Ngày 4/8/2022, UBND tỉnh Yên Bái quyết định thành lập Ban Tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái được cử làm Trưởng ban, bà Lê Thị Thanh Bình- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái làm Phó Trưởng ban thường trực.Tổ giúp việc cho Ban Tổ chức gồm 8 thành viên doông Nguyễn Hoàng Long- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành viên Ban Tổ chức trực tiếp chỉ đạo.
Trước đó, hồi đầu tháng 6/2022, UBND tỉnh Yên Bái đã có công văn về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra trong tháng 9/2022. Nhằm chủ động và chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết tổ chức Lễ đón nhận và Lễ hội đảm bảo yêu cầu, UBND tỉnh Yên Bái giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh này chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng Kế hoạch chi tiết để tổ chức lễ đón nhận và lễ hội.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái có trách nhiệm phối hợp với UBND huyện Mù Cang Chải hướng dẫn người dân áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa, đặc biệt ở các khu vực có hoạt động du lịch trọng điểm, đồng thời vận động người dân giữ gìn nguyên gốc và phát huy giá trị của di tích, di sản.
UBND tỉnh Yên Bái cũng giao UBND thị xã Nghĩa Lộ và huyện Mù Cang Chải rà soát cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch tổ chức lễ đón nhận và lễ hội đảm bảo yêu cầu.
Được biết, quyết định ghi danh nghệ thuật Xòe Thái là di sản phi vật thể đại diện nhân loại được UNESCO đưa ra lần đầu tiên vào hôm 15/12/2021, trong kỳ họp lần thứ 16 của ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 diễn ra tại Pari, Cộng hòa Pháp.
Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh di sản phi vật thể cùng 35 hồ sơ khác trên thế giới. Xòe Thái là di sản phi vật thể đại diện nhân loại thứ 14 của Việt Nam được UNESCO công nhận và vinh danh, sau các di sản như Quan họ Bắc Ninh, Cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử Nam Bộ…
Trong tiếng Thái, “Xòe” có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng.
Chủ thể của nghệ thuật Xòe Thái là cộng đồng người Thái, cư trú ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Họ là một trong 54 dân tộc sinh sống ở Việt Nam, chủ yếu canh tác trồng lúa nước. Những người thực hành Xòe là thành viên của cộng đồng người Thái, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp và địa vị xã hội. Xòe được bà con người Thái thực hành ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên.
Xòe có ba loại chính là Xòe nghi lễ, Xòe vòng, Xòe biểu diễn. Trong đó, Xòe vòng phổ biến nhất - là màn đồng diễn mà người biểu diễn nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tập thể. Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa…