Sự kiện thuộc chiến dịch “Để Cổ nói” tại Vĩnh Phúc, thu hút sự tham dự của hơn 200 hội viên phụ nữ và nữ thanh niên công nhân trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản, Bệnh viện nhân dân Gia Định, giảng viên Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ vai trò, ý nghĩa của việc tầm soát định kỳ ung thư cổ tử cung, các phương pháp tầm soát hiện hành, đặc biệt là phương pháp xét nghiệm HPV DNA đầu tay, đơn lẻ do Tổ chức Y tế thế giới, FDA Hoa Kỳ và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo.
Hội thảo cũng là chiến dịch bổ trợ cho công tác truyền thông về quyền lợi của phụ nữ trong doanh nghiệp theo Thông tư 09/2023 của Bộ Y tế, tại phụ lục 3b có quy định, lao động nữ sẽ được sàng lọc ung thư cổ tử cung nói riêng và khám chuyên khoa phụ sản nói chung.
Theo thống kê, mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 4.132 ca mắc mới và 2.223 ca tử vong do mắc ung thư cổ tử cung. Chỉ có 17% phụ nữ trong độ tuổi từ 25 - 65 từng tầm soát ung thư cổ tử cung trong 3 năm vừa qua, đây là tỷ lệ thấp so với mục tiêu 70% phụ nữ trước 35 tuổi được khám sàng lọc, sử dụng các hình thức xét nghiệm với độ chính xác cao, được tái xét nghiệm trước 45 tuổi trong chiến lược toàn cầu của WHO loại trừ ung thư cổ tử cung vào năm 2030.
Chiến dịch "Để Cổ nói" do Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Bắc Trung bộ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Phụ sản Việt Nam với sự đồng hành của Roche Việt Nam phát động vào tháng 6/2023, hướng đến mục tiêu loại trừ ung thư cổ tử cung của WHO, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho phụ nữ trên khắp Việt Nam.
Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tăng cường nhận thức cho phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, nữ thanh niên công nhân trong các doanh nghiệp nói riêng về vai trò của tầm soát định kỳ ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV DNA, giúp chị em chủ động hơn trong tầm soát để phát hiện sớm nguy cơ và xử trí kịp thời.