Kỳ 25.
Lê Quý Ly vội cỡi mũ, khấu đầu khóc mà thưa rằng:
-Nếu hạ thần không hết lòng giúp Trần Thuận Tông thì trời chu đất diệt. Vả lại ngày trước Trần Phế Đế có mưu hãm hại, nếu không có Thái thượng hoàng thì nay thần đã ngậm cười dưới đất, còn đâu đến ngày nay nữa. Vậy hạ thần đâu có ý khác, xin Thái thượng hoàng đừng lo ngại gì.
Ngày 15 tháng 12 năm Ất Hợi 1395 Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông băng hà, hưởng thọ 74 tuổi (1321-1395), tại vị 2 năm (1370-1372), làm Thái thượng hoàng 23 năm (1372-1395), thụy hiệu Thế Thiên Cực Thuần Hiếu hoàng đế, táng vào Nguyên Lăng ở Yên Sinh.
Sau khi Trần Nghệ Tông qua đời, Lê Quý Ly tự lên làm Nhập nội Phù chính Thái sư Bình Chương quân quốc trọng sự Tuyên trung vệ quốc Đại Vương, đeo lân phù vàng, còn tự xưng Phụ chính cai giáo hoàng đế. Vua Trần Thuận Tông cho Lê Quý Ly ở bên hữu sảnh đài gọi là Hoa Lư. Lê Quý Lý còn cho dịch “Thiên vô dật” của mình để dạy cho Trần Thuận Tông học. Quyền lực của Lê Quý Ly nghiêng cả thiên hạ, nghiêng cả triều đình.
IV
Năm 1397, trời mùa đông lạnh lẽo nhưng điện Càn Nguyên thì nóng lên hầm hập trong buổi thiết triều, Thái sư Lê Quý Ly đưa ra quyết định dời kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa. Bá quan văn võ sửng sốt bàng hoàng. Nhiều người tưởng mình nghe nhầm, hỏi lại đại thần ngồi bên cạnh:
-Hả, dời đô về Thanh Hóa? Ta không nghe nhầm chứ, thưa ngài?
-Ngài không nghe nhầm, chính Thái sư nói vậy. Ta nghe tiếp xem ngài ta nói gì nữa.
Lê Quý Ly đứng trên nền cao của điện Càn Nguyên, bên cạnh vua Trần Thuận Tông im lặng ngồi trên ngai vàng. Lê Quý Ly nói:
-Các ngài có biết ở Trung Quốc cách đây vài chục năm đã thay đổi triều đại không? Người Mông Cổ xâm lược Trung Quốc từ năm 1279, thiết lập triều đại nhà Nguyên thống trị Trung Quốc. Đến năm 1368, triều đại này đã bị Chu Nguyên Chương lật đổ, một triều đại Minh hưng thịnh đã được thiết lập. Triều đại này không che dấu dã tâm xâm lược Đại Việt, uy hiếp Thăng Long. Cho nên ta phải dời đô về Thanh Hóa để tránh sự uy hiếp đe dọa trực tiếp của nhà Minh. Có vị nào có ý kiến gì không?
Cả triều đình không ai dám nói, nhất là những lời can ngăn trái ý Lê Quý Ly. Chỉ có Phạm Cự Luận, mưu sĩ bậc nhất của Lê Quý Ly cả gan đứng dậy nói:
-Triều đình ta không nên dời đô. Xưa Lý Thái Tổ không phải vô cớ mà dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Thăng Long là thế đất rồng chầu hổ cuộn, từ đây mà cai trị được thiên hạ, làm cho thiên hạ thái bình, vững mạnh, là trung tâm thiêng liêng của đất nước. Thái sư nên nhớ các triều đại Đinh-Lê đóng đô ở Hoa Lư, vương triều chỉ tồn tại ngắn ngủi được mấy chục năm. Khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, nhà Lý tồn tại được 200 năm, nhà Trần ta cùng đã gần 200 năm. Đây là đất đế vương, xin Thái sư lưu ý.
Quan Khu mật chi sự Nguyễn Nhữ Thuyết cũng là một mưu sĩ của Lê Quý Ly đứng dậy nói:
-Bẩm thái sư, ngài Phạm Cự Luận nói không sai. Thăng Long là đất đế vương, long mạch bền vững của triều đình. Còn như nếu nhà Minh xâm lược, Tây Đô Thanh Hóa cũng chỉ cách Thăng Long có 300 dặm đường, giặc đã vào được Thăng Long tất chúng sẽ vào được Thanh Hóa. Nhưng giặc vào được Thăng Long chưa chắc chúng ta đã thua, mất Thăng Long tạm thời chưa chắc đã mất nước. Xưa đức Trần Thái Tông, đức Trần Nhân Tông, Thăng Long đã ba lần vào tay giặc Nguyên-Mông nhưng cuối cùng các vị tiên đế đã đánh cho chúng thua tơi bời không con mảnh giáp. Khi bị thế giặc mạnh uy hiếp các vị tiên đế có bàn chuyện dời đô đâu? Được thua là ở chỗ có tài cầm quân đánh giặc chứ được thua đâu ở chuyện dời đô. Vả lại có câu “Đức bất trái hiểm”, có nghĩa là gốc là ở đức chứ không phải là xây thành nơi hiểm yếu. Mong thái sư nghĩ lại.
Lê Quý Ly không ngờ hai mưu sĩ thân cận của mình lại phản đối với ý kiến sâu sắc xác đáng như vậy. Lê Quý Ly nổi giận để át đi cái lúng túng không còn lý lẽ của mình:
-Ý ta đã quyết, ai không nghe chém.
Cả triều đình im lặng, sợi hãi cúi đầu. Lê Quý Ly gọi:
-Đỗ Tĩnh đâu.
-Dạ, có hạ quan.
-Khanh vào động An Tôn, phủ Thanh Hóa xem đất đai, đo đạc, xem phong thủy và tính toán để huy động nhân công xây dựng. Nhớ phải tính toán cho hợp phong thủy không được sai sót.
-Hạ quan tuân lệnh.
-Lê Nguyên Trừng đâu.
-Có Trừng nhi.
-Con và Đỗ Tĩnh tính toán. Riêng con phải vẽ thiết kế thành Tây Đô và chỉ huy việc xây dựng công trình, không được sai sót.
-Hài nhi tuân lệnh phụ thân.
Ba tháng sau, tháng 4, thời gian mùa xuân đã kết thúc, chớm bước sang mùa hè, nắng chảy xuống kinh thành Thăng Long chói chang. Lê Quý Ly ngồi trong phủ Thái sư uống trà thì có tùy tướng vào báo:
-Dạ bẩm Thái sư, có Tư đồ Lê Nguyên Trừng từ Thanh Hóa về muốn vào gặp.
Lê Quý Ly vui mừng:
-Cho vào ngay.
-Dạ.
Lê Nguyên Trừng bước vào quỳ hành lễ:
-Kính chào phụ thân.
-Miễn lễ, đứng dậy đi.
-Đa tạ phụ thân.
Sau một lượt trà, Lê Quý Ly hỏi vào công việc:
-Thành Tây Đô con cho xây dựng đến đâu rồi?
Lê Nguyên Trừng đặt ly nước xuống bàn và nói:
-Thưa cha, triều đình đã huy động hàng chục vạn nhân công làm việc suốt ngày đêm hơn ba tháng ròng, đến nay về cơ bản đã xây dựng xong.
Rồi Lê Nguyên Trừng lôi từ ống tay áo ra một bản vẽ trải lên bàn và nói:
-Thưa phụ thân, đây là bản vẽ của thành Tây Đô An Tôn.
Lê Quý Ly chăm chú nhìn. Lê Nguyên Trừng chỉ tay nói tiếp:
-Thưa cha, thành An Tôn nằm trên diện tích của hai thôn Tây Giai và Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, lại thêm thôn Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, phủ Thanh Hóa, cách Thăng Long gần 300 dặm. Thành An Tôn nằm vào địa thế rất hiểm trở, có sông nước bao quanh, có núi non hiểm trở. Thành bao gồm thành nội, thành ngoại và La Thành là thành ngoài cùng. Thành nội gần như là một hình vuông, mỗi cạnh dài 200 trượng. Mặt ngoài của thành dùng những tảng đá lớn ghép thẳng đứng, mặt trong đắp đất. Thành cao khoảng 1 trượng hai thước. Trong thành diện tích rộng 320 mẫu, trên đó xây dựng đầy đủ cung điện cần thiết cho triều đình như ở Thăng Long. Bốn cổng thành theo hướng nam-bắc, đông-tây gọi là cổng tiền, hậu, tả hữu. Cửa tiền là cửa nam, cửa bắc là cửa hậu, cửa đông là cửa đông môn, cửa tây là cửa tây giai. Các cổng đều theo kiểu vòm cuốn, đá khối lớn xếp theo múi bưởi. To nhất là cửa nam, gồm 3 cửa vòm cuốn, mỗi cửa dài 8 trượng 45 thước, cao hơn 2 trượng, rộng 3 trượng 9 tấc. Các phiến đá dùng để xây dựng đặc biệt lớn, mỗi phiến dài 2 trượng, cao 3/4 trượng , mỗi phiến đá nặng 3000 cân. Các phiến đá của thành nội đưa lên cao ghép với nhau, không cần vôi vữa hoặc một chất kết dính nào.
Thành ngoại đắp bằng đất. Đất dùng nhiều như núi. Bên trong thành trồng tre gai dày đặc, chung quanh có hào nước sâu hơn 12 trượng.
Bên ngoài thành ngoại là La Thành, là thành đất, cao 1,5 trượng, là con đê hình thang, thượng thu hạ thách, bên ngoài dốc đứng, phía trong thoai thoải kiểu bậc thang. La Thành dựa theo địa hình tự nhiên, có đoạn nối liền với núi đá, lấy núi làm tường thành thiên nhiên hùng vĩ, có đoạn là các dòng sông, sông biến thành hào lũy trường thành. La Thành vì vậy là thành vô cùng rộng lớn, phía tả từ tổng cổ Biên, phía đông qua các xã Bút Sơn, Cổ Điệp, theo sông Bảo (sông Bưởi) chạy về Đốn Sơn. Phía hữu từ tổng Quan Hoàng, huyện Cẩm Thủy, theo ven sông Mã chạy về đông thẳng đến núi Yên Tôn mấy vạn trượng.
Lê Quý Ly hỏi:
-Bao nhiêu địa phương đã được huy động xây dựng thành?
Lê Nguyên Trừng đáp:
-Thưa phụ thân, số địa phương được huy động là 249 với hàng chục vạn nhân công, họ là nông dân, lao động ngày đêm nặng nhọc, nguy hiểm, nhất là trong khai thác vận chuyển những khối đá lớn, lại đưa lên cao, số người chết và bị thương không kể xiết. Có một thiếu nữ tên là Bình Khương đã tự sát khi nghe tin chồng là Cống sinh Trần Xuân Sĩ đi xây dựng thành đã chết, bách tính địa phương đã lập đền thờ nàng ta.
Ngừng lại uống nước, Lê Nguyên Trừng nói tiếp:
-Về chi phí cho xây thành cũng không thể kể xiết. Thưa cha, việc xây dựng thành An Tôn đã vi phạm nguyên tắc khoan thư sức dân về cả nhân lực và tài lực. Bách tính và quốc gia thực sự đã hoàn toàn kiệt quệ
Lê Quý Ly nói:
-Vì việc lớn, vì đại cục, vì sự nghiệp chúng ta không được nản lòng.
Im lặng hồi lâu, sau cùng Lê Nguyên Trừng hỏi:
-Thân phụ bao giờ cho dời đô?
-Lê Quý Ly đáp:
-Trong tháng này thôi.
Sáng nay, văn võ bá quan đến thiết triều, có lẽ là phiên thiết triều cuối cùng của vương triều Trần ở Thăng Long. Vua Trần Thuận Tông ngồi trên ngai vàng. Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự Lê Quý Ly đứng bên cạnh, bá quan văn võ quỳ xuống hành lễ:
-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.
Trần Thuận Tông nói:
-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.
-Tạ ơn hoàng thượng.
Trần Thuận Tông hỏi:
-Có ai tấu trình không?
Lê Quý Ly nói:
-Thần có tấu.
-Ái khanh có gì tấu đi.
-Ta thông báo cho triều đình biết, trong ba tháng qua, với sự cố gắng của Tư đồ Lê Nguyên Trừng, Thượng thư Bộ công Đỗ Tĩnh, huy động hàng chục vạn dân công ở 249 địa phương trong cả nước, đến nay thành An Tôn ở Vĩnh Lộc Thanh Hóa đã được xây xong. Ta tuyên bố thành An Tôn sẽ được gọi là Tây Đô, Thăng Long đổi thành Đông Đô. Ta tuyên bố triều đình bắt đầu dời kinh đô vào Tây Đô.
(Còn nữa)
CVL