Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 67)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

              

d-d-nghe1a-1634779353.jpg
Tranh minh họa của Lê Trí Dũng: Kiều Công Tiễn sát hại nghĩa phụ Dương Đình Nghệ đêm 1 tháng 4 năm 937 đoạt chức Tiết độ sứ. Nguồn: cand.com.vn
 

 

Kỳ 67.

Những ý nghĩ của Kiều Công Tiễn bị cắt đứt bởi con cháu và các tướng lĩnh đã bước vào đại sảnh. Đây là Kiều Công Thuận, em trai Kiều Công Tiễn, đây là Kiều Công Chuẩn, con trai Kiều Công Tiễn,  đây cháu nội là Kiều Công Hãn, chỉ có một người ngoài là gia tướng Lưu Định. Khi mọi người đã an tọa, Kiều Công Tiễn nói:

-Mười bốn năm nay ta về với Dương Đình Nghệ, chịu nhiều thiệt thòi, nhẫn nhục và chịu đựng chỉ vì nhằm đạt quyền lợi của gia đình ta và của họ Kiều. Nay ta đã đạt được vinh hoa phú quý nhưng với chức Thứ sử một châu vẫn còn dưới tầm kẻ khác, vẫn bị kẻ khác sai khiến. Ta đã nhiều lần nằm mơ thấy ta trở thành Tiết độ sứ, có trong tay thiên hạ, đứng trên muôn triệu con người, ngồi trên đống bạc vàng như núi. Ta nay muốn biến giấc mơ thành hiện thực, về Đại La trừ bỏ Dương Đình Nghệ, lên ngôi Tiết độ sứ, mọi người thấy thế nào?

Em trai Kiều Công Tiễn là Kiều Công Thuận nói;

-Đệ hoàn toàn đồng ý với huynh, dòng họ Kiều ta vốn là hào trưởng ở Bạch Hạc nhưng đến đời anh em ta thì sa sút trở thành hèn mọn, nghèo khó, huynh trưởng phải đi nương nhờ Dương Đình Nghệ để gây dựng cơ nghiệp, nay nhờ trời chúng ta cũng đã có đất Phong Châu, vàng bạc châu báu đầy nhà, ruộng thẳng cánh cò bay, trâu bò gia súc hàng nghìn với hàng nghìn nông nô làm thuê, gia đinh võ sĩ trong nhà vài nghìn đều là những người trung thành và võ nghệ cao cường. Luật pháp của nhà nước, luật của Dương Đình Nghệ không có ở đất Phong Châu này, ở đất này chỉ có luật của họ Kiều Công. Đây là thời cơ để ta đoạt chức Tiết độ sứ, lấy thiên hạ về tay, muốn làm gì thì làm, không bị kẻ khác sai khiến bắt nạt, để làm cho họ Kiều Công rạng rỡ.

Kiều Công Chuẩn, con trai  Kiều Công Tiễn nói:

-Cha và thúc thúc nói sai rồi, chúng ta nghèo khó, tài năng có hạn nên về với Dương Đình Nghệ để lập thân. Thực ra trong 14 năm qua, anh em chúng ta đóng góp cho sự nghiêp của Tiết độ sứ chúa công, cho sự nghiệp đánh giặc cứu nước không đáng kể. Nhưng là vì có mối quan hệ nghĩa tử mà Dương Đình Nghệ vẫn giúp đỡ cất nhắc, bây giờ anh em, cha con chúng ta dù tài không bằng ai cũng đã làm chủ một vùng Phong Châu trù phú, gia đình anh em cha con ta trở nên giàu có nhất nhì thiên hạ. Nay chúng ta giết nghĩa phụ Dương Đình Nghệ là bất hiếu, giết người nâng đỡ mình là bất nghĩa, giết người cầm đầu đất nước là bất trung, giết người chính nghĩa là bất đạo. Bất hiếu, bất trung, bất đạo, bất nghĩa thì giàu sang quyền lực làm gì, cũng không xứng đáng đứng trên cõi đời này nữa. Xin cha và thúc thúc đừng đưa chúng ta vào con đường phản bội.

Lưu Định, gia tướng của Kiều Công Tiễn nói:

-Tướng quân Kiều Công Chuẩn nói chí phải. Mạt tướng thấy chúa công và gia đình ta đã nhận được nhiều ơn hụê của Dương Đình Nghệ, nhận làm nghĩa tử, nhận làm gia tướng rồi bổ nhiệm cất nhắc làm đến Thứ sử Phong Châu để chúng ta có một cuộc sống giàu có, vương giả, quyền thế như ngày nay. Nhưng chúng ta đã đóng góp rất ít cho sự nghiệp giải phóng đất nước, sự nghiệp vì dân của Dương Đình Nghệ. Thậm chí, khi làm thứ sử Phong Châu, Thứ sử chúa công đã làm trái tất cả những quy định của nhà nước, của Tiết độ sứ chúa công. Chúng ta đã không giảm thuế má, lao dịch cho dân, lại còn tăng cường bóc lột nặng nề, tăng cường sách nhiễu, tăng cường cướp đoạt ruộng đất không đền bù hoặc đền bù không đáng kể, đã không làm cho bách tính yên vui no ấm như Dương Đình Nghệ mong muốn, ngược lại, đẩy bách tính Phong Châu vào một cuộc sống khổ cực, oan trái mà không biết kêu vào đâu được. Chúng ta đã thủ tiêu tất cả những cư dân nào dám kêu ca, phàn nàn, tỏ sự căm thù oán hận. Chúng ta đã hoành hành bá đạo, không coi quốc pháp là gì. Chúng ta đã dung túng cho các huyện trưởng, giáp trưởng, xã trưởng, thôn trưởng tay chân cũng hoành hành ngang ngược với bách tính như vậy. Họ không kiêng sợ gì vì đã có chúng ta dung túng, chúng ta đã báo đạo thì cũng   không thể ngăn cấm, trừng phạt được họ khi họ bá đạo. Nhà dột từ nóc, thượng bất chính, hạ tắc loạn. Nay chúa công lại muốn mưu đồ phản nghịch, đó là bất trung, bất hiếu, bất đạo, phản quốc và phản bách tính. Cúi xin chúa công từ bỏ tham vọng thì họ Kiều chúng ta mới tồn tại được lâu dài. Vả lại, chúa công phải nhìn xem các thế lực khác như Ngô Quyền ở Châu Ái, Đinh Công Trứ ở Hoan Châu, Dương Tam Kha ở Đại La và tất cả các Thứ sử các châu, anh hùng hào kiệt và bách tính có tha tội cho chúa công không, có đứng nhìn chúa công hoành hành không?

Kiều công Tiễn đập bàn nổi giận:

-Im mồm đi, nhà ngươi dám lăng mạ ta sao?

Lưu Định đáp:

-Mạt tướng chỉ vì lợi ích của chúa công, của họ Kiều Công ta thôi. Việc phải làm của chúa công hiện nay không phải là đoạt chức Tiết độ sứ, đó là con đường chết. Việc chúa công phải làm là cải thiện điều kiện sống của bách tính Phong Châu. Đó là con đường sống của chúa công, của họ Kiều.

Kiều Công Tiễn thét:

-Thằng phản bội. Võ sĩ đâu trói lại chém!

Bốn võ sĩ xông vào trói Lưu Định đang định lôi ra ngoài thì Kiều Công Thuận đã rút gươm rất nhanh đâm vào bụng Lưu Định. Máu đỏ từ bụng ông chảy ròng ròng nhưng vẫn cố nói:

-Kiều Công Tiễn, ta đã nhiều lần cứu nguy cho ngươi thoát chết, nay ngươi không nghe lời nói phải, lấy oán báo ơn. Ngươi và những kẻ phản bội như Kiều Công Thuận sẽ chết không có đất chôn và bị phỉ nhổ muôn đời. Các ngươi nhớ lấy lời ta xem có hiệu nghiệm hay không.

Lưu Định còn muốn nói gì thêm nữa nhưng đầu ông đã vẹo sang một bên và tắt thở trong tay bốn tên võ sĩ. Chúng lôi ông ra ngoài.

Kiều Công Hãn, cháu nội Kiều Công Tiễn quát:

-Sao thúc thúc lại giết gia tướng có nhiều công lao, trung thành với họ Kiều ta. Lưu Định nói hoàn toàn đúng và ông nói vì sự tồn tại của họ Kiều. Tôi phản đối việc làm của ông nội và thúc thúc. Đoạt chức Tiết độ sứ là con đường chết. Ngô Quyền, Dương Tam Kha. Đinh Công Trứ, Phạm Bạch Hổ và nhiều thế lực khác hùng mạnh hơn ta nhiều. Họ không tha cho chúng ta đâu, chúng ta đánh không lại họ đâu.

Nói rồi Kiều Công Hãn tức giận bỏ ra ngoài.

Kiều Công Chuẩn đứng dậy lắc đầu buồn bã:

-Phản rồi, phản rồi. Chúng ta sẽ chết mà không có đất chôn, sẽ bị muôn đời nguyền rủa.

Vừa nói ông vừa như người  thất thần buồn bã, lảo đảo bước ra ngoài.

Chỉ con lại kiều Công Tiễn và Kiều Công Thuận. Kiều Công Tiễn nói:

-Chỉ có đệ là hiểu được huynh lo lắng cho tương lai của họ Kiều, tương lai của gia đình, của các con và các cháu. Nay thời cơ để ta hạ sát Dương Đình Nghệ đã có, ta không nên bỏ lỡ.

Kiều Công Thuận hỏi:

-Thời cơ đó là gì huynh?

Kiều Công Tiễn đáp:

-Theo thám mã về báo, Dương Tam Kha, Tổng Trấn Đại La đã về Ái Châu vì công việc. Hiện sức phòng thủ của thành Đại La không đáng kể và cái chính là không ai bảo vệ Dương Đình Nghệ. Hơn nữa, ta lợi dụng là nghĩa tử vào thăm rất dễ. Khi giết xong Dương Đình Nghệ mà vắng Dương Tam Kha ta sẽ khống chế những kẻ còn lại buộc chúng công nhận ta là Tiết độ sứ rất dễ dàng. Dương Đình Nghệ phen này chết chắc rồi.

-Vậy cụ thể kế hoạch của huynh như thế nào?

Kiều Công Tiễn đáp:

-Ngay hôm nay ta cho 1vạn quân đóng giả thường dân về gần thành Đại La. Ta chỉ dẫn theo 10 võ sĩ đi theo, khoảng gần tối xin vào gặp Dương Đình Nghệ. Khi vào giết lính giữ cổng thành, 5 võ sĩ khống chế cổng thành, 5 võ sĩ theo ta vào tư dinh giết xong Dương Đình Nghệ thì bắn tên lửa báo hiệu cho lính của ta mở cổng thành, 1 vạn quân ta vào thành không chế, ai theo ta thì tha, không theo ta thì giết hết. Khi đó ta sẽ ngồi vào chiếc ghế Tiết độ sứ. Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Đinh Công Trứ ở xa, khi biết thì việc đã xong rồi.

Kiều Công Thuận tán thành:

-Kế hoạch của huynh chu đáo, bất ngờ, Dương Đình Nghệ chắc không kịp trở tay. Đệ sẽ chỉ huy 1 vạn quân để vào thành Đại La.

Kiều Công Tiễn mừng rỡ:

-Tốt lắm, nhưng đệ không được giết bừa bãi, chỉ giết những ai chống cự, không công nhận ta là Tiết độ sứ thôi.

-Huynh yên tâm.

Trưa hôm đó binh lính ăn cơm xong, Kiều Công Thuận ra lệnh cho 1 vạn quân giả làm thường dân, dấu vũ khí trong tay nải tiến gấp về Đại La. Kiều Công Tiễn dùng ngựa cùng 10 võ sĩ phi nhanh về Đại La. Kiều Công Chuẩn biết cha và thúc thúc sắp gây biến ở Đại La nên không đi, chuẩn bị đem con nhỏ là Kiều Công Đĩnh rời trấn trị Bạch Hạc khi có biến thì về quê ngoại. Kiều Công Hãn muốn báo cho Dương Tam Kha và Ngô Quyền, cũng lên ngựa phi một mạch về Đại La để nắm tình hình.

Canh một đêm đó Kiều Công Tiễn mới tới Đại La. Lính canh hỏi:

-Đại nhân vào thành muộn vây?

Kiều Công Tiễn quát:

-Các ngươi không biết ta là ai à, ta là Thứ sử Phong Châu, nghĩa tử của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, ta từ Bạch Hạc về nên vào muộn. Ta vào thăm nghĩa phụ và bẩm báo một số việc quan trọng.

-Ấn tín và lệnh bài đâu?

Những người lính cũng đã nghe nói đến Kiều Công Tiễn, khi xem ấn tín và lệnh bài là thực, hai người lính chắp tay nói:

-Đa tạ, xin mời đại nhân vào.

Kiều Công Tiễn và 10 tên võ sĩ bước vào. Hai tên nhanh như cắt rút dao nhọn đâm hai người lính chết, lột quân phục của họ và hai tên mặc vào đứng khống chế cổng thành.

Kiều Công Tiễn và tám tên võ sĩ đi vào tư dinh của Dương Đình Nghẹ theo một hành lang mờ tối, đèn dầu leo lét. Sắp đến tư dinh, lối vào hành lang có hai người lính canh chặn lại không cho vào. Cả hai người bị bọn võ sĩ đâm chết. Khi đến phòng gõ cửa, người gia nhân ra mở cửa cũng bị đâm chết. Kiều Công Tiễn và các võ sĩ xông vào phòng, thấy đúng là Dương Đình Nghệ đang ngồi cạnh án thư đọc sách. Thấy Kiều Công Tiễn, ông định đứng dậy tiếp đón thì đã bị mấy tên võ sĩ đâm chết. Dương Đình Nghệ trỏ tay vào mặt Kiều công Tiễn nói:

-Ngươi, ngươi làm phản…

Và ông gục xuống tắt thở.

Kiều Công Tiễn sai võ sĩ lùng sục trong phòng nhưng không có ai. Cũng may gia đình Dương Tam Kha đã theo ông về Ái Châu thăm nhà. Kiều Công Tiễn sai hai tên võ sĩ bắn hai phát tên lửa lên trời. Nhân được tín hiệu, bọn lính canh trá hình đã mở toang cổng thành và 1 vạn quân của Kiều Công Thuận tràn vào thành. 5000 quân Khúc-Dương của Dương Đình Nghệ bị bất ngờ, số ít chống cự bị giết, số còn lại bị không chế và buông vũ khí. Quân Kiều Công Thuận chiếm các công sở, đại sảnh đường, kho vũ khí, kho lương thực, bao vây và chiếm phủ của Tổng trấn Đại La Dương Tam Kha. Lá cờ vàng mang chữ Khúc- Dương bị hạ xuống. Quân Kiều Công Thuận kéo là cờ có chữ Kiều lên cột, lá cờ trong đêm không gió nên không bay mà đen một màu tang tóc, ủ rủ xuống một cách thê lương, báo một điềm không lành cho thành Đại La hay cho họ Kiều. Trong đêm, một cuộc biến loạn phản bội đáng xấu hổ đã diễn ra một cách tương đối lặng lẽ. Đó là đêm 1 tháng 4 năm 937. Dương Đình Nghệ từ trần năm ông 63 tuổi. Kiều Công Tiễn đã làm chủ Đại La.

Kiều Công Thuận hỏi:

-Bây giờ thi hài của Dương Đình Nghệ chúng ta làm thế nào?

Kiều Công Tiễn suy nghĩ rồi đáp:

-Cứ khâm liệm cho vào quan tài tử tế để dùng thi hài Dương Đình Nghệ ra điều kiện với Ngô Quyền và Dương Tam Kha, buộc chúng muốn nhận thi hài thì phải phục tùng ta. 

Kiều Công Thuận hỏi:

-Bây giờ giải thích thế nào về việc ta giết Dương Đình Nghệ, hay là nói ông ta ốm chết?

Kiều Công Tiễn suy nghĩ rồi nói:

-Bây giờ không thể dấu diếm hoặc nói dối được nữa. Ông ta chết khi ta có mặt ở Đại La, ta lại ngồi vào chức Tiết độ sứ, hơn nữa thằng Kiều Công Hãn sớm muôn sẽ báo cho Ngô Quyền, Dương Tam Kha chuyện này. Cho nên có kẻ nào hỏi thì ta đáp, giết Dương Đình Nghệ là để trả thù cho Khúc Hậu Chủ, vì Dương Đình Nghệ đánh quân Nam Hán năm 931, giết Tư mã Lý Khắc Chính nên Nam Hán đã giết Khúc Thừa Mỹ khi đó đang bị quản thúc ở Phiên Ngung.

Kiều Công Thuận nói:

-Hay, có lý, may ra làm dịu được lòng căm thù trách móc và oán hận của bách tính và các anh hùng hào kiệt, các hào trưởng trong cả nước.

Kiều Công Tiễn đắc ý:

-Không nên lo sợ nhiều, muốn nên nghiệp lớn thì phải biết chà đạp lên dư luận mà đi.

(Còn nữa)

CVL