Chiều hăm sáu. Chở mẹ đi một vòng quanh chợ xã để mua vài món cho tết được thêm trọn vẹn. Ở nơi nửa thành nửa quê như này, thì giáp tết là khoảng thời gian vui nhứt. Không biết người ta ở đâu ra mà chen nhau đầy ăm ắp các con đường. Chở kiểng, chở bông, lựa dưa hấu, mua thèo lèo cứt chuột, bánh tây, kẹo mè xửng .v.v... Bất cứ cái gì bán được là người ta mang ra bán. Có cái kiếm được kha khá, cái thì lời lãi không được bao nhiêu nhưng vẫn cứ khệ nệ bưng ra. Bán cho vui nhà vui cửa. Và quan trọng hơn ở cửa miệng ai cũng phát ra hai chữ quá đỗi thân thương. Tết mà !
Tiếng nói tiếng cười cứ thế vang lên tưng bừng khắp ngã. Có những hộ dân nhà sát mặt lộ, không bán buôn gì cũng bắc ghế ra ngồi nhìn thiên hạ đi qua đi lại cho vui. Thu vào tầm mắt cảnh đường xá nhộn nhịp tới lui xôn xao, rồi bất giác không biết khoái cái gì mà ngồi tủm tỉm cười một mình. Tết chính là những ngày cận kề như vầy chứ sáng mùng một gõ beeng cái là vắng hoe. Năm nào cũng như năm nào, thiệt kỳ lạ nhưng sâu tuốt luốt trong nó đều có những nguyên nhân xác đáng !
Chiếc Dream trước mặt tôi tấp vào một ô bán hoa hướng dương bên đường. Chủ nhơn trên đó cà xịch cà đụi leo xuống lựa bông. Ông chủ của ô thấy khách đon đả chạy ra bô bô cái miệng :
- Dzô coi, dzô coi thoải mái, mở hàng cho em đi đại ca !
- Xạo. Cha nội ! Sáng giờ tui thấy ông xuống thêm hàng mới mấy lần rồi. Mở hàng cái búa ó. Ha ha ha ...
- Dạ. Ha ha ha ... thì mở hàng tiếp ngày mai cho em cũng được.
- Ờ ! Nói vậy thì chơi còn chơi được. Đâu, có cặp hướng dương nào chất lượng hôn ?
- Dạ có.
Đơn giản "bèo nước gặp nhau giữa dòng" mà cuộc chuyện sôi nổi lên hẳn. Tôi để ý những người lao động sàn sàn như tôi thường dễ tính khi chọn mua bông lắm. Ít trả giá xuống sâu vì sợ tội cho người bán. Người bán thì cũng không nỡ kê giá lên quá cao cốt thu lại được vốn và doi ra tí ti trang trả tiền mặt bằng là được. Giá nào họ cũng bán cho bằng hết. Đời cứ dựa qua dựa lại nhau mà sống !
Hoa tết nhà nào cũng ráng mua một hai chậu về cho có mùa xuân. Từ hăm mấy tết người ta đã đổ xô đi coi bông rần rần, nhưng chủ yếu là đi ngắm thôi. Sức mua rất chậm - lai rai chỉ vài người chở về. Ai cũng chờ đến trưa ba mươi đi hốt về để được giá rẻ. Nhà nào cũng quan niệm trưa ba mươi mà còn chưa bán hết được, bà con sẽ bán tống bán tháo đặng còn về nhà cúng kiếng. Nhưng ít người nghĩ rằng công tình có được một chậu cúc mâm xôi, thược dược, đồng tiền, nhất là hoa mai, thì nhà vườn đã phải bỏ công sức ra biết là bao nhiêu. Rồi tiền thuê mặt bằng, nhân công, điện nước, ăn uống, đêm hôm khuya khoắt sức người bỏ ra “thức ngủ” cùng cây. Chừng đó cũng đáng để xã hội ghi nhận và dành sự trân trọng. Bị vậy mới có cảnh như năm ngoái, trưa ba mươi không bán được cây người bán nước mắt ngắn dài cầm dao chặt nát những chậu hoa vàng ươm, bửa ngang bửa dọc những cây mai kiểng. Họ nói thà chặt bỏ cho xe rác lại tiêu hủy chứ nhất quyết không bán rẻ, tạo thói quen cho người dân năm sau lại tiếp tục cái bửng như vậy. Tiếc lắm chứ … mồ hôi nước mắt cả mấy tháng trời nằm trong đó nhưng không làm không được ! Người dân thì phản biện “ủa, ai biểu lúc đầu nói thách quá làm chi rồi bây giờ tiếc !”. Nói thách là thách bao nhiêu cho vừa với ngần ấy công sức bỏ ra. Mua bán – là một quá trình thuận mua vừa bán, bạn mua một món hàng nhắm giá đó thấy vừa là chấp nhận. Người ta bán cũng nên cho một tí tiền lời, có như vậy thì cuộc chơi mới công bằng. Có anh bạn quen trong năm chạy Grap kiếm cơm, cuối năm anh ra chở cây tết cho mấy vựa kiểng và những người bán hoa tết. Ảnh nói mà thấy cũng chua xót lắm. Đa phần họ đều là nông dân từ những miệt xa lắc xa lơ tận Vĩnh Long, Hồng Ngự lúa liếm xong thì chuyển sang trồng hoa tết. Mà đâu phải nhà nào cũng lận lưng vốn sẵn. Cũng vay đầu này một chút – giật đầu kia một tẹo để có tiền mần vụ hoa tết. Vì vậy nếu mình có thương cho những “một nắng hai sương” của bà con trồng hoa thì đừng trả giá sâu quá cũng đừng chờ đến trưa ba mươi mà đi hốt !
Tội lắm ...
Tôi chở mẹ nãy giờ sau lưng dạo quanh mà lòng cũng vui vui khấp khởi. Vui vì cảnh sắc đang độ vào xuân nhưng vui nhứt là năm nay mẹ vẫn còn khỏe mạnh để du xuân cùng tôi. Mẹ níu vai áo tôi và chỉ vào một ô bán cúc thật đẹp, nhưng không thấy ai mua. Chị bán bông ngồi buồn thỉu buồn thiu thấy có khách chạy ra mừng húm “dạ, dạ, mời cô và anh vào lựa bông”. Đôi mắt in hằn vết chân chim, chiếc áo sờn rách, ngón tay đen sì màu sìn đất ruộng vườn. Tôi nhìn ra được cảnh ấy, chắc rằng mẹ tôi cũng vậy. Mẹ tôi cất tiếng hỏi :
- Chào chị ! Chị bán bao nhiêu một cặp cúc ạ ?
Chị thiệt thà đáp lại :
- Dạ cô. Mơi con mới xuống bông. Con tính ba trăm tám một cặp. Nhưng bông còn nhiều quá … con hạ giá xuống còn ba trăm rưỡi. Cô ơi, cô coi mua … cứu con với cô ơi !!!
Nghe xong câu đó mắt mẹ tôi cũng rưng rưng. Mẹ nhìn tôi hỏi ý, tôi gật đầu, nhìn chị nói :
- Chị. Mẹ con em mua ủng hộ chị 5 cặp. Chị chọn những cặp đẹp cho nhà em nghen. Cứ tính đúng ba trăm tám một cặp !
Chị bán bông cuối đầu cám ơn lia lịa mà giọng mếu mếu như muốn khóc. Chị nói anh chồng chở bông cho mẹ con tôi về tận nhà. Lúc giao bông anh chồng khệ nệ bưng vào tận tủ thờ Ông Địa - Ông Thần Tài, rồi hỏi mẹ còn muốn rinh đi đâu anh rinh giúp. Tiền bạc xong xuôi anh nắm lấy tay mẹ tôi mà nhét cho một lá bùa bình an. Lá bùa mầu đỏ hình tam giác nhỏ nhỏ xinh xinh. Anh chất phác khiến mẹ tôi đến nghẹn ngào :
- Cô ơi ! Con xin được mấy lá bùa bình an ở chùa gần nhà. Con tặng cô một cái, con mong gia đình cô một năm mới trọn vẹn bình an ạ !
Mẹ tôi cảm động lắm, đặt một cánh tay lên vai anh vỗ vỗ mấy cái thì ảnh ... khóc như mưa. Bán buôn ai cũng muốn kiếm chút lời, người đi mua ai cũng muốn mua rẻ. Vậy sao không nghĩ đến giải pháp dung hòa cho cả hai. Mần cả năm chơi ba ngày tết. Nếu cảm thấy được thì giúp nhau cho qua nhanh một buổi chợ cuối năm thì trọn vẹn biết mấy. Ý nghĩa của ngày tết cổ truyền dân tộc cũng sẽ vì thế mà được ấm áp hơn rất nhiều.
Bao nhiêu tiền cho một mùa xuân ... ?
Sài Gòn-Chiều hăm sáu tết BQM
VuLe Bt (Bài & Ảnh )
Chuyện làng quê