Vậy, “Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than”đã được thực hiện như thế nào?
*
Những cây bút cần có tên theo yêu cầu của... phát hành báo!
Cuối năm 1999, Tổng biên tập Hữu Ước triệu tập một cuộc họp toàn bộ Ban Biên tập An ninh thế giới để bàn việc đốc thúc bài vở cho số đặc biệt Xuân Canh Dần – 2000, in 4 màu, khổ lớn và dày gần gấp ba số trang báo thường.
Như thường lệ, với số báo Xuân - Tết, Tòa soạn thường đặt bài, mời các cây bút có tên tuổi như Trần Bạch Đằng, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Hoàng Cầm, Lê Lựu, Trần Đăng Khoa… cộng tác để “làm sang” cho ấn phẩm. Nhưng năm đó, theo lịch phát hành, đã sắp phải đưa báo tới nhà in, mà bài vở còn rất thiếu. Nhìn lướt qua danh mục các Tác giả, Tổng biên tập Hữu Ước hỏi với giọng gay gắt:
- Sao không thấy bài của anh Phong và anh Hưng? Không đặt được bài của cộng tác viên bên ngoài thì các cây bút trong nhà phải viết chứ! Các anh đều đã có thương hiệu với bạn đọc, nên phải có trách nhiệm! Anh Hồng Lạc đang yêu cầu Như Phong và Vương Hưng phải có bài hấp dẫn để bán báo đấy. Nếu không, báo in ra phát hành cho ma nó mua và đọc à! Tháng này tôi sẽ cho phóng viên xếp loại “Xê” hết!
Những năm ấy, Tổng đại lý phát hành phí Nam do ông Nguyễn Hồng Lạc đảm nhiệm. Với mỗi số thường, ông thường cho in khoảng trên dưới 400.000 bản. Số Tết ít hơn cũng trên dưới 200.000 bản. Thỉnh thoảng ông vẫn điện ra hỏi: “Số này anh Nguyễn Như Phong viết gì, anh Đặng Vương Hưng có viết gì không? Có bài rồi hả? Tôi sẽ cho in thêm, chứ mấy số rồi bài vở nguội quá, Vũ Cao, Hồng Lam cũng chả có gì mới, các sạp bán sỉ và lẻ đều kêu lắm”.
Các đại lý tại Hà Nội cũng vậy. Cứ nghe có bài của Nguyễn Như Phong hoặc Đặng Vương Hưng là họ đặt tăng số lượng đăng ký phát hành thêm cả vạn báo, dù chưa cần đọc và không cần biết đó là bài gì.
Trước khi vào buổi họp, tôi chợt nhớ đến một phóng sự ngắn của Đài VTV phản ánh về một cô gái người Nga lấy chồng Việt Nam, đang sống thị xã Cẩm Phả. Báo hình đã cung cấp những thông tin thú vị, nhưng thời lượng có hạn… Tôi liền báo cáo, đăng ký xin đi Quảng Ninh viết về nhân vật này và đã được chấp thuận. Tổng biên tập Hữu Ước căn dặn: “Lấy chiếc Toyota 80B-1505 tự lái, trưa nay lên đường luôn, đi nhanh về nhanh, kịp có bài cho nhà in. Nhớ mang theo chút quà của Ban biên tập để đối ngoại”.
Hồi đó, tôi và anh Nguyễn Như Phong thường sử dụng chiếc xe 7 chỗ Toyota Zace, biển số 80B-1505 và đều tự lái một mình đi Công an các địa phương và đơn vị. Vì làm báo, nên cơ sở biết nhiều, chúng tôi thường hạn chế tối đa việc thông báo trước, không bao giờ làm phiền ai. Chỉ đến đúng nơi mình cần, xong việc là về luôn. Nên nhiều khi về Hà Nội có bài trên báo rồi, bạn bè mới biết và kêu trời vì tiếc là không được gặp, để ngồi uống với nhau…
Khi xuống đến Cẩm Phả - Quảng Ninh thì đã cuối chiều, tôi đến Công an phường Cẩm Trung nhờ dẫn đến Tổ 80, rồi cùng nhau đến nơi cô dâu người Nga đang bán hàng.
Khi chúng tôi tới, quán bia không có khách, có lẽ vì trời sắp tối, lại đang là mùa đông khá lạnh, nên không có ai ngồi uống bia vỉa hè cả. Khi nghe giới thiệu có nhà báo từ Hà Nội về thăm, chị Anna bối rối thu xếp quán, rồi mời tôi về nhà, giới thiệu với anh Trần Trọng Hải, chồng mình...
Đó là ngôi nhà nhỏ đồ đạc chẳng có gì đáng giá, chứng tỏ chủ nhân rất nghèo. Vợ chồng Anna đã tha thiết mời tôi nán lại dùng bữa tối với gia đình. Anna trực tiếp đi chợ rồi bận rộn nấu mấy món dân tộc đơn giản. Vừa ăn tối, vừa trò chuyện tìm hiểu, tôi vừa bật điện thoại ghi âm, thu lượm tư liệu… Tôi cũng đạo diễn cảnh Anna và con gái chị thắp hương trên bàn thờ, cảnh gia đình quây quần để chụp một số ảnh minh họa.
Khoảng 21 giờ đêm, tôi tạm biệt gia đình Anna – Trọng Hải, lái xe trở về Hà Nội. Nhưng mới đi được khoảng hơn một tiếng, thì trời có mưa nhỏ và rất mù. Tôi quyết định dừng xe vào một khách sạn nhỏ ven đường tìm chỗ ngủ cho an toàn. Chẳng may, đó là một nhà khách rất tồi tàn và cũ kỹ, thậm chí chăn chiếu rất hôi và có rận, rệp, hay kiến gì đó, chúng bò và cắn khiến người ta ngứa ngáy, dị ứng… Không ngủ được, tôi đành ngồi dậy, bật điện chờ trời sáng. Tôi tranh thủ nghe những đoạn ghi âm, sắp xếp lại tư liệu, dự kiến sẵn bài viết trong đầu…
Sáng hôm sau, tôi trả phòng rất sớm, về tới Hà Nội mới giữa buổi sáng, cả tòa soạn ai cũng ngạc nhiên. Tôi ngồi vào máy tính và gõ trực tiếp rất nhanh bài ghi chép “Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than”. Câu chữ tuôn ra ào ạt, khoảng hơn 2 tiếng đã xong. Tổng biên tập Hữu Ước đọc lướt qua, hài lòng bảo: “Có hồn và xúc động lắm, nhưng… dài quá”!
Anh ký vào bên cạnh và ghi thêm mấy chữ: “Đồng ý cho dàn trang, nhưng cắt bớt, còn 1 trang, cả ảnh”.
Khó nhất là tự cắt bài tâm đắc của chính mình, vì đoạn nào, chi tiết nào cũng tiếc. Tôi ngồi nửa buổi chiều, cũng chỉ tỉa bớt được khoảng 800 chữ.
Khi chuyển cho bộ phận dàn trang, ai đọc cũng thích, nên đã đề nghị Tổng biên tập “ưu tiên” để bài này ngoại lệ, dài gấp rưỡi bình thường. Khi họa sĩ trình bày bìa, bài viết của tôi cũng được giật tít đưa ra, mời xem tiếp trang 30 và ½ trang 31 với 4 ảnh minh họa, tất cả đều in 4 màu...
Cơn sốt An ninh Thế giới bởi bài báo "Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than"
Báo Tết ANTG năm ấy vừa phát hành đã có sự kiện bất ngờ, đó là bài bút ký “Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than” đã bất ngờ tạo nên “cơn sốt” với bạn đọc cả nước!
Ngay buổi sáng hôm phát hành báo, Tổng đại lý Nguyễn Hồng Lạc đã từ TP. HCM điện ra Hà Nội khen hết lời và xin in thêm 50.000 báo.
Tôi phụ trách công tác trị sự, nên khi nhận điện thoại, vẫn nghĩ ông Lạc động viên mình và nói đùa, nên hỏi lại: “Bác nói là xin nối bản thêm Năm-ngàn hay Năm-mươi-ngàn?”
Ông Lạc khẳng định ngay: “Nàng dâu Nga” đã rất hót. Các đại lý còn đăng ký Ba-mươi-ngàn nữa, họ la quá trời. Tôi đang ở nhà in đây, quyết định in thêm cả Năm-mươi-ngàn, chắc chắn là hết mà!”.
Mấy hôm sau, anh Phạm Văn Chiến, Trưởng Cơ quan Đại diện ANTG tại phía Nam cũng cho biết: Một số cán bộ Công đoàn Liên doanh Dầu khí Việt – Xô đã tổ chức phong trào quyên góp và gửi tiền trực tiếp cho “Nàng dâu Nga”. Số tiền đã lên tới hàng trăm triệu.
Đặc biệt hơn, chỉ trong khoảng một tuần, hàng ngàn bạn đọc đã viết thư, điện thoại về Toà soạn ANTG, bày tỏ tình cảm của mình với “Nàng dâu Nga”:
"Kính gửi ông Tổng biên tập Báo An ninh thế giới!
Tôi là Thái Bá Tân, nhà văn, cán bộ hưu trí, hiện đang trú tại B9/164 Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội. Điện thoại gia đình: (04) 8720035. Tôi viết thư này để cảm ơn ông và tòa soạn đã giới thiệu bài “Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than” trên số báo Tết Canh Thìn. Bài báo đã làm tôi xúc động trước mối tình đẹp, thuỷ chung, nghị lực to lớn của một cặp vợ chồng Việt - Nga và những khó khăn hiện nay của họ. Tôi đọc bài viết này vào đêm giao thừa. Suốt đêm thao thức không ngủ được. Sáng mồng Ba Tết, tôi từ Hà Nội đi xe khách xuống Cẩm Phả thăm và chúc Tết gia đình “Nàng dâu Nga”. Qua lời hàng xóm và chứng kiến tận mắt, tôi thấy gia đình anh Hải và chị Anna quả đúng như Báo An ninh thế giới đã viết: Chồng tàn phế, vợ nói tiếng Việt chưa sõi, không có việc làm, phải ngồi vỉa hè và bán bia hơi sống qua ngày. Họ hàng anh em cũng chẳng khá giả gì hơn để trông cậy...
Như nhiều người khác cùng thế hệ, tôi may mắn được nhiều năm ăn học thành người tại Liên Xô, được chứng kiến sự giúp đỡ hào hiệp, tình cảm thuỷ chung, nhân hậu của nhân dân Nga những ngày chúng ta gặp khó khăn nhất trong kháng chiến chống Mỹ, cũng như xây dựng lại đất nước sau chiến tranh...
Tôi cảm thấy mình chịu ơn nhiều đối với nước Nga, mà chị Anna bằng xương bằng thịt ở Quảng Ninh là một đại diện. Tôi rất muốn làm một điều gì đó cụ thể, thiết thực để giúp đỡ gia đình chị. Qua trò chuyện, tôi biết anh Hải luôn mơ ước có được chiếc xe ba bánh dành cho người tàn tật để đi lại và mưu sống (giá tiền khoảng 20 - 25 triệu đồng). Trở về Hà Nội, sau khi bàn bạc với vợ con, tôi quyết định đứng ra vận động bạn bè cùng học tập ở Liên Xô trước đây và một số cơ quan quen biết, nhằm ít nhất quyên góp đủ số tiền trên để giúp đỡ gia đình anh Hải, chị Anna thực hiện ước mơ của mình và phần nào đỡ đần trong sinh hoạt hằng ngày. Bước đầu, một số cá nhân, đơn vị đã nhiệt tình hưởng ứng...
Tôi tin rằng với truyền thống uống nước nhớ nguồn và ân nghĩa nồng hậu vốn có của dân tộc ta, nhiều bạn đọc (nhất là những người đã từng học tập và công tác ở Liên Xô trước đây) sẽ hưởng ứng sáng kiến nhỏ này của tôi. Và trong trường hợp ấy, một lần nữa xin quý báo đứng ra làm trung gian chuyển giùm mọi sự giúp đỡ lớn nhỏ của bạn đọc tới gia đình anh Hải và chị Anna...”.
Được biết, trước khi viết lá thư trên gửi cho Báo An ninh thế giới, khi đến Cẩm Phả thăm gia đình “Nàng dâu Nga”, nhà văn Thái Bá Tân đã trực tiếp ủng hộ một triệu đồng.
*
Một ngày giáp Tết Canh Thìn - 2000, Ban biên tập Báo An ninh thế giới được tiếp một bạn đọc khá đặc biệt. Đó là một cụ già, tóc cắt cao, bạc trắng, đi chiếc xe đạp đã cũ. Cụ tự giới thiệu tên là Đàm Minh, 73 tuổi, nguyên là cựu chiến binh của Trung đoàn 42 (tức Đoàn Trung Dũng anh hùng của quân đội ta), nhà ở 34 Trần Phú, Hải Phòng; số điện thoại: 031737322.
Với vẻ mặt hết sức quan trọng, cụ Đàm Minh mở cặp lấy ra một tờ Báo An ninh thế giới số Tết đã bị nhàu nát (chắc hẳn là do chuyền tay quá nhiều người đọc). Mấy anh em biên tập nhìn nhau lo lắng: Chuyện các cụ cán bộ hưu, cựu chiến binh đến tòa soạn góp ý, phê bình con cháu làm báo... nhiều lắm! Lần này chắc gay go to rồi! Nhưng không... uống xong chén nước chè nóng, ông cụ bảo:
– Tôi từ Hải Phòng đi tàu đến đây là vì bài báo viết về "Nàng dâu Nga"... Cảm động quá! Thú thực là khi đọc xong tôi đã không cầm nổi nước mắt... Ngày xưa, đi đánh trận "vào sống ra chết" cũng nhiều, nhưng tôi chưa bao giờ khóc cả. Thế mà bây giờ... Và không phải chỉ riêng tôi đâu, rất nhiều bạn bè cùng trang lứa với tôi đều có chung cảm nhận như thế... Lạ thật! Càng đọc, càng thấy thương cho cô gái Nga thuỷ chung, nhân hậu; càng nhớ tới đất nước Liên Xô xưa, và bỗng cảm thấy mình như có lỗi và mắc nợ quá nhiều... Nhất thiết, tôi phải làm một việc gì đó!
Chia tay với cụ Đàm Minh, một phần vì tòa soạn nhận được khá nhiều hồi âm cảm động tương tự của các bạn đọc khác dành cho "nàng dâu Nga", một phần bởi công việc làm báo bộn bề, chúng tôi trót quên đi câu chuyện của cụ...
Bỗng ngày 11-3-2000, Ban biên tập lại bất ngờ nhận được thư của cụ Đàm Minh thông báo:
“Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, chúng tôi đã tổ chức một đoàn gồm 4 người, đại diện cho gần 60 cụ cựu chiến binh, đi xe khách từ Hải Phòng đến Cẩm Phả để thăm "Nàng dâu Nga". Chúng tôi đã mang theo số tiền do 59 cụ quyên góp được tổng cộng là 1.670.000 đồng (Một triệu sáu trăm bẩy mươi ngàn đồng). Trong đó: 31 cụ ở Hội Cựu chiến binh Hải Phòng đóng góp được 910.000 đồng; 11 cụ cựu chiến binh Trung đoàn 42 tại Hà Nội đóng góp 550.000 đồng; 17 cụ cựu chiến binh Quân khu Bộ Quân khu 3 góp 210.000 đồng...”
Điều đáng nói là các cụ đều đã cao tuổi. Sống chủ yếu bằng lương hưu và sự hiếu thảo của con cháu. Nhiều cụ lại có bệnh tật và ốm đau luôn, nhưng vẫn vui vẻ dành số tiền ít ỏi mình có được để san sẻ cho “Nàng dâu Nga”: Người nhiều là 50 nghìn, người ít hơn thì 20 - 30 nghìn, ít hơn nữa góp 10 nghìn. Có 4 cụ chỉ góp được mỗi người 5 nghìn. Đó là số tiền do con cháu biếu các cụ ăn quà sáng dành dụm có được, nên 5 nghìn mà ý nghĩa bằng cả trăm nghìn của người khác vậy!
Thì ra, cụ Đàm Minh đã làm được một việc nghĩa thật cảm động: Với chiếc xe đạp cũ, một mình cụ lọ mọ lần lượt đạp xe tới mấy chục gia đình bạn bè ở Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh... để giới thiệu về bài báo "Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than". Kết quả là cụ đã có một danh sách dài như... tờ sớ, ghi lại sự đóng góp, ủng hộ của 59 cựu chiến binh với đầy đủ số tiền và địa chỉ. Tiền thì chưa nhiều, nhưng tình thì lớn lắm, không gì so sánh nổi!
Trong số các lá thư hồi âm bài báo gửi về Tòa soạn, rất nhiều bạn đọc đã xúc động làm thơ. Đó là các bạn đọc Bùi Quang Đạo (29c/258 Đà Nẵng, Hải Phòng, điện thoại: 031832662); Đặng Đình Chấn (thôn Non Nông, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây); Phạm Thị Hồng Thái (164 Cát Dài, Hải Phòng); Nguyễn Đức Chính (Thị xã Lạng Sơn) Đàm Minh và Vũ Cao Quận (cựu chiến binh Hải Phòng)...
Bác sĩ Bùi Quang Đạo tâm sự trong thư: "Chuyện thanh niên Việt Nam kết hôn với các cô gái Nga không phải là hiếm. Song hầu hết họ đều giàu sang phú quý, ở chốn đô thành và hoàn cảnh thuận lợi... Còn ở đây thì chuyện tình đã quá éo le, lại đầy gian nan thử thách. Tôi thật sự khâm phục mối tình "không biên giới" này. Sau khi đọc bài báo, tôi đã xúc động tới mức thức trắng đêm 14-1-2000 để hoàn thành bài thơ "Tặng Anna Người con gái nước Nga".
Xin được nói thêm: Bài thơ của Bác sĩ Bùi Quang Đạo dài đúng 100 câu, được chia làm 25 khổ, mỗi khổ bốn câu, mỗi câu bảy chữ, với vần điệu và niêm luật khá nhuần nhuyễn. Vì khuôn khổ STT có hạn, chỉ xin được trích bốn câu đầu:
"Tôi viết bài thơ tặng Anna
Quê hương cách mạng Tháng mười Nga
Xa xôi ngàn dặm em chẳng quản
Son sắt, thuỷ chung vẫn mặn mà
Bạn đọc Đặng Đình Chấn viết:
"Vượt qua bao gian nan, cả sự khác biệt lớn về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, điều kiện sống và ngôn ngữ giao tiếp... Anbina Trebontasova - một phụ nữ Nga đôn hậu, nhân ái và thuỷ chung - đã theo người chồng tàn tật về Việt Nam sinh sống và lao động. Đó là biểu hiện tuyệt vời của tình yêu đích thực và đạo lý con người... Cho dù chưa bao giờ làm thơ, nhưng với xúc cảm và mến phục chân thành đã thôi thúc tôi viết bài "Kỳ diệu trái tim yêu". Bài thơ có đoạn:
"Em từ miền Xibia xa xôi của nước Nga trắng màu tuyết phủ
Nơi tuổi thơ em ngọt ngào bao ấp ủ
Nơi bà mẹ Nga nặng nỗi nhớ con mình...
Em về Việt Nam bằng kỳ diệu tình yêu
Xếp dưới chân mình ngổn ngang gian khó
Ôi Anna, những gì em có
Không thể tính bằng ngàn vạn đôla...".
Cùng rung động với những cảm xúc trên, nhưng bài thơ "Hoa tuyết Xibia" của bạn đọc Vũ Cao Quận lại có cách thể hiện rất riêng:
"Ơi Anbina cô gái Nga
Đầu xuân Việt Nam tôi biết em qua trang báo
Sống một chuỗi dài những ngày giông bão
Làm cô Tấm tảo tần thơm thảo Việt Nam
"Mùa thu vàng", tôi lặng ngắm Lêvitan
Với Puskin, tôi đọc "Con gái viên đại uý"
Nghiền ngẫm Pôlêvôi, tôi biết "Phong cách Nga" chung thuỷ
"Người đàn bà xa lạ", tôi ngưỡng mộ Kram Skôi
Tôi còn biết nước Nga xa xôi
"Đợi anh về" qua thơ Ximônốp "...
Và:
"Giờ lại nghe chuyện cô gái Nga gần gũi
Dám vì chồng con sống cuộc đời lầm lụi
Nơi phương xa, đất khách quê người
Gửi tới cô thơ có mấy vần thôi
Không tiền của giúp cô qua lận đận
Một lời khen suông, tôi e mình lẩn thẩn
Mong thơ thành bình nhỏ, cắm một bông hoa"...
Ông Serguei A.Zvedin, Giám đốc Công ty Indochin ART (10 Thành Công, Hà Nội) viết: “Mặc dù chỉ được đọc bài báo thông qua bản dịch, nhưng tôi vô cùng xúc động và đầy kinh ngạc trước tình yêu của một cô gái Nga và chàng trai Việt. Bài báo của các quý ngài đã cho tôi cảm giác thật tuyệt vời! Tôi cứ ngỡ những nhân vật có thực này vừa bước ra từ chuyện cổ tích...”.
Bạn đọc Huỳnh Mỹ Linh (52 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 2, Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã viết thư bằng cả tiếng Việt và tiếng Nga. Thư có đoạn đầy tâm trạng: “Tôi làm giáo viên dạy tiếng Nga đã được 5 năm. Khi tiếng Nga không còn được sử dụng ở trường phổ thông cũng là lúc tôi thôi đứng trên bục giảng... Bây giờ, tiếng Nga hình như đã bị lãng quên, không còn được người ta coi trọng như đã có một thời. Bởi vậy, khi được đọc bài báo về “Nàng dâu Nga”, tôi mừng rỡ và xúc động như gặp lại đồng hương sau bao ngày xa cách”.
Sư cô Như Trí (291 Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) thì viết: “Là người tu hành, đọc xong bài báo, tôi vừa xót xa, vừa thương cảm cho hoàn cảnh éo le, khó khăn của cậu Hải và cô Anna gặp phải. Cầu chúc cho hai người chóng tai qua nạn khỏi, có công ăn việc làm ổn định và cuộc sống hạnh phúc”.
Ông Trần Duy Thuỵ (C11 đường Lê Hồng Thái nối dài, phường 12, quận 10, khu Kỳ Hòa, thành phố Hồ Chí Minh) đã viết một lá thư dài bảy trang, có đoạn: “Tôi 75 tuổi, là một cán bộ đã nhiều năm công tác ở Bộ Xây dựng, hiện sống bằng lương hưu 300 nghìn đồng mỗi tháng. Tôi chẳng có gì nhiều, chỉ xin gửi tặng anh Hải một chiếc radio nhỏ để nghe tin tức. Tôi rất muốn coi cháu Hải Yến, con chị Anna như cháu nội mình. Định mua cho cháu bộ quần áo, lại sợ khó vừa. Đành gửi qua bưu điện 200 nghìn đồng, coi như là mừng tuổi cho cháu mình”.
Các bạn đọc Hà Xuân Dũng (Trường Trung học Giao thông vận tải khu vực II, Nam Ô, Đà Nẵng); Nguyễn Văn Trình (Lớp nghề cơ khí 98, Trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp Tuy Hòa, Phú Yên) và Đỗ Hoàng Linh (Lớp 18A, K40, Đại học Giao thông vận tải Hà Nội)... trong thư có chung một nguyện vọng là muốn được kết bạn và coi Hải Yến như em gái, vì bản thân các bạn đều có những nỗi buồn riêng và thiệt thòi về hoàn cảnh gia đình mình. Bạn Nguyễn Thị Kim Anh (Stoll Bfrg, Str3, Erfurt 99086 - Cộng hòa Liên bang Đức) viết: “Hy vọng sẽ nhờ “Nàng dâu Nga” tìm giúp một người bạn thân thiết cũ ở Nga, chỉ qua một bì thư có dấu bưu điện...”. Bạn Trần Xuân Cừ (xóm 3, Thuỵ Hà, Hà Thuỵ, Thái Bình) và một số bạn khác viết thư chỉ với một mong ước là xin một tấm ảnh kỷ niệm của anh chị Trọng Hải và Anna...
Có một lá thư khá đặc biệt, nó được gửi từ một trại cải tạo. Người gửi là Nguyễn Văn Tám (Đội 7, K1, Trại cải tạo Tân Lập, Hạ Hòa, Phú Thọ). Người phạm nhân này đã viết lá thư dài kín 6 trang giấy khổ rộng. Anh vô cùng ân hận với những tội lỗi của mình đã gây ra cho xã hội và khẳng định rằng: “Qua bài báo, chính tình yêu đẹp của Anna và Trọng Hải đã làm cho rất nhiều phạm nhân cảm phục, thôi thúc họ phải sống tốt hơn và phải làm nhiều việc thiện...’’.
Và còn nhiều, rất nhiều những lá thư khác nữa... Rất tiếc là khuôn khổ bài viết có hạn, tôi không thể trích dẫn hết được.
Xin được mượn một đoạn trong lá thư đầy tâm huyết của bạn đọc Trương Lệ Hằng (Trường Phổ thông trung học Quang Trung, An Khê, Gia Lai) để kết thúc bài viết này:
"Chúng tôi đã xúc động, vô cùng xúc động khi đọc ghi chép "Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than" đăng trên An ninh thế giới số Tết Canh Thìn. Bài báo đã giúp chúng tôi tìm ra cả một thiên tiểu thuyết giữa đời thường. Cuộc đời của Anbina Trebontasova và mối tình tuyệt vời của chị đúng là một thiên tiểu thuyết vừa hiện thực, vừa lãng mạn, vừa đẫm nước mắt đau khổ, nhọc nhằn, vừa chan chứa hạnh phúc yêu thương... Có thể nói, bằng cuộc đời mình, Anna và Trọng Hải đã góp thêm tiếng nói để chúng ta hiểu thế nào là tình yêu chân chính.
Tôi đã đọc nhiều tác phẩm văn học Nga - Xô Viết. Tôi yêu đất nước rộng lớn ấy, đặc biệt yêu thích vùng Xibia lạnh giá quê hương của Anna, sau khi đọc "Xibêri", "Muối của đất". Khi còn học phổ thông, tôi đã trả lời trong bản "tự bạch" câu hỏi "Bạn thích sống ở đâu?" - "Tôi thích sống ở Việt Nam - Tất nhiên! - Và thích sống trong rừng Taiga Xibêri". Chẳng ngờ gần 20 năm sau lại có một phụ nữ Xibêri đã vượt qua cả vạn dặm đường về làm dâu nước Việt, với một trái tim đầy ắp tình yêu và nghị lực. Đã từ lâu, tôi rất có cảm tình với những người phụ nữ Nga đôn hậu, mến khách, can đảm, thuỷ chung. Họ có những nét riêng, nhưng cũng rất gần gũi với phụ nữ Việt Nam. Tôi hy vọng những nét tương đồng ấy sẽ giúp Anna làm tốt vai trò con dâu thảo hiền của Việt Nam.
Giữa lúc lấy chồng ngoại đang là "mốt" ở nhiều nơi (vì tình yêu thì ít mà những toan tính vật chất thì nhiều); thì mối tình sắt son của Anna - Trọng Hải rất đáng để cho chúng ta nể phục và suy ngẫm! Tôi hiểu, chúng ta không thể thi vị hóa, lãng mạn hóa hiện thực. Trọng Hải và Anna đã phải vượt qua bao thử thách để bảo vệ hạnh phúc của mình. Cho đến giờ, trước mắt họ, khó khăn vẫn còn chồng chất. Nhưng tôi hy vọng và cầu mong cho họ mọi điều tốt đẹp. Cầu mong cho mối tình Nga - Việt mãi mãi vững bền...".
*
Ngay sau Tết Nguyên đán Canh Dần, tôi đã làm luôn một bài viết trên ANTG số thường “Trở lại "thiên tình sử" qua những lá thư...” để tri ân bạn đọc, bởi mấy trăm triệu đồng tiền và quà đã được gửi qua ANTG và trực tiếp cho gia đình “Nàng dâu Nga” ở thị xã Cẩm Phả. (Hồi đó, đấy là một khoản tiền rất lớn, có thể làm thay đời sống của một gia đình)...
Chỉ 2 tháng sau, lần đầu tiên, ANTG đã có một thông báo “lạ lùng” và chưa từng có, với nội dung đại ý: Đề nghị bạn đọc... thôi không ủng hộ “Nàng dâu Nga” nữa, vì gia đình chị đã vượt qua khó khăn; nếu bạn đọc nào có lòng thì hãy dành tiền để ủng hộ cho những địa chỉ từ thiện khác...
Dù không mang tính phát hiện (sau này tôi biết người đầu tiên viết bài “Nàng dâu nga” ở Cẩm Phả là anh Ngô Mai Phong – Báo Lao động; tôi chỉ là người thứ 4 viết về nhân vật này) nhưng có lẽ nhờ uy tín của ANTG và cái duyên nữa, nên ghi chép “Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than” đã chạm tới trái tim bạn đọc và được trao giải báo chí toàn quốc năm đó.
Trong cuộc đời làm báo của tôi, đây cũng là một trong những bài viết thành công nhất, dù đi lấy tư liệu rất vội và viết rất nhanh.
Đ.V.H
Theo Trái tim người lính