Lòng dân yên, biên giới mạnh:

Bài 2: Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Xác định tầm quan trọng của vùng biên giới chiến lược và đời sống của bà con đồng bào các dân tộc địa phương, trong những năm qua, Tỉnh ủy- UBND tỉnh Gia Lai đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm”. Đến nay, vùng biên giới đã có những thay đổi đáng kể, đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện, tình trạng du canh du cư, chặt đốt, chọc tỉa của bà con dân tộc thiểu số (DTTS) đã không còn. Điều này chẳng những góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc mà còn nâng cao sức mạnh quốc phòng, an ninh của đất nước.
img-0308-1725584605.JPG
Đêm xoang - ngọn lửa đoàn kết các dân tộc

Phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc

Nằm về phía Tây Nam của tỉnh Gia Lai, ba huyện biên giới gồm Chư Prông, Đức Cơ và Ia Grai hiện có hơn 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó trong đó DTTS chiếm 48,1%. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào DTTS, để bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, gắn bó với làng quê.

Đồng chí Tống Thới Mốc, Bí thư Huyện ủy Ia Grai cho biết: “Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nêu rõ: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số...”. Và khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”, những năm qua, huyện Ia Grai đã phê duyệt và thực hiện hiệu quả một số đề án đặc thù, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, như: Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội các thôn làng DTTS”; “Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững”… đã tạo ra những bước chuyển rõ nét về mọi mặt, làm thay đổi nhận thức của người dân và diện mạo vùng biên giới.

Trong 5 năm qua cấp ủy, chính quyền các địa phương trên vùng biên giới luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổ chức các hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT sôi nổi, trong đó Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa sâu rộng ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của cộng đồng, phát huy tinh thần yêu nước và sức mạnh khối đại đoàn kết.

le-hoi-cong-chieng-hoa-trang-cua-nguoi-gio-rai-o-vung-bien-gioi-gia-lai-mung-nammoi-1725585115.jpg
Lễ hội cồng chiêng và múa xong của bà con Jrai trên vùng biên giới

Ông Rơ Châm Hyai, già làng Mit Jep, xã Ia O, huyện Ia Grai nhiều năm qua đã phát huy vai trò cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Gặp chúng tôi già làng bộc bạch, thực tiễn đã chứng minh sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, nhờ đoàn kết mà quân dân ta đã chiến thắng. Ngày nay sức mạnh đoàn kết đó lại được nhân lên để bà con các dân tộc cảnh giác và chiến thắng các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, li khai… với cái gọi là “Tin lành Đê Ga”, “tà đạo Hà Mòn”…

Tôi thấy việc cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai cán bộ về thôn làng vận động bà con đoàn kết, giúp nhau lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc,  trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng là một trong những cách làm hay, hiệu quả. Phát triển kinh tế gắn với giữ gìn văn hóa, giữ hồn thiêng dân tộc cũng là trách nhiệm của bà con các dân tộc nói chung, những người con Gia Rai mình được sinh ra và lớn lên ở làng Mit Jep nơi đây nói riêng, già làng Rơ Châm Hyai khẳng định.

Những ngày đầu tháng 9/2024, đến nơi đâu trên vùng biên giới, cũng được các nghệ nhân người Bahnar, Jrai, Tày, Nùng… trình diễn cồng chiêng, dân ca, dân vũ “ Mừng chiến thắng”, “Mừng dộc lập dân tộc”… chúng ta mới khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và văn hóa qua từng bộ trang phục đặc trưng, đầy màu sắc được các dân tộc gìn giữ trong suốt chiều dài lịch sử.

can-bo-cong-ty-74-gap-mat-cac-doi-tuong-chinh-sach-1725584515.jpg
Các già làng, người có uy tín ở vùng biên giới Gia Lai trao đổi kinh nghiệm về sản xuất và bảo tồn văn hóa

Hiệu quả từ những chủ trương đúng đắn

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương vùng biên giới tỉnh Gia Lai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó giúp bà con cảnh giác trước mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Làm việc với chúng tôi, đồng chí Vũ Đình Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: Những năm qua, Huyện ủy - UBND huyện đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào DTTS. Các dự án về xây dựng cơ sở hạ tâng, các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ cây, con giống, phân bón, kỹ thuật đã giúp nhiều hộ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất, nâng cao năng suất, tăng thu nhập… Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, huyện đã giải ngân trên 107 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng (đạt 45,2% tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư đối với vùng đồng bào DTTS); vận động các nhà tài trợ hỗ trợ xây mới nhà ở cho 149 hộ nghèo, hộ khó khăn, người có công; mở 35 lớp dạy nghề cho hơn 1.000 lao động, giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động/năm (trong đó người DTTS chiếm khoảng 50%); hàng năm cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 45.000 người, trong đó trên 35.000 người DTTS.

Đến cuối năm 2023, toàn huyện có 8/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 9 thôn, làng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 11,97%; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS; quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí ổn định trên 60% số hộ DTTS đang cư trú tại các khu vực hẻo lánh, có nguy cơ sạt lở. Đời sống người dân được nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

2-hoi-dua-thuyen-doc-moc-tren-song-po-co-1725584603.jpg
Huyện Ia Grai đã khôi phục hiệu quả lễ hội đua thuyền độc mộc trên vùng biên giới

Cũng như bà con nghèo khó ở vùng biên giới, năm 2017, anh Đinh Văn Giang (dân tộc Mường) ở thôn Lũng Vân, xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Sau khi được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, anh Giang đã mạnh dạn chuyển 1,5 ha đất trồng mì (sắn) và lúa nương sang trồng cây sầu riêng, cà phê, lúa nước. Do tuân thủ chặt chẽ quy trình trồng, chăm bón thu hoạch nên vườn cây của anh mang lại hiệu quả kinh tế. Đến nay, sau khi trừ chi phí, chị anh Giang có lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

Đồng chí Vũ Mạnh Định- Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ chia sẻ: Đến nay cái chúng tôi làm được là đã biết tận dụng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và thế mạnh của khí hậu, đất đai, địa hình… để phát triển kinh tế. 5 năm qua, huyện Đức Cơ đã tận dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án dành cho vùng đồng bào DTTS. Đến nay đã có 3 xã và 22 thôn làng đạt chuẩn làng nông thôn mới. Đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS; tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo, định hướng nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt trên 70%; giữ vững 100% xã có điện và đường ô tô đến trung tâm xã đã được bê tông hóa; 100% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế... Việc thành lập mô hình sản xuất đã tạo điều kiện cho nông dân, đặc biệt là bà con đồng bào các dân tộc được trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

2tk-1725584604.JPG
Người dân ở Chư Prông chung sức bê tông hóa đường làng

Huyện đầu tư có trọng điểm, sử dụng nguồn vốn hợp lý, các dự án đều khả thi, trong đó Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã từng bước thay đổi bộ mặt vùng biên, kinh tế có bước khởi sắc, trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh và huyện. Đến nay, khu kinh tế cửa khẩu đã có 36 nhà đầu tư thực hiện 40 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 556,6 tỷ đồng. Kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2022 qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đạt 127,72 triệu USD (tăng 205,5% so với năm 2020); kết nối, khai thác các điểm du lịch trọng tâm Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và triển khai các khu du lịch sinh thái…

Đầu năm 2016, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ được công nhận là xã nông thôn mới đầu tiên ở tuyến biên giới vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Với phương châm là trao “cần câu” chứ không trao “con cá”, kết hợp với Bộ đội Biên phòng, cán bộ xã luôn đi sâu, đi sát, từng bước hướng dẫn bà con phát triển kinh tế. Từ một địa phương có tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn diễn biến phức tạp, đời sống người dân nghèo khổ, nhờ phát huy sức mạnh đoàn kết và tận dụng các nguồn lực, nguồn vốn từ các chính sách dân tộc, nên đời sống của bà con ngày càng được nâng cao, hộ nghèo giảm mạnh hàng năm. Năm 2011 toàn xã còn đến gần 22% hộ nghèo, nay đã giảm xuống còn 5,75%. Địa bàn bình yên, mức thu nhập hàng năm của người dân trên địa bàn tăng nhanh, từ chỗ chỉ có mức thu đạt khoảng 7 triệu đồng/người/năm, nay đã tăng lên hơn 40 triệu đồng/người/năm.

1-mot-goc-khu-kinh-te-cua-khau-1725584604.JPG
Một góc khu kinh tế thương mại ở Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Đức Cơ

Gia đình anh Rơ Châm Tích, dân tộc Jrai (làng Mook Đen1, xã Ia Dom, Đức Cơ), trước đây thuộc diện hộ nghèo. Nhờ chính sách hỗ trợ dành cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng biên giới nên gia đình anh được vay vốn phát triển sản xuất, được cán bộ địa phương và Bộ đội Biên phòng hướng dẫn, rồi “cầm tay chỉ việc”, đã chịu khó học hỏi kỹ thuật trồng cao su, trồng cà phê kết hợp các loại cây ngắn ngày nên hiện gia đình anh đã có thu nhập từ 150 - 250 triệu đồng/năm. Từ năm 2019, gia đình anh Tích được ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Đầu tư phát triển sản xuất, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, thời gian qua cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên vùng biên giới Gia Lai luôn chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị trên địa bàn. Bằng những kế hoạch, chương trình phù hợp để đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ là người DTTS, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Các tổ chức cơ sở Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh chính trị ổn định, Nhân dân các dân tộc tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Kinh tế phát triển, các hủ tục lạc hậu được bà con loại bỏ, tình làng nghĩa xóm bền chặt, một vùng biên giới xanh, bình yên đang khởi sắc từng ngày./.