Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 66

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 66

  Sớm hôm sau, Lê Thánh Tông thiết triều ở điện Kính Thiên, khi bá quan văn võ hành lễ xong, Lê Thánh Tông nói:

-Nay tù trưởng Bồn Man là Cầm Công cấu kết với quân Lão Qua gây biến loạn ở châu Quỳ Hợp. Nay ta xuống chiếu chinh phạt Lão Qua. Quan nội thị tuyên chiếu.

-Thần tuân chỉ.

Quan nội thị đọc: “Nước Lão Qua kia, giáp với cõi tây. Đương khi Thánh Tổ dẹp giặc Ngô cuồng bạo đã nhằm sơ hở đánh úp quân ta, đến lúc thần vũ giết tên Nghiễm hung tàn lại giúp kẻ gian dấy binh đánh chiếm Thuận Châu, kiêu ngạo muôn bề, lại sang cướp châu Lang Chánh, sang quấy phủ An Tây (Sơn La), nhà nó còn độc hơn loài ong bọ… sứ của nó sang thông thì ta hậu đãi cho về, quan của ta giao thiệp nó lại bắt bỏ ngục. Nay trẫm tự cầm cờ mao trắng điều khiển, tự cầm lưỡi búa vàng chỉ huy đánh dẹp đất man, truy bắt bọn giặc mà đời trước không trói bắt được, kế tục ông cha, làm xong công việc mà người xưa chưa thể làm xong. Để cơ đồ lâu dài đến muôn đời được mở mang, để sĩ nhục to lớn của trăm vua được rửa sạch.”.

  Quan nội thị đọc xong, Lê Thánh Tông gọi:

-Phò mã Đô úy Đông quân đô đốc phủ sự Đoan Vũ hầu Trịnh Công Lộ.

- Bẩm hoàng thượng có thần.

-Đô đốc Đồng tri Lê Vĩnh.

-Dạ bẩm Hoàng thượng có thần.

-Tổng binh Nguyễn Lộng.

-Dạ, bẩm Hoàng thượng có thần.

-Đô đốc Trịnh Công Lộ mang ấn chinh di tướng quân, Đô đốc Lê Vĩnh là Chinh di phó tướng cùng Tổng binh Nguyễn Lộng chỉ huy cánh quân chính tinh nhuệ phía Bắc của 5 vệ Minh Nghị, Quảng Vũ, Ngọc Kiềm, Anh Đức và Phấn Uy thuộc Đông quân đô đốc phủ, quân số gồm 2 vạn người theo đường phủ An Tây (Lai Châu) đánh thẳng vào kinh đô LuôngPra bang.

-Chúng thần tuân chỉ.

     Lê Thánh Tông gọi tiếp:

-Du kỵ phó tướng quân Lê Lộng.

-Bẩm Hoàng thượng có thần.

-Thổ binh tham tướng Đinh Thế Nghiêu.

-Dạ bẩm Hoàng thượng có thần.

-Hai tướng đem binh theo đường Mường Muỗi (Thuận Châu) nhưng vẫn dưới sự chỉ huy của Trịnh Công Lộ có nhiệm vụ yểm trợ cho cánh quân này đãnh Lão Qua, đồng thời chặn đánh tàn quân của địch.

-Chúng thần tuân chỉ.

-Thảo tặc phó tướng quân Lê Nhân Hiếu.

-Dạ bẩm Hoàng thượng, có thần.

-Tướng quân chỉ huy cánh quân phía Bắc theo đường phủ Thanh Đô (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đánh vào Lão Qua tại Hủa Phăn, vu hồi đánh vào Bồn Man.

-Dạ, bẩm Hoàng thượng, thần tuân chỉ.

-Chinh Tây tướng quân Lê Thọ Vực.

-Dạ bẩm Hoàng thượng có thần.

-Tướng quân dẫn cánh quân trung tâm đi theo đường chính phủ Trà Lân (Thừa tuyên Nghệ An), chỉ huy các doanh du kích trực tiếp tấn công Bôn Man (Xiêng Khoảng) rồi từ đó đánh sang Lão Qua.

-Dạ bẩm Hoàng thượng thần tuân chỉ.

-Trấn lỗ tướng quân Lê Đình Ngạn.

-Bẩm Hoàng thượng có thần.

-Tướng quân chỉ huy cánh quân phía nam theo đường phủ Ngọc Ma (Con Cuông, Thanh Chương tây nam Nghệ An, Hương Sơn Hà Tĩnh) ngược lên theo hướng tây bắc đánh Bồn Man rồi đánh Lão Qua.

-Thần tuân chỉ.

-Ta sẽ dẫn theo 5 vạn quân đi sau yểm trợ cho các cánh quân. Chuẩn bị sáng ngày kia các đạo quân Tây chinh xuất phát.

-Chúng thần tuân chỉ.

-Ai có tấu?

Im lặng.

-Không có tấu, bãi triều.

Tháng 11 năm 1479, các đạo quân chinh Tây từ Đông Kinh xuất phát. Theo hướng hành quân tấn công mà Lê Thánh Tông đã vạch ra cho các tướng, quân Đại Việt tấn công Lão Qua và Bồn Man trên ba mặt trận: mặt trận phía Bắc, mặt trận Trung và mặt trận Nam Lão Qua. Trên ba mặt trận, do ưu thế về quân số và kỹ thuật tác chiến, quân Đại Việt đã chiến thắng, tiêu diệt và bắt sống hàng nghìn quân địch, các tướng Lão Qua bại trận tháo chạy hoặc bị bắt. Đạo quân phía Bắc qua Tây An (Lai Châu) nhanh chóng đánh bại quân Lão Qua và tiến vào thủ đô LuôngPra bang. Vua Lão Qua là  Xaiyna Chakhaphát đem gia quyến tháo chạy khỏi thủ đô. Đô đốc Trịnh Công Lộ đón Lê Thánh Tông vào LuôngPrabang. Quân Đại Việt truy kích quân Lão Qua tới sông Kim Sa, giáp Miến Điện. Quân Đại Việt toàn thắng. Đạo quân Phía Bắc rút quân trở về. Tháng 12 âm lịch năm 1479 vua Lê Thánh Tông về tới Đông Kinh.

  Ở phía miền Trung Lão Qua, phản nghịch Cầm Cộng thoát chết lại nổi loạn. Lê Thánh Tông lại đem 30 vạn quân đi dẹp, sai Kỳ Quận công Lê Niệm đi tiên phong. Thành trì của Cầm Cộng thất thủ, Cầm Cộng bỏ chạy và ốm chết. Nhà vua cho Cầm Đông, họ hàng nhà Cầm Cộng lên làm Tuyên úy Đại sứ, đặt lại quan cai trị, từ đây Bồn Man hoàn toàn thần phục Đại Việt. Tháng 1 âm lịch năm 1480 xa giá vua về tới Đông Kinh, hoàn thành công cuộc Tây chinh.

     Tháng 11 năm 1496 niên hiệu Hồng Đức thứ 27, sau bữa    ăn sáng Lê Thánh Tông ngồi trong điện Kim Loan uống trà. Đã nhiều bữa ông ăn không ngon. Nhà vua gọi:

-Bay đâu.

--Dạ, Hoàng thượng.

-Hôm nay cháo sâm nấu thế nào mà ta ăn không được?

-Dạ, tội này là của hạ thần không bảo ban dạy bảo bọn nhà bếp cẩn thận ạ.

-Đứng dậy đi, có lẽ ta mệt mỏi, ăn không được. Đem trà lên đây.

-Dạ.

Quan nội thị gọi:

-Đem trà nóng lên đây.

Có trà, quan nội thị rót ra chén:

-Kính mời hoàng thượng.

Lê Thánh Tông bê chén uống xong và nói:

-Ta ốm thật rồi, trà này mọi sáng ta uống ngon, nay cũng không ngon nữa.

Quan nội thị nói;

-Dạ, thần gọi thái y đến thăm bệnh cho Hoàng thượng.

-Bay đâu.

-Dạ.

-Đi gọi thái y đến đây.

-Dạ.

Canh giờ sau quan thái y bước vào quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

-Miễn lễ

-Đa tạ Hoàng thượng.

Quan nội thị nói:

-Để thần dìu Hoàng thượng lại giường để thái y khám bệnh.

Lê Thánh Tông nói:

-Không cần đâu, ta ngồi đây thái y hãy khám cho trẫm đi.

-Thần tuân lệnh.

Thái y bắt mạch sau đó nói:

-Mạch của Hoàng thượng yếu do lao lực quá sức mệt mỏi vì việc nước quá nhiều. Thần kê thang thuốc bồi dưỡng sức khỏe nhưng Hoàng thượng phải nghỉ ngơi nhiều mới có hiệu quả.

Lê Thánh Tông nói:

-Đa tạ, nhưng việc nước quá nhiều ta nghỉ ngơi thế nào được. Với ta nghỉ ngơi nhiều lại ốm thêm.

Sau đó Lê Thánh Tông uống thuốc nhưng vẫn lên thiết triều xét đoán chính sự. Đến ngày 9 tháng 1 âm lịch năm 1497 bệnh nhà vua bắt đầu nặng khiến ông không ăn uống được nữa. Nhà vua ngồi trên ghế ngai và nói với quan nội chính:

-Khanh đi báo cho các chính phi và các hoàng tử, công chúa đến đây.

-Dạ, tuân lệnh Hoàng thượng.

Canh giờ sau gia đình Lê Thánh Tông từ tất cả các cung lần lượt đến, tất cả quỳ xuống khóc lóc:

-Xin Hoàng thượng khỏe mạnh.

-Xin phụ hoàng khỏe mạnh.

-Xin phụ hoàng đứng bỏ chúng con. Hu!Hu!Hu!...

-Xin Hoàng thượng đừng bỏ thần thiếp. Hu!Hu!Hu!...

(Còn nữa)

CVL