Ấn tượng từ lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành

Nguyễn Phúc Lộc Thành xuất hiện trong làng văn chương Việt Nam từ khámsớm và gây được ấn tượng ở cả thể loại văn xuôi và thơ. Nhưng khi nhắc đến anh bạn đọc vẫn thường nhắc đến những tập thơ lục bát, đặc biệt là tập Giấcmơ sông Thương. Vừa qua, anh trở lại với thơ qua hai tập thơ Đồng sen tàn và Mẹ.

Cả 2 tập thơ ra mắt bạn đọc lần này đều được viết theo thể thơ lục bát, trong đó nhà thơ đã tạo điểm nhấn cho những chữ có giá trị nghệ thuật, làm điểm nhấn trong câu thơ.

Tập thơ Đồng sen tàn gồm 108 bài lục bát, chia 3 phần: phần 1 - Đồng sen tàn gồm 36 bài lục bát viết về mùa sen tàn; phần 2 - Mùa sấu rụng gồm 36 bài lục bát viết về mùa hoa sấu; phần 3 - Tháng sáu gồm 36 bài viết về tháng sáu.

b01-tho-nplt-1696650126.jpg

Lễ ra mắt thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành

Xưa nay, từ cổ chí kim có rất nhiều nhà thơ đã viết về sen. Nguyễn Phúc Lộc Thành đau đáu với sen đâu chỉ bởi sen là hồn cốt Việt, sen tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, cốt cách con người. Anh đi sâu vào sen và xem sen như một yếu tính của con người. Từ sen ta có thể tìm ra, phân chất được bản năng, vẻ đẹp, phẩm tính của con người, của tình yêu, của đời sống:

Nhuỵ tàn 
sợi sợi nằm phơi
Ta buồn 
bốn mắt như cời đêm lên

Thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành thiên về gợi hơn tả cho dẫu sự tả trong thơ anh chân thật và rất đời. Cái gợi vẫn đứng trên và đưa người đọc đến những liên tưởng không ngừng mở ra, không ngừng bung trổ.

Chiều nay 
em bỏ ta rồi
Như sen từng cánh 
đang rời đài sen

Vẫn là lục bát truyền thống nhưng Nguyễn Phúc Lộc Thành không ngừng tìm tòi, cách tân để trong nhịp truyền thống bạn đọc vẫn tìm ra hơi thở mới mẻ, thanh tân.

Điều đặc biệt nữa là, dù nói về sự tàn phai nhưng thơ anh không phải hướng đến sự lụi tàn mà từ sự tàn phai ấy một trường nghĩa mới, một sự sống mới lại được hoài thai, một thế giới khác lại được mở ra bất ngờ:

Đoá sen 
tàn tạ cuối trời
Chiều nay
rũ hết cánh rồi, 
xuống thu

Nếu như chúng ta đã quen với cái đẹp chuẩn mực, khuôn thước của thanh xuân, của chín muồi, của tròn đầy, của hương sắc… thì trước những tàn úa phai phôi chúng ta càng phải đặt ra những phản biện về cái đẹp và không ngừng suy tư về một mĩ cảm mới, về những sự khác biệt cần thiết cho đời sống cũng như cho sáng tạo.

Với tập thơ Mẹ Nguyễn Phúc Lộc Thành cũng không ngừng tìm một lối khác trong cảm thức chung về người mẹ Việt bao đời:

Ngủ đi
những vết chái sờn
Trên bàn tay mẹ dập dờn đói no...

Sự lớn lao của mẹ có lẽ mọi ngôn từ đều đã ngợi ca nhưng cũng mọi ngôn từ không thể nói hết. Nhưng thơ sẽ chuyên chở được những lớn lao ấy bởi bên cạnh chữ và nghĩa, thơ còn tạo ra được cảm giác, tạo ra được sắc thái, tạo ra được sự phổ quát và cả những gì mà chúng ta không thể nắm bắt được.

Vẫn là những hình ảnh quen thuộc trong tâm thức chúng ta về mẹ nhưng qua thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành thì cảm thức về mẹ lại trở nên ấn tượng hơn:

Mẹ ngồi vắt sữa xuống chiều
Vú đêm. Con ngậm. Cánh diều. Lời ru

Hay:

Một chiều khóc một bàn chân
Đã thôi bấm những ngón trần xuống quê

Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành chia sẻ cảm xúc tại buổi ra mắt hai tập thơ: “Cúi đầu cảm tạ cha mẹ, đất trời, Tổ quốc đã cho tôi được sống và viết lên dải đất hình chữ S, lên làng quê đầy nắng gió nhưng rất đỗi nhân văn này. Xin được cảm ơn quý vị đã đến với buổi ra mắt sách này để cùng tôi đóng dấu chiếc thẻ căn cước cho 2 tập thơ, để chúng từ trang giấy bước chân vào trang đời”.

Nguyễn Phúc Lộc Thành có ý tưởng dành toàn bộ tiền bán tập thơ Đồng sen tàn và bộ trường thiên tiểu thuyết Cõi nhân gian để tài trợ giải thưởng cho một cuộc thi thơ lục bát 2023 do Viện nghiên cứu Bảo tồn & Phát huy Văn hoá Dân tộc cùng

Tạp chí Văn Hiến Việt Nam tổ chức, cơ cấu giải thưởng dự kiến: 1 giải nhất 100 triệu, 1 giải nhì 50 triệu, 1 giải ba 30 triệu. Tập thơ Mẹ chỉ để tặng, không bán.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn nhận xét về thơ lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành: Thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành đạt đến sự dung hợp tinh túy của trạng thái sex thiền... vượt lên sự phân chia nhị nguyên thanh tục – tục thanh thông thường. Hầu như câu thơ nào của Nguyễn Phúc Lộc Thành cũng gợi mở, có thể tán thưởng,phân tích, trao đổi, luận bình.