Việc thể hiện con người trong Phim tài liệu Việt Nam (Phần 2)

Cũng về đề tài xây dựng và tái thiết đất nước, hai mươi năm sau, năm 1981, bộ phim Đường dây lên sông Đà của đạo diễn Lê Mạnh thích đã được tặng giải Bồ câu vàng tại Liên hoan quốc tế phim ngắn thế giới và phim tài liệu Laixích ở Cộng hòa dân chủ Đức.
phim-tai-lieu-1631174431.jpg
 

Con người tạo ra lịch sử của mình nhưng không tách rời được những điều kiện vật chất và tinh thần của xã hội. Các nhà nghệ sĩ lấy tư tưởng  và cảm hứng trong đời sống xã hội do quần chúng nhân dân tạo ra. Nghệ thuật chân chính bao giờ cũng mang tính nhân dân sâu sắc. Nhiều nghệ sĩ tâm đắc với chủ đề về con người Việt Nam bình dị, rất đỗi an hùng, yêu thương đằm thắm và căm thù giặc sâu sắc. Dân tộc Việt Nam rất đỗi kiên cường trong chiến đấu để giữ nước và cũng rất cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất để xây dựng đất nước. Những thước phim chuyên đề về chống nạn mù chữ như: Diệt dốt, Người thầy giáo thương binh không nhiều, nhưng người xem thường bắt gặp trên màn ảnh những cảnh thật xúc động: dăm ba chữ cái lớn như đàn gà con viết bằng phấn trắng trên ba lô của anh vệ quốc đang hành quân, người sau nhìn vào lưng người đi trước mà nhẩm cho bằng thuộc. Những bà mẹ trên đầu đã hai thứ tóc cặm cụi từng nét chữ bên ngọn đèn dầu dưới sự hướng dẫn tận tình của một khuôn mặt trẻ. Đồng ruộng đổi mới, năng suất cao, nhà máy rộn ràng tấp nập những năm khôi phục kinh tế đã được điện ảnh tài liệu phản ánh cùng với việc nâng cao dân trí. Sau ngày chiến thắng 30/4 năm 1975, những cảnh của miền Nam vừa giải phóng lại tái xuất hiện nhưng với quy mô rộng lớn: Từng đoàn trai gái xách va ly phấn khởi lên đường tỏa về các xóm dừa để diệt dốt ngay tại các làng quê hẻo lánh. Các bà, các cô đồng thanh đánh vần theo nhịp bước như ở tuổi lên 5, lên 3…Những hình ảnh trên không chỉ là những tư liệu thực có giá trị lịch sử về hoạt động của ngành bình dân học vụ mà còn khái quát được bầu không khí những ngày đầu hòa bình và trở thành những hình tượng nghệ thuật gây được xúc cảm thẩm mỹ trước cái đẹp của một dân tộc với những con ngnười cụ thể đang bước vào cuộc đấu tranh xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu do chế độ phong kiến, thực dân để lại. Trong bộ phim: Nước về Bắc Hưng Hải, một bộ phim đã mang lại thành công lớn đầu tiên cho điện ảnh tài liệu Việt Nam ( Đạo diễn Bùi Đình Hạc; Huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế Matxcơva, 1959), người xem thấy hàng chục vạn công nhân, bộ đội, học sinh, thầy giáo, bác sĩ, kỹ sư…cùng bà con nông dân ba tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình phấn khởi lao động trên công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải. Phải tiêu diệt vĩnh viễn cả hai nạn, thiếu nước và thừa nước trên dải đất phì nhiêu này, biến nó thành vựa thóc lớn của vùng đồng bằng sông Hồng. Từ hình ảnh, âm nhạc, cảnh quay, tới tiết tấu của phim đều toát lên khí thế tiến công. Trên một tuyến đê sâu thẳm, nước từ lòng sông cạn được nâng lên đồng cao qua qua bốn chặng tiếp sức: guồng nước, gầu giai, gầu sòng, xe đạp nước, máy bơm thi nhau hoạt động. Đạo diễn Pháp Pavio nhận xét: “ Chúng tôi muốn ví lao động của nhân dân Việt Nam với lao động anh dũng của những người đã sáng tạo ra Kim Tự tháp Ai Cập”.

Cũng về đề tài xây dựng và tái thiết đất nước, hai mươi năm sau, năm 1981, bộ phim Đường dây lên sông Đà của đạo diễn Lê Mạnh thích đã được tặng giải Bồ câu vàng tại Liên hoan quốc tế phim ngắn thế giới và phim tài liệu Laixích ở Cộng hòa dân chủ Đức.

Với dung lượng của một bộ phim rất ngắn, trong vòng một cuốn, chỉ có hình ảnh mà không có lời bình, bộ phim mang đầy chất anh hùng ca của công cuộc xây dựng trên dòng sông Đà mang nhiều huyền thoại cổ xưa với cái vẻ bọc ngoài lung linh, ảo mộng, bên trong ẩn giấu tiềm năng thủy điện đầy sức hấp dẫn đối với con người hiện đại đang đi tìm nguồn năng lượng mới. Bộ phim đã mang được theo nó dòng chảy của sự đồng cảm của tác giả đố với số phận những người công nhân lao động bình thường trên sông Đà. Sự thành công chính là ở chỗ, đạo diễn Lê Mạnh Thích đã mô tả một cách không dấu diếm, chân thực cuộc sống lao động của những con người bình thường ấy. Những tấm lưng trần của tốp thợ đường dây rát bỏng được ống kính máy quay tập trung và đẩy gần tới đặc tả. Ánh mặt trời tập trung chiếu vào sợi dây cáp điện trên đôi vai trần của người công nhân gân bắp nổi lên. Những giọt mồ hôi tóa ra lấp lánh đã miêu tả được hết trạng thái lao động cực nhọc của con người. Nhưng khát vọng của con người là vô tận, và cái đẹp trong lao động của những con người lao động bình thường ở đây đã được nghệ thuật nâng lên trở thành cái đẹp thẩm mỹ. Khi chiếc cần cẩu cẩu cột điện nặng hàng trăm tấn vừa lui ra khỏi khuôn hình, thì máy quay phim tiếp đến: những đôi vai vác khối sắt thép nặng nề đó, cùng với đôi chân họ lội nặng nhọc trong bùn. Cảnh hai công nhân già đang mắc đường dây ngang trời, liên tiếp ngay đến cảnh dưới đất, con trâu nghếch mõm lên nhìn, con chó lũn cũn từ trong lều chạy ra. Người công nhân hút thuốc lào và liên hoan bằng một nồi sắn luộc…Tính nhân văn ở trong mỗi trường cảnh như vậy đã đạt đến điểm tối ưu của nó. Ngày mai sông Đà đem điện đến cho hàng triệu gia đình, song có ai còn nhớ đến những con người lao động lầm lũi đó không?

Từ cảnh mở đầu phim, một bức tường xếp bằng đá làm nền cho tên phim đến tiếng con bìm bịp kêu từ một bờ sông hoang vắng…tất cả là để ca ngợi sức lao động trong sáng và đáng tự hào của những con người lao động bình thường. Bởi lẽ đó mà bộ phim không đầy 300 mét chiếu trong vòng 11 phút, đã làm say mê hàng triệu người xem trên nhiều đất nước khác nhau và người ta khó có thể tìm thấy một lời chê trong bộ phim này.

Trung thành với sáng tác của mình, ở bộ phim Đến với những nhịp cầu đạo diễn Lê Mạnh Thích đã khuôn toàn bộ hình ảnh chủ yếu trong phim trên bối cảnh công trường lao động công nghiệp nặng nhọc.

Một đàn chim bay đến vùng trời này, mặt trời tròn trịa trong sớm mai, những dải cát ven sông gió mưa tạo thành muôn hình sắc, tiếng kẻng vang lên báo hiệu một ngày lao động mới. Khát vọng lớn lao của con người đối với thiên nhiên, đối với cuộc sống, còn được lồng vào lời bình ý tứ: “ Nơi nào có dòng sông, nới ấy có nhịp cầu”. Nhịp cầu nào mà không được tạo thành bởi những con người nhỏ bé, giản dị. Chính những con người ấy làm mọc lên những trụ móng, những dầm thép lớn. Những con người ấy điều khiển máy móc, chế ngự dòng sông chảy xiết bằng cả lao động thô sơ và phức tạp.

Con người, trung tâm miêu tả của nghệ thuật được ống kính máy quay nâng lên cao, lẫn với ánh sáng chói lòa của mặt trời trong bố cục chắc khỏe của những nhịp cầu. Con người, chủ thể và đối tượng của cảm xúc nghệ thuật được đẩy cách thật xa trở thành điểm hút mắt nhìn giữa thiên nhiên tuyệt đẹp, để rồi tiến sát gần thấy những giọt mồ hôi long lanh trên bắp tay trần rắn rỏi của người thợ tầng cao, bờ vai ướt đẫm của người thợ lặn hay dòng nước sông hồng nặng trĩu phù sa cuộn chảy…

Từ cảm xúc tạo hình dẫn người xem vào cái tứ của phim, một triết lý thoáng nhẹ về tình yêu, đó là thái độ lao động tận tụy, say sưa hết mình vì công việc. Bữa cơm đạm bạc đựng trong chiếc cặp lồng nhỏ bé cùng nhau san sẻ. Những cô gái trốn nắng che kín gần hết khuôn mặt chỉ ngời lên đôi mắt chứa chan hy vọng…Một chút liên tưởng sâu sa, hình ảnh những năm tháng chiến tranh ác liệt, những nhịp cầu gãy gục…Lời bình dù rất ít ỏi bỗng xoáy vào lòng người: “ Đến với những nhịp cầu là đến với tình yêu…”

Tình yêu đất nước, tình yêu cuộc sống, tình yêu con người là cội nguồn của những chiến công, ẩn chứa trong công việc tưởng như bình thường hàng ngày. Không phải vô cớ mà bộ phim dành nhiều đoạn chiêm ngưỡng về vẻ đẹp của người thợ cầu.

Bước vào thời kỳ từ 1986, những thay đổi trong đời sống xã Việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa và đổi mới đất nước đã đưa lại nhiều thành tựu đáng khích lệ. Từ đây xã hội đã bước đầu có những sự thay đổi trong bậc thang giá trị; những chuẩn mực của đạo đức cũng được nhìn nhận lại nhân ái và độ lương hơn. Con gnười có điều kiện để bộc lộ và phát triển “cái tôi” của mình. Song bên cạnh sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đã xuất hiện chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, hẹp hòi. Chủ nghĩa thực dụng cũng có điều kiện để sống dậy. “ Cái tôi” cá nhân nhiều chỗ, nhiều nơi được sùng bái quá đáng dẫn đến việc coi thường các đạo lý truyền thống dân tộc. Thực tế trở nên phức tạp hơn. Cùng một hiện tượng cuộc sống, có khi được nhìn nhận đánh giá từ những điểm nhìn nhiều chiều, lúc trái chiều, đầy đối nghịch, bởi hệ thống chuẩn khác biệt. Xã hội truyền thống hướng con người vào những yêu cầu cộng đồng, ưu tiên sự điều tiết các hành vi bằng dư luận dựa trên cơ sở những chuẩn mực đạo đức bất di bất dịch. Sự phát triển tự do của những năng lực nhân cách bị hạn chế bởi những yêu cầu cộng đồng đã được nội tâm hóa, thành thử trong cấu trúc bộ mặt của tinh thần con người, sự hy sinh, tính nhẫn nại, sự phục tùng, tính thụ động lại là những phẩm chất nổi bật. Xã hội truyền thống cần có những con người như vậy, và nó đã tạo ra những con người như vậy. Là phương tiện tinh thần của sự hình thành nhân cách, nền văn hóa nghệ thuật ( trong đó có điện ảnh tài liệu ) đã góp phần vào việc hình thành giá trị nhân cách con người , qua đó góp phần làm bình ổn xã hội, tạo nên sự hài hòa, cái đẹp của một xã hội nghèo nàn đơn điệu, bị tàn phá bởi chiến tranh và là một xã hội chậm phát triển.

Ở giai đoạn này, đội ngũ sáng tác phim tài liệu mặc dù đã cố gắng tiếp cận và thể hiện những thay đổi mau lẹ trong đời sống, những phim: Trước ngưỡng cửa cuộc đời, Hà Nội trong mắt ai.v..v..là những bộ phim tài liệu chính luận có tính chất giáo dục truyền thống dân tộc, nó không chỉ thể hiện đời sống, số phận những người dân bình thường, mà còn nhằm giáo dục, thức tỉnh nhân cách sống, xử thế của những người lãnh đạo. Phim đã thọc một mũi nhọn hết sức sâu vào những cái cần phải đổi mới, trước hết là đổi mới ở mỗi lương tâm và nhân cách đạo đức của mỗi con người để đi đến hoàn thiện mình và hoàn thiện xã hội.

Khi thực hiện bộ phim tài liệu: Hà Nội trong mắt ai, đạo diễn Trần Văn Thủy đã ý thức được một cách sâu sắc về sự tồn tại trên hai bình diện của một thực thể sống Con người: Đó là phần thể xác và phần tâm linh.

Phần thể xác là phần trực tiếp hút dinh dưỡng từ cơm, gạo, thực phẩm- những thứ do con người, không khí, đất và nước sinh ra; còn phần tâm linh- Nó thực sự hút dinh dưỡng từ trong chiều sâu của truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống lịch sử, truyền thống đạo lý…Và bộ phim được xây dựng với mục đích gia tăng khẩu phần “ dinh dưỡng” cho phần tâm linh của xã hội- một thiên chức nặng nề và cao quý của bất kỳ người nghệ sĩ chân chính và đích thực nào.

Hà Nội trước ống kính máy quay được hiện lên lung linh, huyền ảo với những cảnh quan như hồ Hoàn Kiếm “ Lẵng hoa giữa lòng thành phố”, là hồ Tây mà vẻ đẹp của nó đã đi vào ca dao cổ tích:

“ Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn võ canh gà Thọ xương

Mịt mù khói tỏa cành hương

Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ…”

Hà Nội, là “ kinh sư của muôn đời” như trong chiếu rời đô của Lý Công Uẩn. Con người trong phim là những tinh hoa của dân tộc như nữ văn sĩ Đoàn Thị Điểm, bà huyện Thanh Quan,  Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du. Những anh hùng dân tộc, nhân tài lớn về chính trị, quân sự như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Hồ Chí Minh, những  nhà trí thức lớn đã nêu lên những tấm gương về phẩm hạnh, về nhân cách cho muôn đời sau như: Nguyễn Trãi, chu Văn An, Tô Hiến Thành, Ngô Thì Nhậm từng sinh ra hoặc trưởng thành nơi đây.

Trong phim Hà Nội trong mắt ai, cái nhân nghĩa của con người Hà Nội được thể hiện qua chí khí, tiết tháo của kẻ sĩ nơi đây, luôn giữ sự trong sạch của ngòi bút “ Hành xử theo chữ tâm, phú quý không gian tà, nghèo đói không đổi dạ, uy vũ không khuất phục”. Một Nguyễn Siêu đã xây lên ngòi bút “ Tả thiên thanh” ( viết sự thật lên trời xanh. Một Chu Văn An dâng sớ thất trảm đòi trừng trị bẩy tên nịnh thần, khi không được chấp nhận thì cáo quan về dạy học. Một Ngô Thời Nhậm thà chết chứ không chịu uốn gối khom lưng, uốn ngòi bút của mình cho vừa miệng của bề trên. Nhân nghĩa trong lối sống của con người Hà Nội được các nhà làm phim mô tả như một nét đẹp văn hiến thể hiện qua sự kính trọng những tài cao đức lớn biết nghe lẽ phải. Bên cạnh những vẻ đẹp đó, các nhà làm phim cũng đã không ngần ngại nêu lên những bi kịch có tính lịch sử, những hành động trái ngược với  nhân nghĩa truyền thống của con người Hà Nội. Đó là trường hợp cái chết thê thảm của Nguyễn Trãi, Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn và Ngô Thì Nhậm…Những hình ảnh đó không khỏi làm cho những người có tâm với Hà Nội băn khoăn, lo lắng. Vấn đề không phải ở chỗ thái độ ứng xử của hậu thế đối với tiền nhân mà hình như là lối sống thực dụng đang làm lóa mắt một số người, làm cho những nhu cầu dinh dưỡng thể xác lấn át những nhu cầu dinh dưỡng tâm linh, xô giạt họ, làm bật họ ra khỏi gốc rễ của nền văn hóa dân tộc. Sự “ biến dị” trong quá trình tăng trưởng về hình thái ý thức và đạo lý chỉ có thể đẻ ra những “ quái nhân”. Bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” chừng nào đó đã để lại trong lòng người xem những nỗi buồn, sự day dứt và lo lắng. Đó là điều cần thiết phải có. Và như vậy, tác giả đã đặt vào lòng người xem, vào tâm tưởng họ một câu hỏi nhức nhối: Làm gì để bảo tồn những vẻ đẹp văn hiến, vẻ đẹp đạo lý vốn có của người Hà Nội, những nét thuộc về bản chất, nhân cách của con người Việt Nam. Do vậy, Hà Nội trong mắt ai đã khơi gợi được những ý nghĩ đẹp, tình cảm đẹp với những gì thuộc về truyền thống của ông cha. Người xem cần những tác phẩm như vậy để giúp thêm khả năng cho mỗi con người trên con đường hoàn thiện nhân cách và tiếp sức cho họ hành động.

Bên cạnh đó là hàng loạt những bộ phim như: Lớp học tình thương, Dòng sông ánh sáng, Trở về cố hương.v.v..là những bộ phim kêu gọi lương tâm, trách nhiệm, tình thương, lòng nhân ái, truyền thống dân tộc giữa con người với con người, là tiếng chuông báo động về sự tha hóa nhân cách, lối sống của con người.

Bản chất của con người Việt Nam là thích ứng, dễ chấp nhận sự thay đổi, nhất là thế hệ trẻ, nhưng cũng chính vì thế họ dễ hoan nghênh và đánh giá cao sự thay đổi, nhất là sự thay đổi về kinh tế, từ đó dễ đưa nhiều người tới việc đặt lợi ích vật chất cao hơn nguyên tắc đạo đức, dẫn con người vào sự săn đuổi lợi ích cá nhân, đưa tới sự tha hóa về nhân cách, nhất là ở giai đoạn khôi phục và xây dựng đất nước. Những bộ phim: Bài học về một con người, chuyện tử tế, Sự đam mê tăm tối… đã vạch ra sự tha hóa nhân cách con người. Ở một chiều ngược lại, một số phim khác như phim: Ba ông chủ, Hai người phụ nữ ở thành phố Hồ Chí Minh, lại cố gắng hướng tới kiếm tìm, nhận chân những giá trị con người. Những bộ phim như vậy dạy chúng ta biết tin vào cái đẹp luôn hằng tồn trong cuộc đời.

Nếu như ở bộ phim Hà Nội trong mắt ai được nhìn lại, soi chiếu trong góc nhìn nối dài từ quá khứ tới hiện tại với nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ, chờ đợi câu trả lời của người xem, sang đến Chuyện tử tế ( 1985), một bộ phim tài liệu có dung lương khá dài so với mặt bằng chung thì cái đẹp, lương tâm con người được đào sâu thêm một tầng nấc mới.

Chuyện tử tế đã mở đầu bằng hình ảnh đạo diễn Trần Văn Thủy cùng các nhà làm phim thắp hương trước ngôi mộ người bạn, người  đồng nghiệp, nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết. Trước khi q   ua đời vì căn bệnh ung thư, người bạn Đồng xuân Thuyết đã đề nghị người bạn của mình thực hiện một bộ phim tài liệu thực sự có ý nghĩa về tình thương yêu giữa con người và con người hoặc xuất phát từ nỗi đau nhân thế. Bộ phim xoay quanh câu hỏi: thế nào là sự tử tế? Và trong suốt chiều dài bộ phim, đạo diễn Trần Văn Thủy, thông qua nhiều con người  với nhiều số phận, hoàn cảnh khác nhau, từ những người thành phố bình thường với những người lao động nơi thôn quê, và cả những người bị bệnh phong, căn bệnh khiến họ bị cả xã hội xa lánh: Một người mẹ hủi phải đóng gạch một tay để nuôi đứa con đơn thân, một cậu bé chăn vịt vì lỡ để đàn vịt phá ruộng hợp tác để rồi phải mang lý lịch xấu tới một giáo viên dạy toán giỏi phải đi bán rau kiếm sống hay những người cựu chiến binh từng chiến đấu dũng cảm ngoài mặt trận nay phải đi đạp xích lô hay làm nghề sửa xe đạp.v.v.. bằng cách đi vào tâm tư, thân phận của từng con người trong xã hội, đạo diễn đã cố tìm cho được câu trả lời chính xác nhất: thế nào là sự tử tế bằng câu trả lời mà chính đạo diễn đưa ra trong lời bình phim: “ Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau của con người và chăm lo riêng cho bộ lông của mình”, hay lấy tựa như lời Kark Mark: “ Ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc hay không có một con người nào trở nên tử tế nếu không bắt đầu từ tình yêu thương con người, sự trân trọng con người và đi từ nỗi đau con người”.

Với đặc trưng riêng có của phim tài liệu, dưới góc nhìn đa chiều hướng, đa phương diện một cách tinh tế của một người từng trải, những thước phim của đạo diễn Trần Văn Thủy tuy đã “ sờn cũ” nhưng đã để lại trong tâm thức người xem hiện đại một ý nghĩa, một bài học nhân văn sâu sắc về tình cảm con người và số phận của họ.

Đặc biệt cuộc đời và những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn Việt Nam, một nhà văn hóa lớn vẫn luôn là nguồn cảm hứng sâu sắc cho các nghệ sĩ điện ảnh tài liệu, thể hiện ở những bộ phim hết sức ấn tượng và gây xúc động lòng người như: Những phút cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh- Chân dung một con người; Bác Hồ- Sự cảm hóa kỳ diệu..v.v..

Với dung lượng của một bài viết ngắn, người viết không thể nêu ra hết ở đây sự thành công của những tác phẩm điện ảnh tài liệu Việt Nam trong những năm qua, mà chỉ mong muốn qua một số bộ phim rất ít đã được công chúng khán giả và thời gian khẳng định, để một lần nữa cho chúng ta thấy rằng, một tác phẩm điện ảnh tài liệu chân chính là tác phẩm mà người nghệ sĩ bắt gặp và  cảm thông với những số phận thực, những cuộc đời con người được ghi lại, thể hiện trong từng khuôn hình, thước phim. Những số phận ấy, con người ấy đã hòa quyện gắn bó với số phận đất nước, dân tộc qua những chặng đường lịch sử. Qua đó đem đến cho các thế hệ khán giả người xem những xúc cảm thẩm mỹ thực sự về hiện thực con người, đất nước, tác động đến thế giới tinh thần của họ, giúp vào việc hình thành những lý tưởng cao đẹp, đóng góp vào việc xây dựng những quan niệm thẩm mỹ cho con người, làm cho cuộc sống con người ngày càng phong phú và phát triển hài hòa nhân cách văn hóa.