Trước mắt, việc dạy trực tiếp hát Trống Quân Đức Bác bắt đầu từ học kỳ II năm học 2021-2022 đến hết năm học 2024-2025 tại hai cấp học ở xã Đức Bác và cho giáo viên bộ môn âm nhạc các Trường Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Sông Lô. Trên cơ sở đó sẽ đúc rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng trên địa bàn huyện Sông Lô và toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là việc làm thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa phi vật thể đặc sắc của địa phương cho thế hệ trẻ, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc.
Để việc truyền dạy có hiệu quả, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đang biên soạn, xuất bản tài liệu phục vụ tập huấn và truyền dạy trực tiếp đối với học sinh các Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Đức Bác, huyện Sông Lô. Người trực tiếp thực hiện truyền dạy: Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian hát Trống Quân tại địa phương và đội ngũ tuyên truyền viên Trung tâm Văn hóa tỉnh.
Ngân sách tỉnh, bố trí từ nguồn chi thường xuyên trong sự nghiệp văn hóa cấp tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ: Biên soạn, xuất bản tài liệu; Tổ chức lớp tập huấn; Tổ chức truyền dạy trực tiếp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho các trường học trên địa bàn xã Đức Bác, huyện Sông Lô; trang phục đạo cụ;
dàn dựng, xây dựng các Video clip giới thiệu về các làn điệu, hướng dẫn các kỹ năng hát trống quân Đức Bác. Ngân sách huyện: Cân đối nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ truyền dạy hát trống quân Đức Bác cho học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn xã Đức Bác, huyện Sông Lô, từ năm học 2022-2023, đến năm 2025.
Chương trình truyền dạy được đưa vào thông qua các làn điệu Trống Quân dễ nhớ, dễ thuộc, tính chất tươi vui, lành mạnh, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh cấp tiểu học, THCS. Các làn điệu Trống Quân Đức Bác được sáng tạo nghệ thuật, bảo đảm giữ nguyên giá trị cốt lõi, không thực hành truyền dạy sai lệch, biến thể cách điệu hiện đại hóa. Quá trình học bảo đảm tính chất, thời gian tiết học; chương trình giáo dục ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm và được phối, kết hợp thống nhất về nội dung, phương pháp giữa các nghệ nhân tại cộng đồng và đội ngũ tuyên truyền viên của tỉnh và giáo viên âm nhạc của nhà trường trong hoạt động phổ biến truyền dạy, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phương pháp truyền thụ.
Nội dung chuẩn bi đưa vào giảng dạy chủ yếu: Giới thiệu khái quát về hát Trống Quân Đức Bác (nguồn gốc; ý nghĩa; các làn điệu hát thờ và hát hội, cách thức trình diễn...): 02 tiết lý thuyết; Các làn điệu hát Hội, đối đáp khúc hát giao duyên (điệu Hò bên Sông Lô-Kép Đức Bác gọi đón đào Phù Ninh, Thiết trầu); Các làn điệu hát Hội, giao duyên (Nở hoa, Xin hoa, Mó cá); Các làn điệu hát Hội, giao duyên (Gọi cá, Quả đúm): 04 tiết thực hành; Các làn điệu hát Hội khai xuân, đối đáp, giao duyên (Trống Quân Đức Bác, Đóng đám) và dàn dựng biểu diễn sân khấu hóa các làn điệu Hát Trống Quân Đức Bác.