Bí ẩn những chuyến bay tuyệt mật của Phi công Mỹ (Kỳ 2): VỤ LỤT 1971 TẠI MIỀN BẮC VIỆT NAM LÀ HẬU QUẢ CỦA “CHIẾN TRANH THỜI TIẾT”?

30/11/2021 09:32

Theo dõi trên

Do lịch sử để lại, công việc trị thuỷ của cha ông đã tạo nên một hệ thống đê điều vĩ đại, dài hàng nghìn kilômét ở miền Trung và đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hệ thống đê điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với an ninh đất nước trong mùa mưa lũ.

chuy-tr1a-1638239275.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Hàng năm, kế tiếp nhau đời này qua đời khác, công việc đắp đê chống lụt được tiến hành bền bỉ, kiên trì... Tuy nhiên, mặt trái của việc đắp đê này là việc phù sa không được bồi đắp cho châu thổ, mà lắng đọng tích tụ lại, khiến cho lòng sông Hồng ngày càng bị nâng cao lên…

Người ta đã tính toán đo đạc và thấy rằng về mùa lũ, mặt nước sông Hồng có thể dâng cao hơn mặt ruộng và làng mạc hai bên bờ sông tới… gần 10 mét! Với mức nước chênh lệch như vậy, nếu đê vỡ thì thật khủng khiếp! Trong khi đó, chất lượng của các đoạn đê lại không giống nhau, đặc biệt là các tuyến đê trọng điểm. Nếu không được xử lý tốt về nền móng với những đoạn lòng sông có nhiều cát chảy, qua đầm lầy, nhiều tổ mối… thì rất khó chống lại với thiên tai trong mùa mưa bão như lũ kéo dài, lũ cao cực đại.

Khi nghiên cứu về lũ lụt của hệ thống sông Hồng ở đồng bằng Bắc Bộ, các chuyên gia quân sự Mỹ và Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã thấy rằng đó là sự kết hợp lũ của ba nguồn nước hung dữ là sông Thao, sông Lô và sông Đà. Chúng có thể gây ra trên diện tích lưu vực rộng lớn tới gần 50.000 kilômét vuông và hầu như không có trung lưu. Lũ sông Hồng có đặc điểm là biên độ hằng năm rất lớn (có thể lên tới 12 mét đến 16 mét); cường suất lên rất nhanh (có thể tới 7 mét/ngày) và tốc độ dòng chảy lớn nhất có thể đạt tới 4-5mét/giây. Vì vậy, chỉ cần sau hai đến ba ngày ở thượng nguồn có mưa lớn, là lũ đã có khả năng tràn về tới đồng bằng gây thiệt hại thật khôn lường…

Cũng theo các chuyên gia Mỹ thống kê thì chỉ riêng trong thập kỷ 60, trên thế giới đã xảy ra ít nhất là 151 trận lũ lụt lớn, làm cho 24.000 người chết, thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Còn ở Việt Nam, đã từ nhiều năm trước đây, lũ sông Hồng luôn ẩn chứa sự đe doạ khủng khiếp đối với dân cư hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Dưới chế độ phong kiến, với những triều vua bạc nhược và thối nát, chuyện vỡ đê, mất mùa như cơm bữa. Năm 1915, đê sông Hồng bị vỡ tới 45 nơi. Riêng tỉnh Hà Đông (cũ) đã bị nhấn chìm dưới 40 triệu kilômét khối nước trong 3 tháng liền. Trong hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, đê sông Hồng đã bị vỡ tới 34 lần. Đê Văn Giang bị vỡ liên tục 18 năm liền… Gần đây nhất, lịch sử còn ghi nhớ trận vỡ đê năm 1945. Tại Hà Nội khi mực nước sông Hồng lên tới 11,45 mét thì đoạn đê xung yếu đầu tiên bị phá vỡ. Và khi đỉnh lũ lên sắp chạm tới con số 13 mét thì đã có tới 52 đoạn đê bị nước cuốn trôi… Làng mạc, ruộng đồng đã ngập trắng trong biển nước mênh mông. Mùa màng cùng súc vật và gia cầm bị mất sạch.

Trận "đại hồng thuỷ" do lũ lụt, vỡ đê năm Ất Dậu ở miền Bắc Việt Nam cộng thêm chuyện "phá lúa trồng đay" của phát xít Nhật trước đó, đã tạo ra một nạn đói khủng khiếp, thê thảm và đau đớn nhất trong lịch sử dân tộc ta khiến cho hơn 2 triệu người dân Việt Nam bị chết đói! Xác của họ nằm rải rác khắp nơi, không còn người thân để chôn cất. Chính quyền thực dân Pháp đã "giúp đỡ" bằng cách cho từng đoàn xe bò đi nhặt xác người, đổ chung vào những chiếc huyệt khổng lồ đào sẵn, rồi lấp đất vội vàng…

Theo kế hoạch đã được hoạch định của "Cuộc chiến thời tiết", một trong những mục tiêu mà các chuyên gia Mỹ đã tính toán kỹ là: Nhằm thời điểm lưu vực sông Hồng đang nhiều mưa lũ, tăng cường rải hoá chất để tạo thêm những trận mưa dữ dội, khiến cho mực nước sông Hồng dâng cao, đẩy lũ lên tới cực đại. Tiếp đó là sử dụng Không quân, hoặc biệt kích làm vỡ đê sông Hồng ở đoạn xung yếu nhất… Và trong hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn trăm bề, lại thêm lũ lụt, mất mùa… rất có thể Bắc Việt Nam sẽ tái diễn lại thảm cảnh của nạn đói khủng khiếp năm 1945. Dân chúng sẽ rất bất bình, tự sinh ra bạo loạn để lật đổ chế độ Cộng sản Xã hội chủ nghĩa…

Rõ ràng, đó là một âm mưu tội ác cực kỳ thâm độc và dã man mà “những cái đầu nóng” của Lầu Năm Góc và Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã nghĩ ra.

Tháng 3 năm 1968, Tổng thống Mỹ Johnson buộc phải tuyên bố đình chỉ các hoạt động của Không quân và Hải quân chống lại miền Bắc Việt Nam. Theo lệnh đó, tất cả các hoạt động của Không quân Mỹ trên vùng trời miền Bắc nước ta đã bị cấm. Và các chuyến bay hoạt động gây mưa nhân tạo trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam cũng chấm dứt. Nhưng các chuyên gia Cục Tình báo Trung ương Mỹ và Cục Tình báo Quân đội Mỹ đã không chịu bỏ cuộc một cách dễ dàng như thế! Họ đã nghĩ ra cách chuyển các hoạt động gây ra mưa nhân tạo sang vùng trời của Lào, biên giới Đông Bắc Lào - Việt và thậm chí các hoạt động này còn tăng cường hơn trước. Những trận mưa "thối đất thối cát" trút xuống xứ này rồi cuối cùng đã theo những dòng sông, khe suối đổ cả về Việt Nam... để tạo thành lũ lụt. Các chuyên gia quân sự Mỹ đã tính toán rất kỹ chuyện đó!

Theo số liệu tổng hợp chúng ta còn lưu trữ được: Tháng 8 năm 1971, do mưa lớn tập trung nên lũ dồn về rất nhanh và đỉnh lũ cao đột xuất. Tại Yên Bái, mực nước dâng cao 8 mét trong vòng 3 ngày. Tại Tuyên Quang, mực nước dâng cao 9 mét trong vòng 5 ngày. Còn ở Hà Nội, chỉ sau 3 ngày đêm mực nước từ 12 mét đã lên 14,13 mét (vượt quá mức thiết kế cho phép của đê sông Hồng là 0,83 mét). Nếu không xảy ra vỡ đê và hồ chứa Thác Bà không điều tiết lũ (khoảng 1.100 mét khối/giây), không phân lũ qua sông Đáy (khoảng 2.500 mét khối/giây); thì lưu lượng lũ lớn nhất ở sông Hồng đoạn ở Sơn Tây sẽ xấp xỉ 38.000 mét khối/giây; còn ở Hà Nội, mực nước lũ có thể lên tới 14,80 mét… Đó cũng chính là mực nước lớn nhất trong vòng từ 200 đến 250 năm qua.

Nếu xét về mặt tái diễn lưu lượng của đỉnh lũ năm 1971 thì ước tính khoảng 300 năm mới lặp lại ở Tuyên Quang, khoảng 150 năm mới lặp lại ở Yên Bái và 250 mới có ở Sơn Tây.

Các chuyên gia khí tượng giỏi nhất thế giới thời đó cũng không giải thích được chuyện mưa lũ lạ lùng trong những năm 1970 - 1971 ở Việt Nam. Bởi các chiến dịch của "Cuộc chiến tranh thời tiết" đã được phía Mỹ tuyệt đối giữ kín!

PHI CÔNG MỸ VỚI NHỮNG CHUYỂN BAY… TUYỆT MẬT

Sau này, chính Lầu Năm Góc Mỹ đã cho hay: Trong suốt sáu năm tiến hành "Cuộc chiến tranh thời tiết" nói trên, chỉ có tổng cộng 1.400 lượt người được quyền biết về các hoạt động này. Và họ cũng chỉ được biết từng phần việc do mình đảm nhiệm. Số người đó bao gồm các phi hành đoàn, nhân viên yểm trợ, họ đã trực tiếp thực hiện 2.602 chuyến bay và đã chuyển vận 47.409 "đơn vị hoá chất" phục vụ cho các chiến dịch. Trung bình, mỗi năm khoảng 230 người được tuyển chọn và kiểm tra kỹ về an ninh để làm công việc đó. Họ được tham gia hoạch định kế hoạch, vận chuyển, khiêng bốc hoá chất và thực hiện các chuyến bay công tác đặc biệt một cách hết sức bí mật.

Một tài liệu của Lầu Năm Góc cho biết: Ngay Cục Tình báo Trung ương Mỹ cũng chỉ có Giám đốc và một số viên chức tham mưu hạn chế mới được phép biết đến các hoạt động gây mưa nhân tạo ở Việt Nam. Tài liệu lưu trữ nói trên còn cho thấy danh sách hơn 10 cơ quan, văn phòng “được phép thông báo tuỳ theo sự cần thiết của nhiệm vụ có liên quan”. Trong danh sách các cơ quan này, người ta thấy có: Văn phòng Bộ Tổng tham mưu liên quân, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Giám đốc Trung tâm Khai thác và điều hợp Quốc phòng… Và thậm chí, trong suốt một thời gian dài, nhiều sĩ quan cao cấp của Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ (DIA) cũng không hề được thông báo có các hoạt động gây mưa nhân tạo trong các chiến dịch của “Cuộc chiến tranh thời tiết” nói trên.

Các tin tức xung quanh “Cuộc chiến tranh thời tiết” mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã được bảo mật tuyệt đối theo một hệ thống đặc biệt. Đến mức nhắc đến nó được coi như là một sự “cấm kỵ”. Nhiều năm sau này, một sĩ quan tình báo cao cấp trong quân đội Mỹ đã thú nhận: Hồi đó, ông ta thật sự “run rẩy sợ hãi” mỗi khi phải có nhiệm vụ thuyết trình hoặc cần nói đến các hoạt động này. Cấp trên của ông ta luôn nhấn mạnh rằng: “Nếu anh biết nhiều quá mức, sẽ chẳng có lợi gì cho tương lai và thậm chí có thể sẽ nguy hại đến tính mạng!”

“Dự án Popeye” bắt đầu bị rò rỉ vào đầu năm 1972 khi Jack Anderson (người được mệnh danh là cha đẻ của báo chí điều tra hiện đại) công bố về loại vũ khí nguy hiểm này. Quốc hội Mỹ lập tức chất vấn Melvin Laird Bộ trưởng Quốc phòng về chuyện thực hư của “Cuộc chiến tranh thời tiết” ở Việt Nam?

Tuy nhiên, trong một bài viết của tác giả Huỳnh Hữu Nghiệp đăng trên tạp chí “Khoa học Nghiên cứu” (La Recfhenche) cho biết ngoài một số ý kiến phản đối, thì sau đó đa phần Thượng viện Mỹ đã chấp nhận đây là một chương trình trọng yếu, không chỉ với cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Đông Dương, mà còn có ý nghĩa đặc biệt đối với vị trí độc tôn của Mỹ trong thời hiện tại… Đó là vấn đề thuộc phạm vi chiến lược toàn cầu, không thể chậm hơn kẻ khác… Bởi thế, Ủy ban tài chính Thượng viện Mỹ thông qua ngân sách 1970 - 1972 cho chương trình này 5 triệu đô-la… Rồi những chuyến bay tuyệt mật trên vùng trời Nam Lào diễn ra liên tục… Tập hồ sơ của nghị sĩ Pell đã xác nhận: Các thí nghiệm đã tăng lượng mưa lớn từ 30% đến 50% đủ nói rõ ở những tiểu vùng có chế độ gió mùa Đông Nam Á, thì việc tạo nên “Mưa chiến lược” kéo dài là hiện thực. Đó là thứ “vũ khí” cực kỳ lợi hại. Nếu bom đạn, chất độc hóa học không hủy diệt nổi sự sống trên Trường Sơn, thì việc “biến đổi thời tiết”, gây ra nạn “hồng thủy” sẽ đạt được bằng cách dìm tất cả mọi vật trong biển nước mênh mông… Nhưng Hoa Kỳ vẫn bưng bít dưới vỏ bọc “Công trình nhân đạo” nghiên cứu chế ngự thiên nhiên với những tên đẹp “Sông Nin xanh” (Nile Blue), “Mở mắt" (Popeye), “Người đồng bào trung gian” (Intermediary Compatriot) để huyễn hoặc công chúng.

Những trang tài liệu do tạp chí La Recfhenche đăng tải còn tiết lộ một điều khủng khiếp hơn: Trong khi Stephen, chỉ huy chiến dịch vẫn tiếp tục những phi vụ “rải hạt” tinh thể iot bạc và CO2 tạo nhân đông kết trong tầng mây siêu lạnh, biến thành những trận mưa xối xả kéo dài hơn nửa năm, cản trở mọi hoạt động sản xuất, giao lưu trên Trường Sơn. Hàng nghìn bản Lào bị dìm trong biển lũ, gây nạn đói, bệnh dịch trầm trọng. Các chuyên gia Hoa Kỳ hào hứng: “Nếu tiếp tục hơn sẽ biến hết thảy thung lũng Trường Sơn thành vùng đầm lầy, sức người không thể khắc phục. Hàng chục vạn Cộng quân chỉ còn có cách ăn lá rừng cầm hơi…”.

Nhưng rồi nguồn tin tình báo “Việt Cộng ở miền Nam vẫn liên tục mở được nhiều trận đánh lớn”, nghị sĩ McDonald cảnh báo: “… Thế có nghĩa là mưa lũ vẫn chưa thể chặn hẳn sức hoạt động tiếp tế của đối phương…!”, và tỏ ý hối tiếc bỏ lỡ cơ hội năm 1971-1972 làm tăng mưa lũ ở lưu vực sông Hồng tạo nên cuộc sống trôi nổi, hạ gục tiềm lực chi viện của miền Bắc… Ông ta gợi ý: “Mùa khô Lào, Trường Sơn chỉ có sương mù ẩm ở nhiệt độ 32F (0 độ C) thì phải phun hóa chất Sodium và Calcium Cloride bằng khối lượng vô cùng lớn mới có thể gây mưa… Song hiệu quả rất hạn chế, ảnh hưởng không đáng kể với thời gian dài hữu ích cho hoạt động vận tải của đối phương… Nhưng một khi tạo được những đợt “sóng thần” quét sạch mọi thứ tàng trữ của họ tập kết ở dải đất hẹp từ Nghệ An vào Quảng Bình. Lúc ấy mới thật sự trói chặt chân tay họ…”.

Các chuyên gia khoa học quân sự Mỹ lại lao vào nghiên cứu thử nghiệm tạo “sóng thần” ở thềm lục địa Việt Nam: Nếu tạo ra một loạt vụ nổ định kỳ làm cho khối nước sâu 100 mét, rộng 10km, xê dịch đi 100m thì sẽ sinh công 100 mê-ga-tôn. Sự giải tỏa năng lượng này tạo nên những cột sóng đổ ập lên bờ, cuốn sạch mọi thứ tung lên đỉnh núi hoặc dìm xuống đáy biển… Chỗ tuyệt vời của sự hủy diệt đó là không để lại dấu ấn người tạo ra nó. Đối phương chẳng sao biết được, chỉ còn cách oán trời…!

Điều ngạc nhiên là chính ngài Melvin Laird Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - nhân vật quyền hành “nghiêng đất ngửa trời” thời đó đã khẳng định với Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ: “Chúng ta chưa hề thực hiện một chiến dịch nào đại loại như thế ở Bắc Việt Nam”. Thậm chí, ông ta còn khẳng định với Quốc hội Mỹ rằng: Thông tin mà nhà báo Anderson nêu ra là “một câu chuyện hoang đường và hoàn toàn sai sự thật”. Nhưng hai năm sau đó, biết không thể che đậy mãi được, lại chính Melvin Laird đã phải thừa nhận: Tình thế lúc đó buộc chúng tôi phải nói dối, để che đậy dự án vì lo ngại sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Tháng 3 năm 1974, trong một cuộc điều trần bí mật tại Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Mỹ, các nhân chứng đều nói rằng: Những nguồn tin liên quan đến “Cuộc chiến tranh thời tiết” đã được bảo mật ở mức độ cao nhất, các tin tức xung quanh vấn đề này đã không được tiết lộ cho Uỷ ban An ninh quốc gia biết. Một nhân chứng nữa là vị Phụ tá cho Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đặc trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương – người mà lực lượng Phản ứng nhanh của Lầu Năm Góc tại Việt Nam có nghĩa vụ phải “bẩm báo” mọi việc – cũng đã thú nhận: “Lần đầu tiên tôi nghe nói đến các hoạt động của “Cuộc chiến tranh thời tiết” ở Việt Nam là nhờ đọc một bài báo của ký giả Jack Anderson”.

Sự kiện Mỹ sử dụng vũ khí thời tiết trong chiến tranh Việt Nam đã vấp phải sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế. Trước tình hình đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Claiborne Pell và dân biểu Donald Fraser đã phát động một chiến dịch vận động chính trị về việc cấm sử dụng việc thay đổi thời tiết như một thứ vũ khí nhằm chống lại một quốc gia nào đó.

Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về thiệt hại mà “Chiến tranh thời tiết” gây ra, nhưng nó vẫn bị coi là một hành động vô nhân đạo và bị lên án gay gắt. Đến tháng 5 năm 1977, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu chính thức thông qua Công ước ENMOD quy định: Nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp thay đổi thời tiết nhằm mục đích gây thiệt hại hoặc phá hủy hệ sinh thái chống lại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới!

“CHIẾN TRANH THỜI TIẾT” TRONG TƯƠNG LAI SẼ THẾ NÀO?

Gần đây, tác giả Fred Burks đã cho công bố trên trang Canada Global Reaserch một bài viết về Chương trình Nghiên cứu cực quang cao tần (HAARP) của Lầu Năm Góc, đang gây xôn xao cả thế giới, vì nó có thể làm thay đổi thời tiết cả trái đất.

Website chính thức của HAARP cho biết: Các nhà phân tích đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm bằng cách sử dụng các tần số điện từ để đốt cháy các chùm năng lượng trực tiếp, dao động, để tạm thời kích thích một khu vực nhất định của tầng điện ly. Tuy nhiên, các nhà khoa học quốc tế lo ngại việc chủ động gây xáo trộn tầng điện ly nhạy cảm này có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về bão lốc và lũ lụt và thậm chí gây thảm họa như động đất hoặc sóng thần.

Kênh truyền hình History thuộc mạng CBC của Canada cũng vừa cho trình chiếu một bộ phim tài liệu dài tới 45 phút nói về chương trình HAARP được sử dụng cho cuộc chiến tranh này đã mô tả: Dùng điện từ… phát ra tia chớp mạnh gấp hàng trăm lần dòng điện thường để thay đổi thời tiết. Tất cả các loại vũ khí này sử dụng năng lượng trực tiếp để tạo nên một xung điện từ mạnh. Năng lượng đó có thể được sử dụng để đốt cháy tầng điện ly nhằm biến đổi thời tiết thành một loại vũ khí chiến tranh. Quân đội Mỹ đã mất khá nhiều thời gian vào việc biến đổi thời tiết thành môi trường chiến tranh. Nếu một dòng điện từ bay trên một thành phố, về cơ bản tất cả các loại phương tiện điện tử trong các hộ gia đình sẽ bị phá hủy”.

Mặc dù các quan chức HAARP phủ nhận, nhưng dư luận lo ngại “chiến tranh thời tiết” bí mật của chương trình HAARP nhằm thúc đẩy mục tiêu giành quyền thống trị toàn bộ quang phổ của quân đội Mỹ vào năm 2020. Thậm chí HAARP còn có thể và đã được sử dụng vào việc thay đổi thời tiết, gây nên các trận động đất và sóng thần, phá hủy các hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu và nhiều tác dụng khác. Vì vậy, Liên minh châu Âu (EU) đánh giá HAARP là mối lo ngại toàn cầu và đã thông qua một nghị quyết yêu cầu quân đội Mỹ cung cấp thêm thông tin về các rủi ro sức khỏe và môi trường của chương trình. Nhưng các quan chức HAARP khẳng định chương trình không có gì nguy hiểm và chỉ là công trình nghiên cứu khoa học phóng xạ. Nghị quyết của EU nhấn mạnh EU lấy làm tiếc vì Washington không cung cấp bất cứ thông tin nào về HAARP cho các nước, kể cả đó là đồng minh EU.

Một số nhà phân tích còn nghi ngờ: HAARP có thể liên quan đến các thảm họa lớn từng xảy ra trên Trái đất thời gian gần đây như động đất ở Haiti và sóng thần ở Indonesia; kể cả trận bão Katrina và các vấn đề thời tiết bất thường gần đây.

Đặc biệt, còn có ý kiến cho rằng: Siêu bão Haiyan khủng khiếp đã tàn phá đất nước Philippine và đe dọa các tỉnh miền Trung và miền Bắc của Việt Nam cuối năm 2013, cũng là một “hậu quả ngoài ý muốn” của việc nghiên cứu loại vũ khí phục vụ cho những cuộc “chiến tranh thời tiết” mà người Mỹ đang tiến hành trên toàn cầu ?

(HẾT)
Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua điện thoại (có Zalo): 0913210520 của nhà văn Đặng Vương Hưng, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" (có phiên bản tiếng Anh) giá lẻ 200.000đ/c (cả cước phí), có lưu bút của tác giả, sẽ được gửi đến tận nhà theo đường bưu điện.

Theo trái tim người lính