Vợ chồng đãi nhau như khách

Việc vợ chồng phải cư xử với nhau ôn tồn, nhã nhặn thì tôi ảnh hưởng từ các cụ thân sinh tôi, từ nhỏ tôi đã thấy thầy mẹ tôi đối xử với nhau nhẹ nhàng, không cáu gắt, hai cụ rất kính nhau.
ho-nuoc-1644851840.jpg
 

 

Cặp vợ chồng già U80 sống trong căn nhà cấp 4 tiện nghi tàm tạm, phòng khách khoảng 20m2 đủ kê bộ bàn ghế cũ, chiếc TV 40 inch; một gian bếp, 2 phòng ngủ, 1 tolet 2 ngăn.

Ông bà sống cạnh nhà con gái, con rể. Con trai ông bà lấy vợ, sinh cơ lập nghiệp ở xa. Ông bà nghĩ ở gần con trai hay con gái đều được. Trong gia đình, ông bà không phân biệt con trai hay con gái, các con đều được đối xử như nhau. Con trai, con dâu ông có ý định đón ông bà đến ở chung hoặc ở gần với chúng nhưng ông bà không nghe. Ông bà đã sống ở đây hơn 50 năm, bao nhiêu bạn bè, đồng nghiệp, người quen. Đến nơi mới lại phải thiết lập các mối quan hệ mà tuổi cao rồi, người cùng trà tuổi ông bà thì ngày càng hiếm.

Ông, bà đi hay về đều chào nhau: anh đi đây; hay: em ở nhà nhé; hoặc: anh về rồi; hay: em ơi, anh đã về.

Nếu những câu đối thoại mà người ngoài có thể nghe được thì ông bà dùng từ ÔNG, BÀ như mọi người ở tuổi ông bà thường dùng.

Đôi khi cao hứng ông đùa bà:

- Vợ đâu rồi?

- Em đây.

- Em ơi.

- Gì anh?

- Em có thấy người yêu anh đâu không!

Khuôn mặt bà ửng lên.

Bà đang tưới luống rau thơm, ông gọi:

- Tình yêu của tôi đâu rồi?

Bà biết là ông đã pha xong trà, mời bà về uống.

Ông rót nước sôi vào chén để một lúc rồi láng chén đổ nước tráng chén sang chén khác. Ông rót hai chén trà, thấm trôn chén, quay quai phía tay phải đặt trước bà:

- Em uống nước.

Gia đình các cụ thân sinh ông bà cách nhau hơn 100km, cái duyên đưa ông bà gặp nhau, kiếp trước ông bà nợ nhau nên phận là ông bà kết vợ chồng hơn 50 năm trước. Khi ông bà còn nhỏ tuổi thì cha mẹ ông bà là những người biết dùng trà, và sau này ông bà là những người "nối nghiệp" dùng trà.

Ông vụng nấu ăn nhưng không ngại rửa bát, rửa rau, quét nhà. Bà nấu ăn ngon, mùa nào thức ấy vườn rau nhà đều có. Bà xào nấu thức ăn, thức ăn gần chín đã có bát đĩa đựng đặt ngay cạnh do ông chuẩn bị. Sắp mâm, thu mâm thường ông làm.

Ông ngồi đầu nồi xới cơm cho bà. Ông bà thường ăn rau trước, đến các món luộc hấp, ăn lưng cơm sau cùng với các món mặn. Khi bà chuyển sang ăn cơm, hai tay ông đón cái bát từ tay bà:

- Anh xới cơm.

Ông đưa cơm cho bà, bà cũng giơ hai tay và:

- Em xin.

Ăn cơm xong, nghỉ ngơi rồi ông pha trà mời bà không quên xoay quai chén về phía bên phải của bà.

Khi ông gọi bà thì bà: dạ, vâng. Ngược lại ông cũng dạ, vâng với bà.

Tôi hỏi ông: hai bác đối xử với nhau mẫu mực, xưng hô với nhau như khách quý. Do đâu hai bác làm được điều như vậy?

Ông nói: "Khi cháu Đức (con trai ông) tập nói thì ông cụ thân sinh tôi bảo: bây giờ cả nhà mình phải xưng hô mẫu để cháu Đức học nói, bố mẹ Đức gọi ông bà thì ông bà cũng dạ, vâng như ông bà gọi các con. Từ đấy vợ chồng tôi xưng hô với nhau thành quen.

Còn việc vợ chồng phải cư xử với nhau ôn tồn, nhã nhặn thì tôi ảnh hưởng từ các cụ thân sinh tôi, từ nhỏ tôi đã thấy thầy mẹ tôi đối xử với nhau nhẹ nhàng, không cáu gắt, hai cụ rất kính nhau.

Ông cụ còn kể cho tôi nghe câu chuyện bên Tàu: vào thời Xuân Thu,vua nước Tấn cử một sứ thần sang thăm nước Lỗ.

Một hôm trời nắng, trên đường trở về nước Tấn, sứ thần đi ngang qua nước Kế. Ông nhìn thấy một nông phu đang làm cỏ ngoài đồng và một phụ nữ trẻ, có lẽ là vợ của anh ta, cô đang mang bữa trưa ra cho chồng. Người phụ nữ trẻ bưng bữa trưa bằng cả hai tay cho chồng một cách rất tôn kính. Và người chồng cũng như vậy, kính cẩn nhận lấy bữa trưa của mình. Trong lúc người nông phu dùng bữa, vợ anh đứng một bên chờ đợi một cách lễ độ.

Vị sứ thần vô cùng ấn tượng trước những gì ông đã thấy và nghĩ rằng: “Họ đối xử với nhau thật là tôn trọng như vậy!”.

 

Mùa Tình Yêu 13/02/2022 – ĐTH – Chuyện làng quê