Núi sông xứ Lạng sóng đôi bên nhau, nhất là núi Mẫu Sơn và dòng sông Kỳ Cùng làm thành một cặp đôi âm dương linh thiêng nơi biên cương Tổ quốc, cùng được liệt vào hàng “Tự điển” quốc gia. Có lẽ bởi vậy nên vùng biên ải xứ Lạng, từ lâu trong tâm thức người dân Việt Nam đâu chỉ có hùng vĩ nên thơ mà đó còn là nơi lắng đọng của hồn thiêng núi sông ngàn năm; song hành và cũng là chứng nhân của lịch sử oai hùng của dân tộc từ thời dựng nước cho đến ngày nay.
Lạng Sơn là tên gọi hành chính hiện nay của một tỉnh biên giới nằm ở khu vực miền núi thuộc vùng Đông Bắc của nước ta. Vùng đất này có từ khi lập quốc. Thời các vua Hùng, Lạng Sơn thuộc bộ Lục Hải. Trải qua quá trình phát triển, với những thăng trầm của lịch sử, vùng đất này có các tên gọi hành chính và địa danh khác nhau, khi thuộc quận (thời Bắc thuộc được đưa vào quận Giao Chỉ) lúc thì được đặt thành đạo (thời nhà Đinh) hoặc lộ (thời Lý được xếp vào lộ Lạng Giang), trấn (cuối đời Trần được gọi là trấn Lạng Giang, sau đổi thành trấn Lạng Sơn), thừa tuyên (thời Lê gọi là thừa tuyên Lạng Sơn), tỉnh (trong “Đại Nam thực lục” có ghi thời Nguyễn, năm 1831, vua Minh Mạng chính thức đặt là tỉnh Lạng Sơn). Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì địa danh Lạng Sơn xuất hiện thời Tiền Lê (năm 981) trong sự kiện Lê Hoàn chống quân Tống xâm lược. Đấy là Lạng Sơn trong các tên gọi hành chính còn dân gian người ta vẫn quen dùng với cái tên “xứ Lạng”. Xứ Lạng có nghĩa là xứ sở của những thung lũng. Từ “Lạng” là một từ Hán Việt cổ bắt nguồn từ chữ “Lũng” (thung lũng) trong ngôn ngữ Tày – Nùng cổ. Vùng đất phên dậu của Tổ quốc này từ xưa đến nay không chỉ là một địa bàn đặc biệt quan trọng trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta và luôn được các nhà cầm quyền coi trọng mà còn là một miền đất thơ mộng được hết lời ca tụng với những dáng núi hồn sông làm say mê lòng người, ví như những câu ca dao từ xưa:
“Đường lên xứ Lạng bao xa
Cách một trái núi với ba quãng đồng
Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ”
(sông Tam Cờ là tên gọi khác của sông Kỳ Cùng)
Hay
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mải vui quên hết lời em dặn dò”.
Dáng núi xứ Lạng
Về địa hình, xứ Lạng có trên tám mươi phần trăm diện tích là núi đồi. Núi đồi xứ Lạng phổ biến là dạng thấp, có độ cao trung bình hơn hai trăm năm mươi mét so với mực nước biển, trong đó cao nhất là đỉnh Mẫu Sơn với một ngàn năm trăm bốn mươi mốt mét. Địa hình như thế bao sao vùng đất này lại không nhiều thung lũng được. Riêng quần thể núi ở Mẫu Sơn thôi cũng có tới hơn tám mươi ngọn to nhỏ sum vầy. Đứng trên đỉnh Mẫu Sơn nhìn ra bốn phía người ta thấy choáng ngợp và thích thú bởi bốn bề hùng vĩ, núi rừng trùng điệp một màu ngút ngàn xanh. Những đỉnh núi ở Mẫu Sơn dường như quanh năm mây phủ tạo cho nơi đây một bầu không khí trong lành và mát mẻ. Đặc biệt mùa đông nhiều hôm nhiệt độ Mẫu Sơn xuống thấp, có khi tới âm độ và xuất hiện mưa tuyết. Chính bởi sở hữu lợi thế này mà Mẫu Sơn nổi tiếng ở vùng Đông Bắc nước ta là một danh thắng hấp dẫn rất nhiều người. Mùa hè thì người ta đưa nhau lên Mẫu Sơn tránh nóng. Mùa Đông người ta nô nức kéo về xem tuyết rơi. Chẳng phải bây giờ người ta mới biết đến Mẫu Sơn để tìm về. Người ta phát hiện ra sự thú vị và giá trị vô giá của nền khí hậu ở Mẫu Sơn từ khá lâu rồi. Hơn một trăm năm trước người Pháp đã chọn nơi đây làm một trong những nơi nghỉ dưỡng cao cấp cho những quan lại người da trắng đến Đông Dương cai trị. Tôi chẳng nói sai, không tin thì bằng chứng là những biệt thự rêu phong cổ kính của Pháp hãy còn để lại sừng sững trên những đỉnh núi mây mờ, sương phủ hãy còn kia đấy.
Kể như vậy là ta tính công cho người Pháp trong sự phát hiện ra giá trị nghỉ dưỡng của danh thắng Mẫu Sơn đấy thôi còn thực tế, nhìn từ góc độ tâm linh thì từ cổ xưa, cách đây hàng ngàn năm người ta đã biết đến Mẫu Sơn là một trong những linh địa của đất Việt. Trong sách “Cao biền tấu thư địa lý kiểu tự” có chép lại như sau: cùng với Tản Viên Sơn thần thì đây cũng là một trong một ngàn năm trăm linh địa huyệt của Việt Nam. Và trong bộ sách dư địa chí của ta, sách “Đại Nam nhất Thống chí” cũng rất ghi rõ về Mẫu Sơn rằng: “đỉnh núi có hai chóp hình như người nam và người nữ, nên gọi là Công Mẫu hay là Ông, Bà. Núi ấy khi có mây mù thì trời tạnh, khi trong sáng thì trời mưa”. Rồi đến năm Tự Đức thứ ba, (năm 1850) triều đình nhà Nguyễn cho liệt Mẫu Sơn vào dạng danh sơn, chép vào “Tự điển”, danh sách những nơi mà triều đình phải cúng tế (quốc lễ). Quốc lễ này đã bị chấm dứt khi người Pháp đến xứ Lạng. Kể từ đó sự linh thiêng của Mẫu Sơn chỉ còn tồn tại trong tâm thức dân gian. Như thế, có lẽ phàm trong thiên hạ những bí mật của trời đất thường được giấu kín, ít có khả năng bị phát lộ và dễ bị thất truyền. Bởi vậy việc khám phá linh huyệt ở Mẫu Sơn vẫn là một cánh cửa đang còn để ngỏ so với núi Ngàn Nưa ở Thanh Hóa, núi Tổ Ba Vì ở Hà Nội hay núi Bà Đen ở Tây Ninh.
Những bí mật cao xa của trời đất nghe kể và thấy ghi chép lại là như vậy. Với người dân xứ Lạng có lẽ điều đó cũng ít người được biết, nhất là thời xưa. Nhưng trong tâm thức bao đời nay quần thể núi Mẫu Sơn này được họ thường truyền kể cho nhau nghe về một chuyện tình đầy bi thương. Chuyện xưa kể rằng, trên núi, có hai vợ chồng nhà nọ sống với nhau rất hạnh phúc. Họ sinh được mấy cô con gái rất xinh. Người chồng khỏe mạnh và siêng năng làm lụng để nuôi đàn con nhỏ. Người vợ rất đẹp, dịu dàng, hiền lành và chăm chỉ việc nhà như dệt vải, thêu thùa, khâu vá, chăm lo chồng con. Người chồng hay đánh đuổi thú dữ cứu giúp dân bản nên mọi người rất yêu quý. Bỗng một hôm người chồng bị gọi đi lính vì quân giặc xâm chiếm bờ cõi. Người chồng lên đường ra trận và gửi lại vợ con cho dân bản. Người chồng ra trận nhưng chẳng có tin tức gì về cho vợ. Khi đó trong bản có một tên chủ đất giàu có để ý tới người vợ của người chồng ra trận. Hắn đã tìm mọi cách để chiếm đoạt người vợ của người ra trận. Người vợ ở nhà đã tìm mọi cách để từ chối và một mực chờ chồng. Tên chủ đất rất tức tối và tìm cách trả thù. Rồi một ngày người chồng thắng trận trở về trong sự vui mừng chào đón của dân bản và gia đình được đoàn tụ. Ai ngờ ngay trong hôm đó tên chủ đất cho người đến dựng chuyện và kể với người chồng về chuyện ngoại tình của người vợ. Hắn bảo cô ta đã ăn nằm với Chóp Chài, một người làm nghề buôn bán. Thấy vậy người chồng lên cơn ghen. Anh ta đã uống rượu nhiều tới mức loạn trí và đánh đập vợ dữ dội. Người vợ giải thích nhiều lần rằng chỉ cho Chóp Chài ngủ nhờ ở dưới bếp vì nhỡ đường và mưa gió, thú dữ rình rập, đến rạng sáng hôm sau Chóp Chài xuống núi từ rất sớm. Mọi người trong bản đều biết chuyện này. Nhưng vì cả ghen mù quáng người chồng không tin. Trước tình thế đó, người vợ đã thề độc và nguyện lấy cái chết để tỏ lòng chung thủy. Người chồng không tin và đã quá tay đánh chết người vợ. Sau khi vợ chết, người chồng chợt nhớ ra dấu vạch mà mình đã kín đáo vẽ dưới bụng vợ liền xem lại. Không ngờ tất cả dấu vẫn còn nguyên. Bừng tỉnh cơn ghen, người chồng kêu trời và khóc lóc thảm thiết suốt ba năm. Rồi anh làm miếu cầu xin vợ tha tội cho mình. Vì bị chết oan nên vong hồn người vợ bay lên trời xin Ngọc Hoàng giải oan. Ngọc Hoàng đã cho các tiên nữ xuống hóa giải mọi điều oan khuất cho nàng. Người chồng vô cùng ân hận, anh ta mong gia đình được sum vậy đoàn tụ hạnh phúc như xưa. Rồi anh ta muốn lấy cái chết để tạ lỗi với vợ. Anh ta đã khóc cho đến khi kiệt sức và chết. Ngọc Hoàng hiểu được ý nguyện của người chồng nên đã biến cả nhà họ trở thành hơn tám mươi ngọn núi to nhỏ điệp trùng liền kề bên nhau, trong đó núi cao nhất là núi chồng (Cha), đỉnh cao thứ hai là núi vợ (Mẹ), số còn lại là núi con núi cháu nhấp nhô tựa như con đàn cháu đống. Dải núi này còn có rất nhiều thác suối tựa như nước mắt khóc than suốt năm dòng tháng dã và vô tình tạo thành con sông Kỳ Cùng làm thành một thắng cảnh thứ hai của xứ Lạng, song hành cùng núi Mẫu Sơn để tạo thành cặp đôi núi sông huyền bí và linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc. Người ta còn kể, giờ đây Mẫu Sơn có điện sáng lung linh nhưng đêm về trong mờ mịt sương mù vẫn nghe văng vẳng bên tai tiếng gió gào giống như tiếng khóc ai oán của người chồng tiếc vợ. Càng khuya, tiếng khóc càng thảm thiết. Còn phía xa kia, có một ngọn núi hình chóp nón rất đẹp. Núi ấy có tên gọi là Chóp Chài. Đó là chàng trai bị nghi oan với người vợ khi chết biến thành. Một ngọn núi cô độc đứng từ xa nhìn về bất lực tựa như sự khắc khoải, trăn trở khôn nguôi cho nỗi oan tình.
Từ xưa, tuy núi cao rừng thẳm nhưng Mẫu Sơn cũng đã sớm lọt vào mắt xanh của các đấng quân vương và thi nhân mặc khách đương thời. Họ sớm biết đến Mẫu Sơn không chỉ với tư cách là một danh thắng độc đáo của xứ Lạng tựa như một thiên đường đang ẩn mình sau những dãy núi cao mà còn là nơi chứa đựng linh khí của trời đất. Theo dòng lịch sử, phải chăng bắt đầu từ thời nhà Trần chúng ta thấy phảng phất hình ảnh của Mẫu Sơn đã được xuất hiện trong thơ của đức vua Trần Nhân Tông với những cảnh vật rất diễm lệ trong một buổi chiều thu:
“Núi lặng, nước trong, âu trắng lượn
Tạnh mây, im gió, đỏ cây thưa”
(Lạng Châu vãn cảnh, bản dịch của Trần Lê Văn).
Và sau này Đốc trấn Lạng Sơn Ngô Thì Sỹ đã ca ngợi Mẫu Sơn với một nguồn xúc cảm rất bay bổng, khoáng đạt, trong trẻo:
“Thất chân mãn nhãn vô di địa
Vạn lý hồn nhiên hữu cốc phong”
(dịch nghĩa: Lên đỉnh núi Mẫu Sơn, phóng tầm mắt nhìn suốt bảy châu Xứ Lạng và khoan thai đón gió từ vạn dặm thổi rung chòm râu đắc ý của mình).
Cùng với Mẫu Sơn, xứ Lạng còn nổi tiếng bởi hòn Vọng Phu. Phải chăng đất nước liên miên những trận binh đao mà trên dải đất hình chữ S nhìn đâu người ta cũng thấy những người thiếu phụ bồng con ngóng chồng. Nào là hòn vọng phu Tô Thị ở Lạng Sơn, hòn vọng phu trên đỉnh núi Nhồi ở Thanh Hóa, hòn vọng phu bên bờ khe Giai ở Nghệ An, hòn vọng phu ở Quảng Trị, hòn vọng phu trên đỉnh núi Bà ở Bình Định, hòn vọng phu trên đỉnh núi M'drak ở Đắk Lắk, hòn Vọng Phu trên Đá Bà Rầu ở Quảng Nam, hòn vọng phu ở Phú Yên, hòn vọng phu ở Khánh Hòa. Trong số những hòn vọng phu đó thì nổi tiếng nhất và quen thuộc nhất có lẽ là nàng Tô Thị ở Lạng Sơn.
Hòn vọng phu ở xứ Lạng nằm trong quần thể danh thắng ở phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Đó là một dãy núi đá vôi rộng khoảng năm mươi hét ta gồm rất nhiều cảnh đẹp, trong đó nổi bật lên là một tảng đá giống hình người phụ nữ bồng con như thể đang ngóng đợi ai đó. Nay tảng đá đó không còn nữa, đã bị sụp đổ năm 1991 và thay vào đó người ta đã đắp một hình vọng phu nhân tạo bằng đá để thay thế. Cho dù hòn vọng phu tự nhiên kia không còn nữa thì câu chuyện nàng Tô Thị bế con đợi chồng đến hóa đá cũng đã ăn sâu vào trong tâm thức người Việt Nam. Truyện kể rằng, xưa ở trấn Kinh Bắc có một bà góa có hai con tên là Tô Văn và Tô Thị. Một bà ra đồng để hai con ở nhà. Tô Văn và Tô Thị chơi trò ném đá. Tô Văn ném vào đầu em bị chảy máu nên sợ quá bèn bỏ đi. Tô Thị được người hàng xóm cứu. Khi bà mẹ về thấy con gái đã được cứu nhưng con trai lại đi mất. Bà đi tìm khắp nơi không thấy nên héo hon rồi mất. Sau khi mẹ mất, Tô Thị được gia đình láng giềng nuôi và đưa lên xứ Lạng làm ăn. Tô Văn sau khi bỏ đi được một người làm nghề thuốc bắc đem về Cao Bằng cưu mang và đổi sang họ Lý. Tô Thì càng lớn càng xinh đẹp. Nàng được bố mẹ nuôi cho mở một cửa hàng bán nem rán riêng ở chợ Kỳ Lừa. Cửa hàng của nàng rất đông khách và nàng có rất nhiều người để ý. Trong số những người đó có một chàng thanh niên tuấn tú ở Cao Bằng sang bán thuốc bắc. Hai người qua lại và nàng đem lòng yêu mến rồi đi đến thành thân với nhau. Lấy nhau được một năm Tô Thị sinh được một người con gái. Một hôm Tô Thị gọi đầu Tô Văn bế con xem vợ gội và phát hiện ra vết sẹo. Tô Thị kể lại câu chuyện cho Tô Văn nghe. Tô Văn biết mình lấy nhầm em gái nhưng không dám nói ra nên rất buồn và tìm cách bỏ đi để em gái có thể lấy người khác. Giữa lúc đó có việc bắt lính thú và Tô Văn đã đăng lính mà không bàn với vợ. Đến ngày đi Tô Văn mới dặn vợ rằng chuyến này đi lâu mới về, em ở nhà nuôi con, nếu không thấy về thì cứ định liệu. Tô Thị nghe chồng nói mà ấm ức, không hiểu. Từ ngày chồng đi lính, Tô Thị không thiết việc bán hàng. Hàng ngày nàng lên chùa Tam Thanh cầu cho chồng bình yên trở về. Nhưng rồi mãi vẫn không thấy chồng quay lại. Có mấy người cho rằng chồng nàng đã chết nên muốn hỏi nàng về làm vợ nhưng Tô Thị từ chối. Rồi có một tên kỳ hào có thế lực và độc ác hỏi nàng. Nàng sợ hắn hại con nên tìm cách khất lần. Nàng đã cho hắn một kỳ hạn để đợi chồng về nhưng kỳ hạn hết mà vẫn không thấy chồng đâu. Nhớ chồng, thương thân, nàng bế con trèo nên mỏm núi cao nhìn về hướng chồng đi. Bỗng mây đen kéo đến, mưa sấm ầm vang và một tiếng sét làm rung chuyển quả núi nàng đứng hóa hai mẹ con Tô Thị thành mỏm đá hình vọng phu.
Câu chuyện người vợ bế con đợi chồng là vậy. Nó dường như là một thông điệp phản chiến của người dân nơi địa đầu đất nước. Đó cũng còn là khát vọng hòa bình của một dân tộc đã từng phải đi qua quá nhiều cơn binh lửa trong những lần vệ quốc. Hơn thế nữa, hòn vọng phu sừng sững giữa trời và trong tâm thức người dân xứ Lạng kia còn là sự tin yêu và trân trọng những phẩm hạnh tốt đẹp về người phụ nữ; là tình thương và khát vọng hạnh phúc muôn đời của người dân. Khát vọng và những yêu thương như thể không chỉ chất chứa trong cổ tích mà còn được tạc vào trong dáng núi giữa trời.
Bây giờ, có lẽ hòn vọng phu xứ Lạng không chỉ là điểm đến thu hút nhiều du khách bao đời nay mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca muôn đời. Xưa, đi sứ ngang qua nơi này tác giả của “Truyện Kiều” ngắm nhìn tượng đá mà lòng không khỏi buồn thương, cảm khái:
“Đá ư? Người ư? Người là ai?
Ngàn vạn mùa xuân đứng lẻ loi
Muôn thuở mây mưa xa mộng mị
Một lòng son sắt vững thân đời…”
(Vọng phu thạch)
Nguyễn Du nhỏ lòng thương cảm nhưng đã thấu tỏ cái đẹp và tấm lòng chung thủy của nàng Tô Thị khiến cho tấm lòng kiên trinh được tỏa sáng và hiện lên bất tử. Rồi sau này, gần hai trăm năm sau khi “Vọng phu thạch” ra đời, ngắm nhìn dáng núi và suy ngẫm về số phận Tô Thị trong truyện cổ tích, nhà thơ Huy Cân, tác giả của “Điêu tàn” cũng đã không khỏi cảm thương, oán thán:
“Bi kịch vì đâu có giữa đời
Gây chi đau xé trái tim người
Để rồi hóa đá chưa nguôi hận
Da diết nghìn năm đứng hỏi trời”
(Nàng Tô Thị).
Chẳng những thế nhà thơ Vương Trọng trong bài thơ “Trò chuyện với vọng phu” đã hóa thân vào đá để tâm sự, nói chuyện, khuyên bảo vọng phu thạch:
“Về thôi nàng ơi
Niềm sum họp đã vào từng cánh cửa
Sao nàng còn đứng trong mưa gió
Cô đơn giữa mây trời?”
Và lời đáp lại vẫn là một tấm lòng chung thủy không hề lay chuyển:
“Thế đâu những lời
Ta đã hẹn với người thương nhớ?”,
“Người đời biết thân ta hóa đá
Nhưng không hay ta hóa đá niềm tin
Hóa đá nỗi cô đơn
Và thời gian chờ đợi…”
Để rồi cuối cùng cũng đã ngộ ra rằng:
“Ta hóa đá đợi triệu lần nỗi đợi
Để những người vợ muôn đời thoát khỏi cảnh chờ mong”
Tâm sự của nhà thơ nhưng phải chăng đó cũng chính là sự chia sẻ và khẳng định rõ ràng triết lý tình yêu trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam qua dáng núi ngàn đời của quê hương xứ sở hương hồi.
Xứ Lạng, nơi cửa ngõ biên cương ải Bắc, trập trùng núi, trập trùng thung và từng là chứng nhân của bao trận chiến oai hùng. Hồn thiêng sông núi của xứ Lạng nơi đâu cũng thấp thoáng và gắn liền với chiến công lẫy lừng của dân tộc từng làm cho bao kẻ thù phải kinh hồn bạt vía. Hãy còn đó ở ải Chi Lăng những núi Mặt Quỷ, núi Mã Yên, núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân; trong đó núi Mặt Quỷ (Quỷ Môn Quan) bao đời là nỗi ám ảnh của kẻ thù phương Bắc.
Ải Chi Lăng nằm trên quốc lộ 1 A ở địa phận huyện Chi Lăng. Đó là một dải thung lũng hẹp dài hơn hai mươi cây số nằm bên sông Thương, giữa hai dãy núi, phía Đông là dãy núi đất Bảo Đài - Thái Hòa và phía Tây là núi Cai Kinh dựng đứng. Những dãy núi này tạo thành những vòng cung khóa hai đầu thung lũng tạo thành một địa thế tự nhiên vô cùng hiểm yếu. Giữa nơi chiến địa hiểm trở một thủa này nổi lên một ngọn núi có hai hõm đá màu nâu đỏ tựa như đôi mắt nổi lên giữa gờ đá giống như chiếc mũi trên khuôn mặt nham nhở kỳ dị của một con quái vật khổng lồ. Có lẽ hình thù như vậy mà người đời gọi ngọn núi này là núi Mặt Quỷ. Điều đặc biệt mà chưa thể giải thích được là trên khuôn mặt đó từ ngàn đời nay không có bất kỳ loài cây nào tồn tại cho dù xung quanh khuôn mặt cây cối lúc nào cũng xanh tốt. Trước đây khu vực núi Mặt Quỷ rất ít người qua lại bởi có tiếng là rừng thiêng nước độc, nhất là vào mùa đông. Chỉ có gió hú rợn người và mưa phùn lạnh buốt. Nhìn tuy dữ dằn vậy nhưng đây lại là ngọn núi bảo dân hộ quốc. Sử sách còn ghi năm 981 và 1077, Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt đã đánh bại quân Tống xâm lược ở chính nơi đây. Rồi đến năm 1285 và 1287 nhà Trần lại lẫy lừng những chiến công, đánh bại quân xâm lược nhà Nguyên khi vó ngựa của chúng đã tung hoành hầu khắp ở trời Âu, khiến bại tướng nhà Nguyên là Nghệ Nhuận phải bỏ mạng tại chỗ. Đặc biệt năm 1427 nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi đã chém cụt đầu Liễu Thăng ở chính chân núi Mặt Quỷ. Giai thoại ở đây có kể, tướng nhà Minh là Liễu Thăng bị Lê Sát chém ở núi Mã Yên nhưng đầu chưa bị đứt. Liễu Thăng cố chạy về mạn Bắc nhưng đến chân núi mặt quỷ hắn ngước lên nhìn thấy khuôn mặt dữ dằn nên hồn xiêu phách lạc, ngã ngựa và đầu rơi xuống đất. Sau đó thân của Liễu Thăng hóa thành một tượng đá cụt đầu và từ đó người ta gọi tượng đá này là Liễu Thăng Thạch. Bên cạnh đó có một hòn đá giống thanh kiếm khổng lồ người ta gọi là thạch kiếm (kiếm Lê Thái Tổ). Sau này, năm 1788 – 1789, đội quân áo vải cờ đào của Hoàng đế Quang Trung lại một lần nữa khiến quan quân nhà Thanh, đứng đầu là Tôn Sỹ Nghị gặp phải một phen kinh hoàng bạt vía. Có thể nói trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước núi Mặt Quỷ luôn là một nỗi ám ảnh ngàn đời với kẻ thù phương Bắc. Chẳng thế mà sách “Hoàn vũ ký” của Trung Quốc có viết: Mã Viện đánh Việt Nam qua đấy dựng bia và tạc rùa đá. Đời nhà Tấn (265 - 420) binh lính Trung Hoa qua đó bị giết nhiều nên cổ thi có câu:
“Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan
Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”
(Dịch nghĩa là: "Ải cửa Quỷ, Ải cửa Quỷ/ Mười người đi, một người về").
Cái địa thế hiểm trở, sơn lam chướng khí đã khiến Phạm Sư Mạnh, Tể tướng nhà Trần, phải thốt lên:
“Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề”
(dịch nghĩa: Chi Lăng ải hiểm tựa lên trời).
Còn cụ Nguyễn Du khi qua đây đã cảm thán mà viết “Quỷ Môn Quan” rằng:
“Liên phong cao sáp nhập thanh vân
Nam bắc quan đầu tựu thử phân
Như thử hữu danh sinh tử địa
Khả liên vô số khứ lai nhân
Tắc đồ tùng mãng tàng xà hổ
Bố dã yên lam tụ quỷ thần
Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt
Kỳ công hà thủ Hán tướng quân”
(dịch nghĩa: Núi liên tiếp, cao vút tận mây xanh/ Nam bắc chia ranh giới ở chỗ này/ Là nơi nổi tiếng nguy hiểm đến tính mạng/ Thương thay, bao nhiêu người vẫn phải đi về qua đây/ Bụi gai lấp đường, mãng xà, hổ tha hồ ẩn nấp/ Khí độc đầy đồng, quỷ thần mặc sức tụ họp/ Từ thuở xa xưa, gió lạnh đã thổi bao đống xương trắng/ Chiến công của tướng nhà Hán có gì đáng khen).
Thế đấy dáng núi của xứ Lạng hùng vĩ và linh thiêng là vậy. Đó là dáng hình của xứ sở quê hương. Là hồn thiêng của sông núi kết tụ chở che cho đất nước, ngăn bước quân thù tựa như bức trường thành vững trãi ở cửa ngõ phía Bắc từ bao đời nay. Thật đúng là “Quan hà bách nhị do thiên thiết” (quan hà hiểm yếu trời kia đặt).
Hồn sông xứ Lạng
Ở những tỉnh biên giới Đông Bắc, nếu như Hà Giang có sông Lô, Cao Bằng có sông Bằng Giang đi qua thành phố thì Lạng Sơn cũng có dòng sông Kỳ Cùng. Sông Kỳ Cùng không chỉ uốn lượn ôm trọn thành phố mà còn đi qua hầu khắp cả tỉnh Lạng Sơn. Nhưng điều khác biệt của dòng sông này là chảy ngược. Trong khi hầu hết các con sông của nước ta, đặc biệt là ở miền Bắc đều chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam để đổ nước ra biển Đông thì chỉ có một dòng sông Kỳ Cùng chảy theo hướng Đông Nam – Tây Bắc đổ nước về Trung Quốc. Theo địa chí tỉnh Lạng Sơn, xứ Lạng cơ bản có năm dòng sông chính, đó là sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Lục Nam, sông Tiên Yên - Ba Chẽ (Nậm Luổi - Đồng Quy), sông Nà Lang thì sông Kỳ Cùng là con sông chính và nổi tiếng nhất. Sông Kỳ Cùng chảy trên xứ Lạng dài hơn hai trăm bốn mươi cây số và có đến gần tám mươi phần trăm diện tích của Lạng Sơn nằm trong lưu vực sông này. Kể qua như vậy để mọi người có thể hình dung thấy được vai trò, sắc màu của dòng sông đặc biệt này với đất và người xứ Lạng.
Sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ vùng núi cao một ngàn một trăm sáu mươi sáu mét ở Bắc Xa, thuộc huyện Đình Lập. Khi cách thành phố Lạng Sơn khoảng hơn hai chục cây số nó đổi dòng chảy nghiêng về hướng Nam - Bắc tới thị trấn Na Sầm (Văn Lãng) lại đổi hướng mới thành Đông Nam - Tây Bắc rồi rẽ sang hướng Đông, đoạn ở gần thị trấn Thất Khê (Tràng Định). Từ Thất Khê, dòng sông chảy giống như đường vòng cung đến tận biên giới sang Trung Quốc và hợp lưu cùng với sông Bằng Giang tại thị trấn Long Châu (Quảng Tây). Trên hành trình sang nước hàng xóm, có thể nói đoạn sông chảy qua thành phố Lạng Sơn là đẹp nhất. Đi qua thành phố, sông Kỳ Cùng uốn lượn quanh co dưới chân các trái núi như một dải lụa mềm mại, thơ mộng tạo nên một phong cảnh sơn thủy hữu tình làm mê mẩn lòng người. Dọc bên đôi bờ Kỳ Cùng đoạn ngang qua thành phố có rất nhiều thắng cảnh. Phía hữu ngạn dòng sông có ngôi chùa cổ Diên Khánh (còn gọi là chùa Thành) nổi tiếng, ngay bên chùa là di tích Bến đá (Kỳ Cùng thạch độ) nơi từng được Đốc trấn Ngô Thì Sỹ bình chọn là một trong tám cảnh đẹp (Trấn doanh bát cảnh: quán trọ Đoàn Thành, phố chợ Kỳ Lừa, bến đá Kỳ Cùng, động Nhị Thanh – Tam Thanh, chùa Tiên, chòm xóm Hoành Đường, chòi canh Dương Lĩnh, chân núi Thành Tâm) của Lạng Sơn. Người ta kể, thời xưa trên bến đá, thuyền bè san sát, quan dân tụ hội tấp nập. Khúc sông có nhiều tảng đá chắn ngang, nhô lên giữa dòng. Mỗi khi sóng nước xô vào tảng đá lại tung lên trên không những bọt nước trắng xóa. Những bọt nước này chạy dài nhìn rất ngoạn mục. Bên tả ngạn dòng sông, ngay đầu cầu Kỳ Cùng là đền Kỳ Cùng (còn gọi là đến quan lớn Tuần Tranh). Người ta kể, lễ hội đền Kỳ Cùng, diễn ra từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng là một lễ hội nổi tiếng, đặc sắc, lớn nhất ở Lạng Sơn để thờ quan lớn Tuần Tranh. Theo truyền thuyết, thời trước, đền Kỳ Cùng thờ quan Tuần Tranh, vị quan thứ năm trong Ngũ vị Tôn quan thời nhà Trần được cử lên trấn giữ biên thùy. Trong một lần chiến đấu với giặc ngoại xâm, quân lính của ông ốm đau nhiều, lực lượng yếu mỏng nên đã bị thua trận. Nhân dịp này, một số gian thần dâng sớ vu oan cho ông tư thông với giặc để phản quốc cầu vinh. Nhà vua đã nghe lời bọn gian thần mà ban án tử hình ông. Vì nỗi oan khuất này và để chứng minh lòng trong sạch của mình, ông đã gieo mình xuống dòng sông tự vẫn. Bởi có tấm lòng trong sạch, bị oan khuất nên ông được thần linh hóa thành đôi rắn (ông Cộc - ông Dài) và phong làm vị thần sông ngự tại Kỳ Cùng. Sau này, đến thời Hậu Lê, Tả Đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài lên nhậm chức ở Lạng Sơn hiểu rõ sự tình nên đã dâng sớ minh oan cho ông.
Ngoài đi ngang qua thành phố, sông Kỳ Cùng còn đi qua biết bao núi non hùng vĩ của xứ Lạng để đem phù sa mầu mỡ và dòng nước ngọt ngào dâng hiến cho đôi bờ xứ sở với những cánh đồng xanh mướt, cho những mùa vàng bội thu. Biết bao đời nay con sông cũng là chứng nhân cho những thế sự thăng trầm của cư dân các tộc người bên hai bờ sóng nước. Sông không chỉ đem lại nguồn sống cho đồng bào các dân tộc mà còn là một bức trường thành, một chiến lũy để ngăn bước quân thù trên miền biên ải. Bao đời nay, nhất là thời xưa, kẻ thù phương Bắc muốn vào Thăng Long trên bộ phần lớn phải đi qua xứ Lạng. Hẳn là những lúc đó dòng sông sẽ mãi là mồ chôn quân xâm lược. Đứng nhìn dòng sông lịch sử bất chợt tôi lại nhớ đến cuộc chia tay của hai cha con Nguyễn Trãi hơn năm trăm năm trước trên xứ Lạng mà ngày xưa được nghe mẹ kể. Dường như đâu đó bên tai, trong tiếng nước chảy dưới dòng sông vọng về lời Nguyễn Phi Khanh lớn tiếng dặn con lần cuối: hãy quay về Nam, tìm đường phục hận, hơn là rỏ lệ nam nhi ủy mị trên đoạn đường thống hận hờn oan này. Và cả câu chuyện đầy thương cảm trước khi ly biệt của hai cha con lại hiện lên rõ mồn một. Nghe lời cha dặn, Nguyễn Trãi đã lấy bình nước trên vai dâng cha uống một ly tiễn biệt. Nhưng hỡi ơi, bình nước mang theo đã cạn. Nguyễn Trãi đau lòng ngửa mặt nhìn trời mà khóc nấc lên, quỳ xuống, cất tiếng thảm thương: khấn lạy hồn thiêng sông núi, nếu nước Nam còn có cơ hội phục hồi tự chủ, xin ban cho con bình nước ngọt, từ đất Việt thân yêu, thay nước mắt tiễn biệt cha già. Khấn lạy xong Nguyễn Trãi dậm mạnh chân xuống đất. Bất ngờ, từ nền đất khô đã trào lên nguồn nước trong mát để Nguyễn Trãi dâng cha (nay người ta gọi nguồn nước đó là suối Phi Khanh). Sau cuộc chia tay đó Nguyễn Trãi trở về tham gia nghĩa quân Lam Sơn cùng vua Lê Lợi quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi để mở ra một thời đại mới trong trang sử Việt. Không biết có phải vì sự linh thiêng của dòng sông mà năm 1830 vua Tự Đức nhà Nguyễn cũng đưa dòng sông Kỳ Cùng ghi danh trong “Tự điển” (điển lễ thắng cảnh được cúng tế hàng năm của quốc gia).
Vậy đó, núi sông xứ Lạng sóng đôi bên nhau, nhất là núi Mẫu Sơn và dòng sông Kỳ Cùng làm thành một cặp đôi âm dương linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc, cùng được liệt vào hàng “Tự điển” quốc gia. Có lẽ bởi vậy nên vùng biên ải xứ Lạng, từ lâu trong tâm thức người dân Việt Nam đâu chỉ có hùng vĩ nên thơ mà đó còn là nơi lắng đọng của hồn thiêng núi sông ngàn năm; song hành và cũng là chứng nhân của lịch sử oai hùng của dân tộc từ thời dựng nước cho đến ngày nay.