Ảnh thờ

Chàng trai trong ảnh là tôi của hơn bốn mươi tám năm trước, khi vừa bước qua tuổi 18. Đấy là tấm ảnh chụp ngay trước ngày tôi đi vào chiến trường B. Không ai nói, nhưng ngày ấy ai cũng hiểu, tấm ảnh đó sẽ dùng làm ảnh thờ nếu tôi không trở về. 
anh-tho-1658716497.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Thời bao cấp khó khăn, hiệu ảnh, máy ảnh hiếm nên mấy khi được chụp ảnh. Trước tấm ảnh này tôi cũng có 4 tấm ảnh riêng khác. Một cái chụp thời vừa biết lẫy, cởi truồng, đầu gần như trọc lốc, chỉ lưa thưa mấy sợi tóc tơ. Bưc thứ hai chụp thời lên 4, lên 5 đứng trên tràng kỷ, mặc quần yếm, tay cầm con búp bê bằng nhựa, tóc xoăn dài cặp cao trên đỉnh đầu như con gái. Bức thứ ba chụp năm lớp 7, mồm chúm chím, trong mặc áo sơ mi trắng, ngoài áo đông xuân màu tím than cổ bẻ. Bức gần nhất chụp năm lớp 8 khi mẹ tôi sắm cho một áo len kẻ và một mũ lông của Liên Xô. Khi tôi diện chiếc áo len kẻ ngang nhiều màu và đội chiếc mũ lông màu xanh tím đó, người lớn cùng phố ai cũng khen, trẻ con thì ganh tỵ. Mẹ tôi hãnh diện lắm nên chở tôi đến hiệu ảnh Phương Đông tận Cửa Nam chụp. Sau đó còn tô màu xanh đỏ cho giống màu áo, màu mũ thật. Rất tiếc, giờ chỉ giữ được tấm ảnh đấy, những cái khác đều mất cả. Tiếc nhất tấm ảnh nằm lẫy, cởi truồng. 
Những ngày nghỉ phép đi B là những ngày vui nhất của mấy thằng lính. Xúng xính quân phục mới xanh biếc, miếng tiết đỏ chói có đính duy nhất một ngôi sao đeo cổ áo, mấy thằng lính mới lang thang bát phố hết cà phê Quán Gió, kem Tràng Tiền rồi tụ bạ hết nhà thằng này đến nhà thằng khác. Mặt thằng nào cũng vênh váo hãnh diện, nhất là trước mấy bạn nữ cùng lớp. 
Trước hôm trả phép, thấy tôi chuẩn bị đi khỏi nhà, mẹ nắm tay tôi bảo:"Con ra đằng này với mợ một tý". Tưởng đi đâu, hoá ra mẹ dẫn đến hiệu ảnh nhà anh Phiến. Hiệu ảnh duy nhất của cả phố, nằm giữa ô Yên Phụ, ngay cạnh cổng điếm - cái điếm canh nước xưa với những vòm cổng cong như cửa tò vò. Leo đến gác hai căn nhà gỗ ọp ẹp, cũng là nơi chụp ảnh, mẹ nói nhỏ:"Con chụp một cái để khi nào nhớ con mợ còn có cái mà nhìn". Tôi hớn hở ngồi vào ghế nhìn vào ống kính, hai bên hai cái đèn tổ bố áp sát mang tai. Anh thợ ảnh bắt nghiêng phải, nghiêng trái, nắn mặt, nâng cằm mãi mới bấm máy. Chụp xong, quay sang thấy mẹ đang nhìn tôi mắt đỏ hoe. 
Từ chiến trường ra tôi mới được nhìn tấm ảnh này. Nó được tô màu, đặt trong khung kính treo giữa nhà. 
Trên đường hành quân từ Tây Ninh, nơi giao quân, về đơn vị chiến đấu, vừa chân ướt chân ráo bước xuống chiến trường vùng sình lầy miền tây nam bộ, đám tân bình người Hà Nội chúng tôi bị pháo kích một trận tơi tả. Thằng Đông con thầy Hạ hiệu trưởng trường cấp 2 An Dương thời tôi học, thằng bạn đồng ngũ duy nhất người cùng phố bị dính mảnh pháo chết, lại đồn là tôi. Cả nhà khóc lóc. Suýt đưa tấm ảnh này lên nóc tủ thờ. 
Nhìn tấm ảnh này của tôi hồi đó, ít ai đoán là tôi sẽ trở về, vì khuôn mặt trông rầu rầu, dài dại. Sau này có dịp đi nhiều từ nam ra bắc, từ nông thôn đến thành thị, miền ngược đến miền xuôi cứ đâu có bảng Tổ Quốc ghi công tôi lại lặng nhìn lên tấm ảnh thờ. Toàn những gương mặt trai trẻ như tấm ảnh của tôi, thậm chí trẻ hơn, cổ vẫn đang quàng khăn đỏ. Nhưng tấm nào cũng bàng bạc, mờ mờ như định mệnh đã phủ sẵn lên đó một màu khói hương của tang tóc. 
Hồi ở chiến trường miền Tây Nam Bộ, thi thoảng trước trận đánh lớn, hội má chiến sỹ lại mang đồ ăn đến uý lạo. Nhìn chúng tôi hồn nhiên tranh nhau ăn, các má đều quay đi lau nước mắt. Có má không kìm được đã buột nói:"Các con trẻ đẹp quá mà phải chết". Tôi mới hiểu vì sao mẹ tôi đã khóc hôm đưa tôi đi chụp ảnh. Chết trẻ thế ai chẳng tiếc. Hồi đó môi tôi chưa vương một nụ hôn con gái.

Chuyện làng quê