Vài suy nghĩ từ hội thảo: “Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam dân tộc, hiện đại”

Văn học, nghệ thuật  là lĩnh vực nhạy cảm và tinh tế. Vì vậy,  những biến động, thay đổi của chính trị,  kinh tế, văn hóa... đã trực tiếp hoặc gián  tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của văn  học, nghệ thuật và âm nhạc. 

          hoi-thao3-1620441412.jpg

Sức mạnh của văn học nghệ thuật,  thi ca, âm nhạc đã được các nhà văn,  nhà thơ, nhạc sĩ nhiều thế hệ tiếp lửa và kết nối từ quá khứ, hiện tại cho tới tương lai... Nhìn lại dòng chảy của âm  nhạc, chúng ta thấy rõ dấu ấn của từng giai đoạn lịch sử được ghi dấu bằng những tác phẩm có giá trị nghệ  thuật, giá trị lịch sử, văn hóa và nhân  sinh. Tạp chí Văn hóa và phát triển trích giới thiệu bài tham luận của Nhà Lý  luận Phê bình Trần Lệ Chiến tại cuộc  hội thảo "Xây dựng hệ giá trị Văn học  Nghệ thuật Việt Nam dân tộc, hiện đại".

Khái niệm “Nghệ thuật vị nghệ thuật  - Nghệ thuật vị nhân sinh”, đòi hỏi  người nghệ sĩ sáng tạo phải biểu  đạt được tận cùng thần thái, hồn cốt của tác phẩm với một cái tâm trong sáng.  Một tác phẩm nghệ thuật đích thực là  sự cống hiến những giá trị đỉnh cao cho  người thưởng lãm, nó khơi gợi cảm xúc, khiến cho người thưởng thức thăng hoa - khi đó, nghệ thuật sẽ được tôn vinh. Ngay từ sớm, cùng với văn học, nghệ  thuật, chúng ta đã có một nền âm nhạc Việt Nam đồng bộ và phát triển từ âm nhạc dân  gian cổ truyền (nhạc hát - nhạc đàn); âm  nhạc Cung đình; Âm nhạc chuyên nghiệp bác học (thanh nhạc - khí nhạc). Điều đó  được minh chứng bởi dù âm nhạc ra đời  trong thời chiến hay thời bình, trong xây  dựng và bảo vệ Tổ quốc; những thay đổi, biến chuyển bởi thể chế chính trị khác nhau  qua từng thời kỳ và những đòi hỏi của sự  phát triển, hội nhập, song nhìn chung, văn  học nghệ thuật, âm nhạc vẫn đang làm tốt vài trò kết nối và cũng cho thấy giá trị bất  biến đối với tác phẩm vượt thời gian không  tách rời khỏi khái niệm nội hàm “Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh”. Đề cương văn hóa (1943), Trung ương Đảng  xác định đường lối, nhiệm vụ của nền văn  hóa cách mạng, coi văn hoá văn nghệ thực sự trở thành một bộ phận uan trọng trong công tác tư tưởng - văn hoá, tạo nên sức  mạnh đoàn kết, tập hợp đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, tham gia vào cuộc đấu  tranh giành độc lập dân tộc với khẩu hiệu:  “Dân tộc - Khoa học và Đại chúng”. 

Chính sách mở cửa đã tạo tiền đề cho  giao lưu văn hóa, âm nhạc trở nên gần  gũi. Nhiều nghệ sĩ, dàn nhạc quốc tế tới  Việt Nam cũng như nhiều đoàn nghệ sĩ  Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn, giao  lưu, trao đổi văn hóa cho thấy sự quan  tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự  phát triển của âm nhạc Việt Nam thường  xuyên và liên tục, bám sát thực tiễn đất  nước, tinh thần dân tộc,tình yêu quê  hương, với những phát hiện mới mang  giá trị thẩm mỹ, nhân văn, góp phần xây  dựng con người mới. 

Mặc dù, thực tiễn phát triển và hội  nhập của xã hội cho thấy, các giá trị truyền  thống đã ít nhiều có những chuyển dịch cơ  bản; xuất hiện những cái mới - tiềm năng  và những vấn đề nảy sinh đối với các giá  trị mới. Nhiều người đặt câu hỏi: “Có hay  không thực trạng thiếu chuẩn mực, thậm  chí hỗn loạn giá trị?”, nhất là trong lĩnh  vực văn học nghệ thuật?... 

Chúng ta đều hiểu, văn học, nghệ thuật  là lĩnh vực nhạy cảm và tinh tế. Vì vậy,  những biến động, thay đổi của chính trị,  kinh tế, văn hóa... đã trực tiếp hoặc gián  tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của văn  học, nghệ thuật và âm nhạc. 

Nghị quyết Trung ương V, khóa VIII  của Đảng về “Xây dựng và phát triển  nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà  bản sắc dân tộc” ra đời, được coi là một  bước “đột phá” chiến lược văn hóa của  Đảng trong thời kỳ đổi mới. Tiếp đó,  Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp  tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ  thuật trong thời kỳ mới” (2008) và Nghị  quyết 33 của Trung ương Đảng khoá  XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá,  con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu  phát triển bền vững đất nước” (2014) là  những bước đi quan trọng khẳng định  quan điểm, đường lối văn hoá văn nghệ  của Đảng ở thời kỳ mới. Coi văn hóa là  nền tảng tinh thần của xã hội cùng với  chính trị, kinh tế để phát triển đất nước;  văn học nghệ thuật vẫn là mũi nhọn xung  kích trên mặt trận tư tưởng - văn hoá. 

Như vậy, về đường lối, chủ trương,  chính sách về văn hóa văn nghệ rất căn  bản và rõ ràng. Vậy, tại sao đâu đó vẫn  nảy sinh những tiêu cực, những bất ổn  trong công tác quản lý, điều hành, trong  hoạt động sáng tạo, quảng bá tác phẩm? -  theo tôi nghĩ, đó là yếu tố con người. Lĩnh  vực Văn học Nghệ thuật không chỉ đòi hỏi  lãnh đạo chủ chốt của ngành cần phải là  một nhà tri thức có kiến thức uyên thâm ở  nhiều lĩnh vực về văn học, nghệ thuật, âm  nhạc thì bản thân bộ phận tham mưu cũng  phải đòi hỏi là những người có trình độ am  tường sâu rộng về lĩnh vực văn học nghệ  thuật thì mới có thể đưa con thuyền văn  học nghệ thuật dong buồm ra khơi trong  gió lộng. Sự thật về “Hãng phim truyện  Việt Nam” đáng giá "không" đồng như  phản ánh của báo chí cho thấy trình độ  quản lý hạn chế và cả tình trạng thiếu giải  pháp khả thi của ngành Văn hóa khi triển  khai những quyết sách của Đảng và Nhà  nước đối với Văn học Nghệ thuật chưa  được coi trọng... 

Nghệ thuật là sự sáng tạo, muốn thúc đẩy nghệ thuật phát triển  chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt trong sáng tạo mang bản thể  của cá nhân. Tuy nhiên, sáng tạo cũng cần phải đặt ra những chuẩn  mực nhất định trong giới hạn nghệ thuật cho phép, phù hợp với  thuần phong mỹ tục, phù hợp với thực tại xã hội phát triển. Một  nền Văn học Nghệ thuật mà vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung, quyền  tác giả âm nhạc nói riêng còn không được tôn trọng, thì không thể  khuyến khích sáng tạo, không đảm bảo đời sống người sáng tạo, ắt  nẩy sinh những tiêu cực. 

Nền kinh tế thị trường vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển  kinh tế, vừa là áp lực cạnh tranh để tạo dựng và xác lập một cơ  chế văn hóa hoàn toàn khác biệt, so các thời kỳ trước đây từ việc  xây dựng hình tượng đến hoạt động sáng tạo, quảng bá và tiếp  nhận của công chúng. 

Công cuộc hội nhập quốc tế gắn liền với sự tiếp cận cách mạng  khoa học công nghệ hiện đại - đó là cuộc cách mạng 4.0 đã làm  thay đổi về căn bản trong mối quan hệ, hợp tác văn hóa, nghệ thuật  cũng như xóa bỏ ranh giới hiện hữu, khiến cho các hiện tượng văn  học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng nhanh chóng được tiếp  nhận trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, chỉ cần một chút lơ là, thiếu định  hướng, thì có thể nhiều tác phẩm có nội dung không tốt sẽ phát tán  mất kiểm soát chỉ bằng một cái nhấp chuột trên nền tảng internet. 

Riêng đối với người làm công tác lý luận - tôi thực sự rất suy  nghĩ về những cụm từ vẫn được nhắc đi nhắc lại trong tổng kết  rằng: "công tác lý luận phê bình vừa thiếu lại vừa yếu!" Vậy xin  hỏi, chúng ta đã thống kê một năm có bao nhiêu công trình được  in ấn, xuất bản? Bao nhiêu công trình được viết mới nhưng không  có điều kiện xuất bản? Nếu chưa có con số thống kê chính xác, vậy  tại sao lại nói thiếu và yếu? Thiết nghĩ, không nên đánh đồng giữa  công tác nghiên cứu lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật , Âm  nhạc trong các Vụ, Viện, các Trường với mảng lý luận phê bình  văn học nghệ thuật trên báo chí - bởi đó là những tiêu chí hoàn toàn  khác nhau, mà lỗ hổng nảy sinh ngay từ công tác đào tạo. 

Trong đào tạo báo chí, chúng ta có báo nói, báo in, xuất bản, báo  hình, truyền thông đa phương tiện, nhưng không có đào tạo chuyên  ngành báo chí về phê bình văn học nghệ thuật. Còn trong đào tạo  Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật thì chỉ dạy về công tác nghiên  cứu khoa học về học thuật chứ không liên quan đến báo chí. Vì vậy,  người làm nghiên cứu khoa học khi viết báo thường nặng tính học  thuật mà ít tính báo chí, nhất là khi công nghệ thông tin phát triển,  văn hóa đọc bị co hẹp thì những bài viết mang nặng học thuật và thường có đồ dài hơn những bài báo đơn thuần nên không có đất  dụng võ, còn những những bài báo viết về Văn học Nghệ thuật, Âm  nhạc thì rất hiếm những cây bút được đạo tạo chuyên nghiệp nên  phân tích tác phẩm thì ít, thậm chí không có mà chủ yếu là “xới” đời  tư văn nghệ sĩ để đăng đàn kiếm view. Chưa nói đến, những người  làm công tác phê bình Văn học Nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói  riêng gặp khó khăn trong việc tác nghiệp. Không phải chương trình  biểu diễn nghệ thuật nào cũng được mời đi xem. Vì vậy, muốn viết  phê bình phải đi xem và phải bỏ tiền mua vé. Đầu tư chất xám nhiều, đầu ra tác phẩm lại không mấy dễ dàng. Nói thật thì sợ bị mất lòng,  thậm chí, trong xã hội hiện nay, việc phê bình dù đúng đến đâu cũng  khó có thể không bị xúc phạm bởi “sự lên đồng” của một bộ phận cư dân mạng... Mặt khác, kinh tế thị trường còn tác động ngày càng  mạnh, khuynh hướng thương mại hóa diễn biến phức tạp, bởi cơ chế  thị trường, tác phẩm cũng là một dạng hàng hóa đặc biệt, phải chịu  sự chọn lựa, chi phối của quy luật thị trường. Do tác động trực tiếp  của quá trình hội nhập, sự thâm nhập các xu hướng, trào lưu quốc tế vào Việt Nam, đã nảy sinh xu hướng học đòi, bắt chước, lai căng,  vọng ngoại, coi thường và đánh mất bản sắc. 

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII mới đây, Phó Thủ tướng  Vũ Đức Đam cũng đã chỉ rõ: “Tình trạng đạo đức xã hội và ứng  xử xuống cấp đáng báo động một số mặt nghiêm trọng… Việc  xử lý nghiêm minh bằng pháp luật là một biểu hiện của văn hóa,  đạo đức nhưng suy cho cùng cũng chỉ là bề nổi mà phải là vận  động tuyên truyền để mọi người tự điều chỉnh hành vi đạo đức  của mình, đấy mới là nền tảng, mới là gốc rễ... Đặc biệt lưu ý  đến các ngành nghệ thuật và cả tôn giáo tín ngưỡng. Bởi những  tác phẩm nghệ thuật hay - đấy là những thông điệp giáo dục đạo  đức tốt nhất. 

Những hoạt động văn hóa nghệ thuật, tôn giáo tín ngưỡng  đúng mức, đúng pháp luật sẽ giúp cái tốt trong xã hội, trong mọi  người nảy nở một cách bền vững. Chúng ta phải thực sự chú ý,  chú trọng vấn đề xã hội nói chung trong đó có vấn đề văn hóa,  bởi đây là nhược điểm phổ biến của các nước đang phát triển khi  bị sức ép về tăng trưởng phát triển kinh tế thì những vấn đề xã  hội về văn hóa, đạo đức; chưa làm ra tiền, chưa chết người, cháy  nhà nên dễ bị coi nhẹ. Vì vậy, bản thân mỗi cá nhân phải chú ý  và phải cố gắng. Như vậy chắc chắn dân tộc Việt Nam sẽ tự hào  là dân tộc văn hiến, xứng đáng với truyền thống cha ông để lại”.  

Xin nhấn mạnh, muốn xây dựng hình tượng con người mới,  cần phải có điển hình tiên tiến, chúng ta đang làm tương đối tốt  việc xây dựng điển hình tiên tiến và vinh danh bằng nhiều hình  thức, nhưng để lan tỏa những điển hình tiên tiến ấy bằng các tác  phẩm Văn học Nghệ thuật, thì chưa được đẩy mạnh ở tầm vĩ mô  mà nhiều hoạt động đang diễn ra từ nhu cầu nội tại của ngành  nào đó. Nói như vậy không có nghĩa là không có những sự kiện  được quan tâm đề cao đúng tầm.Tôi muốn lấy dẫn chứng từ đại  dịch covid 19, hướng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ  “chống dịch như chống giặc”, chỉ trong một tuần Hội Nhạc sĩ  Việt Nam đã nhận được trên 100 ca khúc được các nhạc sĩ trong  cả nước gửi về với nhiều nội dung phong phú phản ánh những  tấm gương điển hình trong phong trào, trong đó có nhiều ca khúc  viết về Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, về đội ngũ y bác sĩ và các  đơn vị trên tuyến đầu chống giặc. Điều đó cho thấy, âm nhạc vẫn  bám sát cuộc sống và vẫn đang đồng hành cùng dân tộc. Vậy  tại sao các cơ quan truyền thông không nghĩ đến việc xây dựng  những chương trình cho tương lai mà mãi quanh quẩn vẫn chỉ:  "Ký ức vui vẻ", "Ký ức thời gian", "Hà Nội những ngày tháng  cũ"... mà không phải là những dự cảm tươi mới cho một đất nước  phát triển, hội nhập?. Nội hàm của nghệ thuật chính là tác phẩm,  tác phẩm có mang tầm vóc nghệ thuật, giá trị nhân văn thì mới có  sức sống lâu bền cùng thời gian. 

Để Văn học Nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng hướng  đến Chân - Thiện - Mỹ, có tác dụng định hướng, đáp ứng nhu  cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cao và đa dạng, Nhà nước cần  nghiên cứu và mở rộng biên độ chính sách đặc thù đối với từng  lĩnh vực, trong đó có âm nhạc. Cần có những hội thảo chuyên sâu  về hoạch định chính sách cho phù hợp, nhằm đào tạo tốt, khuyến  khích sáng tạo, quảng bá tác phẩm, qua đó nâng tầm tri thức. Văn  học, Nghệ thuật phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế  để cùng thúc đẩy xã hội phát triển và hội nhập. Có như thế, chúng  ta mới có một “Hệ giá trị Văn học Nghệ thuật Việt Nam dân tộc  và hiện đại’’. 

Với sức mạnh nội tại, tôi tin tưởng văn học nghệ thuật nói chung,  âm nhạc nói riêng sẽ tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào  công cuộc chấn hưng, đẩy lùi sự suy thoái; góp phần định hình và  xây dựng các giá trị mới của con người và văn hóa Việt Nam trong  thời kỳ hội nhập và phát triển.