TP. Hồ Chí Minh: Hơn 1.100 đơn vị tham gia triển lãm công nghiệp dệt may

avatar
Ngày 9/4, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (Quận 7, TP. Hồ Chí Minh) đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt & may, thiết bị, nguyên phụ liệu & vải (SaigonTex - SaigonFabric) 2025.

trien-lam-det-may-1-1744192097.jpg

Khai mạc Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may. Ảnh: Bình Minh

Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt & may, thiết bị, nguyên phụ liệu & vải (SaigonTex - SaigonFabric) 2025 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện triển lãm về công nghiệp dệt may hàng đầu Việt Nam, giới thiệu đầy đủ các khía cạnh của ngành dệt may, kết nối các nhà sản xuất, nhà cung cấp, và khách hàng từ Việt Nam và khắp nơi trên thế giới.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Triển lãm đã giúp hình thành cầu nối uy tín và hiệu quả giữa các doanh nghiệp dệt may trong nước với các nhà cung cấp nước ngoài; giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần phát triển ngành dệt may Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà.

“Vai trò của triển lãm này trong giai đoạn tiếp theo chắc chắn sẽ càng quan trọng khi chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế dài hạn của cả thị trường dệt may thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bắt kịp xu thế và đáp ứng yêu cầu của khách hàng với nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Sử dụng công nghệ hiện đại giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư thiết bị máy móc công nghệ chuyển đổi kép, chuyển đổi số.... là những biện pháp mà doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam đang hướng tới”, ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

trien-lam-det-may-2-1744192070.jpg

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam phát biểu khai mạc triển lãm. Ảnh: Bình Minh

Cũng tại buổi khai mạc triển lãm, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Với vai trò là cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư quốc gia, VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã liên tục đồng hành cùng ban tổ chức và các cơ quan ban ngành để tích cực quảng bá cho triển lãm.

Ông Liêm cũng bày tỏ tin tưởng rằng, triển lãm lần này không chỉ là cơ hội tốt để các nhà trưng bày giới thiệu công nghệ, sản phẩm của mình cho thị trường Việt Nam và thế giới mà còn là dịp để khách tham quan triển lãm cập nhật thông tin thị trường cũng như tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

trien-lam-det-may-3-1744192077.jpg

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm. Ảnh: Bình Minh

Diễn ra từ ngày 9 - 12/4/2025, triển lãm sẽ chào đón khoảng hơn 1.100 nhà triển lãm, tăng 6% so với năm 2024.  Các nhà triển lãm đến từ 25 quốc gia và khu vực lãnh thổ, bao gồm các đại diện nổi bật từ  Anh, Ấn Độ, Bangladesh, Bỉ, Bồ Đào Nha, Cambodia, Đài Loan, Đức, Hồng Kông, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Mỹ, Hà Lan, Pakistan, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Việt Nam.

Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt & may, thiết bị, nguyên phụ liệu & vải 2025 là nơi kết nối, thúc đẩy hợp tác và tôn vinh sự đổi mới trong ngành công nghiệp dệt may, được tổ chức với điểm nhấn nổi bật gồm chương trình thuyết trình sản phẩm và diễu hành thời trang mùa thứ 2 (chương trình PPP) bao gồm 8 chủ đề được quan tâm với các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu công nghệ trực tiếp và trình diễn thời trang.

Bên cạnh đó, triển lãm có các cụm gian hàng của các công ty có trụ sở, nhà máy sản xuất tại Việt Nam, cụm gian hàng của tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), thành phố Nam Thông (Trung Quốc), cụm gian hàng đến từ Liên đoàn Dệt May Đài Loan (TTF), cụm gian hàng đến từ Hàn Quốc, cụm gian hàng quốc gia đến từ Ấn Độ.

trien-lam-det-may-4-1744192085.jpg

Sự kiện này là nơi kết nối, thúc đẩy hợp tác và tôn vinh sự đổi mới trong ngành công nghiệp dệt may. Ảnh: Bình Minh

Ban tổ chức còn thiết lập một khu kết nối thương mại chuyên sâu và Hiệp hội Dệt may Việt Nam đảm nhận vai trò chủ trì nhằm thúc đẩy các kết nối thương mại quan trọng giữa các nhà triển lãm và khách hàng.

Khách tham quan sẽ có cơ hội tiếp xúc với các thương hiệu quốc tế hàng đầu cũng như một loạt các nhà cung cấp giới thiệu những đổi mới và công nghệ mới nhất trong sản xuất dệt may.