Ngôi chùa gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ của chúng tôi, được xây dựng từ thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại thứ nhất (1925), tọa lạc trên gò đồi ở giữa thôn Đồng Điều. Từ khi xây dựng đến nay, chùa Đồng Điều đã qua nhiều lần tu sửa những vẫn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc cũ.
Trong chùa còn lưu giữ được hệ thống tượng Phật đầy đủ 20 pho tạo tác đầu thế kỷ XX. Các đồ thờ bát hương, mâm bồng, cây đèn ở ban bệ thờ tôn lên vẻ uy nghiêm, cổ kính. Đáng chú ý là tấm bằng có công với nước của nhân dân Đồng Điều “đã nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám” do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký ngày 3-1-1992 được treo trang trọng ở gian giữa chùa.
Giá trị nổi bật của di tích chùa Đồng Điều là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cơ sở cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa Tháng Tám 1945.
Năm 1942, ấp Đồng Điều được đặt làm trạm liên lạc đặc biệt với cán bộ Quân chính, cán bộ Xứ ủy và chiến sĩ lực lượng vũ trang qua lại, ăn ở, nhân dân địa phương đã cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội kháng chiến. Từ cơ sở này dễ dàng liên lạc kết nối với nhiều cơ sở cách mạng khác như ở ấp Yên Lý, Cầu Sa, Nhã Nam, Cầu Gồ…
Theo bút tích còn ghi lại của ông Mai Thanh Sơn, nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy Hà Bắc: Từ năm 1943 đến năm 1945 có nhiều Hội nghị họp tại chùa Đồng Điều. Năm 1942, đồng chí Ngô Thế Sơn, Xứ ủy Bắc kỳ về Bắc Giang trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng.
Các đồng chí Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Trọng Tỉnh… luôn qua lại hoạt động và tuyên truyền phổ biến các Chỉ thị cấp trên tại ấp Đồng Điều chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám.
Năm 1944, đồng chí Hà Thị Quế được điều về xây dựng và tổ chức tuyên truyền cách mạng tại đây.
Tháng 3-1945, đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp tại chùa Đồng Điều để triển khai thực hiện Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chùa Đồng Điều còn là cơ sở để xưởng quân giới của bộ đội ta đóng trong thời gian từ 1945 đến 1947.
Di tích này được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2006. Theo kế hoạch, đình, chùa Đồng Điều sẽ được tu tạo lại với kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng trong diện tích khuôn viên hơn 1.200 m2. Trong đó nguồn kinh phí của tỉnh 3 tỷ đồng, huyện Tân Yên 11 tỷ đồng, số còn lại từ nguồn ngân sách xã và xã hội hóa.
Công trình có 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 xây dựng đình, tam bảo, nhà tổ. Giai đoạn 2 mở rộng, xây dựng quần thể di tích. UBND xã Tân Trung làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đại Hoàn Cầu chịu trách nhiệm thi công, dự kiến đến tháng 12 năm nay hoàn thành giai đoạn 1.
Theo Trái tim người lính/Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam