Bức ảnh chụp chiếc xe tăng 390 - chiếc xe đầu tiên húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập trưa ngày 30.4.1975 của nữ nhà báo Pháp Francoise de Mulder. Nguồn: Internet.
Bài 1: Từng hành quân đi khắp các chiến trường
Nhớ lại những ngày lịch sử ấy, chúng tôi trở về thôn Chùa Chợ, xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc gặp Cựu chiến binh Bùi Văn Dung từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là tác giả hai bài thơ được Nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc “Gửi nắng cho em” (tháng 12/1975) và “Con kênh ta đào” (sáng tác tháng 6/1976, phổ nhạc mùa hè năm 1977) đã trở thành ca khúc đi cùng năm tháng rất đỗi thân quen với công chúng.
Tại tư gia, Nhà thơ Bùi Văn Dung (bên trái) thân quý tặng tác giả bài viết 3 tập thơ cùng một số ấn phẩm do ông sáng tác. Ảnh: Tiến Dũng.
Cựu chiến binh với quân hàm Trung tá Bùi Văn Dung sinh năm Tân Tỵ (1941), nay tròn 80 tuổi, đã bước sang bên kia "sườn dốc" của cuộc đời. Vợ chồng ông có 4 người con, ba trai, một gái đều được học hành, thành đạt, yên bề gia thất ở riêng, trong đó có 3 con là bác sĩ đều công tác ở địa bàn tỉnh nhà. Những ngày lễ, tết hoặc thỉnh thoảng những ngày nghỉ cuối tuần, 8 cháu nội, ngoại lại về thăm ông bà hiện vẫn ở tại ngôi nhà 5 gian ở thôn Chùa Chợ, xã Thượng Trưng nhưng được “hiện đại hóa” mang phong cách kiến trúc Á đông. Ngôi nhà này hiện chỉ có hai vợ chồng ông ở chăm sóc nhau tuổi già. Trên khuôn viên giữa sân vườn rộng gần 700 m2, ông trồng hai cây quéo (xoài) tỏa bóng mát, năm nay khá sai quả. Với tâm hồn bay bỗng, trước cổng nhà, ông trồng hai cây duối cổ thụ tạo dáng vòm rất đặc sắc (ảnh dưới) với ấn tượng phong thủy “Nhà cao cửa rộng”.
Sau khi rời quân ngũ, người lính thi sĩ Bùi Văn Dung đã xuất bản 3 tập thơ: “Gửi nắng cho em” do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2002. Khi cầm tập thơ trên tay lần đầu ra mắt công chúng, ông đã làm vài chục mâm cỗ gọi là “tiệc nắng” mời bà con xóm làng, nội, ngoại, anh em đồng đội đến ăn mừng. Ông không bao giờ quên được ngày mở “tiệc nắng”, vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên thân tình lặn lội từ Hà Nội về chúc mừng. Tiếp đó là các tập thơ “Nhìn ngoài đôi mắt” NXB Phụ nữ 2010; “ Trắng mây Tam Đảo” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc ấn hành 2017.
Cựu chiến binh, Nhà thơ Bùi Văn Dung (bên phải) trước sảnh tư gia tại thôn Chùa Chợ, xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Tiến Dũng
Với dáng người hao gầy, đã vượt qua tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng do nhuộm tóc đen nên có phần “trẻ hóa”, Cựu chiến binh Bùi Văn Dung là người từng trải, tính tình vui vẻ, hóm hỉnh với sức khỏe dẻo dai, tác phong nhà binh nhanh nhẹn, dốc bầu tâm sự: Năm 1956 lúc đó 14 tuổi đang học lớp 3, ông là một trong số 100 học sinh Việt Nam là con cán bộ lão thành cách mạng, được tuyển sang Tiệp Khắc (nay tách thành 2 nước Cộng hòa Séc và Slovakia) để học văn hóa, đào tạo cán bộ cho tương lai của đất nước. Nhưng thật không may, năm 1959 khi đó đang học lớp 6, Tiệp khắc xảy ra chính biến “xét lại”, Bùi Văn Dung cùng 100 học sinh Việt Nam phải về nước học tại trường Miền Nam ở Chương Mỹ (Hà Nội) một năm, đến năm 1961 trở về quê nhà huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) học tiếp đến lớp 7. Ngày 9/4/1962, ông tình nguyện nhập ngũ rồi trở thành lính pháo binh Trung đoàn 208, Sư đoàn 351.
Năm 1967, khi đang làm Chính trị viên đại đội, ông được chuyển sang làm công tác chính trị, binh chủng hợp thành, được điều động vào miền Nam chiến đấu. Dấu chân của Cựu chiến binh Bùi Văn Dung với đôi dép lốp cao su đã từng hành quân đi khắp các chiến trường Kon Tum (1967), Tây Ninh (1969), Quảng Trị 81 ngày đêm “mùa hè đỏ lửa” (1972), tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn tháng 4/1975, thống nhất đất nước. Năm 1978 khi mặt trận biên giới phía Tây Nam nóng bỏng, ông lại được điều động tăng cường lên mặt trận này góp phần cùng quân dân ta giúp nước bạn Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khơ me đỏ. Rồi đơn vị ông lại được điều động hành quân gấp lên mặt trận biên giới phía Bắc, góp phần ngăn chặn quân xâm lược đầu năm 1979 tại Hà Giang đến năm 1986 thì xuất ngũ về quê nhà.
Về quê nghỉ hưu được ba tháng, địa phương nơi ông ở là xã Thượng Trưng đã đến tận nhà mời tham gia công tác Hội Cựu chiến binh xã. Làng quê trung du những năm đầu đổi mới bộn bề công việc, nhiều hợp tác xã kiểu cũ đã tan vỡ hoặc tự giải thể do lối làm ăn bao cấp, kế hoạch quan liêu. Ông Dung được mời làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Thượng Trưng. Năm 1996, sau khi đảm nhiệm hết hai nhiệm kỳ Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trưng, Cựu chiến binh Bùi Văn Dung về nhà nghỉ ngơi theo đúng nghĩa. Có thời gian, ông đã hoàn thành cuốn sử làng xã, tiếp đến lại nhận lời mời làm cuốn lịch sử quân sự huyện Vĩnh Tường, Cựu chiến binh Bùi Văn Dung cứ tất bật liên tục đi đến các làng xã xác minh các nhân chứng, sự kiện đưa vào sách.
Cựu chiến binh Bùi Văn Dung hiện là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc. Một số bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng phỏng định “Ông đến với thơ ca như duyên trời định”? Cựu chiến binh, Nhà thơ Bùi Văn Dung cho rằng điều đó không đúng. Ông ham đọc sách, mê thơ từ nhỏ. Khi 13 tuổi được sang Tiệp Khắc học, ông đã sáng tác vài ba chục bài thơ. Có bao nhiêu tiền, ông đều mua sách báo về đọc, cảm hứng sáng tác, chép thơ hay lưu niệm hơn chục quyển sổ tay nay vẫn còn giữ được. Năm 1965 khi đó là bộ đội pháo binh, Bùi Văn Dung bắt đầu được bạn đọc biết đến khi có bài thơ dài “Trả lời em” đăng trên Báo Tiền Phong. Những năm sau đó, Bùi văn Dung hành quân qua nhiều chiến trường đều sáng tác thơ nhưng chỉ lưu lại trong sổ tay, không gửi đăng ở đâu cả. Sau khi giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước 30/4/1975, Bùi Văn Dung tiếp tục sáng tác thơ gửi đăng Báo Sài Gòn Giải Phóng, báo Tuổi Trẻ, hầu như tuần nào cũng có thơ của ông đăng ở Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Thơ của Bùi Văn Dung mộc mạc theo phong cách trữ tình, khoáng đạt, với cách nhìn ngọt ngào, lãng mạn, nhất là về tình yêu lứa đôi mà ông sáng tác được bạn đọc yêu thích. Bùi Văn Dung bắt đầu nổi danh với 2 bài thơ “Gửi nắng cho em” và “Con kênh ta đào” được Nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc để lại dấu ấn lớn trong lòng công chúng.
Đón đọc Bài 2: Người đầu tiên đưa vào thi ca hình tượng “Em - cây thông xanh…”
GỬI NẮNG CHO EM Anh ở trong này chưa thấy mùa Đông Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ Thật diệu kỳ là mùa Đông phương Nam.
Muốn gửi ra em một ít nắng vàng Thương cái rét của thợ cày thợ cấy Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy Có tình thương tha thiết của trong này.
Anh hiểu sức vươn của những cành đào Qua giá rét vẫn đỏ hoa ngày Tết Như cây thông vững vàng trong giá rét Em hãy làm cây thông xanh nghe em.
Khi hai miền cùng vào một vụ chiêm Hai vựa thóc cũng nặng tình của đất Cùng vào mùa một ngày vui thống nhất Hơn lúc nào anh hiểu thấu lòng em.
Gửi nắng cho em, gửi nắng cho em Gửi nắng về sưởi ấm những bàn tay. 12/1975 CON KÊNH TA ĐÀO Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua Chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng Mồ hôi thấm lưng áo em bạc trắng Con kênh bây giờ chưa là con kênh xanh. Giọt mồ hôi tròn lăn trên đất long lanh Tóc em búi gió vương xòa trên má Trời quê hương rất quen mà rất lạ Cứ xanh trong thăm thẳm ở trên đầu. . Ngay trên công trường ta đã mến yêu nhau Em cứ để khuôn mặt tròn lấm đất Con kênh xanh từ mắt em trong vắt Ngay buổi đầu anh đã thấy cả đồng xanh. . Con kênh ta đào có em mà có anh Đông vui quá có rất nhiều đồng đội Ngày mai đây vào mùa gặt mới Em soi khuôn mặt hồng xuống dòng kênh xanh. Con kênh ta đào có em mà có anh Con kênh ta đào có anh mà có em. Hè năm 1976 |