Búi tre ấy lại nở hoa mất rồi!

Ông cụ canh miếu bảo là, khi tre nở hoa, đơm bông... ai có may mắn ngồi được dưới gốc một vài giờ, sẽ giàu năng lượng lắm và tự khỏi được khối bệnh nan y. Tôi tin.
bui-tre2-1638329058.jpg
 

 

Búi tre nở hoa, là báo hiệu thêm một bụi tre bên bến sông đi vào cõi chết. Một cái chết già, ngay thẳng hiên ngang (sau khoảng trăm năm hiến dâng màu xanh và sự sống, hiến dâng dụng cụ lao động cho người nông thôn).

Ông cụ thủ từ của ngôi miếu cổ bên sông tiếc lắm. Bảo rằng, tre già trăm năm thường không cứu sống được đâu. Khi chúng đơm hoa là lúc phát tiết ra tất cả những tinh hoa từng bền bỉ chống chọi với bão giông và mưa lũ, chống chọi cả với việc chặt cây, chặt măng vô tội vạ của con người... , cứ chừng trăm năm là hết một đời tre. Nó chết đứng dần từ gốc, móng rễ tới ngọn...

Ông cụ chờ cho những tán hoa cuối cùng bay theo gió, rồi nhẩm ngày chọn ít cây đực làm vài chiếc đòn càn, đòn gánh. Cây cái to (rỗng giữa) được bổ đôi làm chiếc đòn xóc (nhọn hai đầu) mà bao đời rồi, người làng vẫn dùng xiên vào bó lúa, bẩy lên vai gánh gồng về làng... (Phần còn lại của phận tre, ông sẽ hoá hết...  rồi ươm trồng bụi khác).

Là ông làm theo thói quen của người cha vẫn làm khi còn sống, chứ giờ ai phải gánh gồng nữa đâu...

Chiếc đòn càn dài đến hơn hai mét, xưa vẫn để gánh rơm rạ...  khi nhà ai có người ốm phải đi nhà thương, thì dùng làm đòn xiên qua hai đầu võng... cáng người thôi. Chẳng ai cần, nhưng cụ nhớ thì làm, làm từ búi tre trăm tuổi rồi dựa trong góc ngôi miếu cổ, cũ kỹ cạnh bến sông. Người ta đồn đại ngôi miếu ấy linh lắm, còn ông cụ chỉ coi như một gian nhà, có tí bếp bên cạnh, có cả chỗ nuôi con lợn con gà... xung quanh vắng lặng vì lâu lắm rồi, ít người samg sông...

Thường xung quanh những tán tre già vẫn là nơi vắng người. Muốn đông, muốn họp chợ dưới tán tre cũng không thành. Chỉ là chỗ dừng chân nghỉ ngơi, hoặc trong các gia đình nông thôn có con em cảm nắng, chạy ra bứt nắm lá non vo vo cho ẩm rồi dí vào mũi cho người bị cảm hít hà làn khỏi. Cũng có khi, người ta hái cả mớ lá tre và mấy ngọn măng non về làm nồi nước xông. Chả cần thuốc kháng sinh cũng bớt bệnh.

bui-tre3-1638329058.jpg
 

Hà nội còn ba bốn "làng" tre già, cũng sắp đến kỳ phát tiết đơm bông.

Cụm tre bên cổng làng Đại Từ (đối diện toà nhà tổng Hud Linh Đàm), cũng có vẻ đang kiệt sức. Bụi cạnh bụi, thân đan thân, tre choán hết cả một góc phố bên đầu ao làng. Năm kia kìa gì đấy, có mấy tay ngổ ngáo không làm lễ lạt gì, mang cưa máy và thuê người ra phá một bụi làm chỗ bán quán. Nghe đâu, một anh bị chết sặc tiết ngay đầu làng, mấy anh đệ phải bỏ xứ Linh Đàm lên mạn ngược vẫn chưa về...

Sau nhà trẻ Hoa Hồng, sau cả khu Mát-xa, trị liệu của ông cụ Tài Thu một thời, bây giờ vẫn hiển hiện một quần thể tre hoành tráng. Cạnh phố đông mà chẳng ai dám phá lấy một cây. Mấy bụi phía trong đã có dấu hiệu đơm hoa. Tre sẽ được chết già ở phố. Cũng tiếc! Chỗ ấy cách đây khoảng hai năm, có hai thanh niên thua độ bóng đá, rắp tâm thắt cổ tự vẫn trên ngọn tre già... đâu được tre cứu mạng. Giờ vẫn sống nhăn răng, và thành thần trong lô leo bóng đá, nghe đâu phất lắm.

Tinh tướng của tre nó kỳ lạ và kỳ diệu.

Ông cụ canh miếu bảo là, khi tre nở hoa, đơm bông... ai có may mắn ngồi được dưới gốc một vài giờ, sẽ giàu năng lượng lắm và tự khỏi được khối bệnh nan y. Tôi tin.

Và cũng vẫn tin rằng, dù thời nào và ở đâu chăng nữa, một khóm mống tàn, một bụi tre già đơm hoa - sẽ có ngay mấy bụi măng mọc thẳng.

bui-tre1-1638329058.jpg
 

L.N.5