Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn toàn quốc phải ngưng sản xuất hay sản xuất cầm chừng, cắt giảm nhân công hoặc tạm thời cho công nhân nghỉ việc luân phiên. Ðiều này làm người lao động bị mất việc làm, không có nguồn thu nhập, đời sống sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn. Mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống nên người lao động đã đề nghị thanh toán trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số NLĐ nghỉ hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%. Đặc biệt, riêng trong ba tháng đầu năm 2021, số người lao động nhận BHXH một lần tiếp tục tăng nhanh, với 226.503 người, tăng hơn 20,5% so cùng kỳ năm 2020.
Thực tế cho thấy, có những trường hợp bất khả kháng, không còn sức lao động, không đủ khả năng đóng BHXH tiếp, nguyện vọng hưởng BHXH 1 lần của họ là hoàn toàn chính đáng, và các cơ quan chức năng có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu đó. Mặc dù vậy, nếu phân tích và suy xét thấu đáo, với số đông, việc tiếp tục tham gia bảo hiểm để nhận lương hưu, tính kế lâu dài vẫn có nhiều cái lợi hơn là “gặt lúa non”, giải quyết vấn đề tình thế trước mắt.
Thế nhưng, dù đã được cơ quan BHXH tỉnh, huyện, thị xã giải thích, tư vấn nhiều lần về những thiệt thòi khi thanh toán BHXH một lần đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội hưởng lương hưu, khi về già sẽ phụ thuộc vào con cháu và xã hội; nếu không may mắc bệnh sẽ không có thẻ BHYT, phải đối mặt với nguy cơ không thể chi trả nếu bệnh dài ngày… nhiều người lao động vẫn quyết định thanh toán BHXH một lần để sử dụng vào mục đích khác hoặc trang trải chi tiêu cho gia đình.
Việc người lao động ra khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng quan tâm, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân. Họ chưa hiểu được rằng nhận BHXH một lần chỉ có thể giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài, sẽ rất thiệt thòi khi hết tuổi lao động.
Ông A Thiêng, 106 tuổi, dân tộc H’Rê (ở thôn Vi Kơ Lâng, xã Hiếu, huyện Kon Plông). Ông tham gia công tác từ năm 1948 - 1954 (đi bộ đội tại Ba tơ, Quảng Ngãi), từ 1955 - 1968 hoạt động bí mật tại Pờ Ê (Bí thư chi bộ xã Pờ Ê), từ 1969 - 1973 Huyện ủy viên, Chủ tịch Mặt trận huyện KonPlong. Ông A Thiêng nghỉ hưu và hưởng lương hưu từ năm 1977, lương hưu hiện nay mỗi tháng ông được BHXH chi trả 4,4 triệu đồng.
Phóng viên đến thăm, cụ khoe: “Hôm trước, mình mới ra Bưu điện xã nhận 2 tháng lương, dự định lát nữa sẽ bảo thằng cháu đi mua dầu ăn, mắm muối… Lần nào cũng vậy, cứ nhận lương về là mình phân ra làm 3 phần, một phần để mua những nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình, một phần để mua thức ăn hằng ngày, còn một ít cất đi phòng khi có việc cần thì lấy ra dùng”.
Hiện tại, ông sống với con gái và các cháu, lương hưu của ông vừa để lo cho bản thân, vừa giúp con gái mua nhu yếu phẩm phục vụ gia đình hàng ngày, vừa hỗ trợ các cháu đi học.
Một câu chuyện khác, đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1954, hiện đang ở Thanh Xuân, Hà Nội. Từ năm 1975 đến năm 1994, bà làm việc tại cửa hàng bách hóa huyện, đã được giải quyết trợ cấp thôi việc theo Quyết định số 176/HĐBT. Năm nay gần 70 tuổi nhưng ngoài số tiền ít ỏi tích luỹ được từ việc buôn bán trong thời gian có sức khoẻ thì bà không có một nguồn thu nào có thể hi vọng.
Không nguồn thu nhập ổn định, lại có thể gặp nhiều bất trắc về sức khỏe… là những rủi ro của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều đó, ông Bùi Minh Nhật (số nhà 142, Mai Hắc Đế, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) sau khi dừng tham gia BHXH bắt buộc đã tiếp tục lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện để cộng nối thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu và có thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe khi về già.
Ông Nhật cho biết: “Trước đây tôi làm tự do, mãi gần 45 tuổi mới xin làm bảo vệ ở một trường mầm non và bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc. Đầu năm 2021, tôi đủ 60 tuổi, nhưng thời gian tham gia BHXH mới chỉ được hơn 15 năm. Một số người khuyên tôi rút BHXH một lần, nhưng tôi nghĩ lấy BHXH một lần cũng chỉ trang trải cuộc sống trước mắt, lúc tôi không còn khả năng lao động thì trông chờ vào đâu. Con cháu có phận của con cháu, mà nó cũng đủ khó khăn rồi. Nên tôi đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện thêm gần 5 năm để đủ điều kiện được nhận lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu”.
Với sự lựa chọn, đầu tư hiệu quả ấy, hiện ông Nhật đã được hái “trái ngọt” với số tiền lương hưu gần 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Ông Nhật nói: “Số tiền tuy không lớn nhưng ít nhất cũng giúp tôi có được sự độc lập về tài chính, không phụ thuộc vào ai, chưa kể lại được phát thẻ BHYT miễn phí giúp tôi an tâm hơn, bởi với tuổi già bệnh tật cũng chả báo trước. Hiện tại, tôi vẫn còn khỏe để đi làm, vợ tôi cũng có lương hưu hằng tháng nên cuộc sống an ổn lắm”.
Cũng giống ông Nhật, nhiều người dân tại tỉnh Kon Tum làm nghề lao động tự do như buôn bán nhỏ lẻ, làm nghề nông, làm thuê… đã và đang lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện. Theo thống kê của BHXH tỉnh Kon Tum, tính đến hết tháng 4/2021, số người tham gia BHXH của toàn tỉnh là 47.246 người, trong đó BHXH tự nguyện là 8.023 người (tăng 358 người so với tháng trước). Qua thực tiễn triển khai chính sách BHXH cho thấy, niềm tin của người dân trên địa bàn đối với chính sách này ngày càng rõ nét, qua đó chính sách BHXH, BHYT đã tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò trụ cột an sinh trong việc đảm bảo quyền an sinh cho mọi tầng lớp Nhân dân.
Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã phải ra một nghị quyết bất thường cho tạm dừng Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 ngay sau khi ban hành và luật chưa có hiệu lực thi hành. Đây là một tiền lệ chưa bao giờ có trong lịch sử pháp luật của Việt Nam. Do Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định các điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, nhằm hạn chế người lao động rút quỹ bảo hiểm hưu trí khi đang có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội. Nhưng người lao động của chúng ta không hiểu rõ, đã phản ứng, dẫn đến một số công ty, doanh nghiệp đình công, buộc Quốc hội phải xem xét, ra Nghị quyết số 93 năm 2015, Quốc hội khóa XIII, về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội 1 lần.
“Có thể nói, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội là rất nhân văn, nhằm bảo vệ cho người lao động tham gia bảo hiểm đến khi về già được hưởng lương hưu, được hưởng bảo hiểm y tế và được hưởng trợ cấp tử tuất, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nhưng do người lao động chưa hiểu rõ, nên đã yêu cầu được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Sau khi Nghị quyết số 93 của Quốc hội có hiệu lực, năm 2016 đã có hơn 600.000 người có quyết định hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, sau đó tiếp tục cứ tăng lên; đến năm 2020, có 880.000 người ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần; trong khi năm 2020 cả nước chỉ có khoảng hơn 1 triệu người tham gia vào hệ thống BHXH; có nghĩa là số người vào hệ thống bảo hiểm xã hội và số người ra khỏi hệ thống là gần như bằng nhau. Điều này rất đáng suy nghĩ cho hệ thống an sinh xã hội lâu dài của đất nước và rõ ràng nó dẫn đến một hệ lụy là chúng ta sẽ không thể thực hiện được mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Điều này là rất đáng buồn” – ông Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ băn khoăn.
Ông Lợi chia sẻ thêm: Trong một Hội thảo gần đây, tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi được nghe rất nhiều người lao động đã từng về thôi việc một lần theo Quyết định 176 và người lao động hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, họ kêu rằng: cuộc sống rất khó khăn và không còn đường để thoát và đề nghị Nhà nước có hướng để xử lý cho người lao động khó khăn.
“Do đó, tôi xin kiến nghị Chính phủ, đánh giá một cách đầy đủ tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội 1 lần theo tinh thần Nghị quyết số 93 của Quốc hội và đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Nghị quyết số 93, để tiếp tục cho Điều 60 sống lại theo đúng tinh thần của Luật Bảo hiểm xã hội, năm 2014”.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu lĩnh BHXH 1 lần, người lao động sẽ mất khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác phát triển Bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2020
Bên cạnh việc không được nhận lương hưu, người lao động còn không được cấp thẻ BHYT miễn phí; thân nhân không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời. Ngược lại, khi đã nhận BHXH 1 lần, nếu tham gia lại BHXH, người đó sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH trước đó.
Cộng tất cả lợi ích nếu cùng thời gian đóng BHXH, việc nhận lương hưu sẽ giúp người lao động đạt được giá trị hơn nhận BHXH 1 lần hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, nhiều chính sách cũng khuyến khích người lao động tham gia BHXH lâu dài, như: Nhà nước đã có 17 lần tăng lương hưu kể từ năm 2003 đến nay; Bộ LĐ-TB-XH đang kiến nghị nới điều kiện để hưởng lưu hưu, cụ thể, chỉ cần đóng BHXH 10-15 năm là có thể được nhận lương hưu.
Có thể nói, về bản chất, BHXH là kế lâu dài, chỗ dựa vững chắc cho người lao động khi về già, giảm gánh nặng chi phí bệnh tật, giảm chi phí lo toan, thăm nuôi từ người thân, xã hội.
Người lao động cần cân nhắc thật kỹ trước khi rời khỏi hệ thống BHXH, bởi sẽ rất thiệt thòi cho tương lai một khi nhận BHXH 1 lần.
Ông Điều Bá Được - nguyên Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam, người đã nhiều lần nói về câu chuyện nhận BHXH một lần đã khẳng định, đó là việc tước đi quyền hưởng lương hưu của mình. Cũng có người vì chưa hiểu nguyên tắc của quỹ BHXH, sợ nộp tiền bảo hiểm thì thế này thế kia, nhưng hiện nay càng ngày có nhiều người hiểu và có nhu cầu tham gia, thậm chí tham gia nhiều loại bảo hiểm để tương lai an toàn hơn. Trong số đó, tôi cho BHXH là trụ cột của an sinh xã hội.
Từ thực trạng gia tăng trợ cấp BHXH một lần và nhận diện một số nguyên nhân cơ bản hiện nay, là đơn vị tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách BHXH ở địa phương, BHXH các tỉnh đã đánh giá một cách chi tiết về quá trình thực hiện quy định BHXH một lần cũng như những hạn chế bất cập đang còn tồn tại để có những giải pháp phù hợp với thực tiễn. Trong đó, việc tích cực thực hiện mở rộng mạng lưới thông tin, truyền thông; tư vấn, thông qua việc đưa ra ví dụ giả định, kèm theo bài toán đối chứng hết sức cụ thể để so sánh về quyền lợi giữa nhận BHXH một lần với tích lũy để hưởng lương hưu tác động đến tâm lý người lao động, giúp họ thấy rõ hơn lợi ích của việc tham gia BHXH được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già; người lao động sẽ có một nguồn thu nhập ổn định để bảo đảm cuộc sống, được cấp thẻ BHYT; hàng năm được tăng lương theo quy định và được hưởng nhiều khoản khác từ Nhà nước…