Bắc Kạn: Ba Bể chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống

Nhằm nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc, những năm gần đây, chính quyền các cấp huyện Ba Bể đã quan tâm, khuyến khích người dân đưa trang phục truyền thống sử dụng phổ biến hơn trong cuộc sống. 
trang-phuc-truyen-thong-1625436295.jpg
Thành viên Hợp tác xã Yến Dương duy trì nghề dệt thổ cẩm

Xã Nam Mẫu hiện có 9 đội văn nghệ ở các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc và Đán Mảy phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hát Then, đàn Tính cho các đoàn khách đến tham quan du lịch. Mỗi khi biểu diễn, các đội đều lựa chọn trang phục của dân tộc Tày với đầy đủ các phụ kiện như vấn đội, thắt lưng, giày thêu... Ông Ngôn Văn Sơn- Chủ tịch UBND xã cho biết: "Địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch, vì vậy việc bảo tồn văn hóa các dân tộc là hết sức cần thiết. Việc sử dụng trang phục dân tộc, hay duy trì những phong tục tập quán trong sinh hoạt sẽ tạo ra nét riêng, thuận lợi cho khai thác phát triển du lịch. Ngoài ra, địa phương cũng khuyến khích bà con duy trì nghề dệt vải thủ công truyền thống, vừa thu hút du khách, vừa góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập".

Gia đình bà Triệu Thị Dung ở thôn Pác Ngòi là một trong những hộ vẫn còn lưu giữ nghề dệt vải thủ công và thường xuyên làm ra các sản phẩm để phục vụ nhu cầu của khách tham quan. Bà Dung cho biết: "Mỗi khi khách đến lưu trú tại nhà nghỉ homestay của gia đình tôi đều rất thích thú khi nhìn thấy bộ khung cửi và thường yêu cầu tôi dệt vài món đồ nhỏ để chiêm ngưỡng, để hiểu thêm về cách dệt vải. Tôi biết dệt vải từ khi còn nhỏ, những món đồ khó như: Địu, tã trẻ em, khăn đội đầu... có những hoa văn, hoa tiết khác nhau, tôi đều có thể làm được. Với những đồ lưu niệm như khăn tay, túi nhỏ... tôi có thể nhanh chóng hoàn thành và bán cho du khách. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình tôi vẫn thường xuyên mặc trang phục của dân tộc mình, những bộ quần áo chàm đặc trưng của người Tày để tiếp đón du khách".

Tại xã Yến Dương, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Tày nơi đây đã được Hợp tác xã Yến Dương khôi phục, gắn với phát triển du lịch. Cùng với đó, bà con người dân tộc Dao ở các thôn vùng cao Nà Pài, Phiêng Phàng đã thường xuyên sử dụng trong phục dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày. Anh Vi Văn Hữu- Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Trong hành trình đến tham quan Khu du lịch hồ Ba Bể, chúng tôi mong muốn tạo ra điểm dừng nghỉ ấn tượng cho du khách, vì vậy xã đã tạo điều kiện cho Hợp tác xã mở lớp dạy nghề dệt vải cho một số chị em trên địa bàn. Hiện,  Hợp tác xã đã có nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm để trưng bày, bán cho khách. Đối với trang phục truyền thống của người Dao, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng hình ảnh trang phục gắn với quảng bá du lịch".

Triển khai thực hiện Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL ngày 18/01/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, ngày 09/4/2021 UBND huyện Ba Bể đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn huyện Ba Bể giai đoạn 2021 – 2030.

Theo đó, huyện sẽ tiến hành triển khai các nội dung như: Tổ chức khảo sát, đánh giá, tiến hành kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy và kỹ năng truyền dạy, bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; vận động, triển khai mặc trang phục truyền thống tại các trường, đặc biệt là trường PTDT nội trú trên địa bàn huyện; hỗ trợ giới thiệu và bán sản phẩm về trang phục truyền thống gắn với du lịch; xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch...

Là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện Đề án, đồng chí Lý Thị Thịnh- Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: "Việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch là hướng đi lâu dài, bền vững của địa phương. Vì vậy, triển khai có hiệu quả Đề án sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Trong thời gian tới, huyện đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, tích cực phối hợp với các ngành, chính quyền cơ sở triển khai nhiều giải pháp để hình thành thói quen thường xuyên mặc trang phục dân tộc trong cộng đồng dân cư. Qua đó tạo sự chuyển biến về ý thức và hành động, sức lan tỏa sâu rộng, góp phần gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc".