Vĩnh Phúc: Lớp học gieo hy vọng cho những đứa trẻ bị khuyết tật

9 năm qua, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí – TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều bậc phụ huynh tin tưởng, gửi gắm con em mình bị khuyết tật đến để chăm sóc, phục hồi chức năng.

San sẻ yêu thương

trung-tam-1706691518.jpg
Cán bộ, giáo viên, nhân viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí

Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí được thành lập năm 2015, có địa chỉ ở phường Liên Bảo, thuộc trung tâm TP. Vĩnh Yên. Trung tâm hiện là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên phát triển công tác giáo dục đặc biệt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

vietha-1706691763.jpg

Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc Trung tâm (ảnh trên) cho biết, chị sinh ra và lớn lên ở huyện Tam Dương, ngay từ nhỏ, bản thân chị đã chứng kiến nhiều em nhỏ kém may mắn trong cuộc sống, mắc những chứng bệnh như tự kỷ, thiểu năng…từ bé không được đến trường, chỉ thu mình không giao tiếp với mọi người.

Xuất phát từ những rung cảm với các hoàn cảnh xung quanh mình, chị Nguyễn Thị Việt Hà đã bước vào con đường giáo dục cho trẻ đặc biệt bằng cách thi đậu vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Giáo dục đặc biệt.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Hà đặt mục tiêu lập nghiệp ở Hà Nội và càng tiếp xúc với nhiều em nhỏ kém may mắn trong cuộc sống, Hà càng thấm lời dạy của các thầy cô, rằng: “Niềm hạnh phúc nhất của những người trong ngành giáo dục đặc biệt này chính là việc chia sẻ, giúp đỡ được những số phận không may”.

Do thường xuyên chứng kiến một số gia đình ở Vĩnh Phúc vất vả, tốn kém hằng tuần phải đưa con về Hà Nội tham gia các lớp giáo dục dành cho trẻ tự kỷ và chờ các con học xong rồi lại trở về Vĩnh Phúc. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Hà quyết định trở về quê hương mở lớp dạy, gắn bó với những đứa trẻ đặc biệt này.

Nhớ lại thời điểm ban đầu thành lập Trung tâm với vô vàn khó khăn. Không có địa điểm để mở lớp, Hà phải đi thuê mượn, mà thuê ngôi nhà rất nhỏ, ít tiền thôi.

11haphuhaday05-1706691972.jpg
Trung tâm hiện đang giúp đỡ cho khoảng 250 em mắc các dạng tật

“Có cả những bác phụ huynh khoan cắt từng cái bàn cái ghế để sửa lại cho các cháu. Có những ngày tôi đi đến xưởng của các bác thợ mộc, mình vẽ mình tô lại để tạo thành các đồ dùng dạy học cho các em, khắc phục những cái khó khăn để có những tiết học sinh động cho các em", cô giáo Hà nhớ lại. Từ 1 cơ sở ban đầu tại thành phố Vĩnh Yên, hiện nay, trung tâm đã phát triển lên 6 cơ sở tại các huyện, thành phố khác như Bình Xuyên, Phúc Yên, Lập Thạch và Tam Đảo.

Trung tâm hiện tiếp nhận và chăm sóc nhiều trẻ từ 20 tháng tuổi đến 18 tuổi với số lượng khoảng 250 trẻ mắc các dạng tật: Khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, chậm nói, trẻ mắc hội chứng down...Tại đây, các em không chỉ được các cô quan tâm chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, mà còn được học tập, vui chơi như bạn bè cùng trang lứa.

Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà tâm sự: Nuôi 10 trẻ bình thường không vất vả bằng 1 trẻ khuyết tật. Những hành vi của trẻ làm các bậc cha mẹ lo lắng, đau đầu, như: Đập đầu, cào cấu, đập phá... Những trẻ như vậy rất cần môi trường để chơi, vỗ về trẻ. Có gia đình dành cho trẻ một phòng trống nhưng nhiều gia đình không có điều kiện. Vì thế, kiên trì là yêu cầu đầu tiên với các giáo viên ở trung tâm này. Họ không chỉ cần bằng cấp về sư phạm mà phải có tấm lòng yêu trẻ, yêu như chính con mình đẻ ra.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

img-1706671049237-1706673049762-1706691808.jpg
Năm 2018, cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà vinh dự được nhận quà của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Hiện nay, trung tâm có gần 40 giáo viên có trình độ sư phạm từ cao đẳng trở lên, có chứng chỉ nghiệp vụ về giáo dục đặc biệt.

Trung tâm không chỉ rèn kỹ năng mà còn phải dạy cho các con học văn hóa. Chương trình dạy cho các em ở đây cũng rất đặc biệt. Mỗi trẻ là một chương trình riêng, mỗi trẻ là một kế hoạch học tập riêng. Vào đầu năm học, các cô nhận trẻ, xây dựng chương trình riêng và trao đổi với bố mẹ các em. Sau đó, Giám đốc Trung tâm duyệt lại và thống nhất với các cô để triển khai. Điều này đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo không ngừng, thậm chí là sáng tạo trong từng giờ học.

Ngoài ra, Mỗi trẻ ở Trung tâm đều có sổ theo dõi sức khỏe và kế hoạch giáo dục riêng. Mọi diễn biến về sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ đều được giáo viên và bác sĩ của trung tâm theo dõi, điều chỉnh kịp thời. Được nuôi dạy đúng cách, trẻ đến đây dần học được kỹ năng sống, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Rất nhiều trẻ tự kỷ khi được can thiệp tích cực và đúng thời điểm, sau một thời gian ngắn, đã có sự thay đổi rõ rệt, có thể theo học tại các trường như những trẻ khác.

Bên cạnh những nỗ lực của cô trò và phụ huynh, thì Trung tâm đã nhận được sự cổ vũ động viên của các tổ chức chính quyền, cá nhân… Đây là nguồn động viên khích lệ quý báu giúp các em vượt qua bệnh tật sớm hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, hiện Trung tâm vẫn còn gặp nhiều khó khăn để duy trì hoạt động và phát triển mạng lưới.

cham-soc-1706692206.jpg
Chăm sóc trẻ tự kỷ cần sự chung tay của toàn xã hội

Cô giáo Hà cho biết: Hiện nay, cùng với các điều kiện sống ngày càng được nâng cao, trẻ em Việt Nam được quan tâm đánh giá về phát triển thể chất lồng ghép vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế cơ sở, nhưng thiếu hoàn toàn sự đánh giá về phát triển tâm thần vận động nhằm phát hiện sớm các rối loạn phát triển và thực hiện sàng lọc sớm rối loạn tự kỷ.

“Muốn điều trị chứng rối loạn phổ tự kỷ và những cách này chỉ có thể thành công khi người bệnh đã được chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người không biết về chứng tự kỷ, về những đặc điểm cũng như biểu hiện của người tự kỷ, nhất là phụ huynh đôi khi còn có cảm giác né tránh hoặc sợ đối diện với bệnh tật của con em mình. Điều này gây khó khăn cho việc điều trị sớm cho các em”, cô giáo Hà khẳng định.

Chị P.T.T, thôn Chùa, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) đều đặn đưa con đến Trung tâm Hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí để học, chị cho biết: Năm nay con chị hơn 3 tuổi nhưng chưa biết nói. Lúc ở nhà chỉ nghĩ con chậm nói so với các bạn cùng lứa tuổi. Tuy nhiên, khi đến đây được tư vấn, thăm khám sàng lọc, con được chẩn đoán có nguy cơ mắc chứng rối loại phổ tự kỷ, mọi thứ dường như vỡ vụn trước mắt chị. Sốc lại tinh thần, hợp tác, tuân thủ nghiêm giáo án và hằng ngày đưa con về Trung tâm học 1 tiếng.

 “Đến nay, sau 1 tháng theo học, về nhà con đã chịu khó tương tác, biết gọi bố, mẹ, ông, bà; biết vâng, dạ khi có người gọi tên… Đó là niềm hạnh phúc lớn lao rất khó diễn tả bằng lời mà chỉ những người có hoàn cảnh, trong cuộc như tôi mới cảm nhận được” - chị P.T.T xúc động nói.

Theo lời khuyên của cô giáo Hà đối với trẻ tự kỷ, phụ huynh cần thiết phải nhìn nhận đó là một đứa trẻ bình thường và hoàn toàn có thể thay đổi tiến bộ được. Để giáo dục trẻ tự kỷ có thể hòa đồng được với cuộc sống xã hội là cả một quá trình tác động lâu dài, nhẫn nại và bền bỉ. Việc giáo dục giúp trẻ hòa nhập không phải là việc đơn giản. Chính vì vậy cần phải có sự tác động kiên trì, tâm huyết từ gia đình, thầy cô, bạn bè và của toàn xã hội để trẻ tự kỷ có thể hòa nhập được với cộng đồng và vì một mục tiêu cao đẹp “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Năm 2018, cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà vinh dự được nhận quà của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh vì thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật.

Cô giáo Hà còn được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật; Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ.