“Xuân về”, bức tranh tứ bình của Nguyễn Bính

Những ngày đầu xuân Giáp Thìn đọc lại thơ Nguyễn Bính.

   xuan-ve-1707995234.jpg

          Đọc thơ viết về mùa xuân, nếu chú ý người ta sẽ nhận ra, tính cả về số lượng lẫn chất lượng, trong Thơ Mới nếu Nguyễn Bính xếp vị trí số hai thì có lẽ sẽ không có ai ở vị trí số một. Bởi thế cũng sẽ không nói ngoa khi bảo rằng Nguyễn Bính là ông hoàng của thơ xuân. Tôi chưa thống kê cụ thể về số lượng nhưng chỉ sơ qua những bài thơ có tên xuân hoặc nội dung viết về mùa xuân mà tôi nhớ cũng đã thấy một số lượng khá lớn, khó có ai có thể vượt qua. Ví như: “Mưa xuân”, “Mùa xuân xanh”, “Xuân tha hương”, “Xuân vẫn tha hương”, “Vườn xuân”, “Xuân thương nhớ”, “Thơ xuân”, “Gái xuân”, “Xuân về nhớ cố hương”, “Xuân nhớ”, “Tiếng trống đêm xuân”, “Xuân”, “Nhạc xuân”, “Xuân về”, “Tết của mẹ tôi”, “Tết biên thùy”, “Cô lái đò”, “Quán Trọ”, “Vài nét rừng”, “Hành phương Nam”, “Hoa với rượu”, “Cây đàn tỳ bà”, “Sao chẳng về đây”, “Cuối tháng ba”, “trở về quê cũ” … Và trong số những bài thơ có mùa xuân ấy tối ấn tượng và rất thích bài thơ “Xuân về”, nhất là mỗi khi Tết đến. Bài thơ như sau:

Đã thấy xuân về với gió đông,

Với trên màu má gái chưa chồng.

Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời, đôi mắt trong.

 

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe,

Mưa tạnh giời quang, nắng mới hoe

Lá nõn, ngành non ai tráng bạc?

Gió về từng trận, gió bay đi…

 

Thong thả, dân gian nghỉ việc đồng,

Lúa thì con gái mượt như nhung.

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng,

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

 

Trên đường cát mịn, một đôi cô,

Yếm đỏ, khăn thâm, trảy hội chùa.

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,

Tay lần tràng hạt miệng nam vô.

          Đến với bài thơ, chúng ta dễ dàng nhận thấy toàn bộ ý tứ của thi phẩm được Nguyễn Bính lộ rõ ngay từ trong cái nhan đề của văn bản. “Xuân về” có nghĩa là cảnh mùa xuân về. Cái nhan đề dễ hiểu, đơn giản, tưởng như rất ráo rỗng và có phần nhàm chán ấy dưới ngòi bút của thi sĩ chân quê bỗng hiện lên rất sống động, trữ tình. Nhà thơ đã sử dụng bối cảnh ở nông thôn và khung cảnh mùa xuân để dựng lên một bức tranh ngập tràn sắc xuân ở Việt Nam mà điển hình nhất là mùa xuân ở làng quê Bắc Bộ. Đó là một mùa xuân tươi tắn, rộn ràng được hiện lên với đầy đủ vẻ đẹp dịu dàng và mang đậm những nét đặc trưng tiết trời, cảnh sắc, hương vị của tạo vật cùng một bầu không khí sinh hoạt văn hóa rất phổ biến của con người ở làng quê khi xuân sang thời bấy giờ, cách ngày nay ngót một thế kỷ. Bởi vậy giữa một rừng thơ viết về mùa xuân xưa nay, đọc bài thơ của Nguyễn Bính người ta vẫn nhận ra một nét riêng với một phong vị rất đặc biệt mà ở đó con người và cảnh vật mùa xuân hiện lên một cách lãng mạn, tài hoa theo kiểu rất chân quê.

          Xuyên suốt bài thơ là một sắc xuân được khởi hứng từ lòng người rồi lan tỏa sang đất trời. Bức tranh xuân ấy được thể hiện bằng những ngôn từ, hình ảnh rất bình dị, gần gũi, thân quen. Nhìn tổng thể bài thơ có bốn khổ ngắn gọn đều tập trung ca ngợi cảnh đẹp mùa xuân. Nó giống như bức tranh tứ bình xuân. Khổ một là cảnh đẹp mùa xuân khi gió đông về. Khổ hai là cảnh đẹp mùa xuân trong nắng mới. Khổ ba là cảnh đẹp mùa xuân trên ruộng vườn. Khổ bốn là cảnh đẹp mùa xuân trong không khí hội hè ở làng quê. Và bao trùm lên cả bức tứ bình mùa xuân ấy là một cảm hứng say đắm, mê mải với cảnh vật và con người trong sắc xuân tươi vui, rộn ràng, náo nức của nhân vật trữ tình. Cái cảm hứng này đủ để thức dậy trong lòng người đọc nhà quê hoặc ai đó sinh ra, lớn lên rồi ra đi từ nhà quê những nỗi niềm hoài niệm hay phảng phất một dặm sầu xa xứ như thể những vần thơ ông đã từng viết: “Tết này chưa chắc em về được/ Em gửi về đây một tấm lòng…” (Xuân tha hương); “Em đi non nước xa khơi quá!/ Mỗi độ xuân về bao nhớ thương” (Xuân vẫn tha hương) hay “Xuân về những nhớ cùng thương/ Trời ơi! Muôn vạn dặm đường xa xôi!/ Chiều ba mươi hết năm rồi/ Nhà tôi, riêng một mình tôi vắng nhà/ Tôi còn lận đận phương xa/ Để ăn cái tết thật là vô duyên” (Xuân về nhớ cố hương). Bởi thế bất kỳ ai đã từng sinh ra hay lớn lên từ nhà quê đọc bài thơ dường như ít nhiều đều nhận thấy bóng dáng hay ký ức một thời của mình trong đó. Đây nhé chúng ta hay thử xem những xúc cảm khơi gợi đầy vi diệu mà Nguyễn Bính đã phát hiện và nói giúp người nhà quê trong suốt gần một trăm năm qua.

          Bức tranh đầu tiên, cảnh đẹp mùa xuân khi gió đông về:

“Đã thấy xuân về với gió đông,

Với trên màu má gái chưa chồng.

Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời, đôi mắt trong.”

          Nguyễn Bính cảm nhận được cái hơi xuân trước tiên là ở trong làn gió: “Đã thấy xuân về với gió đông”. Gió đông chính là gió xuân. Người ta gọi gió xuân là gió đông bởi vì gió này được thổi xuống từ hướng Đông - Bắc (trong đó Đông là hướng chính). Gió đông vào khoảng cuối mùa đông sang mùa xuân có đặc điểm ấm hơn, mang theo hơi nước đem lại sức sống cho vạn vật sau một mùa đông giá lạnh. Cái gió đông mang hơi ấm và khí xuân ấy tràn về đã xua đi những u ám của tiết trời mùa đông cùng cái lạnh tê tái, hanh khô khiến nứt nẻ da thịt để làm hồng lại đôi má “gái chưa chồng”; đem lại sự tinh anh, trong trẻo cho đôi mắt của “cô hàng xóm”. Đọc khổ thơ, chú ý ta sẽ thấy nhà thơ không trực tiếp miêu tả ngọn gió đông mà gián tiếp miêu tả nó qua những thay đổi của con người. Nguyễn Bính rất tinh tế, đa tình và tài hoa khi phát hiện ra mùa xuân đang về trên màu má và đôi mắt của cô gái. Có thể nói trung tâm của khổ thơ là hai hình ảnh: “màu má gái chưa chồng” và “đôi mắt trong”. Bằng hai nét chấm phá này nhà thơ đã đem đến cho người đọc tận thấy một bức tranh mùa xuân rất trẻ trung và vô cùng tình tứ, hóm hỉnh. Tiết trời thanh tân, ấm áp lúc xuân sang không chỉ làm cho cây cỏ hồi sinh, đâm chồi nảy lộc mà còn làm cho con người cũng trở nên tràn trề nhựa sống. Chẳng thế mà hai má thiếu nữ đỏ hây hây, đôi mắt cô hàng xóm cũng bừng lên trong trẻo để ngước lên nhìn giời. Với tín hiệu xuân sang ấy người đọc sẽ vừa cảm nhận được sự thoáng đãng, dịu dàng của đất trời vừa thấy hiện lên một vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng, duyên dáng, khơi gợi của cô gái. Dường như nhà thơ đã hóa thân vào cô gái để ngắm nhìn sắc xuân, bầu trời qua “đôi mắt trong” rất mực tinh tế. Trong cảm quan của Nguyễn Bính mùa xuân như đang mang về một nguồn sống tươi mới, khỏe khoắn cho con người và vạn vật. Điều này cũng đã từng được ông thể hiện: “Đây cả mùa xuân đã đến rồi/ Từng nhà mở cửa đón vui tươi/ Từng cô em bé so màu áo/ Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười (Thơ xuân). Trở lại với khổ thơ trong bức tranh đầu tiên ta thấy hai tín hiệu mà Nguyễn Bính dùng để cảm nhận mùa xuân rất thực nhưng cũng là điều khá đặc biệt, chưa thấy ở các thơ cùng thời và trước đó. Xem ra, sự tìm tòi và cách thể hiện ấy xét từ góc độ sáng tạo nghệ thuật là một điều rất mới. Qua cách nhìn và cách thể hiện đó phải chăng thi nhân muốn nói với chúng ta rằng: mùa xuân là một sự hòa quyện, tổng hòa giữa đất trời và con người. Đấy chính là cái nét tài hòa của thi sĩ chân quê khiến Hoài Thanh nhận ra Nguyễn Bính “không còn quê mùa nữa” (Thi nhân Việt Nam) và Thế Lữ thì bảo: "Vẻ cợt đùa thực là tài tình ở những tiếng nhắc lại ỡm ờ nhưng không ngang chướng" (Ngày nay).

          Bức tranh thứ hai, cảnh đẹp mùa xuân trong nắng mới:

“Từng đàn con trẻ chạy xun xoe,

Mưa tạnh giời quang, nắng mới hoe

Lá nõn, ngành non ai tráng bạc?

Gió về từng trận, gió bay đi…”

          Nếu như ở bức tranh thứ nhất, qua sự thay đổi sắc màu trên đôi má và đôi mắt của cô gái, Nguyễn Bính giúp cho người đọc cảm nhận được sự ấm áp và tràn trề nhựa sống khi mùa xuân về thì ở bức tranh thứ hai với những hình ảnh cụ thể nhà thơ đã bày ra cho mọi người thấy sức sống mạnh mẽ và vui tươi của vạn vật trong nắng mới mùa xuân. Mùa xuân ở đây như thể đang len lỏi vào trong mọi ngõ ngách của cuộc sống; bao trùm lên mọi cảnh vật của làng quê. Để lột tả cái sắc xuân đang tưng bừng rộn rã này Nguyễn Bính đã liệt kê chi tiết mọi thứ từ con người đến cảnh vật đang ngập tràn sắc xuân: con trẻ chạy xun xoe, mưa tạnh, giời quang, nắng mới hoe, lá nõn, ngành (nhành) non, gió về, gió bay đi. Nhà thơ đã khéo sử dụng từ láy xun xoe để khắc họa cái tâm trạng háo hức, nô nức, vui sướng cùng cái dáng vẻ, hành động rất thích thú, đầy tinh nghịch của lũ trẻ. Nếu như trước đó không lâu trong mùa đông rét tê rét tái trẻ con phải giữ trong nhà và mặc quần áo thật nhiều cho khỏi rét thì nay gió xuân về ấm áp chúng tha hồ chạy nhảy ngoài đường, trên sân với một thân thể không vướng bận bởi nhiều áo quần; rất nhẹ nhõm, thoải mái mà không sợ rét mướt. Với người là vậy còn vật cũng như thể được lột xác. Những cơn mưa bụi nhẹ nhàng nhưng cũng đủ để gột rửa sạch sẽ cái vẻ ảm đạm, u ám, lạnh lẽo của mùa đông; đem đến những tia nắng làm thoáng đãng, sáng sủa, ấm áp cho bầu trời. Không những thế, những cơn mưa, gió của mùa xuân vừa gột rửa sạch sẽ bụi bặm mùa đông đang đeo bám vừa kích thích tạo vật thi nhau sinh sôi, phát triển. Trong khổ thơ Nguyễn Bính còn sử dụng một câu hỏi tu từ rất đặc sắc. Nó vừa thể hiện cái sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của tạo vật trong hơi xuân: “Lá nõn, ngành non ai tráng bạc?” nhưng đồng thời cũng khẳng định chắc chắn một vẻ đẹp mơn mởn, một sức sống mạnh mẽ của cây lá khi mùa xuân về. Những lá non chồi biếc được mưa xuân ấp áp tiếp sức, được gió xuân phơi phới gột rửa làm cho tươi tốt mỡ màng, bóng loáng; lấp lánh như được tráng bạc. Bức tranh mùa xuân trong nắng mới đã tái hiện được một không gian ngập tràn sắc xuân trong trẻo với một sức sống kỳ diệu. Vẻ đẹp của mùa xuân ấy đầy mời gọi, thật khó cưỡng. Bức tranh mùa xuân của Nguyễn Bính hiện lên trong khổ thơ đẹp một cách tự nhiên. Những nét miêu tả của Nguyễn Bính không cầu kỳ, cách điệu, hoa mỹ. Dường như nhà thơ nhìn thấy gì nói vậy. Cái cách miêu tả này khiến cho mọi vật trong mùa xuân như đang thi nhau cựa mình để nảy nở, hối thúc nhau xôn xao để bung xõa phát triển hết mình trong tiết trời ấm áp. Bút pháp miêu tả ở khổ thơ này ta thấy có nét tương đồng với nghệ thuật miêu tả chiều xuân của nữ sĩ Anh Thơ: “Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/ Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi/ Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” (Chiều Xuân). Những bức tranh xuân bình dị ấy thật tươi đẹp. Nó như báo hiệu một mùa vui đang về trên khắp mọi nẻo làng quê. Hẳn là phải là người yêu làng quê lắm nhà thơ mới tạo lên được những nét vẽ tha thiết đến vậy.

          Bức tranh thứ ba, cảnh đẹp mùa xuân trên ruộng vườn:

“Thong thả, dân gian nghỉ việc đồng,

Lúa thì con gái mượt như nhung.

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng,

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.”

          Vẫn là những câu thơ tả thực với lối liệt kê như ở bức tranh thứ hai với các loại cây lá, hoa bướm của mùa xuân. Tuy nhiên trong bức tranh thứ ba này không gian của mùa xuân được mở rộng ra từ vườn nhà cho đến những ruộng lúa đang rực rỡ xuân thì. So với hai bức tranh trước bức tranh thứ ba có đủ cả sắc và hương. Nguyễn Bính đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ, so sánh để khắc họa cánh đồng lúa đang trổ đòng đòng xanh mướt, mơn mởn; sử dụng nghệ thuật đảo ngữ để miêu tả hương bưởi, hương cam nồng nàn, quấn quýt làm níu chân các nàng bướm huê tình. Có thể thấy dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Bính, khổ thơ thứ ba này cảnh sắc thật đậm chất xuân. Xuân từ lề thói sinh hoạt của con người cho từng đến chu kỳ sinh trưởng của cây cối. Như ta đã biết, ở nông thôn Bắc Bộ thời trước, tháng Giêng, tháng Hai công việc cày cấy, cỏ giả đã xong, lúa đang thời kỳ con gái nên được gọi là thời gian nông nhàn. Thời kỳ này bà con nông dân được “thong thả” vì tạm “nghỉ việc đồng”. Đồng thời trong quãng thời gian này cũng là mùa hoa bưởi, hoa cam kết trái, khắp nơi thôn quê “ngan ngát hương đưa”. Đọc khổ thơ thứ ba ta thấy những nét vẽ của Nguyễn Bính rất thật và cũng rất đặc sắc. Ông không chỉ tả đúng sự vật một cách nên thơ mà còn gọi ra được cái “hồn”, cái “thần” của sự vật. Bức tranh thứ ba không chỉ có màu xanh của cánh đồng lúa êm mượt như nhưng mà còn có màu trắng của những cánh hoa bưởi, hoa cam rụng đầy trên mặt đất, trong các khu vườn. Nguyễn Bính đã sử dụng hai chữ “đầy” và “ngào ngạt” rất đắc địa. Đây có thể coi là hai nhãn tự của bức tranh bởi nó làm toát lên thần thái của hương vị mùa xuân. Mùa xuân đúng là mùa của hoa bưởi, hoa cam (nhất là hoa bưởi). Cái loài hoa mà sau này nổi tiếng trong bài thơ của Phan Thị Thanh Nhàn: “Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối/ Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao/ Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không dấu được cứ bay dịu nhẹ” (Hương thầm). Cái màu trắng của cánh hoa rơi và hương thơm thoang thoảng ngọt ngào ấy cũng từng được Trần Đăng Khoa nhắc đến: “Hoa rơi trắng mảnh sân con/ Ôi hoa đã rụng vẫn còn ngát hương...” (Hoa bưởi). Có lẽ không tinh tế, không gắn bó và yêu quý làng quê chắc chắn Nguyễn Bính không thể nào có những nét bút xuất thần đến như thế. Và đọc thơ Nguyễn Bính, ngoài hoa bưởi, ta thấy mảnh vườn hoa cam cũng được thi sĩ nhắc đi nhắc lại trong những vần thơ tha hương của mình: “Vườn xuân trắng xoá hoa cam rụng/ Tôi với em Nhi kết vợ chồng"; “Xa rồi vườn cũ hoa cam rụng/ Gặp lại nhau chi, muộn mất rồi” (Hoa với rượu). Thế đấy bức tranh đồng quê vào xuân hết sức bình dị nhưng vô cùng tươi sáng và tràn đầy nhựa sống. Bức tranh đã cho ta thấy không chỉ một tấm lòng yêu đời, yêu cuộc sống mà còn gắn bó tha thiết với thiên nhiên, với quê hương của nhà thơ. Nó làm thức dậy trong lòng người đọc những nỗi niềm trắc ẩn về tình quê. Có lẽ vì thế mà đoạn thơ cũng được rất nhiều người ngâm nga, nhắc đến để nói hộ nỗi lòng mỗi khi nói về cảnh vật quê hương trong tiết xuân thì.

          Bức tranh thứ tư, cảnh đẹp mùa xuân trong không khí hội hè ở làng quê:

“Trên đường cát mịn, một đôi cô,

Yếm đỏ, khăn thâm, trảy hội chùa.

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,

Tay lần tràng hạt miệng nam vô”.

          Nói đến bức tranh xuân ở làng quê Việt Nam, nhất là làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ sẽ là chưa đầy đủ nếu không nói đến cảnh hội hè, đình đám. Lễ hội là một phần tất yếu của mùa xuân ở xứ xở có nền văn minh lúa nước. Lễ hội mùa xuân ấy cũng đã đi vào trong thơ ca của rất nhiều nhà thơ. Cùng thời, nữ sĩ Anh Thơ cũng đã từng viết: “Chùa mở hội người làng nô nức tới/ Trong khói trầm trong ánh nến xôn xao/ Các bà lão yếm hồng tươi khoe mới/ Các cô nàng khuyên bạc sáng như sao” (Đêm rằm tháng Giêng); Đoàn Văn Cừ cũng đã từng kể: “Mùa xuân ấy, ông tôi lên tận tỉnh/ Đón tôi về xem hội ở làng bên/ Suốt ngày đêm chuông trống đánh vang rền/ Người lớn bé, mê man về hát bội” (Đám hội) hoặc thi sĩ Hoàng Cầm cũng đã có lần nói về nét đẹp mùa xuân trong ngày hội Gióng: “Xuân đến lụa the/ Cầm gậy tre đi xe duyên cô Tấm ông Hoàng/ Vớt Trương Chi về gấm đỏ lầu Tây” … Đặc biệt Nguyễn Bính cũng có từng có những bài thơ rất hay nói về lễ hội mùa xuân như thể: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo: thôn Đoài hát tối nay” (Mưa xuân) hay “Chiều xuân, mưa bụi nghiêng nghiêng/ Mưa không ướt áo người xem hội làng…” (Tiếng trống đêm xuân). Trở lại với bài thơ, bức tranh thứ tư của mùa xuân, Nguyễn Bính cũng đã không quên đưa người đọc trở về với không gian của làng quê trong những sinh hoạt của phong tục hết sức dân dã tự nhiên. Nét vẽ chính của bức tranh này là hai nhân vật: các cô thôn nữ và các cụ già. Nguyễn Bính vẫn sử dụng cách liệt kê để miêu tả các nhân vật. Với các thôn nữ nhà thơ tả yếm thắm, khăn thâm để nói lên sự duyên dáng, uyển chuyển, điệu đàng của các cô gái. Còn các cụ già nhà thơ miêu tả chi tiết hơn từ nước tóc (bạc), dáng người (chống gậy trúc) đến hành động (tay lần tràng hạt miệng nam vô – nam mô). Trong khổ thơ này nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa rất hay để khắc họa hình dáng các cụ bà tham gia hội chùa: “Gậy trúc dắt bà già tóc bạc”. Với nghệ thuật nhân hóa này nhà thơ không cần tả chi tiết nhưng người ta cũng đủ hình dung ra cảnh các cụ già lưng còng, tóc bạc, một tay chống gậy trúc, một tay lần tràng hạt, chầm chậm vừa đi vừa lầm rầm tụng niệm nam mô. Chỉ vài nét vẽ đơn giản vậy thôi nhưng bức tranh này đã tái hiện được một không gian mùa xuân của làng quê với những bộ trang phục truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc trong cái phơi phới xuân thì của các cô thôn nữ; trong nét phúc hậu, thánh thiện của các bà lão đi chùa. Tất cả được hòa giữa một bầu không khí trẩy hội khá náo nhiệt, tưng bừng nhưng cũng rất dân dã, hồn hậu. Cứ thế bức tranh thứ tư này làm người đọc như thể đang được đắm mình vào một khung cảnh lễ hội mùa xuân ở thôn quê thủa xưa và làm thức dậy trong lòng ta cái chất “người nhà quê”, cái tình tha thiết với nhà quê cố xứ.

Bài thơ “Xuân về” của Nguyễn Bính hiện lên với những nét vẽ rất giản dị, mộc mạc và hết sức chân thực về thiên nhiên và con người nhưng đạt đến đỉnh cao nghệ thuật trong phong cách sáng tác của nhà thơ. Đọc bài thơ - xem bốn bức tranh của Nguyễn Bính người đọc như thể được trải nghiệm một cách rất chân thực về cảnh mùa xuân nơi làng quê Việt Nam thời xưa. Bởi vậy bài thơ đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc về tình yêu quê hương đất nước của nhà thơ; để lại những thương cùng nhớ trong lòng người đọc về một bức tranh quê với những cảm xúc khó phai. Chỉ cần thế thôi, bài thơ sẽ sống mãi trong lòng người đọc, nhất là mỗi độ xuân sang.

Đọc thơ viết về mùa xuân và tìm hiểu về cuộc đời của Nguyễn Bính ta sẽ có ít nhiều cái cảm nhận về sự duyên nợ giữa nhà thơ với mùa xuân. Nguyễn Bính sinh ra vào mùa xuân (ngày 13/ 02/ 1918 – ngày mùng Ba Tết Mậu Ngọ) và ra đi cũng vào mùa xuân (ngày 20/ 01/ 1966 - ngày Hai mươi chín tháng Chạp năm Ất Tỵ, năm này không có ngày Ba mươi, tức là mất trước lúc giao thừa). Nghe kể, khi nghe tin báo Nguyễn Bính mất, nhà thơ Trần Lê Văn (bạn thân của Nguyễn Bính) không khỏi ngạc nhiên bởi sự điềm báo trong chính những vần thơ viết về mùa xuân của ông: “Năm mới tháng giêng mồng một Tết/ Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân” và “Giờ đây chín vạn bông trời nở/Riêng có tình ta khép lại thôi” (Nhạc xuân). Nếu đúng như vậy thì giữa nhà thơ và mùa xuân không chỉ có duyên nợ với nhau mà trong thơ xuân của ông quả là “có quỷ, có ma” thật. Có lẽ duyên nợ ấy mà thơ viết về mùa xuân của Nguyễn Bính cứ đi vào lòng người và da diết đến khôn nguôi!

   _____________________________

*Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội