Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Điện Biên (Bài 3)

Niềm vui và động lực cho những người quan tâm tới công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh ta khi Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 6 khóa XIV diễn ra trung tuần tháng 7 vừa qua đã thống nhất thông qua Nghị quyết về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Đây là cơ hội để văn hóa các dân tộc tiếp tục được phát huy bản sắc làm phong phú sản phẩm du lịch, định vị hình ảnh và quảng bá thương hiệu du lịch Điện Biên; nhân dân các dân tộc đẩy mạnh giao lưu văn hóa, văn nghệ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài 3:  Động lực mới, niềm vui tới

xa-phang-1627419732.jpg
Phụ nữ dân tộc Xạ Phang, xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) giới thiệu về nghề thêu giày truyền thống với thành viên đoàn famtrip - Caravan qua miền Tây Bắc - theo dấu chân Đại tướng năm 2021 vào trung tuần tháng 4/2021

Thẳng thắn thừa nhận việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa đồng đều, chưa toàn diện. Cụ thể, tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, trang phục truyền thống, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một; một số hủ tục trong sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa được xóa bỏ triệt để. Một số nghề thủ công truyền thống được bảo tồn nhưng hoạt động chưa hiệu quả… Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do môi trường sống, không gian văn hóa các dân tộc địa phương bị tác động bởi mặt trái của quá trình hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội. Chưa phát huy sức mạnh tổng hợp, sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ của các chủ thể văn hóa, chưa khích lệ, động viên nhân dân trong quá trình bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc. Do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng Nghị quyết về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Với quan điểm bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên nhằm tạo điều kiện để các dân tộc bình đẳng, tăng cường đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; gìn giữ, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa các dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển văn hoá, con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, của tỉnh. Gắn bảo tồn, phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, đặc biệt là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất trong bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tập trung vào công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể; đầu tư phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, phát triển du lịch nâng cao đời sống văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Trong đó ưu tiên việc lập quy hoạch, triển khai các dự án, kế hoạch về công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm các điểm di tích thành phần bổ sung vào danh mục di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Xây dựng và triển khai thực hiện dự án phần mềm thuyết minh tự động tại Bảo tàng và các điểm di tích thành phần thuộc di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Xây dựng, triển khai các dự án khu trưng bày ngoài trời thuộc giai đoạn II công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa phòng trưng bày giới thiệu tổng thể về Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Bảo tồn, phục dựng và duy trì tổ chức hoạt động thường xuyên một số lễ hội tiêu biểu của các dân tộc nhằm kết hợp khai thác và phát triển du lịch. Như Lễ Xên Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ), hội Pao dân tộc Mông (tổ chức luân phiên tại huyện Tủa Chùa và huyện Điện Biên Đông), Lễ hội Đua thuyền đuôi én (TX. Mường Lay), Lễ hội tung còn của dân tộc Thái; bảo tồn dân ca dân vũ, các trò chơi dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy hoạt động chợ phiên vùng cao… Duy trì tổ chức Lễ hội hoa ban định kỳ hàng năm và 2 năm/lần tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên... nhằm quảng bá văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Bà Vi Thị Hương, Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng, việc xác định hoạt động bảo tồn gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống các dân tộc kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, thể hiện tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống, góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh phát triển mà tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là vô cùng đúng đắn, cần thiết trong giai đoạn hội nhập và phát triển như hiện nay. Cần tiếp tục quan tâm bảo tồn, truyền dạy tiếng nói của dân tộc ít người và chữ viết của những dân tộc thiểu số có chữ viết riêng. Mở các lớp ngoại khóa dạy và học chữ viết người dân tộc thiểu số; tiếp tục phục dựng, bảo tồn một số lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh…

Cùng với việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về bảo tồn, phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư và huy động các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tỉnh xác định tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa. Trong đó đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dưới nhiều hình thức, đặc biệt là trên môi trường mạng internet. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc cho đối tượng học sinh, sinh viên, thanh niên; duy trì việc đưa một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào chương trình giáo dục chính khoá, ngoại khóa và các hoạt động tập thể. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa (như số hóa hiện vật trong bảo tàng, số hóa và mô phỏng thực tế ảo chi tiết hệ thống các di tích...), góp phần đổi mới phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả. Tổ chức các hoạt động nghệ thuật biểu diễn giao lưu, quảng bá văn hóa truyền thống của tỉnh với các địa phương trong và ngoài nước… nhằm đem lại những giá trị kinh tế trong phát triển du lịch di sản; đồng thời quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với du khách trong nước và quốc tế.