Sau một đêm mà cảm xúc trong tôi về chương trình hòa nhạc Điều còn mãi vẫn còn những chộn rộn khi nhắn tin trò chuyện với các nghệ sĩ và bạn bè. Phải khẳng định rằng, một chương trình hòa nhạc do những người làm báo, yêu âm nhạc, trân trọng sáng tạo nghệ thuật, và họ đã biết vận dụng, khơi gợi cảm xúc sáng tạo và quy tụ những tinh anh của nền Âm nhạc Việt Nam để thực hiện dự án âm nhạc mang tầm vóc và trí tuệ. Vượt qua giới hạn của một chương trình biểu diễn thông thường, Báo VietNamNet đã tạo nên một thương hiệu của âm nhạc đỉnh cao mang tên Điều còn mãi. Chính vì thế, được góp mặt trong hòa nhạc là một vinh hạnh của người làm nghề, để được cống hiến và tỏa sáng.
Tôi chú ý đến An Trần không phải là người trẻ tuổi nhất biểu diễn solo cùng Dàn nhạc giao hưởng mà bởi An Trần xuất hiện thật đặc biệt. An Trần không chỉ gây hiệu ứng bất ngờ, tạo nên nét chấm phá cho sự hội nhập và phát triển của âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam mà còn thể hiện sự điêu luyện và chuyên nghiệp của mình qua tác phẩm Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, cùng Dàn nhạc Giao hưởng.
An Trần tâm sự: “Là một nghệ sĩ trẻ may mắn được lời mời từ BTC tham gia Điều còn mãi, An rất vui và tự hào. Nhưng thú thật cũng khá áp lực. Thật may, An được Giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng; nhạc trưởng Đồng Quang Vinh hỗ trợ nhiệt tình, tận tuỵ nên An đã vượt qua e ngại biểu diễn một cách hoàn hảo nhất.
Nghe tiếng kèn thấm đẫm cảm xúc như muốn nuốt lấy từng thanh âm của An; nhìn cách An thả hồn phiêu cùng giai điệu thiết tha, tình cảm nói về tình mẫu tử, nhưng ẩn sâu trong đó là tự tình dân tộc. Đồng thời An Trần cũng đã phô diễn được những kỹ thuật điêu luyện học được từ Học viện âm nhạc Berklee - Boston, khiến tôi thầm thốt lên - quả không hổ danh con gái nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn - đúng là “hổ phụ sinh hổ tử”.
Là nghệ sĩ trẻ, song dường như An chín hơn so với độ tuổi của mình cả trong cảm xúc, lẫn phong cách biểu diễn. Xuất hiện cùng Dàn nhạc Giao hưởng, An cho thấy bản lĩnh sân khấu và tính chuyên nghiệp, đẳng cấp của một người được đào tạo cơ bản nên tiếng kèn của An thật đằm sâu, nhưng cũng đủ phiêu và khoe được những kỹ thuật tinh tế trong chừng mực đủ để tôn thêm vẻ đẹp của tác phẩm cũng như tôn thêm vẻ đẹp thanh âm của các loại nhạc cụ trong Dàn nhạc giao hưởng dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh.
Có lẽ bản lĩnh có được chính là kinh nghiệm và môi trường sống tự lập được tôi luyện trong nhiều năm khi An đi du học xa nhà, sống xa vòng tay chăm sóc, yêu thương của gia đình mà vì thế khi những giai điệu trong tác phẩm Mẹ yêu con được tấu lên da diết, nức nở... khiến những ai có mặt ở sân khấu Nhà hát trong hòa nhạc Điều còn mãi không khỏi bùi ngùi xúc động... rợi lệ.
Không dừng lại ở những gì đang có, trong An Trần luôn có nhiều khát khao cháy bỏng và luôn tự tin bản thân cố gắng thì sẽ đạt được nguyện ước và An cũng cho rằng mỗi người cũng rất cần có may mắn và điều kiện đủ để ước mơ thành hiện thực. Ngay như việc bố mẹ tạo điều kiện cho An đi du học phần nào đó đã mang An đến gần hơn với giấc mơ của mình.
An Trần cùng thầy, cô giáo và bạn bè
Không phụ lòng cha mẹ, An Trần không chỉ được nhận học bổng toàn phần của Học viện âm nhạc Berklee - mà An còn được chọn là Đại sứ toàn cầu của trường đại học danh giá nước Mỹ, nên An sẽ phải tiếp tục phấn đấu, theo đuổi con đường học vấn và điều chắc chắn, An sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để có thể quay trở về Việt Nam nhiều nhất. Trở về không chỉ để thăm gia đình, bạn bè người thân mà được chơi nhạc trước khán giả Việt Nam - đó là hạnh phúc.
An Trần rất vui khi thấy thế hệ của mình các nghệ sĩ ngày một giỏi giang và tự tin hơn, các bạn cũng đã tìm được cái tôi nghệ thuật mang bản ngã riêng cho thế hệ GenZ, và An mong rằng khi quay trở về Việt Nam, An cũng sẽ làm nên những điều lớn lao đó.
Hòa nhạc Điều còn mãi là một sự tổng hòa của những thanh âm được đan cài một cách tinh tế, khéo léo bởi tác phẩm giữa các thời kỳ - những giai đoạn lịch sử khác nhau cùng với việc lựa chọn ca sĩ, nghệ sĩ thể hiện tác phẩm cho thấy sự kết nối, tính kế thừa, sáng tạo mang tầm thời đại. Giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã dành nhiều tâm huyết sáng tạo, gửi gắm vào trong từng tác phẩm với mong muốn lấy nhạc giao hưởng làm nền tảng chủ đạo cho chương trình, nhưng thông qua phần hòa âm, phối khí và chuyển soạn đầy tính bác học, chuyên nghiệp để tôn vinh giá trị đích thực của âm nhạc dân tộc.
(Ảnh nhân vật cũng cấp)
Cùng thưởng thức tiếng kèn saxophone của An Trần & Trần Mạnh Tuấn (Xuân Quê Hương 2021).