Sau “Ngang qua bình minh (NXB Văn học, 2020) với chủ đề về chủ quyền biển, đảo và “Chư Tan Kra mây trắng” (NXB Hội Nhà văn, 2021) - chủ đề tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thì “Hồi sinh” là tập trường ca thứ ba của nhà thơ Lữ Mai.
Nguồn cảm hứng để tác giả sáng tác trường ca này chính là hiện thực đời sống bộn bề với đầy những khó khăn, thách thức khi dịch bệnh Covid bùng phát. Tác giả đã tích lũy sự quan sát, suy ngẫm và sáng tạo trong khoảng hơn một năm để hoàn thành bản thảo và in ấn tập sách đúng mùa xuân năm 2022.
Điều đặc biệt là một số trích đoạn trong bản thảo trường ca “Hồi sinh” khi tác giả gửi tham dự các cuộc thi thơ đã đoạt nhiều giải thưởng. Cụ thể, chùm tác phẩm “Trong chuỗi ngày Sài Gòn”, “Tiếng Saxophone đêm tháng bảy” đoạt giải Ba cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2021; chùm tác phẩm “Hồi hương”, “Thư gửi mẹ từ chốt trực” và “Hồi sinh” đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên phối hợp Kênh VOV6-Đài Tiếng nói Việt Nam và Quán Chiêu Văn tổ chức.
Bằng ngôn ngữ thơ ca giàu cảm xúc, trường ca “Hồi sinh” tái hiện nhiều câu chuyện xúc động, ám ảnh người đọc mãnh liệt trong bối cảnh, thời điểm toàn xã hội gồng mình chống dịch. Đó là hình ảnh những em nhỏ không được đến trường, việc học hành, vui chơi diễn ra giữa bốn bức tường trống trải. Đó là hình ảnh đầy xúc động đội ngũ tuyến đầu chống dịch phải hy sinh hạnh phúc cá nhân cùng người bệnh giành giật từng hơi thở, sự sống. Giai điệu đêm tháng bảy cất lên từ khoảng sân bệnh viện mà các nghệ sĩ mang đến đã xoa dịu nhiều đau đớn, mất mát… Đó còn là nỗi ám ảnh của những cuộc hồi hương với đoàn người nối nhau rời phố thị, hương khói tỏa quanh những bàn thờ vọng mà tất cả những người con đang ở tuyến đầu chống dịch không thể về chịu tang cha mẹ. Cuối cùng là tiếng gọi thiết tha của tình người, sự sống, niềm tin cho những ban mai yên bình trở lại.
Mỗi chương được kết nối bằng những khổ thơ viết dạng đồng dao có tên chung là “Đồng dao của giấc mơ” mang đến hình dung về hình ảnh, thanh âm của trẻ con đang vui đùa, nhảy nhót, hồn nhiên bước qua những biến động của cuộc sống.
Tập trường ca “Hồi sinh” được thương hiệu Galle Watch đồng hành tài trợ. Đây cũng là thương hiệu từng tài trợ kinh phí in ấn cho tập sách “Nơi đầu sóng” của nhóm tác giả Lữ Mai - Trần Thành. Ông Bùi Tuấn Minh, đại diện thương hiệu cho biết: “Chúng tôi quyết định đồng hành cùng tác giả vì nhận thấy đây là một tác phẩm văn học có giá trị về cảm xúc, toát lên tinh thần nhân văn, sức sống mãnh liệt của con người trong cơn biến động. Cùng với đó là việc làm ý nghĩa của tác giả khi quyết định dành phần lớn doanh thu phát hành để ủng hộ trẻ em mồ côi, chịu hậu quả nặng nề do Covid. Đây là tình cảm cần được chia sẻ, lan tỏa để góp phần xoa dịu những đau thương, mất mát”.
Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ: “Tôi thực sự xúc động khi đúng vào mùa xuân này được chào đón đứa con tinh thần, là tập trường ca thứ ba. Ngoài cảm xúc, ám ảnh về thời covid, tập sách được ấp ủ, ra đời bằng chính niềm thương xót và dằn vặt của tôi trước thực tế, hậu quả mà đại dịch Covid-19 đã gây ra cho cuộc sống, con người, để lại những dư chấn khủng khiếp. Điều khiến tôi cảm thấy dằn vặt nhất đó là bản thân mình chưa làm được điều gì đáng kể để sẻ chia nhiều hơn, theo những gì tôi mong muốn với tuyến đầu chống dịch, với mọi người, đặc biệt là trẻ em. Đó cũng là lý do tôi viết nên những trang viết mang đậm tinh thần tưởng nhớ, tưởng niệm, sẻ chia để tiếp tục lan tỏa tinh thần sống và hy vọng. Bắt nguồn từ niềm trăn trở ấy, tôi quyết định trích một phần doanh thu phát hành ủng hộ các trường hợp trẻ em mồ côi, chịu hậu quả nặng nề do Covid-19 và một phần cho các hoàn cảnh trẻ em khó khăn thông qua tổ chức Vicaris”.
* Chương 1: Những đứa trẻ
Trong chương mở đầu trường ca, tác giả tập trung xây dựng hình ảnh, không gian và tâm lý, tình cảm của trẻ em thời Covid mỗi ngày làm bạn với màn hình máy tính, điện thoại, đồ chơi… giữa “sáu bức tường hộp diêm bức bối”. Những câu thơ gây xúc động bởi vẻ đẹp trong sáng của thế giới trẻ thơ và cả sự ngây ngô, buồn rầu chan chứa khi không được đến trường, vui chơi cùng thiên nhiên, bạn bè mà phải leo lên xe cấp cứu, bước vào khu cách ly.
Trích đoạn:
“Sáu bức tường lành lạnh
ấm dần lên nhờ đứa trẻ ngoan
không kêu than
không khóc lóc
im lặng xếp hàng
cùng đàn thú bông
- này em gấu, đây bao lì xì đỏ
Tết năm này ông bà gửi cho anh
anh phần nhỏ, nhường em phần lớn
mình đi mua thóc gạo để dành
- em khỉ ơi, bánh kẹo và quả ngọt
bày ra chúng mình cùng ăn
nói gì đi sao các em im lặng
nhà đã vắng những bức tường câm, vắng”.
* Chương 2: Khoảng trống
Nội dung viết về tuyến đầu chống dịch với hình tượng chính là đội ngũ y-bác sĩ từng giây từng phút chăm sóc bệnh nhân Covid-19 với những chi tiết xúc động: Các nữ y-bác sĩ cắt đi mái tóc dài, ôm ấp trẻ sơ sinh nhiễm Covid nhớ tới con thơ ở nhà ngóng mẹ, những đêm bệnh viện dằng dặc hun hút trước bao nỗi mất mát, chờ trông và quyết tâm giành sự sống cho bệnh nhân.
Trích đoạn:
“Áo blouse ướt đẫm
mồ hôi hòa nước mắt trộn sữa non
cô y tá ôm em bé vào lòng
như ôm chính con mình đang ở nhà vào ra ngóng mẹ
cô vừa cắt đi mái tóc dài
mênh mang trên đầu khoảng trống
như bão gió ngày mai lồng lộng
vừa cứu chữa bệnh nhân vừa cúi đầu khâm liệm
nước mắt khô
nghẹn tắc nỗi đau…”
* Chương 3: Giai điệu đêm tháng bảy
Bắt nguồn từ những đêm nhạc được các nghệ sĩ khắp cả nước biểu diễn trong bệnh viện động viên bệnh nhân, y-bác sĩ, người nhà bệnh nhân… tác giả đã có những dòng thơ tri ân tấm lòng, vẻ đẹp của người nghệ sĩ, mang âm nhạc đến bệnh viện bằng tấm lòng nhân hậu với sự xoa dịu, an ủi lớn lao. Âm nhạc như đôi cánh chắp nối niềm tin, hy vọng và cả sự giải thoát con người khỏi sự bức bối, khủng hoảng trong cuộc chiến chống Covid.
Trích đoạn:
“Tiếng kèn loang đêm tháng bảy
sỏi đá cũng mềm
đèn đường gục đầu tưởng niệm
ai biết bão giông nào là trận cuối cùng
tim người rưng rưng nhói lên
nước mắt lân tinh mềm gối mỏng
âm nhạc bay trên những hoang tàn
bằng đôi cánh trong ngần mây trắng…”
* Chương 4: Ký ức phố
Những con phố bỗng dưng cảm giác rộng dài, thênh thang vì thiếu vắng người xe qua lại, chỉ tiếng còi cấp cứu hú vang là hình ảnh quen thuộc trong giai đoạn giãn cách xã hội đã đi vào thơ với sự cảm nhận sâu hơn, rộng hơn khi đời sống đã thực sự thay đổi, đảo lộn. Vẻ đẹp của sự tấp nập ngược xuôi chỉ còn trong ký ức. Sự vắng lặng ẩn chứa nhiều nguy cơ, hiểm họa khiến con người khát khao được trở lại trạng thái bình thường dù phải đối diện bao khó khăn, chật vật.
Trích đoạn:
“Áo bảo hộ ngả lưng phồng rộp
từng mảng da yếm khí chật căng
miếng cơm chưa kịp nuốt
còi cấp cứu hú vang
máu về tim dốc ngược
phố vắng người phố dài phố rộng
thênh thang ngang dọc bất an
người và phố đều vật vờ mơ ngủ
mỗi buổi tan tầm
mỗi lần thẫm lối
người xa người ánh nhìn vồi vội
ý nghĩa phòng ngừa
hoen gỉ
lạ chưa…”
* Chương 5: Hồi hương
Hình ảnh những đoàn người nối nhau rời bỏ thành phố, chất lên từng chuyến xe cả một “gia tài” mưu sinh với nồi xoong, chăn chiếu, chó mèo… ăn ngủ ven đường, dựa vào nhau qua cơn khốn đốn đi vào thơ đầy ám ảnh, xót thương và lay động. Không chỉ cảm thương đoàn người thất thểu trở về từng miền quê, mà nỗi xót đau còn lặn sâu khi những miền quê được ví như người mẹ nghèo vẫn cố sức gánh gồng, an ủi và che chở những đứa con.
Trích đoạn:
“Nơi ta từng cố vẫy vùng vượt thoát
nơi thóc nghẹn mầm, gạo mốc tràn chum
sân xanh rêu, đất phèn ngập mặn
những nếp nhà xiêu vặn bóng sông chiều
dứt áo ly hương lại thập thững quay về
quên phận mình khỏa chân trời tối sáng
từng đoàn người rã vào đêm loạng choạng
rã vào đêm tiếng thở dài của mẹ
chờ con xa phấp phỏng muộn phiền…”
* Chương 6: Bàn thờ vọng
Như một niềm tri ân, tưởng niệm trước bao mất mát, hy sinh mà con người phải chịu đựng trong đại dịch. Khắp Tổ quốc đã có biết bao người con ở tuyến đầu chống dịch là các y-bác sĩ, chiến sĩ công an, bộ đội… quỳ trước bàn thờ vọng vì trong điều kiện hoàn cảnh đặc biệt không thể về chịu tang cha mẹ. Đó là một nỗi đau, một ám ảnh khôn nguôi còn mãi tới những ngày tháng sau này.
Trích đoạn:
“Những đứa con mất mẹ, mất cha
cháu mất ông bà, anh em lìa đôi ngả
khói hương nghi ngút
mặt người hun hút
gạt đau thương ai biết ngày về
bàn thờ vọng không khiến người thanh thản
khóm cúc tàn sang đêm tháng bảy
mùi hương thay người nói chuyện khổ đau
trái bưởi trái cam sót lại vườn sau cơn bão
bồng bế chiêm bao gửi bước mưa rào…”
* Chương 7: Đi hay ở?
Tự sự, băn khoăn, dằn vặt của con người trước những cuộc chuyển dời ngoài suy nghĩ. Đi cùng với đổi thay là mất mát, đau đớn, hy sinh. Điều quan trọng nhất, trong chính giai đoạn khó khăn, bi kịch nhất, con người đã chọn cách trở về cũng như sự hy sinh, để những gì đẹp đẽ, nhân văn nhất được ở lại, lan tỏa thành giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Trích đoạn:
“Nắng vẫn vàng sáp ong
hoa vẫn nở
trên những nấm mồ
tiếng trẻ thơ thay kinh cầu tịnh độ
hoa hồng đỏ tặng người ở lại
góc phố rộng dài trong tiếng xôn xao
bình yên tỏa vào cánh hoa đang ngủ
vào em bé đang mơ
vào người đàn bà đi chợ
những mắt nhìn đã hết thờ ơ…”
* Chương 8: Gọi
Đó như một âm vọng thiết tha khởi nguồn từ nỗi niềm, bi kịch, số phận, đau đớn… vọng về đời sống thường nhật bằng tin yêu, hy vọng, sức sống bền bỉ của con người, vạn vật. Chương khép lại trường ca căng tràn vẻ đẹp mới của cuộc sống, con người sau chuỗi tháng ngày đầy ảm đạm. Giá trị nhân văn được thể hiện đậm nét trong chương này làm nên vẻ đẹp tươi sáng, lấp lánh, vững bền. Đó cũng là giá trị của văn hóa, con người Việt Nam được thể hiện qua nhiều giai đoạn thằng trầm của lịch sử, xã hội.
Trích đoạn:
“Hương nến đã thơm mùi của gió
bước chân quen ấm tràn chân cỏ
tươi thắm vô hình vương bông huệ không tên
nhịp tim trẻ lại
vết sẹo ửng hồng
xuân này thược dược tỏa bừng xác pháo
ai hát lý qua cầu
cù lao xanh từ câu hát
cơn gió nồm đẫm rặng tóc tiên
ánh mắt êm êm mùa quả chín
hương đất hương trầm ngọt lịm
vòm trời lấp lánh tươi trong…”
____________o0o____________
Liên hệ tác giả:
Điện thoại: 0973 511 299
Email: luthimai@gmail.com
Xin trân trọng cảm ơn!