Bài 4: Chấn hưng văn hoá trên không gian mạng

Theo khảo sát được Microsoft công bố hồi năm 2020, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ… văn minh thấp nhất trên không gian mạng. Từ đó đến nay, những hành vi lệch chuẩn, ứng xử xấu xí, thiếu văn minh trên môi trường mạng vẫn tiếp tục diễn tiến nhức nhối, đòi hỏi phải được xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Chấn hưng văn hoá, vì thế, không thể thiếu việc chấn chỉnh, làm sạch không gian mạng.
anh1-1720860628.jpg

 

Khi môi trường mạng ngày càng ngập ngụa “rác văn hoá”  

Tháng 5/2023, sau thời gian bị TikTok tuyên bố cấm cửa vĩnh viễn bởi những video nội dung bẩn, TikToker Nờ Ô Nô lại xuất hiện trở lại và vẫn tiếp tục đăng tải những đoạn video theo phong cách quen thuộc: Miệt thị người nghèo, người cao tuổi cùng những đoạn video đánh giá các quán ăn theo phong cách "không giống ai", sử dụng những từ ngữ, lời lẽ và hành vi thô tục, phản cảm.

Điều đáng nói là những TikToker bất chấp với những clip chứa content bẩn như Nờ Ô Nô làm đã không còn là sự hiếm, nếu không muốn nói là đang quá phổ biến trên các trang mạng xã hội. 

“Rác” trên mạng xã hội đã, đang xuất hiện dưới vô số hình thức như: Nhạc chế, clip, video, hình ảnh không lành mạnh với những nội dung nhảm nhí, phản cảm, dung tục; livestream bán hàng quảng cáo sai sự thật, thậm chí nhảm nhí... 

Rồi chiếm số lượng cũng không ít là những kênh chuyên kể chuyện tục tĩu, vi phạm thuần phong mỹ tục, tung ra những thông tin bịa đặt, thiếu kiểm chứng, những phỏng đoán vô căn cứ… 

Không gian mạng còn bị "ô nhiễm" bởi không ít những bình luận thiếu văn hoá, mang đậm tính chất bêu riếu, chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, tổ chức; sử dụng từ ngữ thiếu văn hóa, phản cảm, thậm chí mang tính kích động, lèo lái nhận thức cộng đồng…. 

“Rác” ngập ngụa, tràn lan trên mạng xã hội đến mức từ năm 2018 đến năm 2022, Facebook đã gỡ hơn 300 tài khoản giả mạo, hơn 12.600 bài viết sai sự thật, bôi nhọ uy tín các tổ chức, cá nhân, thương hiệu; tỷ lệ xử lý theo đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước đạt 90%. 

TikTok đã ngăn chặn, gỡ bỏ hơn 1.400 đường link vi phạm, rà quét, ngăn chặn hơn 3.500 video có nội dung xấu độc; tỉ lệ xử lý theo đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước đạt 91%. 

Trên thực tế những gì đang hiện diện trên mạng xã hội, những con số ấy còn cao hơn nhiều, thực trạng “ô nhiễm bẩn” mạng xã hội còn nhức nhối hơn nhiều. 

anh2-1720860690.jpg
 

Mạng ảo nhưng hậu quả… rất thật

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông hồi tháng 11/2023, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết từ phản ánh của báo chí, cơ quan này đã ngăn chặn 8 hội nhóm "hướng dẫn tự tử" và 43 hội nhóm "hướng dẫn bùng nợ" trên mạng xã hội Facebook. 

Các hội nhóm như: "Hội những người chán đời muốn tự tử", "Hội những người muốn tự tử tập thể vì chán ghét cái cuộc sống vô nghĩa này", "7749 cách tự tử", "Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó", "Chuyên tư vấn bùng nợ - Xóa nợ xấu"... thu hút hàng ngàn đến hàng trăm ngàn người tham gia với khoảng trên 20 bài cập nhật mỗi ngày, hầu hết là các bài viết có nội dung lệch lạc, thái độ, suy nghĩ rất tiêu cực… Thành viên nào không đủ mạnh mẽ, không làm chủ bản thân thì khó thể vượt qua những lời nói kích động, tiêu cực, thậm chí dần bị thúc đẩy thực hiện những hành vi không đúng, thậm chí vi phạm pháp luật.

Nói mạng xã hội ảo nhưng hệ luỵ là thật, rất thật là vì vậy. Thực tế này càng trở nên đặc biệt nguy hiểm khi người dùng là trẻ nhỏ, nhận thức chưa trọn vẹn, thích tò mò, ưa khám phá, chưa trải nghiệm, kỹ năng, kinh nghiệm sống còn thiếu. Nói như chuyên gia tâm lý. PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Những người trẻ bị chìm đắm trong các nhóm tiêu cực sẽ bị tác động khi nhìn xã hội đâu đâu cũng tiêu cực. Từ đó, họ cho rằng xã hội càng ngày càng trở nên lo lắng, nghi ngờ và phòng ngừa nhau. Những hành vi lệch chuẩn lại được chú ý nhiều hơn, được ca tụng nhiều hơn. Nếu như vậy, hệ quả sẽ làm thay đổi luôn cả thế giới quan, nhân sinh quan của những người trẻ. Đó là chưa kể những hội, nhóm tiêu cực tạo dựng hình mẫu tiêu cực khiến cho những người trẻ bắt chước, gây tổn hại cho xã hội.

anh5-1720860690.jpg
 

Từ những trải nghiệm từ bản thân khi từng bị “tấn công mạng”, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng: "Chúng ta tưởng thứ rác rưởi đó chỉ là vui chơi, nhưng thực ra nó đã tấn công con người. Tôi đã rèn được một năng lực miễn nhiễm, nhưng nhiều người không thể. Họ dễ khủng khoảng, trầm cảm, thậm chí có thể bị dìm chết bởi ngôn từ trên mạng. Đặc biệt là giới trẻ chưa có nhiều "đề kháng", dễ bị tấn công". 

Ông Lê Quốc Vinh đưa ra một con số cảnh báo từ một nghiên cứu ở nước ngoài, rằng có tới 26% trẻ em nghĩ tới tự sát khi bị tấn công trên mạng bằng ngôn từ, hình ảnh. Theo ông, ở Việt Nam con số đó có thể cao hơn, vì cư dân mạng ở Việt Nam thường chỉ đích danh, dùng ngôn từ phản cảm, miệt thị ngoại hình… "Những con người bình thường khi lên mạng bỗng nhiên trở thành quan tòa, phán xét người khác, cuộc sống bất cứ người nào cũng phải theo cách họ muốn. Và bàn phím, phím bấm trên điện thoại di động có thể thành vũ khí giết người".

Còn TS Phạm Hải Chung thì khẳng định: "Nếu nhìn tác hại về lâu dài thì chắc chắn “rác văn hóa" trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng tới cả một thế hệ người dùng mạng. Chúng ta hành xử thế nào trên internet thì nó cũng giống như ta hành xử ở nơi công cộng. Và nếu như thông tin này được phát tán rộng rãi lâu dài, nó sẽ trở thành trào lưu tác động đến nhận thức của người dùng".

anh3-1720860689.jpg
 

 “Chấn hưng văn hoá mạng”: Cần sự quyết liệt từ cả hai phía

Trước thực trạng “rác văn hoá” lan tràn trên không gian mạng, tại cuộc Tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday" diễn ra tháng 4/2023, các chuyên gia đã cảnh báo: Nếu không có hành động quyết liệt để nâng cao văn hóa ứng xử của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội thì sẽ tác động rất lớn đến thế hệ tương lai của đất nước.

Trước thực trạng này, tại Hội thảo Kết nối với mạng lưới quản lý đa kênh (MCN), các công ty truyền thông và nhà sáng tạo nội dung trên mạng hồi tháng 5/2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Bộ quyết liệt triển khai các giải pháp để làm "sạch" nội dung trên mạng, không cho phép các hành vi vi phạm, gian lận tiếp tục có điều kiện phát triển. 

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021- 2025, trong đó có nội dung phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, ban hành quy trình xử lý nghiêm khắc hơn nhằm chấn chỉnh tình trạng một số cá nhân nghệ sĩ, KOLs (những người có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng mạng) và giới trẻ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục trên môi trường mạng. 

Những động thái đó mới chỉ mang tính chất bước đầu, và thiết nghĩ, trước một vấn nạn không dễ xử lý như “rac mạng xã hội” cần sự chung tay phối hợp quyết liệt, hiệu quả hơn từ nhiều phía, chứ không chỉ từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Như lời Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, bên cạnh việc quản lý, xử lý nghiêm của cơ quan quản lý nhà nước, để làm lành mạnh hóa không gian mạng có vai trò quan trọng của chính mạng lưới quản lý đa kênh và những người làm sáng tạo nội dung trong việc vừa xây dựng, phát triển nội dung "sạch" vừa tích cực đấu tranh với nội dung xấu, độc, "bẩn" trên mạng. Theo PGS.TS Trần Thành Nam,  Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cần phải xây dựng các chính sách để bảo vệ trẻ an toàn trên không gian mạng. Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao năng lực số cho các em. Bộ Công an phải phát hiện những hiện tượng tiêu cực, những hội nhóm lại, những kẻ cầm đầu để xử lý sớm và nhanh.

PGS.TS Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Công an nhằm có những quy định, quy trình xử lý nghiêm khắc các hành vi lệch chuẩn, xả rác văn hóa trên môi trường mạng. Ông Tuấn cho rằng, nếu việc xử lý các vi phạm nói trên nghiêm khắc như xử lý người sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông như hiện nay thì có thể ngăn chặn được phần nào những hành vi này.

anh4-1720860689.jpg
 

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng không kém là trong công cuộc dọn rác mạng, cần sự phối hợp từ chính cả người dùng. Nói như chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, để hạn chế tình trạng "rác rưởi" trên mạng lan truyền như hiện nay, tạo ra một môi trường trong sạch thì người sử dụng mạng phải có ý thức đầu tiên để hạn chế nội dung độc, tiêu cực, phải tạo ra một cái "lưới lọc" cho chính bản thân. "Lưới lọc" đó, theo ông Lê Quốc Vinh, là trước khi chia sẻ bất cứ thông tin gì, mỗi người trong chúng ta, cần phải đặt ra 3 lớp: Thông tin đó có phải sự thật không, có tử tế không và có hữu dụng không. 

Còn đạo diễn Phạm Hoàng Nam thì cho rằng, mọi người hãy sống thật nhiều hơn để bớt dần cái ảo. Theo ông, ai cũng lo sống đẹp với nhau ngoài đời chắc sẽ bớt thời gian chửi bới, phán xét trên mạng xã hội, không like, không xem những cái xấu trên mạng thì ắt cái xấu ấy tự mất đất sống. 

Khi tất cả cùng có chung sự quyết liệt và mạnh mẽ, thì “rác văn hoá” sẽ khó cơ hội lộng hành. Một môi trường mạng trong lành cũng sẽ là một yếu tố góp phần vào sự trong lành chung của “bầu khí quyển” văn hoá nước nhà. Chấn hưng văn hoá, có cả câu chuyện “chấn hưng văn hoá mạng” là vì vậy.