Những chuyến bay “Tuyệt mật” của các phi công Mỹ và bí ẩn “Cuộc chiến tranh thời tiết” ở Việt Nam (Kỳ 1)

Từ tháng 3 năm 1967 đến tháng 7 năm 1972 có tới 2.602 chuyến bay đặc biệt với gần 50.000 “đơn vị hóa chất” đã được người Mỹ huy động cho cuộc chiến tranh này.
chuy-tr-tim-2-1638188846.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Những chuyến bay của các phi công Mỹ phục vụ cho cuộc chiến này bí mật tới mức… ngay cả Uỷ ban An ninh Quốc gia và các cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Mỹ hồi đó đã không hề biết! Và thậm chí chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nói rằng ông ta… không được báo cáo (!?). Có phải thủ phạm của vụ lụt khủng khiếp năm 1971 ở miền Bắc Việt Nam là… “Cuộc chiến tranh thời tiết”?

Sa lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam, người Mỹ cần tìm một lối thoát. Đầu năm 1967, cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang ở vào giai đoạn gay go và quyết liệt. Sau khi bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhanh chóng tăng thêm quân số trực tiếp tham chiến. Nếu như tháng 10 năm 1966, quân Mỹ ở Nam Việt Nam là 325.000 người, thì tới tháng 6 năm 1967, con số này đã tăng lên 463.000 người. Đó là chưa kể đến 54.000 lính đánh thuê và 600.000 lính của quân đội Sài Gòn.

Và lúc này, ngân sách Mỹ dành cho quốc phòng chiếm 65%, cao hàng thứ ba trong lịch sử tài chính nước này. Chi phí cho chiến tranh Việt Nam lên đến gần 22 tỉ USD!… Với tất cả những nỗ lực trên, người Mỹ cho rằng họ sẽ dễ dàng bóp chết bộ đội chủ lực của Bắc Việt và nhanh chóng quét sạch “Việt Cộng” ở miền Nam.

Nhưng thực tế chiến trường thì chứng minh ngược lại: Cuối tháng 2 năm 1967, quân Mỹ mở chiến dịch Junction City nhằm càn quét và tiêu diệt chiến khu D. Nhưng âm mưu và kế hoạch của chúng đã bị thất bại thảm hại.

Về Không quân, trung bình mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt chiếc máy bay mang bom đạn đi bắn phá miền Bắc Việt Nam, nhưng cũng vì thế mà số máy bay Mỹ bị bắn rơi đã lên tới gần 2.000 chiếc!

Để đối phó với tình hình, giữa tháng 3 năm 1967, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã quyết định cách chức Henry Cabot Lodge, đại sứ Mỹ ở Nam Việt Nam và đưa Ellsworth Bunker lên thay thế. Chưa yên tâm, ông ta đã vội bay sang Guam rồi cho triệu các ông Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ cùng các quan chức chóp bu của chính quyền Sài Gòn đến để tìm giải pháp cứu vãn tình thế. Đồng thời, Johnson cũng chỉ thị cho Lầu Năm Góc phối hợp với Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA phải tìm mọi biện pháp để chống lại cuộc kháng chiến của Việt Nam.

Và một trong những biện pháp mà các chuyên gia Cục tình báo Quân đội Mỹ (DIA) và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) phối hợp thực hiện là tiến hành các chiến dịch gây mưa nhân tạo, rải hoá chất nhờn, nhằm làm sụt lở, lầy lội, trơn trượt,... mà người viết cuốn sách này tạm gọi là “Cuộc chiến tranh thời tiết”.

Cuộc chiến tranh nói trên đã được người Mỹ tiến hành ở Việt Nam hoàn toàn bí mật, với một quy mô khá rộng lớn, kéo dài tới sáu năm trời ròng rã, từ đầu năm 1967 đến cuối năm 1972…

NGƯỜI MỸ ĐÃ TIẾN HÀNH "CHIẾN TRANH THỜI TIẾT" Ở VIỆT NAM NHẰM MỤC ĐÍCH GÌ?

Lầu Năm Góc và Cục Tình báo Trung ương Mỹ thừa hiểu rằng: Nguồn cung cấp hậu cần, nguồn nuôi dưỡng sức mạnh chiến thắng của Lực lượng Cách mạng và Quân giải phóng miền Nam chính là từ miền Bắc! Ngoài việc trực tiếp lao động sản xuất, miền Bắc còn thay mặt cả quân và dân miền Nam tiếp nhận rất nhiều viện trợ của bạn bè năm châu, đặc biệt là vũ khí, lương thực của các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa anh em ủng hộ cho cuộc kháng chiến… Nếu muốn giành thắng lợi ở chiến trường miền Nam thì họ phải bằng mọi biện pháp cắt đứt nguồn cung cấp này!

Hẳn nhiều bạn đọc còn nhớ: Tháng 5 năm 1959, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” lấy mật danh là “Đoàn 559”. Đơn vị này có một số nhiệm vụ chính: Tổ chức mở đường giao thông quân sự vào miền Nam, dọc theo dãy Trường Sơn; vận chuyển hàng quân sự cho miền Nam; đưa, đón cán bộ, bộ đội hành quân vào chiến trường miền Nam...

Bắt đầu từ đây, Đường dây 559 – còn gọi là “Đường mòn Hồ Chí Minh” – trở thành con đường huyền thoại. Và trong suốt 16 năm (1959 - 1975), hàng triệu tấn hàng hoá, vũ khí, lương thực… cùng hàng triệu lượt bộ đội, cán bộ ở miền Bắc đã theo con đường huyền thoại này chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ cho tới ngày toàn thắng.

Theo tài liệu lưu trữ phía Mỹ cho biết: Các chuyên gia Cục Tình báo Trung ương Mỹ và Cục Tình báo quân đội Mỹ đã nghiên cứu và thấy rằng lực lượng Hậu cần của miền Bắc thường dùng các dòng suối trên đất Lào, theo các nhánh chảy vào sông Cửu Long để thả các chuyến hàng quân lương, quân nhu… xuống miền Nam cung cấp cho các chiến trường.

Thường thì hàng tiếp liệu được đựng trong các thùng gỗ tròn, hoặc bọc trong các bao nilon nhiều lớp, rồi thả từ đầu nguồn, nổi lềnh bềnh, trôi theo dòng nước. Một bộ phận đã được báo trước và đón sẵn…

Cứ thả 10 bao thì rơi rụng, mắc kẹt, hoặc hư hỏng dọc đường mất một nửa, chỉ thu lại được 5 bao, thậm chí còn 3 bao. Nhưng rõ ràng là cách làm này có hiệu quả và đỡ hao tổn xương máu rất nhiều so với việc xe vận tải phải cướp đường, liều mình vượt qua các túi bom, các trọng điểm đánh phá ác liệt của Không quân Mỹ.

Theo thiếu tướng Nguyễn An, nguyên Cục trưởng Cục vận tải quân đội sau này hồi tưởng lại: Trung bình cứ 1.000 tấn hàng vào tới được chiến trường, chúng ta phải chấp nhận có 78 chiến sĩ hy sinh và 25 ô tô vận tải bị đối phương bắn cháy, bị hư hỏng, rơi xuống vực sâu…

Cũng với con đường huyết mạch 559 này, một số lượng hàng hoá không nhỏ đã được lực lượng Hậu cần miền Bắc Việt Nam vận chuyển bằng cách sử dụng súc vật thồ, kéo và bằng chính sức người mang vác trên vai, cõng và gùi sau lưng… Các chuyên gia Mỹ đã không hiểu rằng với ý chí kiên cường, tinh thần yêu nước của cả một dân tộc, thì dù có sử dụng đến bao nhiêu bom đạn chăng nữa, họ cũng không thể nào chặt đứt được con đường huyết mạch Trường Sơn.

Và trong bối cảnh đó, “Cuộc chiến tranh thời tiết” đã được “những cái đầu nóng” của Lầu Năm Góc hy vọng như là một sự cứu cánh, giúp họ thoát khỏi sự bế tắc và sa lầy trên chiến trường ở Việt Nam.

KẾ HOẠCH CỦA "CUỘC CHIẾN TRANH THỜI TIẾT" ĐÃ ĐƯỢC TRIỂN KHAI NHƯ THẾ NÀO?

“Cuộc chiến tranh thời tiết” thực chất, đó là việc các chuyên gia Mỹ lợi dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật, tiến hành các hoạt động rải hoá chất, để làm thay đổi thời tiết, tạo nên các trận mưa nhân tạo dữ dội trên miền Bắc Việt Nam, Lào và đặc biệt là con đường huyết mạch 559 dọc Trường Sơn.

Sau một thời gian ráo riết chuẩn bị, “Cuộc chiến tranh thời tiết” đã chính thức được phía Mỹ bí mật tiến hành từ tháng 3 năm 1967 và kéo dài cho đến tháng 7 năm 1972.

Thực ra, người Mỹ đã có ý đồ thực hiện cuộc chiến tranh này từ rất lâu, nhưng chưa tìm ra chiến trường để thể nghiệm. Ngay từ thập niên 50 mở đầu thời kỳ “chiến tranh lạnh”, giới quân sự Mỹ và phương Tây đã cho ra đời một thuật ngữ mới: “Chiến tranh khí tượng”. Vào năm 1953, trên một tờ tạp chí của Hội Khí tượng Mỹ đã cho công bố lời phát biểu của một nhân vật có tên là Gugengeima về khả năng lợi dụng vị trí và điều kiện địa lý của Liên Xô (cũ) để sử dụng các phương tiện và hoá chất tác động vào khí hậu, tạo ra sự ngập lụt hay hạn hán bằng phương pháp nhân tạo… phục vụ cho mục đích quân sự. Âm mưu tội ác điên rồ này đã bị các nhà khoa học ở nhiều quốc gia phản đối kịch liệt.

Gây mưa nhân tạo là công việc kích thích vào quá trình tích tụ hạt mưa, cho dễ mưa hơn và tăng lượng mưa nhiều hơn. Đây chỉ là một trong những biện pháp điều khiển thời tiết, phục vụ cho một mục đích nào đó của con người. Chuyện này đối với những nước có nền khoa học và công nghệ phát triển trên thế giới không có gì là mới lạ. Tại một số nước, người ta có thể chủ động làm đẹp trời, không có mưa trong những ngày lễ hội, hoặc có mít tinh lớn. Tại những vùng chuyên canh trồng cây ăn quả, rau xanh lớn, người ta cũng thường can thiệp vào thời tiết để cho mưa sớm hơn, muộn hơn bình thường, hoặc ngăn chặn các nguy cơ mưa đá gây thiệt hại cho mùa màng… Nhưng những việc làm thay đổi thời tiết này là để phục vụ cho con người và vì hoà bình.

Còn với người Mỹ và “Cuộc chiến tranh thời tiết” ở Việt Nam thì lại khác. Họ đã muốn lợi dụng việc gây mưa nhân tạo với mục đích để… tạo nên thật nhiều lũ lụt ở miền Bắc Việt Nam! Như vậy, trong chiến cuộc chiến tranh Việt Nam, bên cạnh bom đạn là những vũ khí sát thương trực tiếp, Mỹ còn sử dụng một vũ khí khác không kém phần nguy hiểm là thời tiết. Đó là phương thức tác động vào sự biến đổi của khí hậu để tạo ra những kiểu thời tiết gây bất lợi cho các hoạt động của đối phương, thậm chí là phá hủy cơ sở hạ tầng, tiêu diệt hệ sinh thái trong khu vực mà nó được sử dụng. Mượn bàn tay của thiên nhiên để tiêu diệt đối phương nên thời tiết được liệt kê vào một dạng vũ khí khi nó được sử dụng cho mục đích chiến tranh.

Vào cuối năm 1965, khi những nỗ lực nhằm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược trên đường mòn Hồ Chí Minh không đem lại kết quả mong muốn, Mỹ đã thay đổi chiến thuật. Họ đã ứng dụng kỹ thuật của Nhà toán học người Mỹ John von Neumann tìm ra vào cuối những năm 1940. Neumann nhận thấy rằng việc sử dụng kỹ thuật “gieo hạt vào đám mây” bằng tinh thể iốt bạc trộn lẫn với carbon dioxide có thể làm tăng sự ngưng tụ của hơi nước của các đám mây và gây mưa. Và như vậy, có thể tác động kéo dài và làm trầm trọng thêm mùa mưa trên đường mòn Hồ Chí Minh, đặc biệt là ở khu vực đi qua Lào, để ngăn nguồn tiếp tế hậu cần và các đơn vị quân chủ lực từ miền Bắc đổ vào miền Nam.

Chương trình được đặt mật danh là “Dự án Popeye”, được đề xuất bởi Tham mưu trưởng liên quân Mỹ vào ngày 10 tháng 8 năm 1966 và được Bộ tư lệnh Hỗ trợ quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (COMUSMACV) và Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương (CINCPAC) đồng tình ủng hộ. Theo đó, loại máy bay WC-130 sẽ được sử dụng cho nhiệm vụ rải hóa chất vào các đám mây để gây mưa.

Vào đầu tháng 9 tháng 1966, (thời điểm chuẩn bị bắt đầu mùa mưa ở miền Trung Việt Nam) Không quân Mỹ đã tiến hành khoảng 50 phi vụ thí điểm rải hóa chất gây mưa dọc theo sông Sê Kong và một số khu vực sông suối có đường Hồ Chí Minh đi qua ở Tây Nguyên. Sở dĩ, dự án được tiến hành ngay trong thời điểm bắt đầu mùa mưa để nhằm che giấu dư luận, làm như đó là một hiện tượng tự nhiên đặc trưng của thời tiết khu vực Đông Dương và hoàn toàn không có sự can thiệp của Mỹ. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy có đến 85% những đám mây được rải hóa chất đã gây mưa, lượng mưa trung bình tăng thêm 30%, mùa mưa có thể kéo dài thêm từ 30 - 45 ngày so với trước. Sự thành công ban đầu này đã khiến COMUSMACV lên kế hoạch thực hiện nó trên toàn Việt Nam. Và cuộc chiến tranh thời tiết đã mở rộng từ khu vực sông Sê Kong ra phía Tây Bắc Việt Nam, khu vực thung lũng A Sầu và sang cả khu vực đông bắc Campuchia…

Các tài liệu còn lưu trữ được cho thấy, để phục vụ cho cuộc chiến tranh bí mật này, phía Mỹ đã chi tới 21,6 triệu USD, đã có tới 2.602 chuyến bay được thực hiện. Và tổng cộng có 47.409 đơn vị hoá chất iode chì và iode bạc đã được phía Mỹ sử dụng cho mục đích đen tối của họ, với ảo tưởng có thể cản trở hoạt động thậm chí là làm tê liệt đường mòn Hồ Chí Minh.

Ngoài việc rải hoá chất làm thay đổi thời tiết để gây mưa nhân tạo, người Mỹ còn cho đổ xuống các trọng điểm, những đoạn đường mòn xung yếu nhiều tấn hoá chất có tính trơn nhẫy, nhầy nhụa như kiểu “nhũ tương”, khiến cho những nơi này lầy lội, trơn trượt, sụt lở… người và súc vật không thể nào qua được, còn xe thì bị trượt bánh lao xuống vực… Các chiến sĩ vận tải Trường Sơn của chúng ta năm xưa thỉnh thoảng vẫn gặp những đoạn đường khủng khiếp như thế. Hồi ấy, họ không hề biết rằng thủ phạm gây ra những con đường lầy lội, bẩn thỉu ấy lại chính là Lầu Năm Góc và Cục Tình báo Trung ương Mỹ!

Theo các phương tiện do thám quân sự Mỹ tính toán, thống kê, thì trước khi tiến hành các hoạt động của “Cuộc chiến tranh thời tiết”, hàng tuần có khoảng 9.000 lượt xe ô tô vận tải hàng quân sự của Hậu cần miền Bắc theo con đường huyết mạch 559 tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Nhưng do sự ảnh hưởng và cản trở của các chiến dịch trong "Cuộc chiến tranh thời tiết", số lượng xe đã rút xuống còn 900 lượt chiếc mỗi tuần. (Nghĩa là còn 10% so với trước). Một kết quả vượt quá sự mong đợi của Lầu Năm Góc!

Trong gần sáu năm trời nói trên, chương trình hoạt động mưa nhân tạo được quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam, dưới nhiều mật danh khác nhau. Đầu tiên là "Chiến dịch Đồng hương", rồi "Chiến dịch Trung gian", sau cùng là "Chiến dịch Mở mắt".

Riêng năm 1970, đã có tới 277 chuyến bay được xuất phát, với 8.312 đơn vị hoá chất gây mưa đã được rải xuống, tập trung trong thời gian mùa hạ và mùa thu. Hẳn nhiều người còn chưa quên những trận mưa như thác đổ năm ấy ở vùng rừng núi Tây Bắc và cả ở một số vùng khác của miền Bắc nước ta.

Tài liệu còn lưu trữ được của phía Mỹ cho thấy: Tháng 6 năm 1971, tại một vùng đồi núi biên giới Việt - Lào, lượng mưa đo được là 40 xăngtimét. Các chuyên gia phân tích dữ liệu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ cho rằng khoảng một nửa lượng mưa ấy là do các hoạt động của "Chiến dịch Mở mắt" tạo ra.

Hồi đó, hình như dân mình còn chưa biết đến các thuật ngữ Enninô và Lanina. Tất cả những hiện tượng thời tiết không bình thường kể trên, người ta đều đổ lỗi cho… trời!

(Còn nữa)

Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua điện thoại (có Zalo): 0913210520 của nhà văn Đặng Vương Hưng, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" (có phiên bản tiếng Anh) giá lẻ 200.000đ/c (cả cước phí), có lưu bút của tác giả, sẽ được gửi đến tận nhà theo đường bưu điện.

Theo Trái tim người lính