Bạn thân của Ngoại tôi

Bà Hạnh là bạn từ thuở bé của bà Ngoại tôi. Hai bà năm nay đều đã ngoài tám mươi nhưng vẫn còn minh mẫn, yêu đời lắm.
ban-than-1628763351.jpg
 

Hôm trước tôi về quê nghỉ dịch, bà Hạnh sang chơi, mang rổ chuối xanh to đùng, bà bảo:

"Hồi ni được mùa quá, đứa lớn nhà Đông mang vào luộc rồi chấm muối vừng mà ăn, ngon lắm. Đến bữa lên Thành phố bà chặt cho mấy nải mà đèo đi."

Tôi nhận rổ chuối rồi cười toe toét:

"Dạ. Bà đợi con gọi Ngoại con vô nha."

Tôi vừa dứt lời đã thấy Ngoại từ sau nương đi vào, vừa đi vừa cầm cái nón lá quạt phần phật:

"Bà sang chơi đó à? Đã nói bao nhiêu lần rồi, nó tên là Hi, cứ đứa lớn nhà Đông đứa lớn nhà Đông riết cả cái làng ni có ai biết tên thật con bé mô."

Bà Hạnh cười hề hề:

"Kêu mấy chục năm quen rồi, muốn sửa cũng khó. À mà nhắc mới nhớ, sơ đời ông bà cụ Hồng còn sống cũng suốt ngày gọi con bé là đứa lớn nhà Đông nhỉ?"

Bà Hạnh nhìn tôi một lượt:

"Chà, càng lớn càng xinh đáo để. Ngoại mày hồi xưa cũng đẹp gái lắm đó, chỉ thua bà tí thôi."

Nói xong bà cười ha hả, còn vỗ đùi đánh đét, ngoại tôi thấy thế cũng cười theo:

"Già rụng răng đến nơi rồi vẫn không bỏ được cái tính ni."

Tôi cười cười nhìn bà Hạnh đang rung đùi đắc chí, bưng rổ chuối to sụ vào bếp luộc. Ngoại tôi gọi vọng vào:

"Mang ấm nước chè xanh ra cho Ngoại tí con."

"Dạ."

Bà Hạnh nhìn Ngoại tôi, mặt mày nhíu hết cả lại:

"Hôm bữa kêu đau dạ dày răng mà, giờ đòi uống chè xanh vô hắn bào hết ruột đi đó. Già rồi mà không biết giữ gìn chi cả."

Bà Hạnh lắc lắc đầu, ra vẻ ngán ngẩm nhìn Ngoại tôi, Ngoại tôi cười hề hề, đưa tay búi lại mái tóc đã bạc gần hết, bà thở dài:

"Hơ hời, uống thành quen rồi, giờ nói bỏ cũng khó."

"Bà cứ rứa thằng Đông nó lại xót hết ruột. Khiếp, bà sướng nhất cái làng ni rồi, ở nhà con gái mà con rể nó còn thương hơn cả mẹ đẻ nữa. Tui ghen tỵ với bà chết mất."

Ngoại tôi nghe bà Hạnh nói thì cười toe toét:

"Bà thì kém chắc."

Tôi mang ấm nước chè xanh còn ấm và hai cái cốc ra, định kéo quạt thì bà Hạnh xua tay:

"Không phải quạt mần chi cho tốn điện, cứ để hai bà ngồi đây được rồi."

Bà nói rồi rướn cổ nhòm vào trong bếp, thấy khói bốc lên, bà nhìn tôi, ngạc nhiên hỏi:

"Con nhóm bếp củi hả?"

"Dạ. Luộc mấy cái ni nhóm bếp củi mới chín ngon ạ."

Bà Hạnh dường như không tin nổi, sau đó lại chẹp miệng:

"Đẻ được đứa con gái mát lòng mát dạ nhỉ? Tưởng nó ở thành phố nhiều sinh nhác ra."

Ngoại nhìn tôi cười cười không nói gì, tôi kéo quạt ra thềm bật lên rồi vào bếp luộc chuối, rang muối vừng để nguội rồi giã.

Trời tháng sáu nắng nóng đến thở thôi cũng mệt, gió Lào thổi như roi mây quất vào mặt, tôi đưa tay lau mồ hôi trên trán, loáng thoáng nghe hai bà nói chuyện.

"Bà nói xem, con bé khéo thế gả đi tiếc nhỉ? Mà ở không vầy cũng phí. Nó năm ni hăm mấy rồi?"

Ngoại tôi cười hề hề xua tay:

"Không lo. Thời ni có phải như ngày xưa mình mô, con gái ba chục lấy chồng vẫn không muộn."

"Bà lại rứa rồi." Bà Hạnh phản đối: "Gái lứa có thì, già quá khó kiếm mối lắm. Không rày tui giới thiệu thằng cháu trai tui, mới đi nước ngoài về. Đẹp trai lắm, giờ đang học sửa xe máy kiếm cái nghề rồi lấy vợ."

"Thằng Bình đó hả?"

Ngoại tôi vừa hỏi vừa kéo cái quạt về hướng bà Hạnh, rồi rót cốc nước chè xanh, uống một hớp to phồng cả hai má, súc miệng ùng ục.

"Ừ. Không hắn thì còn đứa mô vô đây nữa? Mà không biết thằng Đông thích không? Nó tính nết cũng tốt, lại siêng năng chịu khó. Nhưng mà mỗi tội ít học..."

Bà Hạnh nói rồi thở dài thườn thượt, Ngoại tôi nhìn bà, nhịn không được cười xoà xua tay:

"Ôi dào, chuyện của bọn trẻ cứ đế chúng nó tự lo. Mình gần đất xa trời rồi quản mấy chuyện ni để chi?"

Bà Hạnh nhìn Ngoại tôi, nghĩ nghĩ một lát rồi cũng gật đầu:

"Bà nói phải. Bà coi, tui càng già càng rỗi hơi, không có việc chi làm nên sinh chuyện rứa đó, con bé nó nghe được thì không hay."

"Bà không phải lo, cái giọng oang oang như loa phát thanh rứa thì dưới cổng làng người ta còn nghe rõ chứ trong bếp là chi?"

Ngoại tôi trêu bà Hạnh, bà chột dạ nhìn vào bếp, thấy tôi vẫn cắm cũi chất lửa mới yên tâm thở phào một hơi. Kỳ thật bà nói gì tôi nghe hết, chẳng qua tôi không để trong lòng mà thôi.

"Con bé không để ý mô. Ai chứ nó thì bà yên tâm đi. Ông bà cụ Hồng hồi tê nổi tiếng khó tính mà còn thương nó như cháu ruột. Mẹ nó kể hồi bà Hồng trước lúc đi còn dặn thằng Thành trong mớ vàng bà để dành đó, cho nó một chỉ làm vốn hồi sau lấy chồng cơ mà."

"Thật rứa à?" Bà Hạnh ngạc nhiên, sau đó lại chậc lưỡi: "Nói cũng phải, mấy đứa cháu nhà tôi bằng nửa con bé là tôi đã tạ ơn trời đất rồi."

Ngoại tôi cười cười, đưa tay gạt mồ hôi trên trán, Ngoại nhìn tôi tự hào lắm. Bà Hạnh cũng thấy thế, lại liếc vào trong dòm tôi đun lửa.

Chốc lát sau tôi mang rổ chuối chín ra, thơm phức với đĩa muối vừng đã giã, đặt lên bậc thềm gạch hoa, tôi cười nói:

"Bà Hạnh bữa nay ở lại nhà con ăn cơm đi. Ngoại con vừa nãy mới mua phổi bò nè. Bà thích phổi bò nhất còn chi?"

"Ôi trời con bé này, nói khéo ghê chưa? Mày mà cứ ở vầy mãi phí của giời lắm con."

Bà Hạnh lại bắt đầu tỉ tê bên tai tôi, làm mối thằng cháu ngoại mới đi nước ngoài về. Tôi vừa cười vừa gật đầu, thuận miệng trêu bà:

"Không thì bữa sau bà kêu ảnh qua đây chơi coi bố Đông nhà con có duyệt không? Con chỉ cần bố Đông ưng ý là được."

Bà Hạnh nhăn mặt, khoé mắt hằn lên từng nếp nhăn rõ ràng:

"Ôi trời ơi, bố mày còn kén hơn cả mày nữa, cứ vầy thì chẳng mấy chốc mày ế thôi con ạ. Thôi thì ra Thành phố kiếm lấy anh mô giàu giàu mà lấy cho đỡ khổ cái thân."

"Bà ni." Ngoại tôi vỗ đánh đét lên đùi bà Hạnh: "Bà lại dạy hư con trẻ rồi. Giàu với chả nghèo, không mần rồi đòi ngồi đó mà hưởng, làm như tiền trên trời rớt xuống đó."

Bà Hạnh lại cười xuề xoà, kêu đùa tôi tí cho vui. Tôi nhìn hai bà ngồi nói chuyện đến quên trời quên đất, trong lòng bỗng thấy bình yên đến lạ.

Thuở bé tôi hay ở cùng Ngoại, hồi Ngoại còn trẻ ấy, Ngoại ở căn nhà cũ ông tôi để lại cạnh đồi bạch đàn. Trước nhà cách mấy chục mét là con kênh đào chứa nước và cánh đồng mênh mông, sau nhà là nương sắn, đêm đêm gió rít gõ cửa, tôi ngủ không được nên hay vòi Ngoại kể chuyện ngày xưa, chuyện hồi Ngoại còn trẻ, chuyện hồi kháng chiến chống Pháp chống Mỹ, đủ cả. Nhưng mà Ngoại tôi kể nhiều nhất vẫn là chuyện của bà Hạnh - bạn thân của Ngoại.

Ngoại bảo hồi hai người bé tí đã chơi với nhau rồi. Thầy của Ngoại và bà Hạnh đi làm ở đồn điền cao su, có khi mấy tháng mới được về một lần. Ở nhà ngoại cùng mẹ lên nương sắn đi làm thuê cho người ta, nhà bà Hạnh cũng thế, nên hai người quen nhau. Ngoại trầm tính, nghiêm túc lắm, còn bà Hạnh thì cứ cù nhây miết, suốt ngày chọc điên Ngoại thôi, lại không nghĩ thân nhau được đến bây giờ.

Hồi nạn đói năm bốn lăm, không nhờ bát cháo cám nghẹn bứ họng cùng với nửa củ sắn bà Hạnh nhường, Ngoại tôi có lẽ lúc đó đã chết rồi. Bởi vậy nên Ngoại biết ơn bà lắm, ghi lòng tạc dạ không quên được.  Lúc kháng chiến chống Mỹ, năm sáu bảy hai bà đều là thanh niên xung phong. Bà Hạnh đưa tin giỏi lắm, truyền tin rất kịp thời nên được các đồng chí cán bộ rất quý. Năm bảy mươi thì bà trúng đạn ở vai phải, lúc đấy mọi người tưởng bà chết rồi. Ngoại tôi kể đến đây giọng bỗng nghẹn lại. Ngày ấy y học làm gì được như bây giờ, cũng chẳng có thiết bị y tế gì hiện đại cả. Bà Hạnh không có giảm đau, để người ta gắp sống viên đạn ra. Cũng nhờ dịp đấy mà bà Hạnh quen được chồng bà. Chỉ tiếc là...

Ngoại tôi thở dài, đôi mắt mờ đục ứa nước. Bà Hạnh coi bộ vui vẻ nhưng mà cũng bạc mệnh, số khổ lắm. Bà bị thương nên trở về hậu phương tăng gia sản xuất, chồng bà là ông Văn cũng dịp đó mà về quê nhà bà. Hai người qua loa mâm cỗ nhỏ rồi nên vợ nên chồng, cũng chẳng có ra mắt hai bên gì đâu, ông Văn là trẻ mồ côi, người thân ông mất hết hồi nạn đói ấy.

Hai ông bà ở với nhau chừng đâu ba tháng, bà có chửa đứa đầu thì ông đi đánh trận nơi tiền tuyến, hồi sau sinh thằng Thắng được hơn một tuổi ông mới trở về, về ở được tháng lại hớt hải đi. Mình bà nuôi con quần quật suốt ngày, ai thuê gì làm nấy mà chẳng đủ ăn. Trộm vía thằng Thắng nó thương mẹ nó, thả lăn lóc đầu đường đất, bốc cát bốc sỏi cho vào miệng mà vẫn không đau ốm bệnh tật gì.

Năm thằng Thắng gần ba tuổi thì ông Văn về, ở đặng mấy tháng, sau đó lại đi. Bà có chửa cô Hiền dịp đó luôn. Sài Gòn giải phóng thì bà nhận được giấy báo tử, ông Văn chẳng về nữa. Ngày đó bà ôm hai đứa nhỏ còn chẳng nhớ mặt bố nó gào khóc đến đứt ruột đứt gan.

Kể đến đây thì Ngoại tôi bật khóc, đưa cái khăn mặt vắt đầu giường lau nước mắt. Bà Hạnh ở vậy nuôi hai đứa nhỏ, lắm mối hỏi cưới bả lắm, nhưng bả không chịu. Bả bảo chồng chết còn con, đi lấy chồng khác chỉ tội làm khổ con cái. Vậy mà cũng qua mấy mươi năm rồi, răng giả đã làm mấy cái, tóc cũng bạc gần hết rồi. Hai người con của bà Hạnh đều thành đạt và hiếu thuận lắm. Bác Thắng hẳn là giống ông Văn, bác đẹp trai mà hiền lành vô cùng, cô Hiền thì giống bà Hạnh, nhanh mồm nhanh miệng nhất cái xóm này. Ngoại tôi cũng bởi vậy mà phần nào yên lòng.

Hồi ngày xưa lúc con cái ổn định rồi, Ngoại tôi còn bảo bà kiếm ai đó ở cùng cho vui vẻ tuổi già mà bà Hạnh chẳng chịu, nói tới nói lui xuýt nữa bà với Ngoại tôi từ mặt nhau. Ngoại tôi bảo hôm đấy bà giận ghê lắm, bà bảo: "mấy chục năm vất vả còn chịu được, giờ già rồi ai làm rứa nữa, người ta cười vào mặt cho với cả vầy thì có lỗi với bố nó lắm."

Tôi nghe Ngoại kể mà rơm rớm nước mắt. Đất nước đã qua mấy chục năm đổi mới, bom rơi đạn lạc một thời lại nuôi dưỡng nên thứ tình yêu đẹp đến như vậy. Bà Hạnh bây giờ vẫn còn yêu ông nhiều lắm. Tôi nghe mà xót lòng. Chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu sinh mệnh, khiến bao nhiêu đứa trẻ mất cha mất mẹ, biết bao gia đình tan nát, vậy mà không ít người trẻ tuổi bây giờ lại đạp lên xương máu của ông cha mà không biết cúi đầu tự ngẫm. Đất nước rộng lớn này, không biết còn có bao nhiêu người phụ nữ mệnh khổ như bà Hạnh nữa...

...

Bà ở lại nhà tôi ăn cơm, cơm nước xong tôi lại bàn bà ngủ lại với Ngoại tôi, bà cười ha hả nhéo tay tôi:

"Đứa lớn nhà Đông đúng là khéo thật."

"Nó tên là Hi."

Ngoại tôi chen miệng vào sửa.

Bà Hạnh lườm Ngoại tôi một cái  rồi vén lưng quần rút ra cái túi nhỏ, cái túi màu tím bằng vải nhung, hình chữ nhật, có dây rút rất cẩn thận, bà ngồi tỉ mẩn xem xét một lát rồi rút ra  tờ hai trăm nghìn phát sáng trong đêm. Bà bảo tôi:

"Này, bà cho đứa lớn nhà...à quên, cái chi vọng nhỉ?"

Bà nói rồi quay sang nhìn Ngoại tôi, Ngoại tôi ngán ngẩm: "Vọng chi mà vọng? Nó là Hi, đứa lớn nhà thằng Đông tên Hi. Trần Minh Hi."

Ngoại tôi nói một chuỗi. Bà Hạnh bĩu môi rồi nhìn tôi cười hề hề.

"Hi à, bà cho tiền mai mốt đi xe đò ra Thành phố này."

Tôi hốt hoảng xua tay:

"Ấy chết, bà làm như ri là chết con rồi."

Tôi vừa từ chối vừa đẩy đồng tiền lại phía bà, ánh mắt cầu cứu nhìn Ngoại tôi mà Ngoại tôi lại chẳng thèm đoái hoài gì đến tôi cả.

"Cái con bé ni hay, bà cho thì mày cứ lấy đi? Mai mốt bà chết rồi thì có muốn cũng không được nữa."

Bà Hạnh nói giọng hờn trách, tôi thì vẫn lắc đầu lia lịa.

"Bà quý mày bà mới cho chứ không tao thèm vào."

Bà bắt đầu lên giọng quở tôi, tôi chẳng còn cách nào đành nhận, không nhận sợ bà lại giận dỗi. Ngoại thấy tôi nhận tiền rồi mới quay ra bảo:

"Bà ấy cho thì con cứ nhận. Không phải rầy rà chi cả. Bả lắm tiền lắm đó. Cầm nhiều cũng tiêu không hết."

Bà Hạnh cười há há bảo tôi:

"Ngoại con nói phải đó. Bà tiền đầy. Kể mà còn phơi phới tí khéo đi bao giai đấy chứ?"

Tôi nhìn bà Hạnh vừa cười vừa nói cũng bật cười. Ngoại tôi thì lắc đầu ngán ngẩm:

"Được bộ nói phét là giỏi."

"Bà ni hay, tui nói thật mà."

"Ừ. Bà nói thật, tui mần chi dám nhủ bà nói điêu."

Bà Hạnh lại cười, quay lại vỗ mông Ngoại tôi đét một cái. Tôi ngớ người, còn có cả trường hợp này nữa sao? Ngoại thì bất đắc dĩ không thôi. Ngoại bảo tôi:

"Con kệ bả đi. Cái tính hồi xưa giờ không sửa nổi."

Bà Hạnh nghe Ngoại tôi nói thì khoái lắm. Cười khà khà như mấy ông đóng vai phản diện trong phim, thiếu điều đưa tay lên cằm vuốt râu nữa thôi.

Tôi trải giường cho bà, kéo cái quạt điều hoà lại gần, đi xách một xô sơn nước đổ vào, xong rồi bật quạt lên. Gió mang theo hơi nước vù vù mát rượi.

"Bà với Ngoại lên giường đi để con mắc màn không muỗi chích cho đấy. Hồi ni cũng lắm muỗi nữa."

Hai bà lên giường ngồi rồi tôi mắc màn xong, tiện thể bật luôn cái quạt nhỏ ở trong màn. Bà Hạnh thấy thế thì ngạc nhiên hỏi tôi:

"Con bật chi lắm quạt rứa? Tốn điện lắm đó."

"Dạ, bật cái quạt nhỏ ni cho thoáng đó bà, cũng không hết mấy điện mô. Bà yên tâm đi."

"Ơi hời, bà ở nhà nằm cái quạt màn là được. Bữa tê thằng Thắng kêu lắp điều hoà mà bà không chịu. Mùi điều hoà hôi lắm, ngửi là cả người lâng lâng muốn nôn. Nghĩ mà hãi cuộc đời."

Bà Hạnh nói xong rùng mình một cái. Tôi cười cười nhìn bà:

"Hay bữa nay con ngủ với hai người nhé. Không có hồi sau con đi lấy chồng rồi là chịu á."

Bà Hạnh vỗ vai tôi cười, Ngoại tôi cũng gật đầu.

Tôi nằm ở giữa, chiếc giường đôi vừa khít ba người.

Đầu tháng sáu, gió Nồm thổi qua mát rượi, trăng khuyết đong đưa như thuyền trôi, sao sáng lấp lánh. Tôi nhìn cảnh đêm, không hiểu sao lòng có chút phiền muộn.

Hai bà kể rất nhiều chuyện, chuyện bà Hạnh yêu đương ông Văn, chuyện ông bà Ngoại tôi, chốc chốc lại cười há há. Ngoại tôi còn bảo bà dại trai đầu thai cũng không hết.

Tôi phì cười với hai bà luôn. Lát sau tôi hỏi:

"Ngoại với bà nói coi, chắc kiếp trước con tích đức dữ lắm ha, kiếp này mới được các cụ thương nhiều như ri. Hồi cụ cố Hồng còn sống, rồi tới bà nữa. Tự nhiên con cảm thấy mình may mắn quá rồi."

"Con bé ni, lại nói chừng rồi. Trước sau chi, do ăn ở cả thôi. Con không nghe ông bà ta có câu "yêu trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho" đó à?"

Bà Hạnh chẹp miệng thở dài:

"Thời ni hiện đại, bọn trẻ không điện thoại thì chơi bời, làm chi còn ai như con, rảnh rỗi là ngồi chuyện trò với các cụ. Nhiều khi nghe các cụ kể một câu chuyện đến cả chục lần, toàn chuyện ngày xưa, bọn trẻ nó không thích. Mà như bà ri thì ngoài chuyện ngày xưa mần chi có chuyện chi để kể nữa. Bà đang kêu với Ngoại con đợt trước coi cái bộ phim chi của Hàn Quốc mà có cô nhà văn bị điên với cái bệnh viện tâm thần chi đó. Coi từ tập một đến tập cuối mà không nhớ nổi tên nhân vật thì kể chuyện chi được. Hổng lẽ giờ đi coi mấy bộ bồ bịch đánh ghen hả? Ôi trời, bà thì mần chi có phước phận mà giành đàn ông với người ta, ti vi toàn chiếu chi chi không, nhìn mãi chán. Rày già rồi, mong kiếm ai mà nói ba cái chuyện thời xửa thời xưa thôi."

Tôi nghĩ rồi nghĩ, bà Hạnh nói không sai. Tôi cũng không hiểu sao lại thích chuyện trò cùng các cụ. Thi thoảng về quê lại hay ngồi bóp chân cho Ngoại nghe Ngoại kể chuyện ngày xưa đánh giặc, trong lòng tôi lại dâng lên thứ xúc động khó tả.

"Bà ơi, hồi xưa bà mê cụ cố Văn lắm hả?"

"Còn phải nói."

Ngoại tôi chen vô. Bà Hạnh cười ha hả:

"Phải, hồi xưa ổng đẹp trai lắm. Con nhìn bác Thắng hồi ni là biết. Ổng giỏi nữa, chỉ tiếc là ổng mất sớm."

Bà thở dài, đôi mắt mờ đục nhìn xa xăm. Mấy mươi năm cuộc đời ở vậy nuôi con, nhớ chồng quay quắt mà ông vĩnh viễn chẳng về. Tôi tự hỏi lòng mình bà có bao nhiêu khổ sở, bà phải mạnh mẽ như nào mới làm được như thế?

Thế hệ các cụ ngày xưa ai chẳng không thuộc lòng "tam tòng tứ đức". Bố mẹ tôi cũng dạy tôi vậy. Nhưng suy cho cùng, thời buổi bây giờ tìm được tình yêu thuỷ chung một đời như vậy thật không dễ dàng gì. Tôi nhìn bà, vừa cảm phục lại ngưỡng mộ.

"Bà vất vả lắm phải không ạ?"

Tôi quay sang hỏi bà. Thấy bà đang lấy tay gạt nước mắt. Tôi không nói gì nữa. Một tay nắm lấy tay Ngoại tôi, tay còn lại nắm lấy tay bà Hạnh, hai bà dần dần chìm vào giấc ngủ.

Đêm hè chỉ còn gió Nồm thổi êm ru, khuya vắng lặng, đèn đường tắt hết, không gian u tối tĩnh mịch làm sao, nơi đô thành vĩnh viễn chẳng có được chút bình yên này.

Tôi nghe tiếng côn trùng tỉ tê trong đất, vài tiếng muỗi vo ve, lặng yên chìm sâu vào mộng đẹp.

Đời người có bao nhiêu đâu, gian lao vất vả lúc còn trẻ khoẻ cũng chỉ mong về già có thể an ổn vui vầy bên con cháu.

Bố tôi hay bảo chúng tôi:

"Các cụ già rồi, chẳng sống được mấy hồi nữa, có thời gian thì nói chuyện tâm sự cho cụ đỡ buồn. Không sau này các cụ về với ông bà, có muốn nghe kể chuyện cũng không được nữa."

Có lẽ vì vậy mà mỗi lúc tôi về quê, thay vì tụ tập bạn bè chỗ nọ chỗ kia thì tôi lại ở nhà với Ngoại, nấu ấm nước chè xanh lá vò tanh tách, luộc nồi khoai rồi ngồi nghe Ngoại kể chuyện, năm này tháng nọ chẳng bao giờ thấy chán.

Lâu lâu lại nghe được tiếng gọi "đứa lớn nhà Đông mới về đấy à" trong lòng bỗng thấy ấm áp lạ thường. Hồi còn bé không thích bị gọi là "đứa lớn", sau này lớn rồi lại cảm thấy chẳng có tên nào hay như vậy nữa. Ấm áp thân thương mà đượm tình quê lắm.

 

---

Đọc thêm các bài viết chuyên sâu về Hội nhập Văn hóa & Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/