Bên cây Dã hương còn có cụm đình chùa với nhiều huyền tích. Năm 1989, cây Dã và cụm đình chùa ở nơi đây được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
Bảo tồn cây Dã hương ngàn tuổi
Xã Tiên Lục nằm ở phía tây huyện Lạng Giang (Bắc Giang), cách thị trấn Vôi chừng 10 km. Tiên Lục là một vùng đất cổ, có tên gọi từ đầu thế kỷ thứ XV. Khi xứ Kinh Bắc thượng, được chia làm 4 phủ và 21 huyện, thì Tiên Lục thuộc Tổng Đào Quán, Phủ Lạng Giang (nay là huyện Lạng Giang). Năm 1953, Tổng Đào Quán tách thành 4 xã gồm: Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Tiên Lục và Mỹ Hà. Lúc đó Tiên Lục có 9 thôn và đến nay phát triển thành 11 thôn.
Là xã bán sơn địa điển hình của vùng núi phía đông bắc, Tiên Lục có diện tích tự nhiên 14,14 km2, với gần 12.000 người sinh sống. Trên địa bàn có tỉnh lộ 295 đi qua, nay có thêm đường vành đai 3 của huyện phá thế độc đạo xưa nay. Tiên Lục có khí hậu chia thành 4 mùa rõ rệt, rất phù hợp cho trồng trọt và chăn nuôi. Tiên Lục là vùng quê quy tụ rất nhiều người từ nơi khác đến lập nghiệp. Họ sống chan hoà, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Người Tiên Lục nổi tiếng cần cù, sáng tạo trong lao động, kiên cường và dũng cảm trong đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ, mang đậm nét truyền thống thuần chất của làng xã Việt Nam. Hiện nay, xã Tiên Lục có 14 dòng họ, 2 tôn giáo (đạo phật và đạo Thiên chúa) song hành. Trải qua nhiều thế hệ, người dân Tiên Lục đã biến vùng đất heo hút xưa kia thành một vùng quê trù phú. Các thế hệ người dân nơi đây đã xây dựng nên những công trình rất phong phú, đa dạng phong phú như: Nhà ở, đình, chùa, nghè, miếu, giếng nước…. Xã Tiên Lục còn là một trong những nơi có văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu được ghi vào sách"Lễ hội Bắc Giang" do Sở văn hóa thông tin và du lịch tỉnh Bắc Giang ấn hành năm 2002.
Lễ hội hàng năm của xã Tiên Lục có từ lâu đời, được tổ chức vào 3 ngày (18 - 19 - 20) tháng ba âm lịch. Người đi xem hội rất đông thuộc hàng nhất, nhì trong huyện. Về dân tục, dân lệ thì Tiên Lục cũng là nơi thuần phác có tiếng. Với những dãy đồi xanh thắm xen lẫn những mái ngói tươi màu son ẩn sau vườn bãi vải thiều, Tiên Lục như mê hoặc lòng người với đồng xanh ôm ấp xóm thôn, tạo nên khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Trong sắc xanh bát ngát, nổi bật là màu xanh của cây Dã Hương ngàn tuổi và mái đình Viễn Sơn (còn gọi đình Dã) cong vút nằm ở phía tây xóm Giữa. Đây là cây đại thụ thuộc dòng long não lâu đời nhất cả nước và thế giới. Theo sách Ngọc phả có ghi đời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) đã đến Tiên Lục thấy cây Dã Hương tán phủ cả một góc trời đã ban sắc phong "Quốc chúa đô mộc dã đại vương" (cây Dã Hương lớn nhất nước). Ở phần gốc cây Dã hương to khoảng 5 đến 6 người ôm, chiều cao khoảng 30m. Chu vi thân chỗ lớn nhất là 13,5m. Chu vi cành lớn nhất 3,5m. Từ lâu cây đã bị thông tâm (mục rỗng). Chu vi chỗ rỗng rộng nhất khoảng 11,5m. Cách gốc cây khoảng 1m có một hốc ăn sâu vào trong làm cho thân bị rỗng. Chỗ lỗ rỗng đủ cho người lớn chui lọt. Toàn bộ chỗ rỗng trong thân chứa được trên 30 người. Khi chui vào hốc cây nhìn lên phía ngọn giống như một hang động nhỏ. Để bảo vệ cây, người ta đã bịt lỗ rỗng không cho người chui vào. Các cành to được gia cố bằng các cột chống bằng xi măng chống đỡ nhằm giảm bớt sức nặng cho cây.
Theo lời kể của các bậc cao niên ở đây và các cứ liệu lịch sử cho biết: Cây Dã hương đã trên ngàn tuổi, nằm kề bên đình Viễn Sơn tạo nên bức tranh về làng quê cổ kính. Cây Dã còn là biểu tượng của sức sống trường tồn. Cây xanh tốt quanh năm và được ví như là lá phổi của vùng quê. Những tán lá như những bàn tay xòe rộng che chở cho người con. Đặc biệt mỗi khi xuân về cây lại cho lộc, ra hoa. Chim chóc bay về trú ngụ làm tổ ấm trên cây và hót ríu rít vang động cả một vùng. Nếu ai đó muốn tận hưởng hương thơm của hoa Dã hương thì đến đây vào ban đêm. Khi màn đêm buông xuống là lúc hoa dã bắt đầu toả hương thơm làm đắm say lòng người. Nhiều người tập khí công ở các tỉnh xa cũng đến thiền để lấy khi thiêng của cây nhằm nâng cao sức khỏe. Trải thời gian hàng ngàn năm lịch sử vật đổi sao rời, Dã hương vẫn đứng vững giữa không gian và thời gian minh chứng cho sức sống bền bỉ của loài thực vật. Người Tiên Lục xa quê, mỗi khi trở về đến đầu làng lại ngước nhìn bóng Dã hương in một góc trời, ký ức tuổi thơ lại ùa về.
Cây Dã hương Tiên Lục là một phần của sắc hương Việt Nam. Năm 1938 chính quyền Pháp cho mở con đường từ Vôi đến xã Tiên Lục (nay là tỉnh lộ 295) phục vụ nhu cầu thăm quan cây Dã và cũng năm này Trường Viễn đông Bắc cổ đã xếp cây Dã hương vào loại cây cổ thụ hiếm có của xứ Bắc Kỳ. Cuốn Bách khoa toàn thư (La rous) của Pháp cũng ghi cây Dã hương ở Tiên Lục là một trong những cây lâu đời nhất thế giới. Trải qua năm tháng trường tồn cùng tuế nguyệt, cây Dã hương đã đón rất khách thập phương các thế hệ đến thăm, trong đó có lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm như: nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và nhiều cán bộ cao cấp khác của Đảng và nhà nước đã về dưới tán cây ngàn tuổi này.
Tam cổ tự
Cách cây Dã hương không xa có các đình chùa được xây dựng cách đây nhiều thế kỷ và còn tồn tại đến ngày nay.
Chùa Quang Phúc (Phúc Quang Tự): Nằm trên đồi thông cách cây Dã hương chừng 100m đường chim bay. Chùa nhìn về hướng Nam, được xây dựng từ thế kỷ thứ XVIII (khoảng thời Lê - Mạc), có kiến trúc liên hoàn theo kiểu “nội công ngoại quốc”, với 35 gian gồm: Phần tiền đường, hai dãy hành lang, gác chuông nối lại thành hình chữ quốc. Toà thiên hương nối với thượng điện thành chữ công. Chùa Phúc Quang Tự được khởi dựng từ thời Lê - Mạc (năm Ất Dậu 1577), ban đầu có 3 gian lợp tranh, có tên Quang Minh An, sau đó được xây thêm tiền đường, hậu đường và đổi thành Tiên Phúc Tự. Năm 1707, chùa xây thêm hai bên hành lang và đổi thành Phúc Quang Tự. Trước cửa chùa có cây hương bằng đá (còn gọi là Cửu Trùng Thiên) có khắc chữ Nho ở bốn mặt "Thiên - đài - thạch - trụ". Mặt trước có dòng chữ:"Long đức tam niên thập nhị nguyệt cốc liệt" (ngày tốt năm thứ 3 công đức tháng 12). Các mặt khác khắc hoa văn và tên các gia đình cung tiến. Tương truyền, chùa được ông Nguyễn Văn Tính, ở xóm Trong xuất gia tu hành là nhà sư nổi tiếng xứ Kinh Bắc, là người có công tu sửa và mở rộng chùa như ngày nay. Trong chùa có 90 pho tượng sắp xếp từ tiền đường lên thượng điện, 2 hành lang đến gác chuông và nhà Tổ. Những đồ vật kim khí trong chùa có nhiều loại như đồ thờ, chuông, nồi hương, hạc thờ. Một số được làm bằng gỗ như quả thờ, cây đèn, hoành phi, câu đối, đôi ngựa gỗ, cửa võng, các sắc phong. Nhà Thảo Xá có bức hoành phi:“Tiến-Vạn- Cung-Thánh" (nghênh đón và cung kính các vị thánh muôn tuổi trường tồn). Phía trước tòa tiền đường là sân rộng để dâng hương hoa, bên trái là dãy nhà Thảo Xá, phía trước sân là đền Thánh Cả, nhà văn chỉ, làm theo kiểu "tiền kẻ hậu bẩy, chồng giường, giá chiêng; điêu khắc trạm trổ”.
Hàng năm hội lệ chùa Tiên Lục tổ chức vào ngày 19 và 20/3 âm lịch. Trước khi vào hội, chiều ngày 18/3 nhà chùa có lễ vào thôn Trong lấy nước giếng điếm Lẩm về tắm Phật. Sáng ngày 19/3 kiệu thần và nồi hương ở đình Viễn Sơn và Thuận Hòa rước về sân nhà Thảo Xá, rồi chuyển vào điện thờ làm lễ tế thần, rồi khai thanh, tranh chiêng tranh chống, yết lễ đền. Phần hội có các trò trơi dân gian như đánh đu, kéo co, chọi gà, nay có thêm các môn thể thao hiện đại. Lễ hội Tiên Lục có tục“cướp cầu” thể hiện tính đoàn kết của người dân và cầu mong mùa màng bội thu, người người được no ấm, trẻ lớn ra, già trẻ lại. Chiều ngày 20/3 thì giã hội. 2 nồi hương và 2 kiệu rước hoàn cung trả về 2 đình. Khi ra khỏi cửa 2 nồi hương bốc cháy (hóa dương) nghĩa là rất vui vẻ. Vì thế trước cửa nhà Thảo Xá có ghi câu đối:“Hiển hách quang vinh quảng đại đạo thần tiên/Anh minh đức đạo từ bi tu cõi phật” và “Hội lệ tiền triều thiên niên thịnh/Tiên cảnh tứ thời khách vãng lai”. Lễ hội truyền thống Tiên Lục từ xa xưa đã được mô tả:"Dập dìu tài tử giai nhân" để rồi:“Quý xanh cảnh đẹp nở thêm hoa/Vui chung hội lệ khách gần xa/Tiếng trống đình làng vang tế lễ/Chuông chùa niệm phật vọng ngân nga/Mười chín tháng hai mươi ngày hội lệ/Hối hả chào mừng hội tháng ba/Nhớ ngày này sang năm tới/Đến hội lại về chớ bỏ qua”. Lễ hội Tiên Lục là một lễ hội lớn trong vùng, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng về dự, nay mới được nâng cấp thành lễ hội của huyện.
Theo sử sách có ghi: Khi Lê Lợi lên làm vua được 5 năm (niên hiệu Thuận Thiên) một lần về thăm đã ban tặng Chùa Phúc Quang là "Cổ tích danh lam chưa từng có" là công trình kiến trúc điển hình thời Lê-Mạc. Đứng giữa chùa quan sát, du khách rất thán phục về tài chạm trổ hết sức điêu luyện của tiền nhân. Mỗi pho mỗi vẻ rất sinh động và càng ngắm cứ ngỡ được quay lại xã hội quá khứ cách đây mấy trăm năm. Đặc biệt chùa Phúc Quang không có sư, gắn liền với lời nguyền huyền bí của vị sư trụ trì từ mấy trăm năm trước nay vẫn còn ứng nghiệm.
Cùng trên đồi Thông còn có đền Thánh Cả cách chùa khoảng 30m. Đền thờ 2 vị thần Cao Sơn và Quý Minh có sắc phong do Vua Lê Cảnh Hưng ban tặng. Đền Thánh Cả có quy mô xây dựng khiêm tốn nhất, là một phần không thể trong cụm di tích. Đền được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ đinh toà tiền tế gồm 3 gian kẻ truyền, phần hậu cung gồm 2 gian. Hiện nay đền Thánh cả còn lưu giữ được các di vật như: kiệu rước, hương án, cây đèn đồng, nồi hương, quán tảy…
Đình viễn Sơn: nằm kề sát với cây Dã Hương cổ thụ, được xây dựng từ thế kỷ XVIII (thời Lê) thờ 2 vị thành hoàng làng Cao Sơn-Quý Minh, là danh tướng thời Vua Hùng có công đánh giặc ngoại xâm đem lại thái bình cho trăm họ. Khi 2 vị hiển thánh, các triều đại phong kiến đã sắc phong“Thượng đẳng phúc thần”, được nhiều nơi ở vùng đông bắc Bắc Bộ lập làm thành hoàng làng để thờ phụng. Đình Viễn Sơn được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ công chia thành 3 phần chính gồm có toà tiền đình, hậu cung và đình hậu. Đình Viễn Sơn là một ngôi đình có quy mô không lớn nhưng thay vào đó là sự nổi bật của nghệ thuật chạm khắc trong toàn bộ nội thất ngôi đình, đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc ở phần tiền tế. Tất cả hệ mái bao gồm các vì nóc, vì nách, đầu dư, cột cái, cột quân …đều được làm bằng gỗ lim chắc khoẻ. Các đề tài chạm khắc thể hiện trên trong nội thất ngôi đình được cổ nhân chạm khắc công phu kỹ càng đến từng chi tiết, tạo nên không gian linh thiêng cho di tích. Đình Viễn Sơn vẫn lưu giữ được các đồ thờ có giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật như: kiệu, ngai thờ, bộ bát biểu, kiếm gỗ, nồi hương, mâm đồng…
Đình Thuận Hoà (còn gọi là đình Cây Bàng): toạ lạc trên một khu đất rộng và bằng phẳng, kề sát đình là cây bàng cổ thụ và chùa Phúc Quang chừng hơn 100m về phía sau. Đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVIII cũng thờ 2 vị Cao Sơn và quý Minh. Đình Thuận Hòa có lối kiến trúc hình chữ đinh gồm 5 gian đại đình và 3 gian hậu cung. Toàn bộ mái của ngôi đình được làm bằng gỗ lim chắc khoẻ và lợp ngói mũi. Các mảng chạm khắc ở các vì nóc, vì nách, các bức cốn mê, đầu dư… được bàn tay của các nghệ nhân xưa thể hiện hết sức tài tình. Hiện nay trong đình còn lưu giữ được nhiều đồ thờ có giá trị lịch sử như: 06 sắc phong thời Nguyễn, 03 ngai thờ, 01 bát hương thời Nguyễn…
Cụm đình, chùa và cây Dã hương ở xã Tiên Lục được Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1989 (là di tích đầu tiên trong huyện Lạng Giang được công nhận cấp Quốc gia). Được biết, từ năm 2016 đến nay, cụm di tích của Tiên Lục được Nhà nước đầu tư 34 tỷ đồng cùng với 2,7 tỷ đồng do nhân dân công đức, đình, đền chùa ở đây đã được trùng tu, tôn tạo. Giao thông về cụm di tích rất thuận lợi, có bãi đỗ xe, sân vận động phục vụ tốt du khách hành hương đến cầu may.