Trong thời gian gần đây, văn hóa ứng xử trên không gian mạng đang là vấn đề đáng quan tâm, bởi những phát ngôn, bình luận “thiếu văn hóa”, không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của Việt Nam…gây bất bình cho mọi người và xã hội nói chung, các nhà trường nói riêng. Khi một người trong gia đình phạm tội có thể liên đới tới nhiều thành viên trong gia đình, người thân liên quan và trở thành đồng phạm trong vụ việc pháp lý. Tiêu biểu phải kể đến vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng tại Bình Dương.
Kết luận điều tra vụ án cho thấy, bị can Nguyễn Phương Hằng phát ngôn có những lời lẽ gây "sốc", sử dụng nhiều từ ngữ dung tục để nhục mạ người khác, bất chấp các quy định của pháp luật, văn hóa ứng xử lẫn thuần phong mỹ tục. Qua vụ án này, cần chấn chỉnh, mạnh tay để làm "sạch" môi trường văn hóa, ứng xử trên không gian mạng. Không thể để bất cứ người nào lầm tưởng vào "quyền lực ảo" trên mạng để vô tư phán xét người khác một cách vô tội vạ.
Công an TPHCM đã thông tin, đây là vụ án "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", do bị can Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, ngụ P.Bến Nghé, Q1, TPHCM) cùng đồng phạm thực hiện, hành vi phạm tội xảy ra tại TPHCM và tỉnh Bình Dương. Bị can Nguyễn Phương Hằng là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, được nhiều người biết đến và nhiều người theo dõi trên mạng xã hội.
Lợi dụng sức ảnh hưởng của cá nhân, bị can Nguyễn Phương Hằng đã liên tục tổ chức các buổi "livestream" (truyền trực tiếp lên mạng xã hội) để nói về nhiều chủ đề, nội dung chưa được kiểm chứng. Trong đó, có phát ngôn về chuyện bí mật đời tư, cuộc sống riêng của nhiều cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân đó, ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội.
Diễn biến mới nhất về vụ việc, mới đây, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã chuyển đơn của con trai bà Nguyễn Phương Hằng tố giác về việc bỏ lọt tội phạm trong vụ án liên quan đến vụ án bà Nguyễn Phương Hằng tới Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Văn bản chuyển đơn của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao thể hiện, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao nhận được đơn của ông Nguyễn Quang Tuấn (ngụ TP. Hồ Chí Minh) nội dung: Tố giác cơ quan chức năng trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án Nguyễn Phương Hằng (mẹ ông Tuấn) phạm tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo quy định của Điều 331 Bộ luật Hình sự đã bỏ lọt tội phạm đối với ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Hằng) là người giúp sức tích cực cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội nêu trên nhưng không bị xem xét, xử lý hình sự.
Ông Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, ông Dũng là người cùng có vai trò tổ chức, cùng thực hiện hành vi, có dấu hiệu đồng phạm giúp sức khi cùng bà Phương Hằng thực hiện livestream, tham gia một số buổi livestream và có hô hào, khích lệ, ủng hộ tinh thần bà Hằng khi mắng chửi, xúc phạm người khác; cho sử dụng trường đua chó, đua ngựa của Công ty CP Đại Nam để tổ chức đặt tên chó đua, ngựa đua với tên của những người muốn xúc phạm….
Theo ông Tuấn, 3 trợ lý chỉnh máy, giúp bà Hằng đăng bài viết, phụ hoạ là phạm là Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bà Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam), hiện đã bị khởi tố. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn không bị xử lý mặc dù dấu hiệu đồng phạm của ông là rất nhiều và các bị hại của mẹ ông Tuấn đã có yêu cầu xử lý đồng phạm.
Trước đó, tháng 6.2023, TAND TP.Hồ Chí Minh đã ra quyết định trả hồ sơ vụ bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm cho Viện TP. Hồ Chí Minh để điều tra bổ sung. Theo đó, tòa yêu cầu Viện KSND TP.Hồ Chí Minh làm rõ một số nội dung. Trong đó có nội dung ông Huỳnh Uy Dũng với tư cách chủ tịch HĐQT, bà Hằng với tư cách tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam đã có những lần livestream ở Công ty Đại Nam, ở nhà riêng...
Do đó TAND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Viện KSND TP. Hồ Chí Minh làm rõ hành vi của ông Dũng có đồng phạm với bà Hằng hay không. Hiện chưa có kết luận về điều này.
Về những diễn biến mới này, nhiều luật sư cho rằng, việc ông Huỳnh Uy Dũng bị tố giác đồng phạm với bà Nguyễn Phương Hằng là thủ tục tố tụng bình thường. Căn cứ đơn tố giác, cơ quan chức năng cần xem xét, giải quyết đơn theo quy định, dù khởi tố hay không cũng phải trả lời cho người tố cáo bằng văn bản.
Trao đổi với báo chí, Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, việc ông Tuấn tố giác ông Dũng là quyền của ông Tuấn và đây cũng là thủ tục tố tụng bình thường. Căn cứ đơn tố giác tội phạm, cơ quan chức năng cần xem xét và giải quyết đơn đúng theo quy định pháp luật và dù khởi tố hay không khởi tố thì cũng phải trả lời cho người tố cáo bằng văn bản. Đến nay, cơ quan tố tụng đã tiếp nhận đơn tố giác của ông Tuấn và đang thụ lý vụ việc theo quy định.
Luật sư Trần Minh Hùng phân tích thêm, nhìn mắt thường qua các clip nhận thấy có dấu hiệu đồng phạm, tuy nhiên cơ quan điều tra cũng cần điều tra cụ thể, xác minh, làm rõ tính chất hành vi, động cơ, mục đích, yếu tố cấu thành tội phạm…, nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án, nếu không có dấu hiệu tội phạm thì cũng phải trả lời cho ông Tuấn biết.
Cùng quan điểm trên, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Về mặt chủ quan, những người đồng phạm thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Do đó, đối với hành vi có “những lời lẽ cho rằng vợ mình là bà Hằng nói rất thật và cùng thách thức người khác sao kê; cùng tổ chức sử dụng trường đua, hô hào, vỗ tay khi xem đua chó có đặt tên người bị xúc phạm nhiều cá nhân” như ông Tuấn tố cáo và các clip thể hiện trong trường hợp này có thể được coi là đồng phạm. Tuy nhiên, kết quả như thế nào còn phải tùy thuộc vào Cơ quan điều tra và Viện KSND TP. Hồ Chí Minh.
Các chuyên gia cũng cho rằng qua vụ việc trên, cũng chỉ ra những bài học cảnh tỉnh cho mọi người khi tham gia không gian mạng. Cần tránh việc a dua, giúp sức, vội vàng bị lôi cuốn vào những hiện tượng trên không gian mạng mà bản thân chưa nhận thức đầy đủ hay thiếu thông tin. Và đặc biệt với các thành viên trong cùng gia đình cần tỉnh táo ra nhận định đúng sai của mỗi hành vi trên không gian mạng để tránh những hệ lụy pháp lý liên đới phát sinh không mong muốn.
Mọi người chỉ nên chia sẻ các thông tin chính thống, có nguồn tin tin cậy, có hành vi ứng xử phù hợp với truyền thống đạo đức văn hoá của dân tộc, không sử dụng các ngôn ngữ gây hằn thù, kích động và không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích, hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Nếu lợi dụng các quyền đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật...
Đồng thời, đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tăng cường kiểm tra, giám sát đòi hỏi phải đồng bộ cả về phương pháp, công nghệ, nguồn lực, cho đến các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua vụ án trên, các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh, mạnh tay để làm "sạch" môi trường văn hóa, ứng xử trên không gian mạng. Không thể để bất cứ người nào lầm tưởng vào "quyền lực ảo" trên mạng để vô tư phán xét người khác một cách vô tội vạ.