Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 58

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 58

Luật quy định khi xét xử phải kèm tang vật để nếu kẻ phạm hai tội trở lên cùng phát hiện ra thì theo tội nặng mà định tội, nếu phạm tội nhiều lần thì tính gồm cả tang vật lại mà định tội. Trong chương Danh lệ, nói về việc chuộc tội bằng tiền. Người được chiếu cố là những người già trên 90 tuổi, trẻ em dưới 7 tuổi được tha miễn dù bị tội chết. Những người được xếp vào hàng bát nghị(1). Những người thuộc diện trên phạm tội (trừ tội thập ác) thì quan xét xử chỉ xác định tội trạng và hình phạt từ lưu trở xuống thì giảm một bậc. Luật quy định giảm hình phạt cho con cháu những người có công với triều đình, cho phụ nữ là vợ quan theo quan phẩm của chồng. Luật cho phép dùng tiền để chuộc tội

trừ tội thập ác. Những người thuộc diện này bao gồm họ hàng nhà vua, Hoàng hậu, người già trên 70 tuổi và trẻ em dưới 15 tuổi, người tàn tật. Những người phạm tội nhẹ mà ra tự thú cũng được tha hoặc miễn tội. Luật cũng trừng trị những kẻ bao che cho tội phạm và thưởng công cho những người tố giác.

Hệ thống hình phạt của pháp luật nhà Lê do ảnh hưởng của luật Trung Quốc nên cũng quy định 5 hình phạt chính: Ngũ hình. Trong mỗi hình phạt lại chia thành nhiều bậc, tuỳ tội nặng nhẹ mà trừng phạt khác nhau: Xuy: có 5 bậc: Đánh từ 10 đến 50 roi.Trượng: có 5 bậc: Đánh từ 60 đến 100 trượng. Đồ có 3 bậc: Đàn ông bắt làm dịch đinh (phục vụ trong làng xã hoặc trong quân đội), hoặc bắt làm tượng phường binh (phục vụ ở chuồng voi) của quân đội hoặc bắt làm chủng điền binh (phục dịch ở ruộng đồng). Đàn bà bắt làm dịch phụ (phục dịch trong làng làm vườn, hoặc nuôi tằm) hoặc bắt làm xuy thất tì (phục vụ trong nhà bếp) hoặc bắt làm trung thất tì (làm nô tì trong nhà, xay lúa, giã gạo). Lưu: chia làm 3 bậc: Đày đi châu gần, đày đi châu ngoài, đày đi châu xa. Ngoài ra còn kèm theo một số hình phạt phụ. Tử chia làm 3 hình thức: Giảo: thắt cổ cho chết, trảm: chém chết, trảm khiêu: chém và bêu đầu, lăng trì: xẻo thịt dần cho chết. Ngoài ngũ hình là hình phạt chính, luật còn quy định những hình phạt phụ khác như: Cùm, gông, thích chữ vào mặt,  phạt tiền, biếm tước (giáng chức) 5 bậc. Giáng chức và tịch thu tài sản.  Đi kèm với giáng chức, luật cũng định người có công được thưởng phẩm hàm chức tước hoặc thưởng bằng tiền. Người có công tố giác tội phạm được Nhà nước đặc biệt chú ý. Các hình phạt đánh roi, đánh trượng, pháp luật cho phép con cháu được chịu đòn thay cho bố mẹ, ông bà già.                                                                                        

Các tội danh: Không chỉ quy định lệ mà hầu hết các chương của Quốc triều hình luật đều quy định các tội danh, xếp đầu tiên là tội thập ác. Đó là 10 tội nặng nhất trong xã hội phong kiến nói chung và nhà Lê nói riêng vì nó xâm hại tới quyền lực nhà vua, đe dọa sự tồn tại của triều đình, của quốc gia, xâm hại tới tôn ty trật tự xã hội và gia đình phong kiến, xâm hại tới những mối quan hệ được nhà nước bảo vệ (Tam cương: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ). Người phạm tội “thập ác” bị trừng phạt nặng nề thường là ở mức độ cao nhất là xử tử. Phạm các tội này người thuộc diện bát nghị cũng không được chiếu cố, không được chuộc tội bằng tiền.                 Chương Cấm vệ: “Quốc triều hình luật”  tức luật Hồng Đức

nghiêm cấm các hành vi xâm phạm đến hoàng thành, cung điện, xâm phạm đến tính mạng, tài sản của vua và của hoàng tộc, xâm phạm an ninh biên giới quốc gia. Luật quy định những người không có phận sự hết giờ chầu không được ở trong cung điện. Không được ngạo mạn hoặc đùa cợt, tuỳ tiện nói chuyện với cung nữ. Không được tiết lộ bí mật quốc gia, không được đem ruộng đất bán cho nước ngoài. Nếu phạm các tội trên, hình phạt nặng, từ đồ, lưu đến tử.

Đối với quan lại, luật Hồng Đức quy định trừng trị những

 hành vi nhận hối lộ, cố ý làm trái chiếu chỉ của vua, thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công việc, sử dụng quyền hành để áp bức nhân dân. Khung hình phạt của các tội danh này bao gồm tất cả ngũ hình.

 Luật quy định xử phạt đối với tội trộm cướp, giết người, đánh nhau gây thương tích, lăng mạ và vu cáo người khác, gian dối giả mạo giấy tờ, ấn tín, chức vụ để mưu lợi, thông gian, cưỡng gian, phao tin đồn nhảm và tội làm nghề mê tín dị đoan.                    

Việc dùng luật dưới thời Lê Thánh Tông trở nên khắc nghiệt hơn so với các triều trước. Thời Lê Nhân Tông, năm 1448 chỉ có 42 người bị xử tử. Đến đời Lê Thánh Tông, riêng năm 1467 đã có 323 người bị hành quyết. Thánh Tông còn đặt ra hình phạt cứng rắn đối với người không tuân theo quy chế để tang cha mẹ và chồng. Thêm vào đó, ông ép những người các nước Đông Nam Á mà  sống trong lãnh thổ Đại Việt phải đổi tên và nếp sống cho giống với người Việt. Lê Thánh Tông đã lập nhà Tế sinh để chữa bệnh giúp dân. Ông còn quy định, ở địa phương nào có dịch bệnh xảy ra, các quan nơi này được phép trích tiền thuế để mua thuốc trị bệnh cho dân.                                           

Chương Quân chính: Chương này gồm những quy phạm pháp luật quy định xử phạt các tội của các tướng sĩ và binh lính. Luật quy định phạt tướng không chịu rèn luyện quân, không chống nổi giặc, tiết lộ việc quân cơ. Phạt lính khi xung trận không theo hiệu lệnh, đảo ngũ, bỏ trốn, làm mất binh khí. Các tội tuỳ theo nặng, nhẹ mà áp dụng ngũ hình từ thấp đến cao.Tóm lại hình luật là một nội dung quan trọng, chiếm phần lớn số lượng các điều khoản ghi trong “Quốc triều hình luật”.                                 

 Dân Luật: So với hình sự, các điều khoản về dân luật trong bộ “Quốc triều hình luật” có số lượng ít hơn. Tuy nhiên các quy phạm cũng đề cập đến nhiều vấn đề. Phần quan trọng nhất là những điều khoản quy định về chế độ ruộng đất, như quy định về mua bán, cầm cố và thừa kế ruộng đất. Luật quy định việc mua bán ruộng đất chỉ được thực hiện khi hai bên tự nguyện và cùng ký kết vào một văn bản hợp đồng. Với quy định trên, pháp luật nhà Lê đã tạo điều kiện cho ruộng đất tư phát triển. Ví như quy định ruộng đất bán đứt thì không được quyền đòi lại. Ruộng cầm cố có thời hạn tối đa là 30 năm. Sau 30 năm thì không được chuộc lại. Luật nghiêm cấm các hành vi chiếm đoạt và tranh giành ruộng đất, đặc biệt là cấm chiếm ruộng đất công. Tuy nhiên luật đã xử phạt tương đối nhẹ kẻ lấn chiếm đất công, tạo điều kiện cho chế độ tư nhân ruộng đất phát triển. Điều 324 quy định: “Nếu bán ruộng đất công của công xã bị đánh 60 trượng, biếm hai tư, nếu chiếm quá 1 mẫu thì đánh 80 trượng, chiếm 10 mẫu đánh 60 trượng biếm một tư”.Luật Hồng Đức là luật bảo vệ quyền tư hữu tài sản. Luật quy định khi vay nợ phải làm văn tự, nếu quá hạn mà người nợ không trả được thì phạt trượng và phải trả gấp đôi số đã vay. Chủ nợ đi bắt nợ lấy đồ vật của con nợ có giá trị quá số tiền ghi trong văn tự thì sẽ bị phạt. Luật nghiêm cấm việc xâm phạm, chiếm dụng tài sản công. Làm hỏng hay xâm phạm tài sản riêng thì phải bồi thường. Luật quy định trừng phạt tội trộm cắp, quy định mức lãi suất tối đa trong vay nợ.

(Còn nữa)

CVL

----------------------------------

1.Bát nghị:1. Nghị thân: những người họ hàng thân thiết nhà vua trong 5 thế hệ. Những người họ hàng của  Hoàng thái hậu phải để tang 3 tháng đến 5 tháng trở lên.

2. Nghị cố: Những người cố cựu, tức người đã theo giúp vua lâu ngày hoặc những người giúp việc từ triều trước.

3. Nghị hiền: Những người hiền nhân, có đức hạnh lớn.

4. Nghị năng: Những người có tài năng lớn.

5. Nghị công: Những người có công lớn.

6. Nghị quý: Những quan lại cao quý có chức vị từ tam phẩm trở lên. Những chức quan  như   hàn lâm, học quan hay có tước từ nhị phẩm trở lên.

7. Nghị cần: Những người cần cù chăm chỉ.

8. Nghị tân: Những tôn thất của các triều trước (được coi là tân khách của đương triều).