Quê hương, hai tiếng giản dị mà thiêng liêng luôn khiến trái tim bất kì người Việt nào cũng phải rung lên những nhịp đập thổn thức mỗi khi nhớ về.
Làng Vân Hoàn quê tôi nằm phía nam huyện Nga Sơn, bên tả sông Đò Lèn, một phân lưu của dòng sông Mẹ - sông Mã đổ nước ra cửa bể Lạch Sung. Ở huyện Nga, ba mặt sông, một mặt biển. Phía bắc là dãy núi Tam Điệp sừng sững chắn ngang, nơi có huyền tích Từ Thức gặp tiên, đền thờ Mai An Tiêm hay cửa Thần Phù nhuốm màu dâu bể, phân chia địa giới Ninh Bình, Thanh Hóa. Xuôi về nam là vùng đồng bằng với những cánh đồng lúa bát ngát Nga Vịnh – Nga Văn – Nga Trường - Ba Đình - Nga Thắng, vùng đồng bái bằng phẳng và vùng ven biển ngút ngàn xanh non ruộng cói, mênh mang những đìa bãi nuôi trồng thủy hải sản. Nhô lên ở phía cuối là ngọn núi được lấy tên làng Vân Hoàn giống như một cao điểm trấn giữ mặt nam. Tiền nhân đã đặt tên làng, tên núi Vân Hoàn đầy thi vị, gửi gắm, kí thác niềm tin yêu, hi vọng, khát vọng cho các thế hệ con cháu truyền lưu.
Làng Vân Hoàn xưa kia thuộc tổng Phượng Mã huyện Nga Sơn phủ Hà Trung- Thanh Hóa. Là một vùng đất cổ hàng ngàn năm trước đã có cư dân sinh sống. Vì vậy, làng có nét văn hóa lâu đời, đặc trưng cho vùng thôn quê miền Bắc. Đình làng Vân cổ kính từng là bệnh xá thời chống Pháp. Giếng nước chùa trong vắt, ngọt lịm, căng tràn một thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Ở mỗi đầu làng trước kia đều có các nghè, miếu hương khói bốn mùa. Theo cụ Nguyễn Hữu Khỏa – bậc lão niên trong làng, trước cách mạng Tháng Tám, làng duy trì được lễ hội rất long trọng, tôn nghiêm. Đáng tiếc nét văn hóa đặc sắc đó vì những biến thiên của thời cuộc đã không còn.
Đặc biệt nhất, trên sườn Nam núi Vân Hoàn có một ngôi cổ tự nổi tiếng tự ngàn xưa. Khởi thủy chùa có tên là Sùng Nghiêm Linh Tự rồi đổi tên thành chùa Vân Lỗi, là ngôi chùa lớn đầu tiên của huyện Nga Sơn được chép trong sử sách. Theo văn ngôn trên các bia đá quanh chùa, thì chùa được dựng vào thời nhà Lý.
Chùa Sùng Nghiêm và núi Vân Lỗi – Vân Hoàn là một thắng cảnh đẹp của xứ Thanh, lại nằm gần con đường giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam, nên từ xưa nơi đây từng là địa điểm dừng chân, ngắm cảnh của nhiều bậc vua, chúa cũng như các bậc danh Nho, tao nhân mặc khách. Không ít người trong số họ đã sáng tác và lưu lại những tác phẩm thơ văn ca ngợi cảnh đẹp của vùng đất này.
Theo lời kể của các cụ Hữu Loan: Trước kia trên vách núi quanh chùa Vân Lỗi có hàng chục bút tích thơ văn bằng chữ Hán. Hiện nay chỉ còn 5 văn bia còn có thể đọc được.
Những bút tích chữ Hán còn nguyên vẹn đến nay cho chúng ta biết về tác giả cũng như nội dung văn bia. Trên các dòng lạc khoản, tác giả của các tấm bia này là: Hữu Bộc xạ Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh, Tĩnh Đô Vương Nhật Nam nguyên chủ Trịnh Sâm và Ninh Tốn.
Trong một văn bia đề năm 1372, Phạm Sư Mạnh, danh sĩ thời bấy giờ, miêu tả: “Đông có xóm làng, cửa nhà đông đúc, có thể làm nơi chung đỉnh của hào gia. Nam gần sông lớn chảy tới biển khơi, có thể làm chốn mênh mông cho thế giới. Tuy có sông kinh len lỏi hương địa ly, núi Ma Ni có thể làm chốn quen cho các vùng quận huyện. Bắc kề đường lớn ăn thông tới thần đầu hải khẩu, có thể làm nơi nghỉ tốt cho kẻ lạ người quen.” Không khí đạo Phật ở đây cũng được ông miêu tả rõ: "Thần non hộ vệ thí chủ cúng dàng sớm chiều không ngớt tấp nập giàu sang".
Tại ngôi chùa cổ kính này, trong thời kì Cần Vương, nhân dân làng Vân Hoàn đã nuôi dấu mẹ Trần Xuân Soạn để ông yên tâm cùng nghĩa quân Ba Đình chống Pháp. Tháng 5 năm 1950, diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nga Sơn lần thứ 3, với nghị quyết lịch sử: Rào làng chống càn thắng lợi. Cũng tại đây đã diễn ra Đại hội thành lập Đảng bộ huyện Kim Sơn của tỉnh Ninh Bình.
Chùa Sùng Nghiêm được bố cục làm hai phần tách biệt. Gian nhỏ bên phải nằm ở sườn núi là nơi thờ Mẫu với các ban thờ trên cùng là Tam tòa Thánh Mẫu, bên ngoài là Ngọc Hoàng. Bên trái là một am nhỏ nằm trong động núi là nơi thờ Phật. Bàn thờ được bài trí đơn giản. Bàn thờ Phật với hai lớp tượng, trên cùng là Tam Thế Phật, phía dưới là tòa Cửu Long.
Năm 2009, với sự đóng góp của nhân dân địa phương và các nhà hảo tâm, chùa Sùng Nghiêm xây dựng được hàng rào vây quanh dưới chân núi, tôn tạo lại đường lên chùa, sửa lại Phủ Mẫu và dựng pho tượng Phật Quan Âm ngay phía trước tấm bia đá.
Theo cụ thủ từ Nguyễn Hữu Dũng và cả những bậc cao niên trong làng, Sùng Nghiêm Linh Tự nổi tiếng linh thiêng. Có một gia đình người Bình Dương về chùa lễ tạ, cho biết: Gia đình đó có một người con trai duy nhất, đang khỏe mạnh tự dưng hai chân cứ yếu dần, rồi liệt. Gia đình đã đưa đi chữa trị khắp các bệnh viện lớn cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, rồi cũng đã đến những thầy lang nổi danh trên cả nước mà cũng chẳng đỡ được chút nào. Một đêm tình cờ trong giấc mơ, người mẹ thấy một ông lão râu tóc bạc phơ hiện lên nói bệnh đó là tâm bệnh, chỉ có khí thiêng Sùng Nghiêm Linh Tự - linh mạch núi Vân Hoàn mới chữa lành. Vậy là gia đình chẳng quản xa xôi tìm đến cầu khấn rồi xin chai nước suối lấy từ giếng chùa về cho bé uống. Quả nhiên chân bé đã trở lại bình thường. Thật là kì diệu!
Làng dẫu không được như Quỳnh Đôi xứ Nghệ hay Mộ Trạch xứ Đông, … Nhưng cũng đáng tự hào lắm thay! Theo cụ Nguyễn Hữu Phúc, trưởng ban Khuyến học, làng có hơn 300 hộ với gần 1500 nhân khẩu. Nhưng theo thống kê sơ bộ có khoảng 400 người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Trong đó nhiều người có học hàm, học vị cao đã và đang cống hiến tài năng, trí tuệ, tâm huyết và công sức cho đất nước trên nhiều lĩnh vực, như: PGS - TS Lê Thị Phượng, Ban lãnh đạo khoa Khoa học Xã hội trường Đại học Hồng Đức; TS Nguyễn Hữu Cần - Giám đốc bệnh viện ACA Bỉm Sơn; TS y khoa Ngô Văn Sơn – Phó GĐ Chuyên môn Bệnh Viện Hợp Lực; TS Nguyễn Tiến Tùng - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; TS Nguyễn Hữu Tài - Tài chính Ngân hàng; TS Khoa học Quân sự - Đại tá Ngô Đình Cẩn; TS Khoa học Quân sự - Đại tá Phùng Đình Hùng ... Lớp trẻ có Mai Thế Huy, một mầm xanh đang trên đà vươn lên khi thi đậu với số điểm rất cao Học viện Kĩ thuật Quân sự. Hi vọng em sẽ phát huy được truyền thống quê hương và truyền thống khoa bảng, hiếu hạnh của dòng họ Mai Thế làng Vy Mỹ, gốc Thạch Giản kiên hùng.
Và đặc biệt nhất là cụ Tú Loan – nhà thơ Hữu Loan – Màu tím hoa sim, một người con kiệt xuất của làng Vân, là niềm tự hào không chỉ của quê hương Nga Phượng – Nga Sơn mà còn của cả xứ Thanh.
Con em làng Vân học tập, sinh sống và lập nghiệp trên khắp mọi miền đất nước. Ở đâu cũng phát huy được phẩm chất quê hương, đoàn kết giúp đỡ nhau, cùng vươn lên trong cuộc sống. Có rất nhiều những tấm gương vượt khó làm giàu, từ tay trắng làm nên cơ nghiệp. Điển hình như Phạm Văn Vinh, Phạm Văn Huế, Nguyễn Hữu Dũng, Trịnh Ái đang nắm trong tay cả trăm ha đất; hay như Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Hữu Đán, Lê Văn Hòa, Trần Tú, Ngô Long, Nguyễn Điệu,… là những chủ doanh nghiệp tư nhân đã và đang thành công trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Và không thể không nhắc tới Nguyễn Hữu Toàn - doanh nhân có tiếng ở Vũng Tàu. Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình mà anh còn có tấm lòng nhân ái, biết sẻ chia, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài công việc quản lý công ty, anh còn phát tâm tài, vật thực làm từ thiện. Những chuyến thiện nguyện xuyên Việt lan tỏa lòng thơm thảo, phát huy truyền thống đoàn kết, lá lành đùm lá rách vô cùng ý nghĩa cũng góp phần làm đẹp thêm hình ảnh quê hương.
Về thăm quê, vui mừng vì những đổi thay to lớn. Đường sá rộng rãi, sạch sẽ, phong quang, bê tông hóa đã lan ra cả những con đường đồng nội, nghĩa trang. Nhà cửa được khoác lên màu tươi mới của ấm no, đủ đầy, phồn thịnh. Giữa ngát xanh bình yên, tiếng chuông chùa chợt ngân lên từng hồi tỉnh thức. Một chút băn khoăn và cũng khởi lên niềm hi vọng. Chùa làng sẽ được trùng tu, tôn tạo khang trang, to đẹp xứng với tầm vóc một thắng tích từng làm say lòng biết bao bậc tao nhân mặc khách.
Gió chiều lồng lộng trên triền đê uốn cong hình bông lúa, giữa hoàng hôn tím ngát, lời thơ cụ Hữu Loan ngân nga, da diết: "Em ca giữa đồng xanh bát ngát /Anh nghe quê ta sống lại hội mùa" (Hoa lúa). Và ước mơ hội làng sẽ được khôi phục để con cháu làng Vân gần xa lại thêm xốn xao một cõi đi về.
Mai Xuân Thắng SG 31/7/23