Kỳ 6.
Lại nói bọn Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Áng nghe tin Mạc Đăng Dung đem quân thủy bộ từ Hải Dương về Kinh Đô giúp vua Lê Chiêu Tông, còn chưa biết đối phó ra sao, bỗng có tùy tướng vào báo:
-Dạ, bẩm tướng quân, người của Trịnh Tuy xin vào gặp.
Nguyễn Kính nói:
-Cho vào.
Tùy tướng của Trịnh Tuy bước vào:
-Kính chào các tướng quân. Chúa công Trịnh Tuy có bức thư gửi cho các tướng quân.
Tùy tướng trao thư cho Nguyễn Kính, Nguyễn Kính bóc thư ra đọc. Thư viết: “Nay thế của Mạc Đăng Dung rất mạnh không chỉ về lực lượng mà còn lấy được danh nghĩa phò Lê Chiêu Tông để hiệu triệu thiên hạ. Nay nếu các tướng quân đồng ý thì ta cùng hợp lực đưa một cháu chắt của nhà Lê lên ngôi thì thiên hạ mới theo. Thiên hạ theo thì sự nghiệp mới thành được. Nay kính thư”.
Nguyễn Kính đưa thư cho Hoàng Duy Nhạc và Nguyễn Áng, Cao Xuân Thì đọc. Cả bốn đồng ý với Trịnh Tuy, lập một triều đình mới thay cho triều Lê Chiêu Tông đang bị Mạc Đăng Dung khống chế. Vậy là tháng 9 năm 1518, tại hành điện Do Nha, Từ Liêm, bọn Trịnh Tuy, Nguyễn Kính…đưa chắt 4 đời của Cung Vương Lê Khắc Xương, con của Tu Tĩnh Công Lê Lôi là Lê Bảng lên ngôi, gọi là Đại Đức Đế. Lê Khắc Xương là hoàng tử thứ hai của vua Lê Thái Tông (1433-1442). Được nửa năm sau, bọn Trịnh Tuy lại phế Lê Bảng, lập Lê Do, gọi là Thiên Hiền Đế. Bọn Trịnh Tuy tự xếp đặt các quan văn võ trong triều đình mới.
Ở Đông Kinh, Lê Chiêu Tông và Mạc Đăng Dung nhận được tin cấp báo rằng bọn Trịnh Tuy lập một triều đình mới, Lê Chiêu Tông hỏi Mạc Đăng Dung:
-Bây giờ Vũ Xuyên Hầu định thế nào với bọn phản nghịch?
Mạc Đăng Dung đáp: -Tâu hoàng thượng, xin hoàng thượng ra chỉ dụ điều Nguyễn Hoằng Dụ từ Tây Đô đánh ra mặt Nam, thần sẽ từ Đông Kinh đánh từ phía Bắc. Hai mặt ép lại thế nào cũng phá được chúng.
Lê Chiêu Tông còn trẻ, không thể hiểu được ý đồ của Mạc Đăng Dung. Dung không chỉ muốn tiêu diệt các đại thần trong triều, tay chân của Lê Chiêu Tông để đưa người của Dung vào, mà còn phải tiêu diệt các thế lực quân phiệt lớn ở các địa phương mà nay hoặc mai sau sẽ đối lập với Mạc Đăng Dung. Trong đó có hai thế lực lớn là Trịnh Tuy và Nguyễn Hoằng Dụ. Bây giờ mượn chỉ của Lê Chiêu Tông để đẩy Dụ đánh Tuy, bất kể thế lực nào bị tiêu diệt và một bên kiệt quệ suy yếu cũng đều có lợi cho Dung.
Nghe kế sách của Dung, Lê Chiêu Tông cho là phải liền nói:
-Chuẩn tấu.
Liền cho sứ giả đem chiếu chỉ vào Thanh Hóa, lệnh cho Nguyễn Hoằng Dụ đem quân ra Bắc phối hợp với Mạc Đăng Dung đánh Trịnh Tuy, diệt ngụy triều Lê Do. Nguyễn Hoằng Dụ không biết đó là kế của Mạc Đăng Dung, định xuất binh. Tùy tướng của Nguyễn Hoằng Dụ can:
-Nay Mạc Đăng Dung đa mưu quỷ kế, đã mượn chỉ dụ của Lê Chiêu Tông giết hại rất nhiều đại thần, gây dựng thế lực trong triều, sớm muộn thế nào cũng cướp ngôi. Chúa công và Trịnh Tuy cũng là những lực lượng mà Mạc Đăng Dung phải tiêu diệt trên con đường soán ngôi. Đây là kế đẩy chúa công cùng với Trịnh Tuy tiêu diệt nhau, Mạc Đăng Dung đứng ngoài hưởng lợi. Mong chúa công suy xét.
Nguyễn Hoằng Dụ nói:
-Lê Chiêu Tông đã nhiều lần nguy khốn nhờ cậy ta, sai lầm của ta là nhiều lần ta từ chối để Mạc Đăng Dung có thời cơ len được vào triều chính. Nay ta phải ra Bắc để Lê Chiêu Tông biết rằng còn có một chỗ dựa ở quê nhà, cũng để cho Mạc Đăng Dung biết rằng còn một lực lượng khác bên cạnh vua để Dung bớt uy hiếp vua.
Rồi Dụ đem 2 vạn quân đi suốt ngày đêm vượt 300 dặm từ Thanh Hóa ra Đông Kinh, sáng hôm sau đến Nam địa phận Do Nha đã trông thấy 3 vạn quân Trịnh Tuy dàn trận hình cánh cung chờ đợi. Nguyễn Hoằng Dụ một mặt cho một tùy tướng đi báo cho Mạc Đăng Dung để phối hợp tấn công, mặt khác cứ dàn quân chiến đấu. Một tùy tướng nói với Nguyễn Hoằng Dụ:
-Bẩm chúa công, quân ta ít, quân địch nhiều, quân địch dàn thế trận cánh cung là để bao vây tiêu diệt quân ta, mong chúa công chờ quân của Mạc Đăng Dung đến rồi cùng tiến đánh.
Nguyễn Hoằng Dụ nói:
-Không được làm lòng quân hoang mang. Quân ta ít những sẽ có quân Mạc Đăng Dung tấn công mặt Bắc, hai mặt ép lại quân Tuy phải thua.
Rồi dàn trận quyết chiến. Trông thấy Nguyễn Kính, Nguyễn Hoằng Dụ mắng:
-Cả đời ăn lộc nhà Lê sao nay lại phản, xuống ngựa chịu trói mau.
Nguyễn Kính cười ha hả:
-Ông là đại thần nhà Lê mà như con chuột nằm bám rễ ở Thanh Hóa, năm lần bảy lượt vua Lê Chiêu Tông nguy khốn bảo ra cứu giá không ra, để cho Mạc Đăng Dung được triệu vào Kinh giết biết bao đại thần thân tín của vua, đưa tay chân thân tín đầy triều, biến vua thành bù nhìn, chuẩn bị soán ngôi. Đó không phải là lỗi của ngươi tiếp tay cho giặc sao?
Nguyễn Hoằng Dụ quá tức giận thét :
-Có ai ra bắt thằng giặc này cho ta.
-Có mạt tướng.
Tùy tướng của Nguyễn Hoằng Dụ là Trần Đô múa đại đao xông ra giao đấu với Nguyễn Kính. Được 20 hiệp, Kính lia một gươm, đầu Trần Đô lăn xuống đất. Trịnh Tuy hô to:
-Xông lên giết.
Quân Trịnh Tuy xông lên chém giết, lại hình thành thế bao vây. Quân Nguyễn Hoằng Dụ đại bại mà không thấy bóng dáng quân Mạc Đăng Dung đâu. Nguyễn Hoằng Dụ đường cùng được các tùy tướng mở đướng máu chạy thoát về hướng Nam nhưng dọc đường kiệt sức chết do già yếu. Trước khi chết, Dụ kêu to lên uất hận:
-Ta cả đời chinh chiến lại bị tên gian hùng Mạc Đăng Dung đánh lừa. Than ôi, hận này biết bao giờ nguôi!!!
Nói xong Nguyễn Hoằng Dụ tắt thở.
Nghe tin Nguyễn Hoằng Dụ đại bại và chết, Trịnh Tuy cho rằng một mình Mạc Đăng Dung là không đáng kể, liền tung quân vượt qua cầu phao sang sông đánh vào hành dinh Bồ Đề. Quân Trịnh Tuy đông hàng vạn băng băng rầm rập chạy qua cầu. Đột nhiên, một phát tên lửa bắn lên không trung. Từ hai bên dòng sông hàng trăm thuyền chiến trút bỏ lá ngụy trang xông ào ạt vào hai bên cầu. Quân lính trên thuyền chiến bắn tên như mưa vào quân trên cầu. Quân Trịnh Tuy trúng tên hàng trăm, hàng nghìn lộn nhào xuống sông mà chết. Quân Mạc Đăng Dung còn bắn tên lửa vào cầu, cầu bốc cháy và đứt. Hàng nghìn quân Trịnh Tuy nhào xuống sông chết đuối, hoặc bị lửa thiêu, hoặc bị trúng tên mà chết. Tùy tướng của Trịnh Tuy là Mai Đường Bá tử trận. Trịnh Tuy cùng các tướng mở đường máu đem vua Lê Do chạy về Yên Lãng, Yên Lạc, sau đó lại đem Do về Từ Liêm.
Tháng 7 năm 1519, Mạc Đăng Dung quyết tâm tiêu diệt bằng được Trịnh Tuy, liền đem 3 vạn quân bao vây Do Nha. Trời tháng 7 mưa như trút nước, nơi hành dinh của Lê Do lại thấp. Mạc Đốc nói với Mạc Đăng Dung:
-Huynh cứ cho phá đê nước tràn ngập vào thì Lê Do và Trịnh Tuy cùng quân sĩ biến thành cá.
Mạc Đăng Doanh nói:
-Tháo nước vào thì chết quá nhiều bách tính.
Mạc Đăng Dung nói:
-Chết bách tính mà diệt được kẻ thù thì không sao cả. Chiến tranh không được mềm lòng.
Liền ra lệnh phá đê. Hành dinh Do Nha phút chốc chìm trong biển nước. Cư dân trong khu vực đó như ong vỡ tổ, nhà cửa tài sản ngập chìm. Vô số trẻ em, người gìa, phụ nữ chết đuối. Tiếng kêu khóc vang trời. Nước sông vẫn vô tình đổ về như thác. Quân đội của Mạc Đăng Dung đông hàng vạn thản nhiên đứng nhìn như không có chuyện gì xẩy ra. Vua Lê Do và cận thần Nguyễn Sư lóp ngóp bơi vào bờ bị quân Mạc bắt và giết chết. Trịnh Tuy không rõ bằng cách nào chạy thoát về Thanh Hóa. Các tướng Sơn Tây Nguyễn Áng, Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc biết đại cục đã vỡ liền theo hàng Mạc Đăng Dung.
Ngày 20 tháng 9 năm 1519, Mạc Đăng Dung rước vua Lê Chiêu Tông về Đông Kinh. Vua ban chiếu đại xá thiên hạ, thăng chức tước của các quan lên một cấp. Mạc Đăng Dung được phong lên Minh Quận Công, đầu năm 1521 lại phong lên Nhân Quốc Công, thống lĩnh quân thủy bộ 13 đạo. Trong triều đình lúc này hầu hết các chức vụ quan trọng đều nắm trong tay vây cánh của Mạc Đăng Dung, hoặc là ngả theo Mạc Đăng Dung. Thế lực của Dung lúc này nghiêng ngửa triều đình. Tâm phúc của vua Lê Chiêu Tông chỉ còn đếm trên đầu ngón tay như Lại Thế Vinh, Nguyễn Kim, Trịnh Công Năng, hoàng thân Lê Ý. Nhóm này thường bí mật gặp Lê Chiêu Tông bàn cách đối phó với Mạc Đăng Dung nhưng đều cảm thấy bất lực và cực kỳ nguy hiểm bởi tai mắt của Dung đầy triều. Một lần gặp nhau trong hậu cung, hoàng thân Lê Ý nói:
-Chúng ta thấy rõ Nhân Quốc Công Mạc Đăng Dung đã và đang chuyên quyền nhưng bản vương thấy rằng trước mắt nên dùng đạo trung nghĩa mà thuyết phục.
Lê Chiêu Tông hỏi:
-Bằng cách nào, thưa thân vương?
Lê Ý nói:
-Dạ, tâu hoàng thượng, có thể phải chính hoàng thượng đến phủ Mạc Đăng Dung thuyết phục và phong Dung chức Thái phó.
Đại thần Nguyễn Kim tức giận nói:
-Không được, nước Đại Việt từ khi có vua đến giờ theo lễ nghĩa vua tôi, chỉ có bề tôi vào triều bái yết vua chứ không có vua đến nhà bề tôi. Chính các ngài đã phá nát lễ nghĩa và dung túng cho Mạc Đăng Dung làm càn.
Lê Chiêu Tông nói:
-Ái khanh Nguyễn Kim nói đúng nhưng thời thế của chúng ta ngày nay đã khác. Mạc Đăng Dung đã tiết chế 13 đạo quân thủy bộ. Em của Dung là Mạc Đốc đã nắm toàn bộ quân ngự lâm, quá 2/3 đại thần triều đình là vây cánh của Mạc Đăng Dung. Chúng ta như cá nằm trên thớt. Cho nên trẫm sẽ phá lệ, tự đến dinh của Mạc Đăng Dung may ra có thể cứu được cơ nghiệp nhà Lê.
Một sáng Mạc Đăng Dung đang ngồi uống trà sau ăn sáng thì có lính vào báo:
-Dạ, bẩm Nhân Quốc Công, có hoàng thượng giá đáo. Mạc Đăng Dung nở một nụ cười ranh mãnh bước ra ngoài hành lễ:
-Không nghênh đón xa giá từ xa, tội thần đáng muôn chết.
Lê Chiêu Tông xuống kiệu:
-Miễn lễ, là do ta đến mà không báo cho ái khanh biết trước.
(Còn nữa)
CVL