I. Tình hình cán bộ Đảng viên của Liên Khu V từ 1954 - 1959
Sau khi có Nghị quyết 15 tháng 1 năm 1959 của Trung ương Đảng vạch ra đường lối cách mạng ở miền Nam Việt Nam từ đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang, binh vận tiến đến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Cách mạng ở miền Nam tuy đã mở ra một bước ngoặt lớn cho phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy, nhưng lực lượng cán bộ, đảng viên ở chiến trường Khu V lúc này chịu sự tổn thất rất lớn. Theo tài liệu lưu trữ của Tiểu ban Huấn học thuộc Ban Tuyên huấn Khu V do đồng chí Trần Thịnh, Ủy viên Ban, Trưởng Tiểu ban Huấn học, thống kê để báo cáo trước hội nghị Liên Khu ủy Khu V tháng 6 năm 1960 còn lưu lại:
... Tính từ 1954, sau Hiệp định Geneve đến 1959, cán bộ, đảng viên của Liên khu V không đi tập kết, ở lại hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp bị Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tàn sát, bắt tù đày, giết chết, trong đó có 34 tỉnh ủy viên, 210 cán bộ huyện ủy, 470 cán bộ xã, có hàng vạn cán bộ đảng viên bị giết và bị tù. Cụ thể, tỉnh Quảng Trị có 8.400 cán bộ đảng viên, đến 1958 còn lại 106 người; tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 3.000 cán bộ đảng viên, còn lại 40 người; tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có 49.000 cán bộ đảng viên, còn lại trên 70 người. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận v.v... số cán bộ đảng viên còn sống sót chưa đến 30% số cán bộ đảng viên có trước đây. Các tổ chức cơ sở đảng bị đánh phá, còn lại bị mất liên lạc, có 15 huyện, thị xã, trong đó có các cơ sở mất liên lạc kéo dài nhất như thị xã Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Pleiku, Hội An. Trước sự tổn thất lớn lao của lực lượng cán bộ, đảng viên của Liên khu V do Mỹ và chế độ ngụy quyền Sài Gòn tàn sát đặt ra cho phong trào cách mạng chống Mỹ - ngụy ở chiến trường Khu V theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đòi hỏi Liên khu ủy Khu V phải đề ra chủ trương cấp bách bồi dưỡng, đào tạo cán bộ để đảm bảo được nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới của cách mạng tại Liên khu V.
Tháng 6 năm 1960, Liên khu ủy họp kiểm điểm tình hình triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Tại hội nghị này Liên khu ủy đề ra nghị quyết tập trung và khẩn trương tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, đó là "Củng cố và khôi phục hệ thống các tổ chức Đảng từ cơ sở đến huyện, thị, tỉnh, thành từ nội tuyến đến công khai.
Xây dựng căn cứ cách mạng vững chắc ở miền núi, làm chủ hoàn toàn miền núi. Phát động đồng khởi ở đồng bằng, phá thế kìm kẹp của địch cho dân. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo cán bộ lãnh đạo từ huyện ủy đến tỉnh ủy, trước mắt là cán bộ ở lại hoạt động không đi tập kết, đó là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của Liên khu ủy.
II. Khẩn trương xây dựng chương trình, nội dung, mở trường bồi dưỡng đào tạo cán bộ
Ban Tuyên huấn Khu ủy được thành lập tháng 5-1960. Ban đầu chỉ có 5 đồng chí vừa lãnh đạo và cán bộ, nhưng Thường vụ Liên khu ủy giao trách nhiệm cho Ban Tuyên huấn phải khẩn trương xây dựng các binh chủng của tuyên huấn, trước hết sớm hình thành Tiểu ban Huấn học để lo nội dung, chương trình mở lớp đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo từ tỉnh, huyện trong toàn Liên khu. Tiểu ban Huấn học lúc này chỉ có hai đồng chí: đồng chí Trương Công Huấn cán bộ chính trị trường Đại học Nhân dân Hà Nội vào Khu V tháng 2 năm 1960, được Thường vụ Khu ủy bổ nhiệm Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Khu V và đồng chí Trần Hưng Quýnh, cán bộ giảng dạy Trường Hợp tác xã của Bộ Nông nghiệp Hà Nội vào Khu V cùng đồng chí Trương Công Huấn 1960. Đồng chí Quýnh có tên Trần Thành, sau này đổi tên Trần Thịnh.
Hai đồng chí Trương Công Huấn và Trần Thịnh được Ban Tuyên huấn Khu giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung, chương trình sớm mở trường Đảng để đào tạo cán bộ. Lúc này, hai anh Trương Công Huấn và Trần Thịnh tập trung vào nhiệm vụ biên soạn nội dung chương trình để mở trường Đảng Khu V. Thường vụ Khu ủy giao nhiệm vụ chọn địa điểm, xây dựng nhà ở, hội trường của Trường Đảng cho lực lượng an ninh bảo vệ văn phòng Khu ủy tổ chức thực hiện. Anh Ba Đen được giao trách nhiệm lãnh đạo chung để xây dựng trường.
Để rút kinh nghiệm mở Trường Đảng Khu, Thường vụ Khu ủy giao Tỉnh ủy Quảng Ngãi mở lớp đào tạo cấp tốc cho cán bộ huyện ủy, xã ủy trong một tháng tại huyện Minh Long. Đồng chí Trương Công Huấn và đồng chí Trần Thịnh trực tiếp xuống chỉ đạo và giảng dạy để rút kinh nghiệm. Lớp học này có 47 đồng chí học viên, có 20 đồng chí là huyện ủy viên, 8 đồng chí là bí thư xã, còn lại là phó bí thư xã, bí thư chi bộ.
Sau một tháng mở lớp học tại huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi, đồng chí Trương Công Huấn và đồng chí Trần Thịnh về lại Ban Tuyên huấn Khu V báo cáo kết quả lớp học, sau đó tập trung biên soạn chương trình nội dung để khai giảng Trường Đảng của Khu V.
Chương trình nội dung để giảng dạy Trường Đảng Liên khu V đã được Thường vụ Liên khu ủy thông qua gồm có 4 phần, thời gian học một khóa là 4 tháng, đối tượng học viên là cán bộ từ Thường vụ tỉnh ủy, tỉnh ủy viên, thường vụ huyện ủy, huyện ủy viên là những đồng chí cán bộ không đi tập kết ở lại hoạt động ở miền Nam.
Chương trình nội dung gồm có 4 phần:
1. Phần lý luận: Những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác, Anghen.
2. Phần chính trị: Tinh thần nội dung của Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về cách mạng ở miền Nam; Nghị quyết tháng 2-1961 của Khu ủy Khu V về xây dựng và phát triển căn cứ và lực lượng cách mạng của Liên khu trong tình hình mới.
3. Phần nội dung công tác: Công tác dân vận, tuyên truyền đường lối cách mạng cho quần chúng và nội dung phương châm đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang và binh vận.
4. Phần rèn luyện đạo đức cách mạng và khí tiết của người Cộng sản.
Sau hơn hai tháng xây dựng trường lớp và chuẩn bị cơ sở vật chất cho Trường Đảng đã hoàn chỉnh. Trường xây dựng trên một vùng đất có hình dáng như một yên ngựa nằm phía đông bắc con sông Tranh, thuộc xã Tu Du, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Khu trường được xây dựng trên vùng đất bằng phẳng, hội trường lớp học nằm trung tâm, bốn bề là khu nhà ở của học viên và cán bộ, văn thư đánh máy, giáo vụ, có phòng đón tiếp và nơi nghĩ của lãnh đạo khu đến lên lớp, nhà ăn cách trường 70m nằm bên bờ suối.
Tiểu ban Huấn học của Ban Tuyên huấn Khu V lúc này là bộ khung lãnh đạo quản lý trường Đảng khu, tạm thời tách ra khỏi Ban tuyên huấn khu, cùng một số nhân viên được thu nhận từ Văn phòng Khu ủy và từ đồng bằng lên gồm có đồng chí Tám Nghĩa, đồng chí Tiến phụ trách đời sống, đồng chí Lý đánh máy chữ, đồng chí Bờ y sĩ, đồng chí Đồng, Vân, Khiêu, Trung làm vận chuyển tiếp liệu; cấp dưỡng có chị Mai, chị Tam, chị Đình. Đồng chí Trương Công Huấn lãnh đạo chung, đồng chí Trần Thịnh giáo vụ, giảng viên của trường là các đồng chí trong Ban Thường vụ Liên Khu ủy trực tiếp lên lớp. Buổi ban đầu Trường Đảng Khu có 16 đồng chí, đồng chí Trương Công Huấn và đồng chí Trần Thịnh vừa quản lý và chăm lo chuyên môn, còn lại chăm lo đời sống và sinh hoạt cho học viên. Đồng chí Nguyễn Xuân Nhỉ (Tám Tâm), Thường vụ Liên Khu ủy, Trưởng Ban Tổ chức Khu ủy phụ trách Trường Đảng Khu.
III. Trường Đảng của Liên Khu V là nơi đào tạo cán bộ cốt cán để lãnh đạo phong trào đấu tranh chống Mỹ, cứu nước giải phóng miền Nam từ năm 1961 - 1975
Ngày 4-5-1961, Trường Đảng Liên khu V khai giảng khóa I tại khu căn cứ Khu V trong bối cảnh cuôc chiến tranh “đặc biệt” Mỹ - ngụy đang thực hiện những quốc sách trả thù những người yêu nước vô cùng dã man.
Học viên các tỉnh thuộc Liên khu V từ Quảng Trị đến Ninh Thuận, Lâm Đồng và ba tỉnh Tây Nguyên về học phải vượt qua đường rừng hiểm trở còn bị địch phong tỏa, do đó các tỉnh đi không đủ số lượng học viên đã được các tỉnh đăng ký cử đi học là 60 đồng chí. Lớp học khóa I của trường lần này chỉ có 30 đồng chí học viên là Thường vụ tỉnh ủy, bí thư, phó bí thư huyện ủy, trong đó Quảng Nam - Đà Nẵng 8 đồng chí, Quảng Ngãi 10 đồng chí, Bình Định 5 đồng chí, Quảng Trị 3 đồng chí, Thừa Thiên 2 đồng chí, còn các tỉnh khác không có học viên về dự khóa I được.
Trước ngày khai giảng khóa học, một sự cố đáng tiếc là có 2 đồng chí học viên và một giao liên vượt qua sông lúc nước lũ bị cuốn trôi hy sinh, trong đó tỉnh Kontum là đồng chí Phúc, phó bí thư huyện ủy; đồng chí Chấn, phó bí thư huyện ủy Tam Kỳ - Quảng Nam và đồng chí Khiêu giao liên, người Tam Kỳ - Quảng Nam. Kết thúc khóa I, trường tạm nghĩ một tháng để lo chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho khóa sau.
Tháng 10-1961 trường khai giảng khóa II. Theo chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy, khóa học này dành riêng cho cán bộ miền núi là tỉnh ủy viên, huyện ủy viên người dân tộc các tỉnh thuộc Liên khu V gồm 45 đồng chí, thời gian học rút gọn hai tháng.
Nội dung chương trình học có rút gọn, giảm phần lý luận, tập trung vào nội dung các nghị quyết về cách mạng miền Nam và công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở và lực lượng cách mạng. Cuối năm 1962, đầu năm 1963 được miền Bắc chi viện cán bộ giảng viên, Trường Đảng Khu đã từng bước hình thành bộ khung cán bộ giảng viên, giáo vụ, nhân viên phục vụ tuyển chọn từ đồng bằng lên. Tháng 3 năm 1963, Tiểu ban Huấn học tách ra khỏi Trường Đảng về lại Ban Tuyên huấn Khu V.
Được miền Bắc chi viện cán bộ giảng viên, đồng chí Trần Tâm (có tên Thủy) phó Ban tuyên huấn khu ủy trực tiếp làm hiệu trưởng trường đảng khu V cho đến ngày kết thúc chiến tranh. Bộ khung trường đảng thời kỳ này đã đầy đủ các bộ phận chuyên môn và hậu cần, con số cán bộ giảng viên nhân viên phục vụ đã trên 60 người.
Từ đây, Trường Đảng Khu V liên tục bổ sung cán bộ đã mở nhiều khóa học đào tạo cán bộ cho các tỉnh trong khu. Trường hoạt động trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, thường xuyên phải di dời địa điểm, học viên đến học cũng phải dành thời gian đi gùi cõng lương thực, đào hầm tránh đạn bom, làm lán trại để ở. Có thời kỳ căn cứ cách mạng bị địch đánh phá dữ dội, cán bộ giảng dạy phải về các tỉnh để mở lớp cho cán bộ được học.
Mặc dù chiến trường chống Mỹ ác liệt, điều kiện sinh hoạt, nhất là nguồn lương thực, thực phẩm để phục vụ cho học viên ở căn cứ vô cùng khó khăn, nhưng trong 15 năm Trường Đảng Khu V đã đào tạo hàng nghìn cán bộ cốt cán để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trên chiến trường Khu V, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng miền Nam 30-4-1975, thống nhất Tổ quốc.
N.K.T