Cá chọi và chọi cá

Trích Tuổi thần tiên – Hồ Công Thiết

10/05/2022 11:09

Theo dõi trên

Hồi xưa, đám trẻ trên phố đứa nào cũng thích nuôi cá. Nhà giàu thì có chiếc bể làm bằng mấy nẹp tôn, hàn hình khối chữ nhật rồi gắn kính vào. Kính gắn với những thanh tôn được trét bằng xi măng, rồi miết bằng tay. Xi măng nhào không chuẩn hoặc loại kém phẩm chất, khi khô bị co lại khiến nước rò rỉ đọng thành vũng dưới đáy bể cá.

Lắm chiếc bể to, rất đẹp, nhưng chỗ góc bể lại sần sùi xi măng đắp thêm, ụ lên trông rất xấu. Sau chiếc bể thường được dán tấm ảnh hoặc tranh được cắt từ họa báo. Qua làn nước trong, bể cá trở nên đẹp huyền ảo, lung linh. Đáy bể có vài hòn đá làm cảnh, gắn thêm một vài cây rong. Cá bơi quanh cục đá giả hòn non bộ, bơi lượn quanh đám cây rong, đem lại cảm giác bình yên thư thái cho người chơi cá. Lắm nhà đặt thêm cái bóng đèn tròn, dìm quá nửa xuống nước để vừa thắp sáng, vừa để sấy cho nước ấm lên trong mùa Đông.

ca-choi-1652155870.png
Ảnh do tác giả cung cấp

Cá cảnh nuôi hồi đấy có những con mang tên như bước ra từ trong những truyện kiếm hiệp, truyền thuyết bên Tàu. Sê Can, Thần Tiên, Mã Giáp, Khổng Tước, Ngựa Vằn… Những con cá cảnh chỉ nghe tên đã thấy thích. Góc bể là những cục giun. Thả xuống nước, giun vẫn cuốn thành cục. Từ cục giun đỏ rực ấy, những con giun ngóc lên, tua tủa, tự nhiên thành miếng mồi quyến rũ, mời gọi lũ cá.

Bể nuôi cá vàng lại hay thả hồng trần hoặc thủy trần. Mấy con cá vàng vừa bơi vừa đớp đớp, hút đám hồng - thủy trần vào trong miệng.

Nhà không có trẻ con phải đi mua giun hoặc hồng - thủy trần ở nơi bán cá trên chợ Bưởi, chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Đồng Xuân – Bắc Qua nhưng rẻ và nhiều loại cá nhất là Trại nuôi cá trong ngõ phố Lý Thường Kiệt. Gọi là trại vì khoảng sân rộng được xây cái bể xi măng nuôi cá. Chỗ trống xếp hàng loạt chai thủy tinh đựng sẵn những chú cá đã trưởng thành, đủ vẩy đủ vây, nhìn bắt mắt. Những chỗ đấy giun và hồng - thủy trần được bày trong những chậu to, nhìn đã mắt.

Bọn trẻ chúng tôi ở phố Hàng Bột lại hay ra mương nước ở Cát Linh hoặc Hào Nam vớt giun, vớt hồng trần, thủy trần.

Mương tiêu nước chảy trong thành phố, có những đoạn bùn đóng kín lòng mương. Giun bám thành từng mảng đỏ ối trên lớp bùn ngay dưới mặt nước. Chúng tôi tự chế chiếc que cào giun. Một đoạn sào tre. Dây sắt tròn to được bẻ gập rồi buộc vuông góc vào chiếc sào tre, tạo thành chiếc sào hình chữ e lờ (L). Đứng trên bờ mương, dùng chiếc que kéo nhẹ trên mặt lớp giun. Giun bám vào que được đưa lên, tuốt vào bát hoặc lọ. Chỗ giun sạch thì an tâm. Giun bị lẫn bùn được cho vào chậu khuấy trong nước để lớp bùn tan trôi theo nước. Chỗ giun còn lại không bị động chạm, chờ một lúc chúng lại tụ vào, lại cuộn từng búi. Lúc đó, lũ giun lại xoắn xít vào nhau, ngoi đầu lên tua tủa trông như ngọn đuốc màu đỏ phấp phới trong nước. Kiếm được nhiều giun, phần mang về nuôi cá, phần mang đến hàng cá ở ngõ Lý Thường Kiệt, đổi lấy những con cá cảnh nhỏ xinh. Bây giờ có thức ăn công nghiệp dành cho cá, đựng trong những chiếc hộp màu sắc bắt mắt. Khi cho cá ăn, cầm hộp rắc trên mặt bể hoặc dùng thìa múc cho cá ăn. Hồi trước, chúng tôi phải vục tay vào chỗ giun, bấu thành những cục giun nhỏ hơn để chia cho lũ cá. Không dè xẻn, đưa cả búi giun to xuống bể, lũ cá cũng thi nhau ăn hết trong ngày. Có những con tham ăn, bụng lúc nào cũng lặc lè như đang có chửa.

Vớt hồng trần hay thủy trần thì khó hơn. Giống sinh vật màu hồng hay màu trắng xanh nhỏ li ti quần tụ theo đàn, không hiểu sao mà chúng được gọi bằng cái tên rất mỹ miều : Hồng trần với Thủy trần. Chúng chủ yếu quẩn quanh theo đàn chỗ nước đọng trong mương. Ở đấy chúng là thống soái vì hầu như không có cá to sống ở dưới mương. Chỉ những chỗ nước chảy nhanh mới thấy có lũ đòng đong cân cấn bơi ngược trong dòng nước. Vợt là thanh sắt uốn tròn, buộc chiếc vải màn làm lưới rồi gắn trên đầu gậy. Lựa nhẹ nhàng xuống phía dướt đám hồng - thủy trần rồi vớt nhanh. Tay không cân, không khéo, động nước là đám hồng - thủy trần chạy tứ tung. Suốt buổi, đứa nào may cũng vớt được một lọ đầy, hồng rực hồng trần bơi kín hoặc cả cái lọ biến thành màu xanh nhạt mát mắt của thủy trần.

Bể cá thủy tinh to chủ yếu của người lớn nuôi làm cảnh trong nhà. Lũ trẻ chúng tôi hồi ấy chỉ thích nuôi cá chọi.

Cá chọi nhiều màu sặc sỡ, sống khỏe lại dễ nuôi. Chỉ cần một lọ thủy tinh với một con cá chọi bên trong, là cả bầu trời mơ ước của bao đứa trẻ.

Giống cá cảnh khác nhau về kích cỡ, còn lại hình dáng và màu sắc đều có nét đặc trưng riêng. Ngay khi chúng còn bé, lũ trẻ chúng tôi đã đọc vanh vách chúng là loại gì dù vây vẩy chưa phát triển hoàn chỉnh.

Riêng cá chọi lại khác. Mỗi con một vẻ, mỗi con một màu. Con màu tím than. Con màu cánh chả. Com màu hồng, màu nâu hoặc màu xanh. Vây của chúng phát triển cũng vô tội vạ. Có con chùi chũi, vây ngắn tủn trông như con săn sắt. Có con vây dài thượt. Bơi trong lọ mà vẫn uốn éo, như những mỹ nhân xiêm áo thướt tha đi trẩy hội.

Cá máu chọi hay không không phụ thuộc vào hình dáng bên ngoài của chúng. Có những con màu sắc rực rỡ, vây dài thướt tha nhưng khi nhìn thấy con cá khác là phồng mang, dựng vây lăn xả vào đối phương.Dùng đầu húc, dùng đuôi quạt. Chúng quần nhau khiến vây rách te tua đến lúc một con bơi vè vè như lẩn trốn thì cuộc chọi mới kết thúc.

Cá máu chiến thường bị om trong lọ để dưới gậm giường, có khi còn bọc cả giấy để chúng sống trong đêm tối. Bị bỏ đói dăm ngày trước khi đưa ra chọi, chúng trở nên hung hãn lạ thường.

Có những con cá chọi mang về cho chủ nó rất nhiều tiền. Khi chọi nhau, nó hầu như không có đối thủ. Những cuộc chọi cá như thế này toàn người lớn tham gia. Trên vỉa hè, hễ thấy có đông người đang châu vào nhau, cùng cắm cúi nhìn vào trung tâm. Nơi đấy thường là đang có cuộc chọi cá.

Lũ trẻ chúng tôi mỗi đứa chỉ một con. Cho cá chọi nhau, có khi chỉ là đặt hai lọ cạnh nhau, nhìn chúng xù vây rồi lao đầu vào thành lọ chực húc nhau đã thấy khoái. Để chúng chọi trực tiếp, nhỡ con cá chọi của mình bị chết thì kiếm đâu ra tiền để mua con khác.

Khối đứa đi nhặt vỏ chai, nhặt que kem, hạt táo hoặc thậm chí lôi cả dép nhựa đang đi trong nhà mang đi đổi cá.

Có được con cá chọi đựng trong chiếc lọ thủy tinh là mơ ước, là thú chơi phổ biến của lũ trẻ đường phố chúng tôi hồi thơ ấu.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Cá chọi và chọi cá" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn