cho bộ đội Cụ Hồ đẹp trai, mà không lấy lễ vật gì. Họ đã cùng cầu Giàng làm lễ kết hôn, trước sự chứng kiến của Trưởng bản và dân làng, vào tháng 6 năm 1970.

Hai là, mối tình của anh bộ đội Thậm với Akay, một cô gái người Cơ Tu ở Bản Hiệp trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đó là vào tháng 4 năm 1971, sau trận đánh ấp Hoà Nha, Thậm bị lạc đường, rồi bị cảm sốt thập tử nhất sinh mê man không biết gì. Cha con Akay đã khiêng anh về cứu chữa suốt một tuần liền. “Từ cõi chết trở về”, Thậm đã đồng ý ở lại trên rừng Trường Sơn làm “con rể” để cùng cha con Akay đánh giặc. Anh hết sức ngạc nhiên khi biết Akay cũng là một “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Ở địa phương này, cô còn là Bí thư Chi bộ, kiêm Chính trị viên xã đội. Hơn thế, Akay đã từng mơ được cùng Đoàn đại biểu Anh hùng chiến sĩ thi đua miền Nam ra Hà Nội thăm Bác Hồ, giấc mơ chi tiết và thật vô cùng… Vậy là, sau một trận đánh thắng Mỹ, Akay và Thậm đã được cả Ban lãnh đạo xã và Đội du kích làm lễ cưới trang trọng trong rừng sâu…

Để cuốn sách "Lính chiến" từ bản thảo trở thành tác phẩm đến được với bạn đọc, là nhờ sự chung tay góp sức của rất nhiều người: Kỹ sư Nguyễn Nho Thoáng gõ vi tính; Đại tá cựu chiến binh Nguyễn Văn Chi hiểu chỉnh thông tin và tư liệu; Đại tá cựu chiến binh Lương Văn Khánh kết nối chúng tôi gặp nhau; Nhà văn cựu chiến binh Lê Hoài Nam "nhuận sắc" cho tác phẩm...

Khi nhận được bản thảo này, tôi cũng như Nhà văn cựu chiến binh Lê Hoài Nam đã đọc say sưa và khẳng định: Càng về cuối lại càng hấp dẫn hơn. Nó rất xứng đáng được in thành sách! Chúng tôi có cùng cảm nhận: Đây không phải là chuyện văn chương mà là chuyện đời! Những câu chữ đã vượt qua khuôn khổ của một tác phẩm văn học thông thường. Cuốn sách đã chuyển tải tới người đọc rất nhiều thông tin trung thực về những người lính đã sống và chiến đấu tại chiến trường Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ như thế nào. Sự trung thực đến trần trụi về cuộc sống và những những trận chiến đầy máu và nước mắt: Những trận đánh kéo dài hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác và năm này qua năm khác, lần lượt hiện lên qua từng trang nhật ký đầy máu và nước mắt. Đó thật sự những khúc ca bi tráng của người lính tại chiến trường, nhưng lại có trong “Lính chiến”. Sẽ không có một nhà văn nào hư cấu được, dù trí tưởng tượng của anh ta có phong phú tới đâu!

Cũng cần phải nói rõ: Nguyên tên gốc bản thảo cuốn sách này là “Trung uý Phạm Hữu Thậm 14 năm trong cuộc đời binh nghiệp”. Tựa sách "Lính chiến" là do tôi (Đặng Vương Hưng) cùng Nhà văn Lê Hoài Nam bàn bạc và cân nhắc. Chúng tôi đã quyết định chọn tên sách như thế, là bởi những văn bản hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lương vũ trang nhân dân cho Trung úy Phạm Hữu Thậm đã có từ thế kỷ trước, nhưng chúng có thể đã bị lãng quên, hoặc khuất lấp ở đâu đó? Có thể trong mấy chục năm qua, người đời đã tạm thời lãng quên thành tích của Trung úy Phạm Hữu Thậm. Và thậm chí chính ông cũng có thể đã lãng quên những chiến công của mình, bởi đã ở độ tuổi 80, theo quy luật của tạo hóa, thì nhớ nhớ quên quên cũng là chuyện bình thường...

Đôi khi, người ta có thể lãng quên những chuyện buồn vui của riêng ai đó. Nhưng lịch sử và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc thì không ai được phép quên lãng! Và dù chưa được Nhà nước phong tặng, nhưng từ lâu Trung uý Phạm Hữu Thậm đã thật sự là một Người Anh Hùng trong lòng đồng đội! Bởi thế, Câu lạc bộ “Trái tim Người lính” phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức bản thảo và ấn hành cuốn sách này bằng nguồn kinh phía xã hội hoá, không ngoài mục đích “Kết nối và chia sẻ - Tôn vinh và tri ân” một cựu chiến binh đã có công với đất nước; một Người Anh Hùng thầm lặng, như bao người lính đã hi sinh tuổi thanh xuân và cả xương máu của mình để có cuộc sống hoà bình hôm nay.

Hải Dương – Hà Nội, tháng 12 năm 2022

Đ.V.H
Trái tim người lính