Kỳ 19.
Hác măng đứng dậy nâng cốc:
-Chúc ngài Cuốc bê hoàn thành sứ mệnh, có trong tay được một bản hàng ước của triều đình Huế.
-Đa tạ, chúc chúng ta chiến thắng ở Huế và ở Bắc Kỳ.
Bốn tên cướp biển và thực dân cạn cốc trong những tham vọng điên cuồng. Đang khi đó một sĩ quan tình báo vào báo:
-Dạ bẩm, có tin khẩn cấp ạ.
-Tin gì nói mau.
-Dạ bẩm, vua Tự Đức nước Đại Nam lên ngôi năm 1847, trị vì được 35 năm, đã chết hôm 19 tháng 7 năm 1883.
Hác măng sửng sốt:
-Hả, chết rồi sao? Ai kế vị?
-Dạ, Tự Đức di chiếu lại cho con là Cung Tông lên ngôi ngày 20 tháng 7, đế hiệu là Dục Đức nhưng chỉ được 3 ngày thì nhà vua bị Phụ chính Tôn Thất Thuyết và Phó Phụ chính là Nguyễn Văn Tường phế truất, giam lại không cho ăn và chết đói.
Hác măng lại hỏi:
-Nay ai kế vị:
-Dạ, nay là Hiệp Hòa, con của vua Thiệu Trị, lên ngôi ngày 30 tháng 7. Hiệp Hòa sinh năm 1847, nay nhà vua đã 36 tuổi rồi ạ.
Hác măng nói:
-Tự Đức là vị vua chủ hòa đã tạo nhiều thuận lợi cho công cuộc chinh phục Đại Nam của ta. Nay ông ta mất đi, phải chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu sẽ mạnh lên, phái chủ hòa sẽ yếu đi. Có lẽ vua Dục Đức có chủ trương thân Pháp nên bị phái chủ chiến truất ngôi và giết. Ta phải đánh Huế nhanh để có được hiệp ước bảo hộ, nếu không phái chủ chiến mạnh lên, ta sẽ rất khó khăn.
Cả bọn đồng thanh:
-Ngài nói phải lắm, phải cấp tốc đánh Thuận An, buộc Huế ký hiệp ước thừa nhận quyền bảo hộ của ta trên Đại Nam ngay.
Tháng Tám là tháng mà biển Đông từ xưa đến nay không yên tỉnh. Không bão táp thì mùa này sóng vẫn cuồn cuộn như ngựa lồng hết đợt này đến đợt khác. Biển cả dâng lên mênh mông một màu nước xám. Gió mùa thổi mạnh, mây bay vùn vụt trên trời u ám. Vịnh Hạ Long trong những ngày này cũng không yên tĩnh. Các pháo hạm của quân viễn chinh Pháp đang tấp nập chuẩn bị cho cuộc hành trình tấn công cửa biển Thuận An. Đô đốc Cuốc bê đứng trên đài chỉ huy, cờ tam tài tung bay theo gió phần phật. Trên các boong của những con tàu, những khẩu đại bác hung dữ đặt giữa tàu, mũi trước và sau chĩa nòng lên trời đen sì sẵn sàng nhả đạn. Trên vọng lâu cao nhất của đài chỉ huy, Cuốc bê ra lệnh:
-Xuất phát.
Tiếng từ các con tàu đáp lại:
-Rõ, xuất phát.
Các tàu nhả khói, chân vịt xoáy sóng cuộn lên, đoàn tàu đi hàng dọc tiến thẳng về phía Nam. Đi đầu là chiến hạm Hăm ta lăng tơ, tiếp đó là các chiến hạm Sa tô Rơ nu, An Nam mít, Bơ rắc, còn có hai hộ tống hạm là Lai nơ và La vi po rê. Đi sau có ba tàu chiến đổ bộ là Bay a ta lan tơ và Re a dơ chở hai đại đội thủy binh Pháp, một đại đội lính Việt do các đại úy Mông ni ô, Sô rơ và Ban đi qua chỉ huy. Hai đội trọng pháo cùng 100 phu Việt do đại úy hải pháo Lu xơ chỉ huy. Tổng cộng lực lượng đánh Thuận An của Pháp gồm 1.000 lính, nhiều tàu chiến và trọng pháo.
Ngày 18 tháng 8 năm 1883 tàu chiến Pháp bỏ neo ở ngoài biển Thuận An. 8 giờ sáng Cuốc bê ra lệnh:
-Đổ bộ lên bờ, đánh đồn Trấn Hải.
-Tuân lệnh.
Quân Pháp đổ bộ lên bờ, dưới tàu đại bác bắn dữ dội vào thành lũy. Quân Việt trên thành cũng bắn thần công ra như sấm sét, nhưng đại bác quân Việt hoặc là không trúng đích, hoặc là không sát thương được nhiều. Ngược lại quân Việt bị đạn đại bác Pháp sát hại vô kể. Các chiến lũy và đồn bị san bằng. Hai đồn ở đảo Cây Dừa quân Việt đánh trả quyết liệt. Mãi tới ngày 21 tháng 8, hai đồn cũng bị đại bác phá tan. Quân Pháp hoàn thành việc đánh chiếm cửa biển Thuận An. Các quan chỉ huy các đồn như Lê Sĩ, Lê Chuẩn hy sinh, Lê Hoành, Trần Thức Nhẫn nhảy xuống sông tuẫn tiết. Trong trận này quân Đại Nam 1.000 người hy sinh và bị thương, phía Pháp 12 lính bị thương.
Quan thương thuyết của triều đình Huế là Lại bộ Thượng thư Nguyễn Trọng Hợp và Trần Đình Túc cho người xuống tàu Pháp gặp Cuốc bê. Cuốc bê đang ngồi trong phòng tàu chỉ huy thì có lính vào báo:
-Dạ, bẩm Đô đốc, có người của triều đình Huế đến muốn gặp.
-Cho vào.
Sứ giả của triều đình vào nói:
-Quan đại diện cho triều đình ở Thuận An Nguyễn Trọng Hợp đề nghị ngừng bắn để hai bên thương thuyết.
Cuốc bê nói:
-Ngài về nói với ông ta rằng muốn có một cuộc ngừng bắn, quan quân triều đình phải rút khỏi tất cả các đồn và thành trì phòng thủ cửa biển Thuận An, thứ hai, phải rút tất cả các đồn từ cửa biển dọc con đường dẫn đến kinh thành Huế.
Nguyễn Trọng Hợp và Trần Đình Túc không còn cách gì khác, cho sứ giả đến nói với Cuốc bê chấp nhận tất cả các điều kiện. Sứ giả đi rồi, Nguyễn Trọng hợp ngửa mặt lên trời kêu rằng:
-Cửa kinh thành đã rộng mở cho loài lang sói xông vào. Than ôi nước đã mất rồi!!!
Trong khi đó Hội đồng phụ chánh cùng vua Hiệp Hòa đang họp ở điện Cần Chánh. Chợt có quan thái giám vào báo:
-Da bẩm hoàng thượng, có Trần Đình Túc từ Thuận An về xin gặp.
Hiệp Hòa nói:
-Cho vào.
Trần Đình Túc vào quỳ lạy và nói:
-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.
Hiệp Hòa nói:
-Miễn lễ, đứng dậy đi. Tình hình Thuận An thế nào?
-Dạ bẩm quân ta chiến đấu dũng cảm nhưng đại bác của giặc quá mạnh, tất cả các đồn Trấn Hải, đồn ở đảo Cây Dừa chỉ một ngày là tan nát, thất thủ. Giặc buộc chúng ta phải phá hủy hết các đồn ở Thuận An, các đồn từ Thuận An theo con đường đến kinh thành Huế. Cửa ngõ bảo vệ kinh thành đã bị mở toang rồi ạ.
Tất cả Hội đồng Phụ chính bàng hoàng ngồi im lặng. Hiệp Hòa hỏi tiếp:
-Còn gì nữa? Khanh về đây ngoài bẩm báo việc bại trận, còn việc nữa?
-Dạ, bẩm còn một việc là Hác măng đưa đến cho ta một bản hòa ước nói rằng ta phải chấp nhận thì mới có hòa bình, nếu không chúng sẽ tấn công kinh thành Huế.
Trần Đình Túc dâng văn bản lên, Hiệp Hòa cầm và đưa cho Tôn Thất Thuyết:
-Quan Phụ chính xem những điều kiện mà chúng đưa ra ta có chấp nhận được không?
Tôn Thất Thuyết xem xong tức giận đập bàn quát:
-Quá láo xược, chấp nhận hòa ước này coi như đầu hàng quân xâm lược, coi như trao độc lập của Đại Nam cho Pháp, coi như mất nước.
Vua Hiệp Hòa buồn rầu nói:
-Nhưng không ký thì giặc sẽ đánh kinh thành Huế. Chúng ta hoàn toàn không chống đỡ lại được.
Quan Phó Phụ chính Nguyễn Văn Tường nói:
-Hoàng thượng nói đúng, lực lượng của chúng ta tan nát hết, chưa tập trung lại được. Cứ ký hòa ước để ta có thời gian tổ chức, tập trung lại lực lượng rồi sẽ tính sau.
Vua Hiệp Hòa nhìn Tôn Thất Thuyết, người phụ chính đầy quyền lực, cũng là người đứng đầu phe chủ chiến từ sau khi vua Tự Đức, Dục Đức qua đời. Nhưng Tôn Thất Thuyết im lặng. Hiệp Hòa hiểu rằng bản thân phe chủ chiến của Tôn Thất Thuyết cũng chưa đủ lực lượng vào lúc này để xoay chuyển tình thế, để bảo vệ kinh thành. Hiêp Hòa nói với Trần Đình Túc:
-Khanh đem văn bản về Thuận An cùng Nguyễn Trọng Hợp và Hác măng ký vào để trở thành hiệp ước. Coi như từ nay Pháp-Việt sẽ có một nền hòa bình lâu dài.
Và ngày 25 tháng 8 năm 1883, trên tàu Đô đốc ngoài cửa Thuận An, đại diện triều đình Huế Nguyễn Trọng Hợp, Trần Đình Túc và đại diện của Pháp Hác măng đã ký vào văn bản do Hác măng viết. Văn bản trở thành hiệp ước Hác măng, trong đó triều đình Huế thừa nhận nền bảo hộ của Pháp trên toàn cõi Đại Nam. Pháp đặt tòa Khâm sứ Trung Kỳ tại Huế. Mọi công việc của Triều đình Huế, của Đại Nam do Khâm sứ Pháp quyết định. Quân đội triều đình ở Bắc Kỳ phải rút về Trung Kỳ. Đại Nam mất nước, trở thành một mắt xích trong hệ thống thuộc địa của Pháp ở Đông Dương và trên thế giới.
(Còn nữa)
CVL